Giáo hóa người thân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Yêu thích bất cứ thứ gì, không toại nguyện thì đau khổ đã đành. Ở đời có mấy ai toại nguyện, nên khổ đau lai láng như biển. Hiếm hoi lắm mới sở hữu được thứ mình ưa thích.

“Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc…

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói với hoàng hậu Mạt-lỵ rằng:

- Tôi nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Nếu khi ái sinh thì cũng phát sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.

Hoàng hậu nghe xong, thưa rằng:

- Thật vậy, Đại vương! Thật vậy, Đại vương! Nếu khi ái sinh thì cũng phát sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Vua Ba-tư-nặc nói với hoàng hậu Mạt-lỵ rằng:

- Nghe tôn sư nói gì thì đệ tử nhất định đồng ý. Sa-môn Cù-đàm là tôn sư của bà cho nên bà nói như vậy. Bà là đệ tử của Ngài cho nên bà nói như vậy.

Hoàng hậu Mạt-lỵ thưa rằng:

- Đại vương, nếu không tin, hãy đích thân đến mà hỏi, hay hãy sai sứ đi.

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn gọi Phạm chí Na-lị-ương-già đến bảo rằng:

- Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta mà hỏi Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói rằng ‘Nếu khi ái sinh thì cũng sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’ chăng? …

Phạm chí Na-lị-ương-già sau khi nghe những điều Phật nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng, rồi trở về tâu rằng:

- Tâu Thiên vương, Sa-môn Cù-đàm quả thực có nói rằng, ‘Nếu khi ái sinh, thì cũng sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.

Hoàng hậu Mạt-lỵ tâu rằng:

- Ý Đại vương nghĩ sao? Có yêu thương tôi chăng?

Vua đáp:

- Thật sự tôi yêu thương bà.

Mạt-lỵ lại hỏi:

- Nếu một khi tôi bị biến dịch, đổi khác, Đại vương sẽ ra sao?

Vua đáp:

- Mạt-lỵ, nếu một khi bà bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sinh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.

Mạt-lỵ tâu rằng:

- Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sinh thì cũng sinh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:

- Này Mạt-lỵ, kể từ hôm nay, Sa-môn Cù-đàm, do sự kiện này là thầy của tôi, tôi là đệ tử của Ngài. Này Mạt-lỵ, tôi nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy cho đến tận mạng”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Ái sinh, số 216 [trích, lược])

Mạt-lỵ (Mallika) là chánh hậu của vua Ba-tư-nặc (Pasenadi). Bà là Phật tử thuần thành, thường thảo luận giáo pháp với chồng. Một trong những chủ đề thảo luận ấy là ‘ái sinh thì buồn khổ sinh’. Ba-tư-nặc là vị vua anh minh của nước Câu-tát-la hùng mạnh, sống trong vị ngọt của ngũ dục dành cho bậc đế vương nên cũng không dễ nhận ra ái là cội nguồn đau khổ. Vua khá chủ quan khi nhận định rằng, hoàng hậu là đệ tử của Đức Phật nên những gì Ngài dạy đều đúng cũng là chuyện bình thường.

Mạt-lỵ mới đem lòng sủng ái của vua Ba-tư-nặc dành cho mình để minh họa khiến vua nhanh chóng nhận ra vấn đề. Nếu Mạt-lỵ có đổi khác thì nhà vua nghĩ sao? Ba-tư-nặc lập tức nói ra lòng mình ‘tôi tất sinh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’. Bấy giờ, nhà vua chợt nhận ra lời Phật dạy ‘ái sinh thì buồn khổ sinh’ và phát nguyện quy hướng Tam bảo.

Yêu thích bất cứ thứ gì, không toại nguyện thì đau khổ đã đành. Ở đời có mấy ai toại nguyện, nên khổ đau lai láng như biển. Hiếm hoi lắm mới sở hữu được thứ mình ưa thích. Nhưng đời cũng không ưu ái nhiều vì mình không thể giữ hoài, sớm muộn cũng chia tay nhau vì người thì sinh, già, bệnh, chết; vật thì thành, trụ, hoại, không. Vậy nên những ai còn ái thì cứ yêu thích trong tỉnh táo vô thường; không quá vui khi được mà chẳng quá buồn khi mất.

Nếu ai đó đủ phước, yêu thích nhiều điều và được lắm thứ thì đến lúc nào đó ta phải chia tay với những vật ngoài thân vì chẳng giữ được thân này. Nên sớm nhận ra ‘ái sinh thì buồn khổ sinh’ để bớt nắm giữ và sống nhẹ nhàng hơn. Đây là thực tiễn mà chúng ta cần chia sẻ với mọi người xung quanh để chấp nhận trước thăng trầm và thuận nghịch của cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn - Tranh Phật giáo Trung Quốc

Tám ngọn gió đời

GNO - Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đợi nắng

GNO - Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con

“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Thông tin hàng ngày