Giáo hội có trách nhiệm hay không trước vụ việc “chùa Tiên Phước II” ?

Giác Ngộ - "Sự việc tại chùa Tiên Phước II được báo chí đưa tin vừa qua đã ảnh hưởng không tốt đến lòng tin đối với những người ủng hộ từ thiện xã hội PG…Giáo hội cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không giám sát, quản lý không chặt chẽ để tu sĩ hoạt động tắc trách. Giáo hội thiếu tầm nhìn bao quát, khả năng quản lý Tăng sự còn hạn chế nên mới phát sinh những ngôi chùa hoạt động ngoài sự quản lý của mình, gây ảnh hưởng xấu, trực tiếp đến những trẻ em vô tội và làm mất lòng tin của mọi người" - HT.Thích Như Niệm

Từ vụ việc "chùa Tiên Phước II", nghĩ về thực trạng ngành từ thiện xã hội Phật giáo (TTXH PG)

Gần đây báo chí đưa tin, chùa Tiên Phước II (số 17/66/26 tổ 126, KP 9, phường Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) do Sư cô Nguyên Thanh làm trụ trì và hiện đang nuôi dưỡng 16 cháu mồ côi. Theo thông tin ban đầu trên báo Dân Trí, Sư cô Nguyên Thanh đã có những dấu hiệu bạo hành với trẻ và không minh bạch trong việc sử dụng hàng hóa ủng hộ cho các trẻ mồ côi của Phật tử và người hảo tâm thập phương.

tienphu-1.gif

Ngày hội Trung thu 2010 vừa qua tại cơ sở chùa Tiên Phước II

Lật lại hồ sơ cũ, chúng tôi được biết chùa Tiên Phước II được Sư cô Nguyên Thanh xây dựng năm 1997 trên một lô đất thuộc xã Bình Hưng Hòa B, huyện Bình Chánh trước đây, nay là tổ 113, KP 6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Sau đó, Sư cô Nguyên Thanh đã tập hợp trẻ em nghèo trong khu vực làng người mù gần đó để thành lập lớp học tình thương dưới sự quản lý của Phòng Giáo dục địa phương (huyện Bình Chánh). Trong thời gian này, chúng tôi có tiếp xúc với sư cô và được biết sư cô quê ở Quảng Ngãi. Khoảng năm 1998, chùa Tiên Phước II bắt đầu nuôi trẻ mồ côi do có người mang trẻ đến chùa bỏ. Số trẻ từ từ tăng dần và hiện nay chùa đang nuôi dưỡng 16 trẻ mồ côi, bị gia đình bỏ rơi.

Đây là trường hợp gần nhất cho thấy sự nhập nhằng về công tác quản lý tôn giáo dẫn đến bất cập trong quản lý của chính quyền địa phương. Sự việc này cũng là dấu hiệu cho thấy sự quản lý Tăng Ni, tự viện của ngành Tăng sự còn quá lơi lỏng, nhiều hạn chế và thiếu sự sâu sát với tình hình thực tế tại cơ sở. Trả lời trên báo Dân Trí, TT.Thích Nhật Ấn, Chánh đại diện PG Q.Bình Tân, thay vì tiếp nhận thông tin và có những điều tra xem thực hư thế nào, liền khẳng định: "Chùa Tiên Phước II không thuộc trong danh bạ 22 ngôi chùa thuộc BĐD PG quận Bình Tân", coi như không có trách nhiệm với vụ việc mà báo Dân Trí phản ánh và trước dư luận quan tâm. Cách tránh né trách nhiệm đó tạo nên một dư luận khác, rằng khi thấy ai đó làm tốt thì tích cực kéo ngay về mình, khi thấy họ "gặp sự cố" thì phủi đẩy một cách không thương tiếc. Tại sao chùa Tiên Phước II lại được xây dựng và gắn biển "chùa" mà trước giờ không có ai can thiệp hoặc hợp thức hóa nó vào tổ chức Giáo hội với những văn bản quy định hướng dẫn đi kèm để tránh những phát sinh tiêu cực về sau, hoặc có những biện pháp dứt khoát để ngăn chặn những "mô hình tự viện" tự phát tràn lan kiểu đó... Người dân, người thiện tâm thì thấy sư là sư, thấy chùa là… chùa, chứ đâu thể biết chùa nào là thuộc… Giáo hội hay ngoài Giáo hội, sư nào là sư thật, ai là kẻ… giả sư!

