Giáo hội TP.HCM phổ biến kế hoạch tổ chức An cư kiết hạ Phật lịch 2565

Khai mạc khóa An cư kiết hạ Phật lịch 2564 tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - cơ sở 2 - Ảnh: Bảo Toàn
Khai mạc khóa An cư kiết hạ Phật lịch 2564 tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - cơ sở 2 - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã ấn ký, phổ biến Kế hoạch số 170/KH-BTS, ngày 20-4-2021 về tổ chức An cư kiết hạ Phật lịch 2565 (2021).

Theo đó, căn cứ Tỳ ni Luật tạng, hàng năm vào 3 tháng mùa mưa, Tăng Ni phải tập trung về một trú xứ nhất định để kiết giới an cư nhằm thúc liễm thân tâm, tu tập và trau dồi Giới - Định - Tuệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội; Căn cứ Thông bạch số 128/TB-HĐTS, ngày 2-4-2021, của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN về việc hướng dẫn tổ chức An cư Kiết hạ Phật lịch 2565; Thực hiện tinh thần phiên họp, ngày 19-4-2021, của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVNTP.HCM về việc triển khai các công tác Phật sự trọng tâm quý II-2021, trong đó có công tác tổ chức An cư kiết hạ Phật lịch 2565 của GHPGVN TP.HCM.

Để hoàn thành các mục tiêu, chương trình hoạt động Phật sự năm 2021 của GHPGVN TP.HCM, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM xây dựng Kế hoạch tổ chức An cư kiết hạ Phật lịch 2565 tại TP.HCM với nội dung cụ thể như sau:

I. Ban Chứng minh:

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Giác Tường, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Viên Minh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Như Tín, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.

II. Ban chỉ đạo An cư kiết hạ

Trưởng ban: Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Phó ban: Hòa thượng Thích Thiện Tánh; Hòa thượng Thích Thiện Tâm (phụ trách PG Nam tông); Hòa thượng Thích Minh Thông (phụ trách PG Bắc tông); Hòa thượng Thích Thiện Đức; Hòa thượng Thích Huệ Văn; Hòa thượng Thích Lệ Trang; Thượng tọa Thích Thanh Phong; Thượng tọa Thích Thiện Quý; Hòa thượng Thích Giác Pháp (phụ trách Hệ phái Khất sĩ)

Ban Thư ký: Hòa thượng Thích Hạnh Ngộ; Thượng tọa Thích Thiện Quý; Thượng tọa Thích Quang Thạnh; Đại đức Thích Trung Nguyện

Ủy viên: Hòa thượng Thích Minh Giác; Hòa thượng Danh Lung; Hòa thượng Thích Chơn Không; Hòa thượng Thích Hiển Đức; Hòa thượng Thích Hiển Đức; Hòa thượng Thích Nhật Hỷ; Thượng tọa Thích Trí Chơn;Thượng tọa Thích Huệ Công; Thượng tọa Thích Giác Trí; Thượng tọa Thích Nhật Từ; Thượng tọa Thích Truyền Cường; Thượng tọa Thích Giác Hiệp; Thượng tọa Thích Tâm Hải; Ni trưởng Thích nữ Như Thảo; Ni sư Thích nữ Tín Liên; Sư cô Thích nữ Như Hòa; Quý tôn đức trưởng ban Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện.

Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ thay mặt Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức an cư, nội dung tu học và giảng dạy tại các trường hạ, đồng thời làm cố vấn tinh thần, động viên Ban Tổ chức An cư kiết hạ 24 quận huyện và Tăng Ni hành giả các trường hạ trong toàn Thành phố.

III. Ban Giảng huấn

Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Phật giáo, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ Phật giáo Thành phố cùng kết hợp chọn nhân sự có đầy đủ đạo phong - đạo hạnh, kinh nghiệm tu học và khả năng giảng dạy để thành lập Ban Giảng huấn, sau đó trình Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ xem xét và thông qua. Tất cả nội dung giảng dạy phải thống nhất theo chương trình chung.

Ban Tổ chức các Trường hạ tập trung hoặc tại chỗ đều phải liên hệ Ban Giảng huấn của Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ để sắp xếp, cung thỉnh giảng sư cùng thống nhất chương trình giảng dạy đã được đề ra. Sau đó, Ban Tổ chức An cư kiết hạ trình đơn xin phép lên Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ xem xét và thông qua.

IV. Thời gian tổ chức An cư kiết hạ

Tổ chức An cư phải đủ 90 ngày theo Luật Phật chế định: Tùy theo tình hình thực tế, các quận huyện có thể tổ chức ngày vào hạ trong khoảng thời gian từ mùng 8 đến 16-4- Âm lịchkết thúc từ mùng 8 đến 16-7 Âm lịch, ngày vào hạ và mãn hạ phải đồng nhất.

Theo tinh thần Thông bạch 128/TB-HĐTS của Trung ương Giáo hội hướng dẫn thời gian An cư như sau:

1. Đối với Phật giáo Bắc tông và Hệ phái Khất sĩ,thời gian An cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4 năm Tân Sửu (27-5-2021), kết thúc vào ngày 16 tháng 7 năm Tân Sửu (23/8/2021).

2. Đối với Phật giáo Nam tông,thời gian An cưsẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 6 năm Tân Sửu (24-7-2021), kết thúc vào ngày 15 tháng 9 năm Tân Sửu (20-10-2021).

Trong thời gian cấm túc An cư, nếu hành giả an cư là trụ trì hay bận Phật sự tại trú xứ, Ban Chức sự trường hạ xem xét từng trường hợp cụ thể và quyết định cho bạch chúng để xin khất hạ, nhưng phải tập trung về trường hạ trước một đêm để sinh hoạt và tác pháp Tự tứ đúng ngày cùng đại chúng.

Trong mùa An cư, tất cả Tăng Ni sinh các trường/lớp Phật học trên địa bàn Thành phố phải nghỉ học để An cư kiết hạ. Các Tăng Ni sinh (nội trú và ngoại trú) của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố phải tập trung An cư tại Học viện (cơ sở II), Tăng Ni sinh các trường, lớp Phật học tại Thành phố phải An cư tại các trường hạ tập trung do quý Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện tổ chức, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ.

V. Phương thức an cư

Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ chỉ chứng nhận cho hai phương thức An cư như sau:

1. An cư tập trung

Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ ủy nhiệm quý Ban Trị sự Phật giáo quận/huyện, tùy tình hình thực tế và khả năng tại địa phương, tổ chức các Trường hạ và chịu trách nhiệm pháp lý với chính quyền địa phương cũng như Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ. Đặc biệt, công tác tổ chức An cư kiết hạ phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các khuyến cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia.

- Tùy theo nhu cầu thực tế tại địa phương,Ban Tổ chức An cư kiết hạ tại quận huyện đề xuất Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ về các phương thức tổ chức An cư kiết hạ. Các trú xứ có thiện chí muốn tổ chức Trường hạ tập trung, tất cả phải được Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ xem xét và xác nhận đủ tiêu chuẩn mới được tổ chức trường hạ. Các trường hạ Ni phải liên hệ Phân ban Ni giới Thành phố để được đồng thuận. (Tăng Ni phải An cư riêng biệt, số lượng hành giả và danh sách đăng ký phải đồng nhất…)

- Những đơn vị Phật giáo quận huyện không đủ điều kiện tổ chức An cư, Ban Trị sự GHPGVN quận huyện có trách nhiệm ký giấy giới thiệu Tăng Ni địa phương đến An cư tại các quận huyện có trường hạ tập trung.

- Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ đề nghị Ban Trị sự GHPGVN địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho những trú xứ đã từng tổ chức thành công các Trường hạ truyền thống rạng danh xưa nay, khôi phục tổ chức trường hạ tập trung cho đại chúng tu học. Tùy vào tình hình và khả năng thực tế, khuyến khích các tự viện có đủ điều kiện tổ chức an cư tập trung, không hạn chế số lượng Trường hạ tại mỗi địa phương. Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ chỉ xác nhận an cư tập trung cho chúng nội thiền, chúng ngoại giới chỉ được xác nhận an cư tại chỗ.

1. An cư tại chỗ (Tác pháp An cư, đối thú an cư, tâm niệm an cư)

Những tự viện có Tăng Ni thường trú, tạm trú dài hạn hợp pháp(từ 4 vị Tỳ-kheo/Tỳ-kheo-ni trở lên),không đủ điều kiện tổ chức trường hạ tập trung thìcó thể tổ chức an cư tại chỗ nhưng phải xin phép Ban Trị sự GHPGVN quận huyện và Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ. Khi được Giáo hội cấp địa phương và Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ chấp thuận mới được tổ chức an cư tại chỗ và được xem là hợp lệ. Các điểm an cư tại chỗ phải sinh hoạt theo chương trình của các trường hạ tập trung tại địa phương.

Mỗi nửa tháng, tất cả hành giả an cư tại chỗ phải tập trung bố-tát tại một trú xứ do Ban Trị sự GHPGVN địa phương quy định. Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ sẽ căn cứ vào sự xác nhận của Ban Trị sự GHPGVN địa phương để cấp giấy Chứng nhận an cư tại chỗ.

Đối với Tăng Ni có các duyên sự đặc biệt (phục vụ công tác Giáo hội, nhứt Tăng nhứt tự, điều kiện sức khỏe) không thể an cư tập trung được, buộc phải tâm niệm an cư, nhưng đến ngày trưởng tịnh phải trở về trường hạ tập trung tại địa phương để bố-tát; nếu tại địa phương không có trường hạ tập trung, Ban Trị sự GHPGVN quận huyện chọn một trú xứ thích hợp để Tăng Ni tập trung về bố-tát (Tăng tại trú xứ Tăng, Ni tại trú xứ Ni).

Các trường hợp đặc biệt, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương và ý kiến đề xuất của Ban Trị sự GHPGVN quận huyện, Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ sẽ xem xét.

2. Quy định chung

Ban Trị sự GHPGVN quận huyện chính là Ban Tổ chức các trường hạ tập trung tại địa phương, cung cử Ban Chức sự của trường hạ và trình lên Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ thông qua. Ban Chức sự trường hạ phải cấm túc tại hạ trường trong suốt thời gian an cư theo Luật định.

Những trường hạ Ni tại các quận huyện phải kết hợp với Phân ban Ni giới Thành phố để thực hiện công tác quản lý theo tinh thần nêu trên.

Suốt 3 tháng an cư, tất cả hành giả tại các trường hạ không được phép đi học thêm hay tự ý xuất ngoại Đại giới, trừ trường hợp Tăng sai nhưng phải tuân thủ Luật Kiết hạ An cư (trực đáo trực hoàn).

3. Điều kiện an cư tại TP.HCM

- Tăng Ni thường trú hoặc tạm trú dài hạn (KT3) tại địa phương trong Thành phố.

- Tăng Ni ngoài Thành phố có nguyện vọng an cư tập trung tại các trường hạ trong Thành phố, phải có giấy giới thiệu của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành (nơi Tăng Ni đang tu học) và hợp pháp về thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú.

VI. Nội dung sinh hoạt và giảng dạy tại các trường hạ

Nội dung học tập, giảng dạy trong 3 tháng An cư kiết hạ phải giữ theo truyền thống của các Tòng lâm Hạ trường gồm: nghi lễ hành trì của thiền gia và các bộ Kinh - Luật - Luận. Thực hiện đầy đủ các thời khóa: tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật, kinh hành, .v..v, để trưởng dưỡng đạo tâm, oai nghi và hạnh nguyện trong tu tập, sinh hoạt hàng ngày và Bố tát mỗi tháng hai lần.

