Giới hạnh của người xuất gia được thể hiện qua những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, phàm là người tu thì phải thể hiện được tâm đức của một vị sứ giả Như Lai. Dù mới xuất gia, hay xuất gia đã lâu thì người đó cũng phải cố gắng thể hiện cho được đức hạnh của người xuất gia, đây là điều vô cùng quan trọng. Đức hạnh của người xuất gia được thể hiện qua bốn oai nghi (đi, đứng, nằm và ngồi) trang nghiêm, thanh tịnh. Là người xuất gia, chúng ta đi chậm rãi, đứng vững vàng, ngồi yên lặng và nằm nghiêm trang. Đây là giai đoạn tu sửa hình tướng biểu hiện bên ngoài, rồi từ từ theo đó mà cái tâm sẽ được chơn chánh.
Thứ hai, là người tu thì lời nói phát ra phải là những lời ái ngữ. Ở những nơi đại chúng tu tập, chúng ta không được nói cười lớn tiếng, đùa giỡn, phải giữ cho thân và tâm trang nghiêm. Cho nên, khi mới vào chùa tu học, chúng ta phải tập niệm Phật để tâm không nghĩ đến những chuyện linh tinh.
Thứ ba, người xuất gia phải là người dễ nuôi. Người tu, dù ăn thức ăn nào cũng phải thọ thực bằng tâm hoan hỷ và vui vẻ. Vị xuất gia ấy phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình là người tiếp nối công hạnh của chư Phật và chư Bồ-tát để nhập thế, hành đạo giúp đời. Thế nên, người tu học tinh chuyên thì lúc nào cũng gìn giữ được cái tâm vững chãi, luôn biết tầm cầu pháp học, thực hành pháp hành để đạt được quả vị Thánh trong tương lai.
Thứ tư, người xuất gia phải không ngừng trau dồi giới, định, tuệ. Trong kinh Tăng chi bộ, chương 3, phẩm Sa-môn, phần Nghề nông, Đức Phật đã dạy như sau:
Có ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu cần phải làm trước. Thế nào là ba? Người nông phu trước hết phải khéo cày bừa. Cày bừa xong người ấy gieo hạt đúng thời. Gieo hạt đúng thời xong người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu cần phải làm trước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba công việc này, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba? Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ba việc này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm trước.
Chúng ta thấy, đến thời vụ là người nông dân phải lo cày bừa, cuốc đất, rồi mới tính đến việc gieo mạ. Nếu không chuẩn bị đám ruộng cho tốt để gieo lúa thì sản lượng thu hoạch sẽ không cao. Dựa vào hình ảnh đó, Đức Phật đã dạy ba việc mà người tu sĩ cần phải làm để việc tu tập có kết quả, đó là: Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học và tăng thượng tuệ học.
Đức Phật dạy về tăng thượng giới học, có nghĩa là Ngài dạy người tu phải không ngừng học giới và hành trì giới mỗi ngày, không ngưng nghỉ và không lui sụt, phải làm cho giới đức của mình ngày thêm tăng trưởng, thêm vững vàng trong đời sống xuất gia.
Thế nào là tăng thượng tâm học? “Tâm học” hay “định học” được hiểu là sức an định của mình trước những vấn đề nảy sinh, đối mặt trong cuộc sống. Tâm thức của chúng ta hay chạy nhảy lung tung, nên chúng ta phải an định nó ở một chỗ, đừng cho nó quanh quẩn ở quá khứ hay tương lai, để rồi phát sinh thêm phiền não. Để tâm được an định thì người tu phải tinh tấn thực tập thiền định, thực tập chánh niệm trong từng hơi thở, trong từng phút giây.
Thế nào là tăng thượng tuệ học? Người xuất gia ngoài việc tu tập thì còn phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu kinh điển, tìm hiểu các kiến thức về thế học, về cuộc sống để có thể thấu tỏ con đường tu tập của mình và cũng là để có thể dẫn dắt, hướng dẫn người khác cùng đi trên con đường chánh đạo.
Thứ năm, người tu cốt yếu phải giữ tâm bình đẳng, thể hiện tinh thần vô ngã, vị tha mà Đức Phật đã dạy. Trong đời sống tu hành, chúng ta phải quý kính huynh đệ xung quanh, yêu thương tất cả mọi người, mọi loài. Đây là sự tương quan, tương duyên rất cần thiết đối với người xuất gia.
Thứ sáu, hành giả sau khi xuất gia tu học phải sống đời viễn ly, tránh xa những nơi xô bồ, đầy cám dỗ của xã hội. Môi trường tu tập trong các tự viện và các đạo tràng an cư kiết hạ là những nơi lý tưởng, giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp tu hành của người xuất gia. Đấy chính là những điều kiện thuận lợi để bổ trợ, nhằm giúp cho người xuất gia tăng trưởng hạnh sống viễn ly, tránh xa những thú vui của thế gian.
Thứ bảy, người tu hành nên tu tập thiền định, đoạn trừ các kết sử, những căn nguyên, cội rễ mang đến phiền não, khổ đau. Người xuất gia nên chọn những nơi vắng vẻ, như ở trong rừng, dưới gốc cây, sườn núi, hay trong hang động,… thực hành thiền định và làm chủ thân, khẩu, ý, chuyển hóa tham, sân, si của mình.
Thứ tám, người tu phải luôn hộ trì các căn. Khi tu tập chung với đại chúng, mỗi người phải tự kiểm thúc sáu căn, vì sáu căn là những cánh cửa dễ đưa đến phiền não, khổ đau cho mình và người. Nếu chúng ta phòng hộ được sáu căn thì sẽ giảm thiểu được những nghiệp bất thiện, hóa giải được những ưu phiền trong cuộc sống.
