Trong bốn chúng đệ tử Phật, số lượng xuất gia so với số lượng tại gia có sự chênh lệch rất lớn, bởi số lượng cư sĩ tại gia đông hơn rất nhiều. Và mặc dù giáo lý Đức Phật hướng đến sự giải thoát, giác ngộ, song cũng có khá nhiều bài kinh liên quan đến việc hướng dẫn cuộc sống hạnh phúc gia đình. Nếu thực sự đạo Phật là một tôn giáo đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho con người thì nền giáo lý đó phải đáp ứng được nhu cầu mà con người đang ước vọng và mong muốn với những giải pháp để người cư sĩ tại gia có thể áp dụng làm nền tảng cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Chúng ta đều biết rằng, người con Phật tại gia phải đối diện với rất nhiều vấn nạn trong đời sống mưu sinh, nhất là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường như hiện nay.
Hãy nhìn vào nền giáo lý mà Đức Phật đã trao truyền lại cho nhân loại để thấy rõ Đức Phật rất quan tâm đến người cư sĩ tại gia và trong hệ thống giáo lý đạo Phật những điều đề cập đến cư sĩ tại gia như thế nào. Câu chuyện về nàng Visakha sau đây là một ví dụ điển hình.
Hạnh phúc lứa đôi được bắt nguồn từ học hỏi,
hành trì giới luật dành cho cư sĩ tại gia.
Trong ảnh nghệ sĩ hài Thúy Nga tổ chức lễ cưới
tại thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai)
Visakha là con gái nhà triệu phú Dhananjaya. Cô rất giàu lòng quảng đại và có tâm đạo nhiệt thành. Mẹ cô là Sumana Devi và ông ngoại cô là nhà triệu phú Mendaka mà cô hết sức thương mến và quý trọng.
Trong kinh đề cập Visakha có sức mạnh như đàn ông và rất mỹ miều duyên dáng từ thuở còn thơ. Tóc nàng tựa như đuôi công và khi xõa ra thì dài tới mắt cá chân rồi cuộn trở lên. Môi nàng đỏ hồng tự nhiên và rất dịu dàng. Răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc. Da cô Visakha mịn màng như cánh hoa sen màu vàng. Cho đến lúc già và có đông con, bà Visakha vẫn còn giữ hình dáng đẹp đẽ của thời son trẻ. Được phú cho năm vẻ đẹp của người phụ nữ - tóc, da, xương, vóc và tuổi trẻ - Visakha lại còn trí tuệ hơn người, sáng suốt trong việc thế gian cũng như trong lãnh vực tinh thần đạo đức.
Năm mười sáu tuổi, nhân một ngày lễ nọ, nàng cùng đi với nhiều tỳ nữ ra mé sông để tắm. Tình cờ một cơn mưa to từ xa kéo đến. Tất cả mọi người đều lật đật bỏ chạy vào tạm trú trong một căn nhà bỏ trống, trừ cô Visakha. Cùng lúc ấy cũng có vài vị Bà la môn đang đi tìm một người phụ nữ có đủ năm vẻ đẹp cho con trai của một vị triệu phú ở Sravasti. Thấy cô không vội vã hấp tấp mà chậm rãi, khoan thai đi vào trú mưa trong nhà, các vị Bà la môn lấy làm ngạc nhiên, hỏi cô tại sao không chạy mau vào cho khỏi ướt mình. Visakha nhân cơ hội, ứng khẩu nói lên quan điểm của mình, rằng cô có thể còn chạy mau hơn những người khác, nhưng cố ý không làm vậy. Và cô giải thích, ví như nếu có vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình bỗng nhiên xăn áo quần lên chạy hối hả vào cung điện, thì ắt không thích đáng. Một thớt ngự tượng đường bệ oai nghiêm, mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước, lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường, thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Những nhà sư thanh nhã khả kính cũng bị chỉ trích nếu các ngài chạy xốc xếch y bát. Cũng thế ấy, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông sẽ mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.
Các vị Bà la môn lấy làm hoan hỷ được nghe những lời cao đẹp ấy và nghĩ rằng cô Visakha sẽ là người vợ lý tưởng cho con trai vị triệu phú kia. Sau đó mọi việc thích nghi được sắp xếp để vị Bà la môn Punnavaddhana, con của nhà triệu phú Migara ở Sravasti, vốn không phải là Phật tử, đi cưới cô Visakha.