tienphu-2.gif

Cơ sở lớp học tình thương tại chùa Tiên Phước II

Thực tế hiện nay, do nhu cầu khách quan, một số ngôi chùa vì lòng từ bi phải chấp nhận nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi tại chùa. Chắc chắn khi lãnh trách nhiệm này, những vị có trách nhiệm trụ trì vẫn chưa nhận thức trách nhiệm nặng nề mà mình phải gánh chịu với xã hội. Thiếu nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế, những cách ứng xử chưa phù hợp với một nghề đòi hỏi nghiệp vụ cao như nghề công tác xã hội (CTXH) (giáo dưỡng trẻ mồ côi). Những ứng xử non yếu này đã gây nên hậu quả đáng tiếc. Những trường hợp này nếu có sự can thiệp ngay từ đầu giữa Giáo hội, chính quyền địa phương và cơ sở tự viện thì công tác nuôi dạy trẻ mồ côi ở đây chắc chắn sẽ tốt hơn.

Chùa Tiên Phước II là một trường hợp trong số nhiều nơi nuôi trẻ em, người già tự phát cần phải được Giáo hội, ngành Tăng sự, ngành TTXH PG, chính quyền, BĐD PG quận, huyện quan tâm, có trách nhiệm quan sát, để có những biện pháp thích đáng, hoặc hướng dẫn thủ tục đúng như quy trình của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP để công tác nuôi dạy trẻ đúng như quy định của pháp luật, bảo vệ được quyền lợi của trẻ em, tránh những điều đáng tiếc như đã xảy ra.

Ngành TTXH PG của Giáo hội thành lập từ năm 1987 (nhiệm kỳ II), hoạt động theo sự chỉ đạo của Thường trực HĐTS. Ngành TTXH PG đã có nhiều hoạt động góp phần cùng với xã hội xóa đói giảm nghèo, cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ hàng trăm ngàn bệnh nhân nghèo, mở nhiều trung tâm nuôi trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, người già neo đơn… Hỗ trợ, giúp đỡ, xây dựng niềm tin, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng sống cho hàng ngàn đối tượng trong xã hội, góp phần gánh vác trách nhiệm cùng với xã hội trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng sống… cho người dân. Thế nhưng, điều nghịch lý của ngành TTXH PG hiện nay là "chùa chùa làm từ thiện, người người làm từ thiện" nhưng thiếu sự giám sát, hướng dẫn của Giáo hội. Hoạt động TTXH PG cũng chỉ dựa trên cơ sở tình nguyện, tình thương, sự chia sẻ của cơ sở, cá nhân. Nhận thức cũng như các kỹ năng về nghề CTXH của các cơ sở TTXH PG còn hạn chế nên các hoạt động chưa nhận được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng dẫn đến hiệu quả còn thấp. Lâu nay, chúng ta nhầm lẫn những người hoạt động TTXH như một nhân viên CTXH chưa qua trường lớp và Tăng Ni, Phật tử làm từ thiện cũng không ngoại lệ. Theo Ni sư Thích nữ Huệ Từ - Phó ban TTXH T.Ư, khoảng 10 năm trở lại đây, Ban TTXH TƯGH cũng đã kết hợp với các trường đại học đào tạo gần 1.000 Tăng Ni, Phật tử chuyên ngành xã hội, thế nhưng những người được đào tạo đúng chuyên ngành lại không hoạt động nhiều trong ngành xã hội mà mình được học.

Nhìn lại những chương trình TTXH PG, điều dễ nhận thấy là chương trình chưa có tính bền vững, lâu dài mà mang nhiều yếu tố tạm thời, manh mún. TTXH PG hiện nay chưa có công trình CTXH nào tầm cỡ, quy tụ được sức mạnh của toàn thể Tăng Ni, Phật tử mà chủ yếu là các cơ sở từ thiện mang tính riêng lẻ. Nhiều cơ sở nuôi người già, trẻ mồ côi, trường dạy nghề, lớp học tình thương, Tuệ Tĩnh đường miễn phí, cơ sở tư vấn người có H/AIDS… cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng quy chuẩn của một cơ sở dịch vụ cộng đồng. Trong khi đó, ngành TTXH PG đã phải áp dụng nhiều kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ trong hoạt động để vừa học vừa làm. Bởi lẽ, chúng ta chưa có sự đồng thuận cao, thiếu sự giám sát, khả năng quản lý, nhân sự còn hạn chế về nhận thức đối với CTXH cũng như yếu về nghiệp vụ, chuyên môn mà trường hợp như vụ việc "chùa Tiên Phước II" là một ví dụ.