Thứ chín, người xuất gia phải thực tập hạnh buông xả. Trong kinh Tạp A-hàm, kinh Kỳ lâm, số 269, Đức Phật đã dạy:
“Tỳ-kheo, những pháp không thích ứng của các ông thì hãy nên lìa bỏ hết. Nếu buông bỏ những pháp này rồi, các ông sẽ được an vui lâu dài. Này các Tỳ-kheo, những pháp nào là không thích ứng với các ông, mà các ông phải nhanh chóng lìa bỏ? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là pháp thích ứng của các ông hãylìabỏhết. Nếu dứt sạch pháp này rồi, các ông sẽ được an vui lâudài. Giống như cây cối trong rừng Kỳ-hoàn; có người đến chặt cành lá rồi đem đi, các ông cũng chẳng lấy làmlo buồn. Vì sao? Vì những cây này chẳng phải ta, chẳng phải sở hữu của ta. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, những gì không là thích ứng của các ông, hãy lìa bỏ tất cả. Nếu xa lìa hết rồi, các ông sẽ được an vui lâu dài. Những gì là pháp không thích ứng với các ông? Sắc không phải là thích ứng của các ông, phải lìa bỏ hết. Nếu xa lìa rồi thì sẽ được an vui lâu dài. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức không phải là pháp thích ứng với các ông, hãy nhanh chóng lìa bỏ. Nếu buông bỏ các pháp này rồi, sẽ được an vui lâu dài.”
Trên bước đường tu tập, hạnh buông bỏ, xả ly chấp trước là một trong những hạnh tu căn bản, cần phải thực tập. Đối với người xuất gia theo Phật, tất yếu phải từ bỏ gia đình, nhà cửa, sự nghiệp, đó là sự xả bỏ phần vật chất, nhờ đó mà tinh thần được nhẹ nhàng, mới có thể tiến tu được. Còn Phật tử tại gia thì xả bỏ vật chất theo từng thời gian, xả bỏ trong lúc tụng kinh, trong lúc nghe pháp, trong lúc tham dự các khóa tu… Người Phật tử tại gia tập xả bỏ dần dần, chứ không thể nào xả bỏ hoàn toàn như những người xuất gia được, vì còn phải gánh trách nhiệm đối với gia đình, đối với xã hội.
![]() |
Xuất gia là một hạnh nguyện rất cao quý trong đời |
Trong đoạn kinh trên, Đức Phật dạy người tu cần buông xả tất cả các pháp không thích ứng với mình, đó là xa lìa các pháp liên quan đến ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Tại sao phải lìa bỏ ngũ uẩn? Tại vì, bản chất của ngũ uẩn là duyên sinh, nên chúng vô thường, vô ngã. Nếu người nào còn bám chấp vào ngũ uẩn, xem chúng là của mình, là mình, là tự ngã của mình, thì khi chúng thay đổi theo định luật vô thường, người đó sẽ cảm thấy thất vọng, khổ não… Ngay chính ngũ uẩn đã là không thật rồi, nên những pháp từ nơi ngũ uẩn mà sinh khởi cũng đều không thật, đều ảo vọng, càng bám chấp thì chỉ càng thêm đau khổ mà thôi. Tuy nhiên, nói lìa xa ngũ uẩn, không bám chấp vào ngũ uẩn, không có nghĩa là chúng ta đạp đổ thân ngũ uẩn này, xem thường tất cả mọi thứ vật chất và mọi hiện tượng trong đời. Đức Phật khuyên người tu lìa xa ngũ uẩn có nghĩa là khuyên mọi người đừng lệ thuộc vào vật chất, đừng quá xem trọng vật chất, đừng bám chấp vào thân ngũ uẩn. Chúng ta cần nương vào thân ngũ uẩn này để tu tập. Vấn đề quan trọng ở đây là thái độ sống, cách ta hành xử đối với thân ngũ uẩn của mình, đối với những thứ vật chất, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Thái độ sống và cách hành xử đúng đắn theo tinh thần của Phật giáo đó là thái độ buông xả, không tham chấp, không luyến ái các pháp thế gian.
Xuất gia là một hạnh nguyện rất cao quý trong đời. Cho nên, khi đã khoác lên mình chiếc áo cà-sa, làm người xuất gia thì hãy tinh tấn tu tập, đừng để một đời xuất gia luống qua trong vô nghĩa. Với những người mới xuất gia, nếu không siêng năng tu tập, không tích lũy phước đức thì đường tu sẽ gặp nhiều trở ngại và khó thành tựu. Thế nên, điều căn bản nhất mà một người tu hành cần phải làm là phải sống đúng đắn, nghiêm túc, làm tròn vai trò, vị thế của một người tu sĩ, để mọi người yêu thương, kính quý. Và điều quan trọng của người xuất gia là phải luôn thể hiện sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý. Những người xuất gia trong cuộc đời có thể ví như những bông hoa sen mọc lên từ bùn lầy. Do vậy, vị ấy cần phải thể hiện được sự thanh khiết và cao quý của mình. Là một người xuất gia thì đi đến đâu cũng phải đem đến sự an hòa, sự gần gũi và thân thiện cho tất cả mọi người, mọi loài. Dù bất cứ ở đâu, hay vào thời điểm nào, người tu cũng phải chú ý đến lời nói, việc làm và ý niệm của mình, phải nói năng, hành động và suy nghĩ theo chiều hướng đem đến lợi ích cho tất cả mọi người, theo tinh thần tự lợi và lợi tha.