Gian nan chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới

Nhằm chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đạin Hội Phật giáo toàn Thế giới (diễn ra ở Việt Nam vào năm 2010), Hội sinh vật cảnh Hà Nội cùng phối hợp với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sẽ bắt tay vào tạc hai pho tượng Phật ngọc vượt kỷ lục thế giới.

Hai bức tượng Phật gồm tượng Bồ Tát  Quán Thế Âm và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, mỗi bức sẽ nặng khoảng 20 tấn bằng loại đá corindon – loại đá quý hiếm bậc nhất trong các loại đá quý.

Dự kiến, tượng Bồ Tát  Quán Thế Âm sẽ hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sẽ được đặt trong một tòa bảo tháp tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên để chư khách thập phương gần xa có cơ hội chiêm bái. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội Đá cảnh-Gỗ lũa-Tranh tượng nghệ thuật Hà Nội, phó trưởng ban chỉ đạo chương trình về vấn đề này.


- Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Hội sinh vật cảnh Hà Nội cùng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên lại quyết định tạc hai bức tượng Phật có quy mô lớn như thế?
Gian nan chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Mỹ bên pho tượng mẫu dự kiến.


- Trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng, đạo Phật từ xưa vốn đã được xem là một tôn giáo hòa bình, không có chiến tranh, không gây thù hấn, luôn mang lại tốt đẹp cho loài người... bởi vậy cho đến ngày nay số lượng người tin theo đạo Phật ngày càng nhiều. Đặc biệt, sau sự kiện vợ chồng Phật tử người Australia mang tượng Phật ngọc sang Việt Nam để cho Phật tử Việt Nam được chiêm bái, chúng ta càng thấy rõ hơn lòng mộ đạo của người Việt.


Để tôn vinh truyền thống yêu quý đạo Phật của người Việt Nam đồng thời để chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Phật giáo toàn Thế giới sẽ diễn ra ở Việt Nam vào năm 2010, chúng tôi đã bàn bạc với nhau nên làm một điều gì đó có ý nghĩa thật to lớn cho đời này và cả muôn đời sau.


Chúng tôi tự hỏi, tại sao người ta ở tận bên trời Tây mà vẫn tạc được tượng trong khi mình ở Việt Nam – một đất nước giàu tài nguyên đá quý mà lại không làm được? Sau khi bàn bạc, thống nhất với nhau chúng tôi đã quyết định sẽ tạc hai bức tượng Phật bằng đá corindon.


Hai bức tượng bao gồm một tượng Bồ Tát  Quán Thế Âm  và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Dự kiến mỗi bức tượng sẽ cao 2,5m, nặng khoảng 20 tấn.


- Việc tìm đá saphia để tạc tượng có gặp nhiều khó khăn không thưa ông?
Gian nan chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới ảnh 2

Một mẫu đá nhỏ lấy ra từ những khối đá saphia.


- Mặc dù Việt Nam là một cường quốc về đá quý xong để tìm được một loại đá phù hợp cho việc làm tượng không phải là dễ dàng. Chúng tôi đã phải thành lập hẳn một đoàn bao gồm rất nhiều chuyên gia, kỹ sư địa chất, am hiểu về các loại đá quý đi vào tận Tây Nguyên, Yên Bái, Nghệ An... để tìm. Tuy nhiên, mãi cho đến khi vào tận xã Thành Đô, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chúng tôi mới tìm được sáu khối đá saphia ưng ý để làm tượng. Những khối đá này phân bố rải rác trên lưng chừng núi và cả dưới lòng suối.


Để đi được vào tận nơi có những khối đá này chúng tôi gặp không ít khó khăn.


Thứ nhất, đường vào mỏ đá là đường đồi núi, cách xa huyện lỵ Quỳ Hợp những 30km và rất khó đi. Thứ hai, trên đường đi chúng tôi đã gặp phải sự cản trở của một số chủ khai thác đá quý lậu ở đây. Lúc mới vào đến bìa rừng thì bị một chiếc xe công nông của họ chắn ngang đường không đi được. Anh em trong đoàn đã phải nhảy xuống đẩy sang một bên mới vào được. Đi được một đoạn nữa thì gặp một cô gái nằm ngang giữa đường, không cho xe qua. Chúng tôi phải thương lượng mãi họ mới chịu để cho đi. Tuy nhiên, mừng nhất là lãnh đạo của UBND huyện Quỳ Châu đã rất nhiệt tình giúp đỡ để chúng tôi có được giấy phép khai thác đá.


- Vậy còn việc vận chuyển những khối đá khổng lồ này về thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thì sao?
Gian nan chế tác tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới ảnh 3

Những khối đá saphia được khai thác trên lưng chừng núi hoặc ngay dưới lòng suối. (Ảnh do nhân vật cung cấp)


- Sau khi xin được giấy phép khai thác đá và ký hợp đồng với chủ khai thác, định hôm sau cho tiến hành thì trời mưa như trút nước. Mưa lớn ròng rã trong hơn một tuần lễ liền. Thời gian này, có một bài báo phản ánh nạn khai thác đá lậu ở khu vực này khiến cho Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi công văn cho tỉnh Nghệ An đề nghị dừng mọi hoạt động khai thác đá quý ở đây. Chúng tôi lại phải làm đơn và tìm đến tận Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An để xin được khai thác đá và vận chuyển về Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cho kịp tiến độ. Cũng may lãnh đạo tỉnh đã thông cảm và phá lệ cấp cho chúng tôi một tờ giấy phép mà theo như họ là chưa bao giờ cấp cho ai.


Đá sau khi khai thác xong, dùng cần cẩu để cẩu lên xe đặc chủng chuyên chở đá thì bị đứt dây cáp. Loay hoay mãi cuối cùng nhờ các phương tiện máy móc của một xưởng chuyên khai thác và chế biến đá quý lớn nhất ở vùng này mới cẩu được sáu khối đá lên xe. Tuy nhiên, do xe đã quá hạn lưu hành nên trên đường vận chuyển đá ra Vĩnh Phúc xe vận chuyển đã gặp phải vô số khó khăn khi đi qua 18 trạm đăng kiểm. Vậy là để vận chuyển được sáu khối đá về tận Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên an toàn chúng tôi đã phải mất 26 tiếng trắng đêm cùng đá.


- Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch tạc tượng?


- Sáu khối đá saphia mà chúng tôi khai thác được là sáu khối đá đồng dạng, mỗi khối nặng trên dưới 20 tấn. Bốn viên trong số đó sẽ được dùng để tạc một pho Phật Bà Quan Âm và một pho Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.


Chúng tôi sẽ không tạc nguyên hình khối tượng như tượng thờ ở các chùa mà chỉ làm một mặt theo kiểu phù điêu còn mặt sau để nguyên là đá. Vì tượng thì ở đâu cũng có rồi mình làm kiểu tượng trong đá vừa lạ, vừa đẹp, vừa uy nghi. Dự kiến mỗi pho tượng sẽ cao 2,5m, nặng 20 tấn. Ngoài ra, mỗi pho tượng sẽ được đặt trên một đế bằng đá cao 60cm. Màu đặc trưng của tượng sẽ là màu xanh đen hoặc màu tím than.


Khâu chế tác, sẽ do một công ty chế tác và tạo hình tượng Phật khá có tiếng ở Hà Nội đảm nhận. Ngoài ra, trong quá trình làm các chuyên gia về điêu khắc sẽ luôn đứng đằng sau để hỗ trợ thêm.


- Tượng Phật sẽ được tạc theo hình mẫu nào thưa ông?


- Tượng Phật thì ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Campuchia... mỗi nơi đều mang một phong cách, kiểu dáng khác nhau nhưng chúng tôi sẽ tạc một bức tượng theo phong cách riêng của Việt Nam. Vấn đề này đối với tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông thì không có gì phải bàn. Riêng tượng Bồ Tát  Quán Thế Âm là cả một vấn đề.


 Việc tìm ra một hình mẫu toát lên được thần thái đại chúng của Bồ Tát  Quán Thế Âm nhưng đồng thời vẫn thể hiện rõ những yếu tố Việt Nam trong đó khiến chúng tôi hết sức đau đầu. Sau một thời gian tìm hiểu cuối cùng chúng tôi cũng đã chọn được một hình mẫu ở do chùa Quán Sứ cung cấp. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là quyết định cuối cùng mà còn chờ các thầy bên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đóng góp thêm. Dự kiến, tượng Bồ Tát  Quán Thế Âm sẽ được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, còn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ muộn hơn một chút.


Tượng sau khi tạc xong sẽ được an tọa trong một tòa bảo tháp, trong một vườn ngự uyển rộng khoảng 200m2 thuộc khuôn viên của Thiền viện hoặc trên đỉnh một ngọn đồi lân cận Thiền viện. Chúng tôi tính sẽ vận động các tỉnh ủng hộ các loại đá quý, cây cảnh để trưng bày cho chư khách thập phương đến chiêm bái.


- Vậy kinh phí đầu tư cho việc làm tượng này sẽ được lấy từ đâu thưa ông?


- Tổng chi phí cho chương trình dự kiến sẽ mất khoảng 3 tỷ Việt Nam đồng. Hiện tại, kinh phí khai thác đá, thuê đội ngũ nhân công chế tác và các khoản phát sinh ban đầu sẽ do Hội sinh vật cảnh Hà Nội cùng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tạm thời chi trả. Còn về lâu dài thì chúng tôi sẽ kêu gọi các Phật tử và bá tánh gần xa cùng chung tâm góp sức.


- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày