Hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: định hướng và phát triển” đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ngày 9-5, tại Hà Nội với sự góp mặt của hàng trăm nhà giáo dục Phật học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về giáo dục, nhà giáo… trên toàn quốc.
Hội thảo là dịp đánh giá về lịch sử và thực trạng giáo dục Phật giáo Việt Nam; mô hình, phương pháp và phương pháp luận giáo dục Phật giáo Việt Nam trong thời kì mới.
Giáo dục Tăng Ni là một trong những Phật sự trọng đại mà Đức Đệ nhất Pháp chủ
- cố Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận đã đặt ra như là một trong những lý do cơ bản
để thành lập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981
Tại Hội thảo, các khách mời đã cùng chia sẻ các vấn đề quan tâm về giáo dục và giáo dục Phật giáo trong mối quan hệ với sự phát triển xã hội và Giáo hội, đào tạo nhân cách, định hướng nghề nghiệp, xây dựng tương lai của nhiều thế hệ. Những nguyên lý, triết lý giáo dục, giáo dục Phật giáo và giáo dục quốc dân, tính đặc thù của giáo dục Phật giáo cũng như những định hướng, mô hình và phương pháp giáo dục Phật giáo đã cùng được đề xuất tại Hội thảo.
TT.Thích Thanh Quyết, Phó Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng giáo dục Phật giáo có muôn vàn pháp môn nhưng không ngoài mục tiêu là dạy làm Người, xây dựng thế giới niết bàn ngay chính trên thế gian này. Sách vở nhà Phật có “Thiên kinh vạn quyển” nhưng không ngoài nội dung giáo dục đối với người học, thông qua giới-định-tuệ để tự thân tâm chuyển hóa trên con đường tự giác ngộ-giải thoát và thực hiện điều này ở ngay trong đời sống hiện thực hàng ngày.
Theo HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội cần có bốn yếu tố nòng cốt, nhằm đáp ứng tiến trình củng cố, phát triển và hội nhập thế giới của ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam, đó là nhân sự lãnh đạo, hệ thống tổ chức, phương tiện tài chính và mục đích giáo dục Phật giáo. Trước hết phải có các tôn đức tăng ni có đầy đủ tài đức, có khả năng làm giảng viên, giảng sư và đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo.
Trên phương diện thống nhất giáo dục Phật giáo toàn quốc, Giáo hội cần hội đủ các cơ sở giáo dục từ tiểu học, trung học, cao đẳng tới đại học và sau đại học. Bên cạnh đó phải có giáo trình, giáo án, giáo khoa và giáo cụ thống nhất toàn quốc. Theo quan điểm Phật giáo, do nếp sống con người còn mê hoặc, hành động còn sai trái, nên chính con người đã gây ra hậu quả khổ đau. Bởi vậy, giáo dục Phật giáo nhằm chuyển hóa con người thành trí tuệ giác ngộ, hành động chân chính và đạt tới kết quả hạnh phúc an vui.
Kể từ buổi thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, đến nay giáo dục Phật giáo đã có gần 2.600 năm lịch sử. Đức Phật là nhà giáo dục, là vị thầy đầu tiên của giáo dục Phật giáo. Trong quãng thời gian đó, dù thời đại lịch sử và không gian văn hóa của mỗi quốc gia, của mỗi dân tộc có khác nhau nhưng việc giáo dục, đào tạo và tuyển chọn tăng tài luôn được coi là Phật sự hàng đầu của Giáo hội Phật giáo. Phật giáo có phát triển hay không, Giáo hội có được trang nghiêm hay không phần lớn phụ thuộc vào Phật sự trọng đại này. Lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ.
HT.Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS
kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN - Ảnh: TLGN
Từ khi thành lập Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo dục Tăng Ni luôn được coi là Phật sự trọng đại trong mọi hoạt động của Giáo hội. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã định hướng và hỗ trợ phát triển giáo dục Phật giáo cho hàng chục ngàn Tăng Ni sinh tại 4 Học viện Phật giáo, 9 lớp Cao đẳng Phật học, 33 Trường Trung cấp Phật học và gần 100 lớp Sơ cấp Phật học trên toàn quốc. Hàng vạn tăng ni ra trường đã trở thành tu sỹ có trình độ Phật học và thế học vững vàng, đóng góp tích cực và có hiệu quả trong Phật sự hoằng pháp, góp phần phát triển đất nước và Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa.
“Kế hoạch trọng tâm trước mắt của ngành Giáo dục Tăng Ni hiện nay là thực hiện thống nhất chương trình giảng dạy của từng cấp học đối với tất cả các cơ sở giáo dục Tăng Ni hiện tại, bao gồm một số môn học, số giờ học dành cho mỗi môn. Bên cạnh đó, một điều hết sức quan trọng là không ngừng nâng cao hiệu năng dạy và học” - HT.Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cho biết.