Lễ cưới cử hành rất trọng thể. Ngoài những của hồi môn rất quan trọng và những món đồ trang sức quý giá (mahalatapilandhana), người cha sáng suốt còn dạy con gái những điều sau đây:
1.Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ: Không nên nói xấu chồng và cha mẹ chồng với người ngoài. Cũng không nên đem chuyện xấu bên nhà chồng thuật lại cho người ngoài.
2. Không đem lửa bên ngoài vào nhà: Không nên ngồi lê đôi mách, nghe ngóng những chuyện xấu của người ngoài rồi đem về nhà bàn tán.
3. Chỉ cho đến những người biết cho: Đồ trong nhà chỉ nên đưa cho những người nào mượn rồi trả lại.
4. Không cho đến những người không biết cho: Không nên đưa cho những người mượn đồ mà không trả lại.
5. Cho đến cả hai, những người biết cho và những người không biết cho: Phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dầu họ trả lại được hay không.
6. Ngồi một cách an vui: Phải ngồi đúng chỗ thích nghi - khi thấy cha mẹ chồng đến phải đứng dậy.
7. Ăn một cách an vui: Trước khi ăn cơm phải coi có dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng và chồng chưa. Cũng phải coi chừng xem người làm trong nhà có được chăm sóc đầy đủ không.
8. Ngủ một cách an vui: Trước khi đi ngủ phải quan sát nhà cửa, ghế bàn, cửa đóng then gài cẩn thận. Xem coi những người giúp việc trong nhà có làm đủ bổn phận của họ chưa và cha mẹ chồng đã đi ngủ chưa. Thế thường, người nội trợ phải thức khuya dậy sớm, và trừ khi đau ốm, không nên ngủ ngày.
9. Coi chừng lửa: Phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa. Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng cũng như phải thận trọng khi làm việc với lửa.
10. Tôn trọng các vị Trời trong nhà: Cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị Trời trong nhà.
Ngày cô Visakha về nhà chồng tại Savatthi, rất đông người trong thành phố tới tấp gởi đến nàng đủ loại tặng phẩm. Nhưng vốn giàu lòng quảng đại cô gởi quà, tặng lại mỗi người với vài lời ân cần và đối xử với mọi người như chính thân bằng quyến thuộc mình. Do thái độ cao quý ấy, ngay trong những ngày đầu tiên, tất cả mọi người bên nhà chồng đều quý chuộng cô.
Trong văn học Pali, chúng ta thấy đề cập đến nhiều nữ cư sĩ thực hành giáo pháp khi đang sống đời sống gia đình. Visakha, thường được gọi là mẹ của Migara (Migaramata hay Lộc Mẫu), là một trong những nữ cư sĩ lỗi lạc nhất. Ðọc cuộc đời của Visakha, sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy rất hoan hỷ. Bà vẫn sống cuộc sống gia đình mà vẫn có thể đóng góp to lớn cho Phật giáo.
Visakha là một nữ Phật tử tại gia lập gia đình và qua những gì mà Visakha ứng xử với bên chồng cho chúng ta thấy, nếu người Phật tử biết ứng dụng tinh thần Phật dạy sẽ chuyển hóa được những khó khăn trong đời sống và có thể cảm hóa được những người trong gia đình chồng và những người chung quanh.
Xây dựng cuộc sống gia đình để tạo nên hạnh phúc trong mối quan hệ vợ chồng con cái là việc làm bình thường của cuộc sống con người. Ðức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong sự sống khi Ngài bảo sống là khổ đau. Trái lại, Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc, cả vật chất cũng như tinh thần, cho người thế tục cũng như cho người xuất thế. Trong kinh Tăng chi bộ (Anguttara-nikàya) một trong năm tạng kinh nguyên thủy bằng tiếng Pali, chứa đựng những bài thuyết pháp của Đức Phật, có những bảng kê những hạnh phúc (sukkàni), như hạnh phúc của cuộc đời ẩn sĩ và hạnh phúc của cuộc sống gia đình, hạnh phúc của khoái lạc giác quan và hạnh phúc của sự từ bỏ thế tục, hạnh phúc của sự ràng buộc và hạnh phúc của sự giải thoát, hạnh phúc vật lý và hạnh phúc tâm linh v.v…
Không ai có quyền ngăn cấm hai người yêu nhau và cũng chẳng ai cấm họ kết hôn với nhau nếu họ không vi phạm các quy tắc chuẩn mực của đạo đức. Đức Phật cũng vậy, Ngài không bao giờ cấm các hàng đệ tử cư sĩ kết hôn với nhau nhưng phải sống với nhau theo các nguyên tắc đạo đức xã hội thì sẽ có được sự hạnh phúc. Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, trong cuộc sống gia đình, thì cả người vợ và người chồng phải yêu thương nhau, phải có những điểm tương đồng với nhau thì như thế mới gọi là vợ chồng xứng đôi vừa lứa, là xứng đôi vợ chồng trong tinh thần của Phật giáo.
Có rất nhiều việc quan trọng mà người nam và người nữ nên lưu ý trước khi tính đến chuyện hôn nhân, xây dựng một mái ấm gia đình. Việc đầu tiên đó chính là việc lựa chọn người bạn đời. Nếu mình lựa chọn được người bạn đời thích hợp và có được những điểm tương đồng thì cuộc sống gia đình đầm ấm, trên thuận dưới hòa và hạnh phúc.
Đức Phật gọi sự phối hợp tốt đẹp của hai người là sự phối hợp của vị chư thiên nam và vị chư thiên nữ. “Này các Tỷ kheo, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với thiên nữ”.
“Và này các Tỷ kheo, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các Tỷ kheo, người chồng là người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn. Còn người vợ cũng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam chung sống với đê tiện nữ”.
Và này các gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng sát sanh... nhiếc mắng, chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn. Còn người vợ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham, không có sân tâm, chánh kiến, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình không với tâm vị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam sống chung với thiên nữ.
Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh... không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn. Nhưng người vợ là người sát sanh, lấy của không cho... nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn. Như vậy, này các gia chủ, là thiên nam sống chung với đê tiện nữ.
Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh... không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn; và người vợ cũng là người từ bỏ sát sanh... không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà la môn.
Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này”.
Để đến với nhau, sống chung với nhau thì mình phải tìm kiếm “một nửa” của mình sao cho phù hợp. Vì thế, ai cũng tự vẽ cho mình một hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, người đàn ông lý tưởng để mình kiếm tìm và chung sống. Vậy thì đâu là thước đo cho những mẫu người lý tưởng đó?
“Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sanh con. Ðầy đủ năm đức tánh này, này các Tỷ kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.
Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có khả năng sanh con. Này các Tỷ kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân.Với năm đức tính đó chính là mẫu người lý tưởng đáng được lựa chọn làm người để mình gửi gắm tình thương và hạnh phúc. Và thật sự, trong cuộc sống, năm yếu tố căn bản này nếu như trong gia đình nào không có được thì chắc rằng gia đình đó sẽ không được hạnh phúc, hoặc là hạnh phúc sẽ không bền lâu”.
Ngày nay, chúng ta thấy một hiện trạng rất rõ là xã hội chúng ta xảy ra nhiều tình trạng hôn nhân bị vỡ đổ do tài sản bị thất bại, hoặc là do người bạn đời có xu hướng đi theo một người tình khác, hoặc là do thích ăn xài mà lại lười biếng lao động để tạo ra của cải, và đôi khi lại chính một nguyên nhân khác cũng hơi tế nhị là một trong hai người bị chứng bệnh vô sinh, không thể có khả năng sinh con. Bởi vậy, đời sống gia đình tuy bên ngoài là một túp lều lý tưởng rất lãng mạn nhưng chính những ai ở trong hoàn cảnh đó sẽ biết được những nỗi niềm lo âu tiềm ẩn ở bên trong.
Có nền tảng đạo lý nhà Phật thì người ta sẽ biết trân trọng,
gìn giữ hạnh phúc nơi gia đình trong giềng mối vợ-chồng
Trong một mục tư vấn về hôn nhân gia đình qua điện thoại, Luật sư Huỳnh Minh Vũ cho biết một vài trường hợp như chị L. (nhà ở Q.5, TP.HCM) đáng để chúng ta suy ngẫm. Chị kể: “Tôi kết hôn với chồng được 10 năm, đã có hai con chung: cháu lớn tám tuổi, cháu nhỏ năm tuổi. Những năm gần đây sức khỏe tôi không được tốt, nước da rất xấu. Theo chỉ dẫn của bạn bè, tôi đi khám phụ khoa, kết quả là tôi bị u xơ tử cung. Bác sĩ nói tôi bệnh đã lâu nhưng do không đi khám nên không phát hiện sớm để kịp thời chữa trị. Hiện tôi phải nhập viện, gia đình tôi đang lâm vào cảnh khó khăn vì tôi nghỉ làm, hai con tôi còn nhỏ không người chăm sóc… Vậy mà chồng tôi đã đến bệnh viện yêu cầu tôi ký đơn ly hôn. Chồng tôi còn ra điều kiện là tôi phải ký đơn ly hôn (trong đơn anh ấy để tên tôi là nguyên đơn), trường hợp tôi không cho ly hôn thì phải “cho phép” anh ấy có người khác bên ngoài, tôi không được ghen tuông, cản trở hoặc quậy phá”.
Một câu chuyện khác ngược lại với hai trường hợp trên, bà T., mẹ của anh K., nhà ở huyện Hóc Môn đã đến văn phòng luật sư tư vấn về trường hợp của con trai mình. Bà kể: “Con trai tôi kết hôn đã 5 năm và có một đứa con trai. Gần đây con trai tôi bị bệnh lao phổi rất nặng, phải nhập viện điều trị thời gian dài mới hy vọng chữa khỏi. Từ khi phát hiện con trai tôi bị bệnh, cô vợ đã bồng con về quê và xa lánh chồng, vì cho rằng ở gần chồng sẽ lây bệnh cho cô ấy và con. Rồi cô ấy làm thủ tục đơn phương ly hôn với lý do hai người không hợp nhau, chồng có bệnh truyền nhiễm”. Khi luật sư trả lời thắc mắc của bà T. là về mặt pháp luật, người vợ có quyền làm đơn xin ly hôn... nhưng chưa nói hết câu, bà đã phản ứng gay gắt: “Như vậy là tàn nhẫn, là thiếu đạo đức. Pháp luật mà như vậy thì còn gì là đạo nghĩa vợ chồng!”. Và như sực nhớ ra điều gì đó, bà T. đã “dịu” lại: “Có lẽ thời tôi khác, giới trẻ bây giờ khác. Ngày xưa, chúng tôi trước khi đến với nhau đâu có thời gian tìm hiểu và yêu nhau, vậy mà cưới nhau về vẫn sống đến đầu bạc răng long, vợ chồng những lúc vui hay buồn, đau khổ hay bất hạnh gì thì cũng có nhau. Tụi trẻ bây giờ trước khi cưới nhau đã có quá trình, thời gian dài tìm hiểu, yêu nhau, thậm chí rất lãng mạn…, vậy mà khi chồng hoặc vợ mình gặp nạn thì lại tìm cách bỏ nhau”.
Khi cả đôi nam nữ đã quyết định đến sống với nhau nghĩa là họ đã chấp nhận cuộc sống của mình là một phần của người bạn đời. Họ phải biết tôn trọng người bạn của mình và hai bên cùng nhau nương tựa để xây dựng một mái ấm gia đình - một trong những điều kiện tiên quyết để gìn giữ gia đình cho được hạnh phúc. Như được biết, cho dù hàng ngày chúng ta có lên án để đòi hỏi sự bình đẳng nhân quyền, nam nữ bình quyền hay điều gì đi nữa thì những việc đó cũng không là vấn đề. Mà việc quan trọng nhất là chúng ta hãy cố gắng hoàn thành và làm tròn những trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ của mình trong chính gia đình mình. Đó là cách tốt nhất để gìn giữ một gia đình hạnh phúc. Bởi chúng ta có thể thấy trong xã hội đã xảy ra nhiều trường hợp người vợ hay người chồng không làm tròn nhiệm vụ của mình nhưng lại bắt buộc và đòi hỏi người bạn đời của mình phải thực hiện những việc đó với mình, thì trường hợp này gia đình không thể nào có hạnh phúc, và đôi khi trường hợp hôn nhân này có thể bị xem là lợi dụng hoặc là ngược đãi nhau. Và chính vì thế, sự hoàn thành những bổn phận và trách nhiệm đối với nhau là điều thiết yếu để tạo nên một mối quan hệ hôn nhân hòa thuận và hạnh phúc.
Hạnh phúc hôn nhân do hai vợ chồng cùng nhau xây dựng và gìn giữ, không phải tự nhiên mà có, cũng không phải vì hạp tuổi hay không hạp tuổi. Biết bao nhiêu cặp vợ chồng, xem tuổi trước khi cưới rất hạp nhau từ cung,mạng v.v… nhưng rồi cũng ra tòa ly dị chỉ sau thời gian ngắn sống bên nhau.
Trong cuộc sống hôn nhân, tuy có muôn vàn cạm bẫy và khó khăn nhưng phải biết thương yêu lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và phải biết chia sẻ với nhau để cùng nhau khắc phục những sai khuyết trong cuộc sống. Đó là điều cần thiết đối với mọi cặp vợ chồng thiết lập mối quan hệ hôn nhân dựa trên tinh thần Phật giáo.
Trong đạo lý Việt Nam chúng ta có câu “phu thê nghĩa trọng tình thâm”, nhằm đề cao tình cảm, đạo nghĩa vợ chồng; no ấm, giàu sang thì cùng hưởng thụ; khó khăn, bệnh tật, cơ hàn thì cùng gánh vác, sẻ chia. Cho nên việc xây dựng hạnh phúc gia đình cần phải có những chuẩn mực tạo nên mối tương quan tương duyên, yêu thương, cảm thông và chia sẻ trong cuộc sống, gia đình mới thực sự là mái ấm.
Khi nói về người phụ nữ Việt Nam, không thể không nói đến những đức tính: Trung hậu, thủy chung, chịu thương, chịu khó, thương chồng, thương con, một đời chăm lo hạnh phúc gia đình, tham gia tạo hạnh phúc chung cho cộng đồng và xã hội. Ngay trong kinh điển, Phật chỉ nhắc đến bổn phận của chồng vợ đối với nhau trong kinh Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutra) chứ không chỉ dạy hay chú trọng nghi thức, nghi lễ về hôn nhân hay việc thực hiện lời thệ nguyện cưới hỏi.
Phật dạy: “Có năm điều mà người vợ đoan chính phải được chồng lo lắng chăm sóc chu đáo bằng sự tôn trọng quý mến, bằng lịch sự nhã nhặn, bằng lòng chung thủy, bằng cách san sẻ ủy quyền cho nàng, và luôn mang quà cáp biếu tặng vợ. Và người vợ cũng có năm trách nhiệm đối với chồng là yêu thương quý mến chồng, lo liệu cho cả gia đình đôi bên với tất cả lòng mến mộ, thủy chung với chồng, dành dụm cất giữ đồ vật tiền tài chồng làm ra, và quán xuyến mọi việc trong ngoài một cách hữu hiệu”.
Một điều quan trọng cần được nhấn mạnh ở đây là lời giáo huấn của Phật ứng dụng cho cả đôi bên; hôn nhân là một quan hệ tương đồng cả về trách nhiệm lẫn quyền hành giữa hai người trong cuộc. Lời huấn thị này là một sự đổi hướng trọng yếu đối với tập quán và suy nghĩ thịnh hành của thời bấy giờ. Trong kinh Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutra), lời giáo huấn của Phật về cách cư xử trong gia đình họ hàng đều là những mối quan hệ có qua có lại giữa những đối tượng, như vợ với chồng, con cái với cha mẹ, ngay cả chủ nhân với tôi tớ. Như vậy theo lý tưởng Phật giáo, hôn nhân chỉ là một sự khế ước giữa hai người bình đẳng với nhau.
Trong đời sống lứa đôi, kỵ nhất là sống theo cá tính của mình, nếu mình sống theo cá tính của mình, thì hạnh phúc lứa đôi sẽ vỡ ngay, đó là điều mà chúng ta cần phải lưu ý. Bởi vì, hạnh phúc của chồng là hạnh phúc của vợ, hạnh phúc của vợ là hạnh phúc của chồng, niềm đau của chồng hay của vợ cũng chính là niềm đau của cả hai người và niềm đau của cả hai người cũng là niềm đau của cha mẹ hai bên, dòng họ hai bên, nên mình nói một điều gì, mình cũng phải cân nhắc cho kỹ, có đôi khi cha mẹ hai bên làm thông gia sống với nhau rất đẹp, nhưng bởi vì hai đứa trẻ kém hiểu biết, kém sự đối xử với nhau, làm cho tình cảm của hai bên thông gia trở nên ngột ngạt.
Phải cẩn thận từ lời ăn, tiếng nói, cẩn thận từ cách nhìn, điệu bộ của mình với nhau, nếu vợ chồng không tế nhị, thì vợ chồng có thể nghi ngờ nhau và hạnh phúc cũng có thể tan ngay, đời sống lứa đôi không có nghi ngờ, khi đó mình mới tạo được hạnh phúc cho nhau, còn nếu có nghi ngờ nhau, thì làm sao có hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc thật sự, chúng ta phải áp dụng tinh thần Phật dạy vào đời sống trong sự thương yêu và hiểu biết, chuyển hóa những đố kỵ, ghen hờn làm khổ đau cho nhau bằng chất liệu của yêu thương, chia sẻ và hiểu biết.