Phần kinh bộ, trích dạy một số bộ kinh từ căn bản đến nâng cao, thuần túy chuyên về kinh văn nhằm đáp ứng cho việc nghiên cứu tu tập, tránh hình thức giảng giải không có căn bản cụ thể.

Phần luật bộ, luật thiền môn là căn bản; ngoài ra có thể triển khai thêm Hiến chương (được tu chỉnh lần VI), Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Luật tín ngưỡng tôn giáo, và một số quy định của pháp luật đối với tôn giáo.

Đặc biệt, cần triển khai thêm hình thức thực tập thuyết giảng, viết báo tường, thảo luận… để từ đó tìm ra những nhân tố mới trong thế hệ Tăng Ni trẻ.

Trong mùa an cư, việc chuyên tu là phần cốt yếu, kế đến là trau dồi giáo lý truyền thống. Tất cả các chương trình tu học đều phải được sự đồng thuận và thống nhất cao trong hệ thống tổ chức.

VII. Thủ tục hành chính

- Đơn đăng ký tổ chức trường hạ.

- Danh sách Ban Tổ chức, Ban Chức sự và Ban Giảng huấn trường hạ.

- Danh sách Tăng Ni an cư theo mẫu lý lịch trích ngang gồm: thế danh, pháp danh, ngày/tháng/năm và nơi sinh, phẩm vị, địa chỉ thường trú/tạm trú, chức vụ trong Giáo hội (nếu có), 2 ảnh 3x4 (chụp chính diện, nền trắng; chư Tăng Phật giáo Bắc tông áo tràng nâu (Tỳ-kheo), nhựt bình nâu (Sa-di); chư Ni Phật giáo Bắc tông áo tràng lam).

- Chương trình sinh hoạt và nội dung các môn học.

Địa phương nào có tổ chức An cư, quý BTS GHPGVN quận huyện nên tiến hành các thủ tục xin phép chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ trước mùng 8-4-Tân Sửu.Sau khi công tác tổ chức An cư đã ổn định, quý BTS GHPGVN quận huyện tiến hành lập danh sách hành giả An cư kiết hạ tập trung/tại chỗ gởi về văn phòng Ban Tăng sựGHPGVN TP.HCM(Việt Nam Quốc Tự, 242-244 đường 3/2, P.12, quận 10)để tổng hợp, kính trình Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ xét duyệt, báo cáo kết quả An cư kiết hạ lên Ban Tăng sự Trung ương (VP.2 TƯGH) và báo trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên hệ. Thời gian chậm nhất là ngày 1-5-Tân Sửu (Ban Tăng sự Phật giáo Thành phố không giải quyết mọi trường hợp quá thời hạn quy định).

VIII. Lễ tác pháp an cư của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM

Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ tổ chức lễ tác pháp An cư chung cho tất cả thành viên của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Thường trực các Ban chuyên ngành trực thuộc và Ban Trị sự GHPGVN các quận huyện (gồm: Trưởng ban, Phó ban Thường trực, các Phó Ban, Chánh và các Phó Thư ký) vào lúc 9 giờ, ngày 14-4-Tân Sửu (thứ Ba - ngày 25-5-2021) tại Việt Nam Quốc Tự và lễ tác pháp Tự tứ vào 6 giờ, ngày 14-7-Tân Sửu (thứ Bảy - ngày 21-8-2021).Trong mùa An cư, mỗi nửa tháng, vào lúc 6 giờ, ngày 14 Âm lịch và 29 Âm lịch,tất cả thành viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, các Ban chuyên ngành trực thuộc và Ban Trị sự GHPGVN các quận huyện (gồm: Trưởng ban, Phó ban Thường trực, các Phó ban, Chánh và các Phó Thư ký) phải tập trung về Việt Nam Quốc Tựđể cùng chung Bố tát, sinh hoạt Phật sự. Ban Tăng sự, Ban Nghi lễ Phật giáo Thành phố chịu trách nhiệm kiết giới, Tác pháp an cư - Tự tứ và bố-tát. Ban Thư ký Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ có trách nhiệm kiểm diện trong lễ Tác pháp An cư, Tự tứ và các kỳ bố-tát để báo cáo lên Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ. Chính những hoạt động này sẽ tạo nên sức mạnh đạo lực của đoàn thể Tăng già hòa hợp, nhằm giới thiệu sinh hoạt của Phật giáo Thành phố đến Tăng Ni, Phật tử, tín đồ và cộng đồng Phật giáo.

Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM cũng phải thực hiện việc Tác pháp An cư, Tự tứ, bố-tát, sinh hoạt và nghi thức quá đường cho các thành viên tại trụ sở Phân ban Ni giới Thành phố theo phương thức tổ chức của Ban Trị sự GHPGVN Thành phố nêu trên, để làm nơi y cứ tinh thần tu học cho Ni giới Thành phố.

Phật giáo Nam tông và Hệ phái Khất sĩ được tổ chức sinh hoạt An cư kiết hạ theo truyền thống và thống nhất dưới sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ.

IX. Công tác kiểm tăng và thăm các trường hạ

Trong mùa an cư, quý tôn đức lãnh đạo GHPGVN Thành phố phụ trách Phật sự tại các quận huyện, sẽ tổ chức thăm và sách tấn tinh thần tu học của hành giả tại các Trường hạ trên địa bàn Thành phố; Ban Trị sự Phật giáo quận/huyện chịu trách nhiệm quản lý, điều phối chương trình, nội dung tu học của hành giả tại các Trường hạ trên địa bàn do quý Ban quản lý và báo cáo cho Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ được tri tường vào những ngày Bố tát tập trung của Phật giáo Thành phố.

Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ phân nhiệm Ban Kiểm soát, Ban Kiểm Tăng (Tăng - Ni) của Phật giáo Thành phố kết hợp các Ban chuyên ngành và các Hệ phái thường xuyên kiểm tra số lượng, tình hình sinh hoạt, tu học thực tế tại các trường hạ trên địa bàn Thành phố, nhằm thiết lập quy chuẩn công tác tổ chức An cư kiết hạ trong hệ thống tổ chức Giáo hội của Phật giáo Thành phố. Những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo tinh thần Giới luật, Giáo luật và pháp luật hiện hành.

X. Cấp chứng điệp/ xác nhận An cư kiết hạ

Để khích lệ và ghi nhận tinh thần tu học của Tăng Ni, thực hiện đúng những quy định của Ban Tăng sự Trung ương và Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ về An cư kiết hạ:

1. Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ sẽ đề nghị Trung ương Giáo hội cấp Chứng điệp An cư kiết hạ cho những hành giả an cư lần đầu, nhưng phải an cư tập trung.

2. Xác nhận những hành giả an cư đã có Chứng điệp An cư kiết hạ do Trung ương Giáo hội cấp.

3. Cấp giấy Chứng nhận An cư kiết hạ cho những hành giả an cư hợp pháp.

4. Không xác nhận, chứng nhận cho những hành giả không tuân thủ những quy định trong kế hoạch này.

Vì tinh thần tu học của Tăng Ni, duy trì thiền môn quy củ, trang nghiêm Giáo hội, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ đề nghị chư tôn đức Ban Trị sự, quý Ban chuyên môn GHPGVN Thành phố; Ban Trị sự GHPGVN 24 quận huyện, Hội đồng Điều hành Học viện, Ban Điều hành/ Ban Giám hiệu/ Ban Chủ nhiệm các trường/ lớp Phật học và chư tôn đức Tăng Ni triển khai, thực hiện có kết quả tinh thần kế hoạch này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày