Ảnh minh họa (Hội Thảo ngày Thành lập GHPGVN năm 2005)
Đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử trong bối cảnh mới của đất nước, từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức, quy tụ 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, gồm Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam Bộ và Hội Phật học Nam Việt. Sau các chương trình nghị sự quan trọng, Hội nghị đã thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), hoạt động theo đúng luật Phật chế và trong khuôn khổ pháp luật, là tổ chức đại diện chính thức của Phật giáo Việt Nam trong mọi quan hệ đối nội và quốc tế.
Kể từ sự kiện lịch sử đó, GHPGVN đã trải qua 29 năm với gần 6 nhiệm kỳ, đã có một hệ thống tổ chức từ Trung ương đến quận/ huyện, từng bước trưởng thành qua các chương trình hoạt động của các ban ngành Trung ương, các Ban Trị sự tỉnh, thành…, đặc biệt là hơn mười năm nay, hình ảnh GHPGVN đã trở nên quen thuộc đối với cộng đồng Phật giáo thế giới.
Không ai có thể phủ nhận những thành tựu Phật sự của GHPGVN đã nỗ lực đạt được trong 29 năm qua, trên nhiều lĩnh vực: hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, giáo dục, nghiên cứu Phật học, hướng dẫn Phật tử…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, qua nhiều hiện tượng phát sinh ngoài các chương trình Phật sự được hoạch định, Giáo hội chưa theo kịp tốc độ phát triển, những thay đổi chóng mặt của đời sống xã hội hiện nay.
Giáo hội là tổ chức của Tăng Ni và Phật tử, hiện hữu vì Tăng Ni, Phật tử theo quy định pháp luật Nhà nước hiện hành. Thế giới luôn thay đổi, đất nước cũng vận động không ngừng, xã hội thì thường xuyên nảy sinh những vấn đề mới. Với tuổi 29, để xứng là đạo của nhân sinh, tôn giáo của sự sống, tổ chức kế thừa truyền thống Phật giáo VN hai ngàn năm, Tăng Ni, Phật tử mong muốn Giáo hội có những thay đổi về thể thức điều hành Phật sự, cần linh động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các sự việc tồn đọng, loại bỏ sự trì trệ và tùy tiện để một mặt có sự hướng dẫn kịp thời cho mọi người trước các hiện tượng mới, mặt khác kịp thời điều chỉnh những lệch lạc, tránh những ngộ nhận trong dư luận ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của số đông đối với đạo Phật. Đó cũng là cách để Giáo hội gắn bó hơn nữa với đời sống tu học của Tăng Ni, Phật tử, để trong niềm tin của Tăng Ni, Phật tử luôn có hình ảnh của Giáo hội.