Giáo hội phải có trách nhiệm

Đề cập vụ việc chùa Tiên Phước II và trách nhiệm của Giáo hội, HT.Thích Như Niệm, Phó ban Thường trực Ban TTXH TƯGH, Phó BTS THPGTP nói: "Sự việc tại chùa Tiên Phước II được báo chí đưa tin vừa qua đã ảnh hưởng không tốt đến lòng tin đối với những người ủng hộ TTXH PG.

Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, chính quyền địa phương, BĐDPG quận Bình Tân trực tiếp kiểm tra nhằm có hướng giải quyết sớm nhất để bảo vệ quyền lợi cho các cháu mồ côi. Ngoài ra, những tự viện tương tự cũng cần được các ngành chức năng kiểm tra kịp thời để chấn chỉnh và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Những lý do đề nghị này bởi vì GHPGVN hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Giáo hội là một tổ chức tôn giáo hoạt động trong lòng xã hội Việt Nam.

Qua sự vụ này, Giáo hội cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không giám sát, quản lý không chặt chẽ để tu sĩ hoạt động tắc trách. Giáo hội thiếu tầm nhìn bao quát, khả năng quản lý Tăng sự còn hạn chế nên mới phát sinh những ngôi chùa hoạt động ngoài sự quản lý của mình, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến những trẻ em vô tội và làm mất lòng tin của mọi người. Các chùa muốn giáo dưỡng trẻ mồ côi phải có trách nhiệm thực hiện đúng với lộ trình và đề xuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP, chính quyền địa phương, được sự đồng thuận của BTS THPG và ngành TTXH PG.

Điều chúng tôi lưu ý là làm công tác TTXH PG cần có tâm từ thiện và có nhận thức, khả năng cũng như trách nhiệm xã hội, chứ với cái tâm từ bi thôi thì chưa đủ để giáo dưỡng trẻ mồ côi. Chúng ta có truyền thống tốt đẹp là tương thân tương trợ đã làm nên những hành động, nhân cách sống sống động trong cộng đồng. Trong môi trường từ thiện, những ai có lòng từ tâm cũng cần có cái nhìn trí tuệ để phân biệt đâu là chân đâu là giả. Nói như thế để thấy trong xã hội còn có những thành phần vì lòng tham, vô trách nhiệm lợi dụng từ thiện để trục lợi, âm mưu từ thiện và thủ đoạn từ thiện cũng như một số việc làm xuất phát động cơ không trong sáng khác". l

tienphu-3.gif

Qua tìm hiểu và đi thực tế của PV GN, ngày 11-10, TT.Thích Thiện Thái, Phó ban ĐDPG Q.Bình Tân đã đến thăm chùa Tiên Phước II và chiều ngày 12-10, đại diện địa phương gồm: UBND, cán bộ tư pháp, Hội LHPN, cán bộ Phòng LĐ-TB và XH, UBMTTQ phường Bình Hưng Hòa B và đại diện khu phố 9 do bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch P.Bình Hưng Hòa B làm trưởng đoàn cũng đến thăm. Bà Phó Chủ tịch phường đã đề xuất Sư cô Nguyên Thanh một số vấn đề liên quan đến việc nuôi dạy trẻ: Thêm ít nhất 2 bảo mẫu để chăm sóc trẻ (hiện nay có hai người chưa bảo đảm việc chăm sóc 14 trẻ từ 1 tháng 20 ngày tuổi đến 26 tháng tuổi), phải bảo đảm vấn đề an toàn cũng như môi trường sống cho việc nuôi dạy trẻ. Về phía Sư cô Nguyên Thanh cũng đề nghị chính quyền tiến hành kiểm tra để cô ổn định trong việc nuôi dạy trẻ.

Được biết, tháng 1-2010, Sư cô Nguyên Thanh đã lập hồ sơ xin thành lập Cơ sở Bảo trợ xã hội gởi Phòng LĐ-TB và XH Q.Bình Tân và ba tháng sau, ngày 9-3-2010, Phòng LĐ-TB và XH Q.Bình Tân gởi công văn kèm hồ sơ của 6 cơ sở khác trên địa bàn quận trong đó có chùa Tiên Phước II lên Sở LĐ-TB và XH TP.HCM, cho đến nay vẫn chưa thấy Sở trả lời.

Trả lời PV báo Giác Ngộ, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết, trước mắt địa phương chưa kết luận gì nhưng có đề nghị Sư cô tiếp tục nuôi dạy trẻ cho tốt để bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Bà cũng nói rằng, nếu chùa được Sở LĐ-TB và XH TP cấp phép thì địa phương sẽ hết lòng hỗ trợ..

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày