Theo Thiền uyển tập anh tờ 11a9-16a9, Thiền sư Viên Chiếu chùa Cát Tường, kinh đô Thăng Long. Sư họ Mai, tên Trực, người Long Đàm, Phúc Đường. Là con anh bà thái hậu Linh Cảm nhà Lý. Từ nhỏ đã thông minh hiếu học
Nghe đồn vị trưởng lão tại chùa Mật Nghiêm quận mình giỏi xem tướng, bèn đến xem thử cho biết. Vị trưởng lão nhìn kỹ rồi bảo: “Ngươi có duyên với Phật pháp. Nếu xuất gia sẽ là người trong hàng thiện Bồ tát, bằng không thì việc thọ yểu khó bảo đảm”.
Sư cảm ngộ, giã từ cha mẹ, đến núi Ba Tiêu theo học với Định Hương, hầu hạ nhiều năm, nghiên cứu Thiền học. Sư thiền trì kinh Viên Giác, rõ được phép Tam quán. Một tối trong lúc thiền định, sư thấy Bồ tát Văn Thù cầm dao mổ bụng, rửa ruột, rồi dùng thuốc rịt lại. Từ đó, những gì đã học trong lòng trở thành rõ ràng như đã từng biết, chứng sâu ngôn ngữ Tam muội, thuyết giảng lưu loát. Rồi sau, Sư đến bên tả kinh thành, dựng chùa để ở. Người học đổ về như rừng...
Sư từng soạn Dược Sư thập nhị nguyện văn. Vua Lý Nhân Tông đem bản thảo giao cho sứ đưa qua Triết Tông. Triết Tông cho mời Pháp sư Cao Tòa chùa Tướng Quốc tới xem. Xem xong, bèn chắp tay lạy mà nói rằng: “Phương Nam có bậc Đại sĩ nhục thân ra đời là vị pháp sư khéo giảng kinh điển vậy. Bần đạo đâu có thể dám thêm bớt”. Nhân đó chép lại một bản, rồi giao trả bản cũ để mang về. Sứ giả trở về tâu lại, vua rất khen thưởng. Vào một ngày tháng Chín năm Canh Ngọ Quảng Hựu thứ sáu (1090), sư không bệnh, gọi chúng đến dạy: “Trong thân ta đây, thịt xương gân mạch, bốn đại tam hợp, đều có vô thường, ví như ngôi nhà khi đổ thì cột kèo đều rơi, nay cùng các con giã từ, hãy nghe bài kệ của ta:
"Thân như tường vách đổ xiêu rồi
Thiên hạ bồn chồn xót dạ thôi
Nếu rõ tâm không không sắc tướng
Sắc không ẩn hiện mặc xoay dời”.
Thiền uyển tập anh viết: Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng mà mất, thọ 92 tuổi đời và 56 tuổi đạo, có để lại Tản Viên Giác kinh, Thập nhị Bồ tát hành tu chứng đạo tràng và Tham đồ hiển quyết, nay còn lưu hành ở đời...
Rõ ràng, qua các tác phẩm của ngài, Viên Chiếu không chỉ là vị thiền sư, bậc chân tu đắc đạo mà còn là tác gia nổi tiếng trong giới văn học Thiền tông đời Lý. Giáo sư Nguyễn Lang có lời tán thán hết sức kính phục “Vị thiền sư thi sĩ tài ba nhất của Thiền phái Vô Ngôn Thông là Thiền sư Viên Chiếu (998-1090)(1)... Đáng tiếc các tác phẩm của ngài như Tán Viên giác kinh, Thập nhị Bồ tát chứng đạo tràng, Dược Sư thập nhị văn, hiện nay không còn nữa, duy chỉ có tác phẩm Tham đồ hiển quyết còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Tham đồ hiển quyết trình bày những yếu quyết Phật pháp để thể nhập vào thế giới chân như đúng như tên gọi của tác phẩm. Căn cứ vào tài liệu thư tịch cổ Thiền uyển tập anh, thì truyền bản này có đến 59 thoại đầu dưới dạng thiền ngữ, nghĩa là có đến 108 câu hỏi và đáp giữa người học trò là một Tăng và Thiền sư Viên Chiếu. Nếu chúng ta làm thao tác thống kê nho nhỏ, sẽ nhận thấy số thoại ngữ trong Tham đồ hiển quyết nhiều hơn hẳn trong phần Đối cơ của Thượng sĩ ngữ lục, vì phần Đối cơ chỉ có 96 câu hỏi và trả lời mà thôi.
Thoại đầu – thiền ngữ là thể tài sáng tác khá quen thuộc trong văn học Thiền tông từ xưa đến nay. Ở nước ta, thể tài này được ứng dụng từ thế kỷ thứ IX trong dòng Vô Ngôn Thông như các tài liệu văn học sử ghi lại. Thông thường, thoại đầu – thiền ngữ được hiểu là một câu nói, hay mẩu đối thoại có tác dụng làm bừng khởi sự đạt ngộ của tâm tư người thiền giả từ sự khai mở tâm thức của vị thầy. Điều đáng nói là các thoại đầu – thiền ngữ ấy thường được các thiền sư diễn giải bằng hình ảnh thi ca vô cùng sống động, cụ thể, rõ ràng, đơn giản lại súc tích để trả lời các câu hỏi người học trò đưa ra.
Mục đích cuối cùng của các ngài là nhằm đưa người tham vấn trở về thế giới thực tại, sinh hoạt của đời thường “bây giờ” và “tại đây”, khi người tham vấn đang phải đối diện và giáp mặt các vấn đề mang tính triết lý, tư duy trừu tượng của thế giới siêu hình. Tại đây, chân lý được hiển bày dưới cái nhìn duyên sinh vô ngã mà người học trò lĩnh hội, thể nhập dưới sự dẫn dắt của vị thầy.
Tham đồ hiển quyết của Thiền sư Viên Chiếu được sáng tác theo thể tài này, và trong những ngữ cảnh như thế. Theo tài liệu thư tịch cổ An Nam chí lược 15, tờ 147, tác giả Lê Thực đã viết như sau: “Thiền Mai Viên Chiếu thường viết Tham đồ hiển quyết, đại khái nói rằng: “Một hôm đang ngồi trước nhà, bỗng có vị sư đến hỏi: “Phật và Thánh nghĩa có khác nhau chỗ nào?”. Chiếu đáp:
“Cúc trùng dương dưới giậu
Oanh thục khí đầu cành”.
“Sách này phần lớn gồm những lời như thế”...
Xem ra, Tham đồ hiển quyết là một tác phẩm độc lập được lưu hành riêng, đến cuối thế kỷ thứ XIII vẫn còn phổ biến rộng rãi, và Lê Thực mới có cơ sở để ghi vào trong tập sách của mình. Do thế, Thiền uyển tập anh đã chép trọn tác phẩm Tham đồ hiển quyết mà ngày nay chúng ta có cơ sở tham cứu.
II. Nội dung tư tưởng tác phẩm:
Thực tế lịch sử minh chứng, triều đại nhà Lý đến giai đoạn Lý Thái Tông trị vì thì đất nước Đại Việt mở ra một chiều hướng mới so với cục diện buổi đầu đất nước mới giành được độc lập tự chủ. Kế thừa những chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa đúng đắn của vua cha là Lý Thái Tổ được quy chiếu trên hệ tư tưởng Phật giáo, Lý Thái Tông đã mạnh dạn mở rộng các chính sách đó ra trên mọi phương diện, từ lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến tín ngưỡng tâm linh. Mục đích cuối cùng của ông là làm thế nào huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân để đưa nước Đại Việt trở thành một nước độc lập tự chủ không chỉ được giới hạn trên cương giới lãnh thổ, mà còn độc lập tự chủ trên nhiều phương diện khác. Nói như trong Chiếu dời đô: “Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của các đế vương muôn đời”(2).
Chính vì lẽ đó, trên phương diện chính trị, Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên được sử sách ghi nhận bằng minh văn là dựa trên Phật giáo để đề ra và thực hiện những sách lược của mình, đặc biệt là các chính sách dân tộc đối với đồng bào miền núi phía Bắc (theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát)(3). Việc đem các công chúa gả cho các tù trưởng, cũng như việc tha chết cho bọn Nùng Tôn Phúc, Nùng Trí Cao phản nước hại dân khiến cho sử thần Ngô Sĩ Liên về sau do không hiểu ý nghĩa chính sách đại đoàn kết toàn dân vào giai đoạn đó, đã nhận xét khá sai lầm, được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tinh tường... mê hoặc bởi cái thuyết từ ái nhà Phật mà tha tội cho bề phản nghịch thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém”.
Khi chính trị đã thực sự ổn định lâu dài trên mọi mặt trận, Lý Thái Tông đã chủ trương đưa nền văn hóa giáo dục Đại Việt lên một tầm cỡ cao hơn, có nội dung phù hợp với nhu cầu lịch sử đặt ra. Ngoài việc thực hiện công việc xây dựng các công trình văn hóa biểu tượng quốc gia như xây dựng chùa Diên Hựu, thờ Phật Quan Âm, cử các phái đoàn sang Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh, lấy đó làm cơ sở lý luận phát triển văn hóa Đại Việt, ông còn chủ trưởng xúc tiến hình thành một hệ tư tưởng Phật giáo mới nhằm thúc đẩy phát triển một nền văn hóa giáo dục mới. Hệ tư tưởng mới này cần có những con người đang sống và làm việc trong cuộc đời trần thế, không cần phải vào chùa mà vẫn chứng ngộ được chân lý để làm mọi việc cho tự thân và đất nước trước nhu cầu của lịch sử đặt ra. Chính sự đắc pháp của vua Lý Thái Tông với Thiền Lão theo như Thiền uyển tập anh, tờ 10ab9-11a7 ghi lại thì có thể nói rằng “Lý Thái Tông đã được xếp vào một trong sáu người kế thừa thế hệ thứ 7 của dòng Kiến Sơ” (Lê Mạnh Thát)(4). Và như thế, Phật giáo cần phải hóa thân nhiều hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của đất nước.
Trên cương vị là người đứng đầu quốc gia, Lý Thái Tông đã chủ động cùng với những người Phật giáo cùng nhau bàn bạc các vấn đề do yêu cầu ấy đặt ra. Theo Thiền uyển tập anh, tờ 18b10-19a6, thì Lý Thái Tông đã trình bày các vấn đề “dị đồng” của mình thông qua bài kệ nhằm đưa ra lời đề nghị với các vị Đại đức cao tăng:
“Nay trẫm cùng muốn các Đại đức, sơ tỏ ý mình, mỗi vị thuật một bài kệ để xem chỗ dụng tâm ra làm sao. Tất cả đều vái tạ vâng lệnh. Mọi người đang tìm ý, vua đã làm xong bài kệ:
"Bát nhã thật vô tông
Người không, ta cũng không
Phật trước, nay, sau nữa
Pháp tính bản lai đồng”.
(Bát nhã chân vô tông
Nhân không ngã diệc khôn
Quá hiện vị lai Phật
Pháp tính bản lai đồng)(5).
Có thể nói, Phật giáo đến thời Lý Thái Tông đã hoàn thành sứ mạng đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng sự nghiệp đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Phật giáo còn phải tham gia đóng góp phát triển đất nước, nhất là trong vấn đề xây dựng đào tạo con người tiếp nhận một nền văn hóa giáo dục mới có nội dung thích ứng tiếp ứng 3 luồng tư tưởng Nho, Lão, Phật mà các nước lân bang chung quanh Đại Việt đang vận hành. Chính vì lẽ đó, các vấn đề “dị đồng” đã không còn giới hạn trong các thiền phái đang hiện hữu trong Phật giáo mà còn được mở rộng ra giữa Phật giáo và các tư trào tư tưởng ngoài Phật giáo.
Thực tế, nền giáo dục Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay là một nền giáo dục mở, năng động, đủ sức tiếp biến các luồng tư tưởng khác theo tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Cho nên, ngoài việc dạy kinh điển giáo lý nhà Phật, các trường học nhà chùa còn dạy cả kinh điển Nho giáo, Lão giáo. Những thiền sư nổi tiếng của thế ký thứ X như Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo, rồi Lý Công Uẩn được đào tạo trong như chùa đều am tường Nho, Lão, Phật như sử sách ghi lại.
Xem ra, nền giáo dục tổng hợp ấy đã minh chứng rằng sự tiếp biến tư tưởng Nho Lão Phật đã làm cho nền văn hóa Đại Việt trở nên phong phú, đa dạng, mang một bản sắc văn hóa dân tộc đặc thù trong sự vận dụng vào thực tiễn. Huống chi, đến nửa đầu thế kỷ XI, cao trào tranh luận về Nho giáo mới đang xảy ra tại Trung Hoa, chắc có lẽ tác động vào trí thức nước ta, khiến các nhà lãnh đạo đất nước phải suy nghĩ về vấn đề thiết kế một nền văn hóa giáo dục mới thích ứng với tình hình thực tiễn.
Việc triệu tập những trí thức ưu tú cao cấp thời bấy giờ như Thiền sư Định Hương, Thiền Lão, Viên Chiếu... cùng với Lý Thái Tông để bàn thảo, xoay quanh vấn đề xây dựng một nền văn hóa giáo dục mới, có tổ chức hệ thống do nhà nước bảo trợ là điều tất yếu.
Viên Chiếu là một trí thức cao cấp Phật giáo, hẳn nhiên ngài cũng thấy rõ nền học thuật nước nhà đang chuyển biến, bước dần ra khỏi khuôn viên nhà chùa, đi vào xã hội để nhập cuộc, đáp ứng những gì đất nước đang đòi hỏi. Tại đây, các vấn đề liên quan đến Phật giáo, Nho giáo lại được đặt ra từ khái niệm đến nội dung, nhất là mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo cần có cái nhìn mới. Chúng ta cũng ít nhiều thấy được quan điểm lập trường của vua Lý Thái Tông “Pháp tính bổn lai đồng” qua bài kệ của ngài nói trên, và chúng ta cũng sẽ rõ quan điểm của Viên Chiếu qua Tham đồ hiển quyết trước các vấn đề thực tiễn lịch sử đặt ra qua cuộc tham vấn giữa vị Tăng và Thiền sư Viên Chiếu như Phật – Thánh, con đường đại đạo, tánh – tướng...
Đây là các vấn đề rất thời sự được giới trí thức bấy giờ quan tâm, nhất là trong bối cảnh chủ trương nhà Lý muốn nâng cao nền văn hóa giáo dục nước nhà lên một tầm cỡ như là một đòn bẩy để phát triển đất nước. Nội dung của nền học thuật cần được kiến thiết như thế nào cho phù hợp quá trình tiếp biến 3 luồng tư tưởng Nho Lão Phật để phát huy sức mạnh toàn dân trong việc xây dựng đất nước. Kết quả là nhà Lý vẫn trung thành với hệ tư tưởng Phật giáo, nhưng đã khéo léo vận dụng mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo để thành công trong việc phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực.
Từ cơ sở lý luận như thế, việc vị Tăng – người học trò của Thiền sư Viên Chiếu tham vấn về ý nghĩa giữa Phật và Thánh khác nhau như thế nào trong giảng đường, ngài đã kiến giải như sau:
Hỏi: Phật và Thánh khác nhau ở chỗ nào?
Đáp:
Cúc trùng dương dưới giậu
Oanh thục khí đầu cành
(Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh)
Hỏi: Kẻ học nhân chưa hiểu, xin thầy dạy lại.
Đáp:
Ngày quạ vàng chiếu rạng
Đêm thỏ ngọc sáng soi
(Trú tắc kim ô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh)...
Hỏi: Bồ Đề Đạt Ma ở núi Thiếu Thất hành đạo đạt đến chỗ huyền diệu sâu thẳm, từ xưa đến nay ai là kẻ kế thừa xứng đáng nhất?
Đáp:
Trời tối sáng soi nhờ nhật nguyệt
Đất hiểm phân ranh có núi sông
(U minh càn tượng nhân ô thố
Khuất khúc khôn duy vị nhạc, hoài).
Rõ ràng từ câu hỏi có nội dung mang tính triết lý sâu xa hết sức nhạy cảm mà thời đại, xã hội đang quan tâm của người học trò, Thiền sư Viên Chiếu đã khéo léo dẫn dắt người học nắm bắt vấn đề một cách nhẹ nhàng, cụ thể, đơn giản qua sự giải trình bằng một số hình ảnh thi ca. Cách trả lời như thế, trước những câu hỏi mang tính lý luận của các khái niệm trừu tượng là nhằm đưa người tham vấn trở về với thực tại hiện hữu.
Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu người học trông chờ sự trả lời đầy đủ những khái niệm định nghĩa được thiết lập trên sự phân biệt đối đãi của tư duy hữu ngã thì người thầy ung dung tự tại đập vỡ lề thói phân biệt để làm hiển lộ thực tại vốn thoát ly danh từ và sự phân biệt. Tại đây, các hình ảnh thi ca của thế giới nghệ thuật đã được Thiền sư Viên Chiếu đưa vào tâm thức người đọc có sức thuyết phục vô cùng, để lại dấu ấn tâm linh, mở ra chiều hướng mới mà ngôn ngữ thông thường không thể diễn tả được.
Thế nên, ý nghĩa Phật Thánh theo Thiền sư Viên Chiếu được lý giải như là mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo trong bối cảnh lịch sử nước nhà bấy giờ. Cụ thể hơn, giữa Phật giáo và Nho giáo được xác định dưới dạng quan hệ tình thế nhân duyên. Tùy theo từng tình thế cụ thể của từng giai đoạn mà Phật giáo hay Nho giáo được vận dụng linh động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình thế đặt ra. Nói theo ngôn ngữ thoại đầu bằng hình ảnh thi ca như Viên Chiếu thì Phật giáo, Nho giáo như hoa cúc biểu tượng mùa Thu và chim oanh biểu tượng mùa Xuân. Hoa cúc đến mùa Thu mới nở và tỏa ngát hương thơm. Còn chim oanh thì đợi đến mùa Xuân khí trời ấm áp mới bay nhảy hót líu lo rộn ràng. Vậy là hoa cúc không thể nở bất kỳ vào một mùa nào khác được, chim oanh cũng thế thôi. Tất cả phải phụ thuộc nhân duyên thời tiết, không thể cưỡng, và nhấn mạnh mối quan hệ tương tác giữa các thời.
Xem ra, mỗi thời mỗi việc, mà Phật giáo và Nho giáo tùy theo nhu cầu lịch sử xã hội đặt ra mà đảm nhận sứ mệnh. Phật giáo cũng có thời của nó, Nho giáo cũng đến thời có việc của nó, chẳng khác gì hoa cúc có mùa mới nở, chim oanh có thời mới hót được. Trả lời bằng một thiền ngữ hình ảnh có thực như thế, người tham vấn dường như vẫn chưa hiểu hết ý của mình, Thiền sư Viên Chiếu lại dùng hai hình ảnh khác thi vị hơn:
“Ngày quạ vàng chiếu rạng
Đêm thỏ ngọc sáng soi”
Rất sinh động nhưng cũng hiện thực vô cùng, Thiền sư Viên Chiếu vẫn trung thành diễn đạt ý tưởng trên bằng hình ảnh mặt trăng và mặt trời để khai tâm người học trò. Lối nói dùng thiền ngữ thoại đầu bằng hình tượng nghệ thuật thường có công năng tháo gỡ, xua tan những lớp sương mù của vọng kiến, chứ không giải thích về sự đạt ngộ. Không một ai có thể tìm trăng và ngắm trăng giữa ban ngày sáng tỏ; cũng thế, không một người nào có thể thấy mặt trời lúc nửa đêm tối mù mịt. Tất nhiên, trăng chỉ chiếu sáng khi màn đêm xuống, và mặt trời tỏ rạng giữa ban ngày.
Phật giáo và Nho giáo cũng thế, tùy theo nhu cầu lịch sử đất nước đặt ra mà diệu dụng của nó mới phát huy triệt để. Phật giáo và Nho giáo được thiết lập trên mói quan hệ phân công ứng xử. Hẳn nhiên thực tế ở đời, mối quan hệ này lúc nào cũng tách bạch rõ ràng, dễ nhận ra và thực hiện. Vì vậy, các nhà lãnh đạo đất nước cần có chính sách khéo léo sử dụng từng con người trong từng công việc. Trong ý nghĩa đó thiền sư mới nói, giống như khi người ta bưng chậu nước đầy đi quanh mà không cẩn thận thì sẽ bị vấp ngã.
Cũng vậy, vận dụng Phật giáo và Nho giáo vào từng hoàn cảnh cụ thể cho từng con người, cho một đời người không phải dễ dàng. Các nhà lãnh đạo phải biết cẩn thận và khéo léo nếu không sẽ không phát huy được sức mạnh toàn dân. Đấy là cơ huyền của sự vận dụng Phật giáo và Nho giáo vào trong thực tiễn cuộc sống. Nói đến cơ huyền là nói đến sự tinh vi, vì thế cẩn thận không thì sẽ bị nguy hiểm. Sông đang chứa đựng sóng dữ, con người không nên rửa chân, có thể bị chết chìm:
Sóng sông chìm, chớ rửa
Đem mình tự đắm thôi.
Sự vận dụng mối quan hệ Phật giáo và Nho giáo trong từng tình thế của từng thời kỳ xây dựng phát triển nước Đại Việt khiến các nhà lãnh đạo tính toán chính xác, vì nó khá nhạy cảm với thời cuộc đối với từng thành viên cá nhân trong xã hội. Quan điểm về sự phân công của Thiền sư Viên Chiếu đối với vấn đề Phật – Thánh nói riêng, Phật giáo và Nho giáo nói chung như thế là khá rõ ràng.
Kết quả cho thấy trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, từ khi Lý Thái Tông manh nha ý tưởng mở rộng nền giáo dục nước nhà ra khỏi khuôn viên nhà chùa, thì đến năm 1076 đã thành lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, chính thức đào tạo lớp người trí thức thông hiểu ba luồng tư tưởng để điều hành đất nước vững mạnh. Nhờ hướng đi đúng đắn đó, nhà Lý vững chãi ở ngôi hơn 200 năm; sang đời Trần, vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông đã dõng mãnh tuyên bố trong bài tựa Thiền tông chỉ nam: “Giáo pháp của Đức Phật ta, nay lại nhờ vào Thánh nhân để truyền ở đời”(6).
Như vậy, nhà Lý đã giải quyết xong mối quan hệ Phật giáo và Nho giáo, đến đầu đời Trần mối quan hệ này đã đi vào quỹ đạo, không còn gì để bàn cãi. Đó là sự thật hiển nhiên theo lý duyên khởi.
“Trời tối sáng soi nhờ nhật nguyệt
Đất hiểm phân ranh có núi sông”.
Khi nước nhà cần lớp người kế thừa gánh vác có đầy đủ tri thức để cai quản dân chúng và hệ thống tổ chức luật pháp cũng như đối thoại với các nền văn hóa các nước khác trong khu vực trong xu hướng hội nhập thì sự phân công cũng như hợp tác với nhau sẽ trở nên diệu dụng. Mỗi cá nhân phải biết tự hoàn thiện lấy chính mình, tùy duyên mà đảm nhiệm, ứng tác thích hợp.
Lại một vấn đề lớn nữa mà xã hội quan tâm, khi nước nhà đang vạch định kế hoạch xây dựng và đào tạo con người giữa đầu thế kỷ XI, cuộc đối thoại giữa Thiền sư Viên Chiếu và vị Tăng đại diện cho giới trí thức cầu học vẫn tiếp tục. Trong sự chuyển biến về một đường hướng giáo dục văn hóa mới như thế, hẳn nhiên người học muốn biết và thấy rõ các phương thức, biện pháp khả thi để đạt mục đích đã vạch định. Thế nên, khi người tham vấn hỏi: Thế nào là một con đường đưa thẳng đến căn nguyên của đại đạo?
Sư Viên Chiếu trả lời:
Cỏ mạnh đứng bờ cao gió dữ
Nước nhà thời loạn biết trung lương.
(Cao ngạn tật phong tri kỉnh thảo
Bang gia bản đãng thức trung lương).
Thật kinh tế và huyền diệu vô cùng! Không có con đường nào khác hơn để đạt được mục đích là chính tự thân mỗi người phải tự vận hành bằng chính nội lực của mình. Sự chuyển thân tâm trên bình diện tri thức, trí tuệ và tâm linh của từng cá nhân có khả năng hóa giải tất cả vấn đề. Tại đây bao nhiêu khó khăn, chướng ngại trên bước đường tiến đến “căn nguyên của đại đạo” chẳng là vấn đề gì cả.
Thực tế, Đại Việt bấy giờ còn phải giải quyết vấn đề biên giới ở phía Bắc và biên giới phía Nam. Phía Bắc, họ Nùng đang quấy phá. Việc vua Lý Thái Tông dùng Chánh pháp để giáo hóa Nùng Trí Cao, một kẻ phản loạn gây rối ở phía Bắc nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi.....
Thực tế, Đại Việt bấy giờ còn
phải giải quyết vấn đề biên
giới ở phía Bắc và biên giới phía Nam. Phía Bắc, họ Nùng đang quấy phá. Việc vua Lý Thái Tông dùng Chánh pháp để giáo hóa Nùng Trí Cao từ một kẻ phản loạn gây rối phía Bắc nước ta thành kẻ quấy phá biên cương phía Nam nhà Tống như Đại Việt sử ký toàn thư và việc phê bình Lý Thánh Tông quá chịu ảnh hưởng thuyết từ bi Phật giáo của nhà sử học Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên; tất cả chỉ nói lên một điều nhà Lý đã vững mạnh và đủ nội lực để giải quyết các vấn đề do yêu cầu lịch sử, xã hội đặt ra.
Phía Nam, nhà Lý quyết định trừng phạt. Mùa Xuân năm 1044, Lý Thái Tông trực tiếp cầm quân đi đánh Chiêm Thành, bắt sống hơn 5.000 tù binh. Vua Lý Thái Tông hạ lệnh: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”, và Ngô Sĩ Liên đã tinh tường nhận xét “Lòng này của vua tức là như lòng của Tống Thái Tổ. Ngôi truyền được lâu dài là phải lắm”(1).
Rõ ràng, nhà Lý không chỉ kế thừa truyền thống nhân ái, tình người của cha ông mà còn tiếp biến tư tưởng Từ bi của đạo Phật để hóa giải các vấn đề bằng nội lực của chính mình để đạt tất cả mục tiêu mà mình vạch định.
Câu chuyện đàm thoại này cứ thế mà tiếp tục. Điều đáng nói là Thiền sư Viên Chiếu đã khéo léo hướng dẫn tâm thức người học trò đi vào thực tại với những gì đang xảy ra với cuộc sống đang trôi chảy, có giá trị thiết thực hiện tại. Tất cả những vấn đề gì mà người tham vấn đưa ra càng có nội dung mang tính triết lýsiêu hình thì lại được hóa giải một cách đơn giản, cụ thể bằng hình ảnh cảm nhận từ trực quan sinh động, dựa trên lý duyên sanh duyên khởi mà trả lời một cách chắc chắn. Chẳng hạn:
Hỏi: Tất cả mọi chúng sinh từ đâu tới và sau trăm năm sẽ đi về đâu?
Đáp:
Rùa mù xuyên vách đá
Ba miết đi lên núi cao
(Manh quy xuyên thạch bích
Bí miết thượng cao sơn)
Mới nghe qua tưởng chừng như Thiền sư Viên Chiếu bỡn cợt người học trò là vị Tăng khi đặt vấn đề chúng sanh từ đâu đến và sau trăm năm sẽ đi về đâu? Thật là câu hỏi quá xa rời hiện thực cuộc sống và chẳng có ích gì cho con người trong vấn đề tự thân tu tập, và khát vọng sống hạnh phúc. Nội dung câu hỏi ấy chẳng khác gì đi tìm lông rùa, sừng thỏ ở trên đời này. Cũng thế, chuyện con người từ đâu tới, chết đi về đâu cũng như hình ảnh con rùa mù làm sao đi xuyên qua vách đá, con ba miết không thể bò lên núi cao. Vì thế người học trò mới hỏi tiếp:
Người ta nói: Khóm trúc xanh xanh kia là chân như .Vậy công dụng của chân như là gì?
Thiền sư Viên Chiếu trả lời:
Người xa ngàn dặm đến đây
Cười tặng anh một bình trà
(Tặng quân thiên lý viễn
Tiếu bả nhất bình trà )
Cái thiện xảo của các vị thiền sư là luôn hướng tâm, khai tâm người học trò trở về thực tại hiện hữu. Chân như vốn hiện hữu trong cuộc sống đời thường, một khi nắm bắt được, hiểu được những giá trị làm nên cuộc sống đang trôi chảy. Bởi thế, chân như không ở đâu xa, nó có mặt nơi hàng trúc biếc xanh xanh nơi con người ta đang sống với sự bình an nội tại. Đó là diệu dụng của chân như. Cũng thế, diệu dụng chân như đã được thiền sư chỉ thẳng cho người học trò thật cụ thể, thật đời thường. Nó chẳng khác gì người khách từ xa đến, được người chủ ân tình niềm nở dâng ấm trà thật ấm lòng.
Tại đây, vị Tăng dường như không hiểu, nên cuộc đối thoại tiếp tục:
Hỏi: Thế là uổng công đến, có ích lợi gì?
Đáp:
Có ai biết được ông chủ đi đâu?
Suốt đời đi tìm chỉ bạc đầu.
(Thùy thức Đông a khứ,
Đồ trung tái bạch đầu.)
Lại hỏi tiếp:
Ngôi nhà sâu kín ở nơi thôn dã
Ai biết chỗ nào mà gõ cửa?
Sư đáp:
Cốc vàng bị tiêu điều đến nỗi hoa cỏ mọc cả lên
Mặc cho ngựa dê sớm tối
ăn uống tiêu điều
(Kim cốc tiêu sơ hoa thảo loạn,
Nhi kim hôn hiểu nhậm ngưu dương).
Lại hỏi:
Tại sao như thế?
Giàu sang và xa hoa
Khiến người ta thất bại trong cuộc sống này
(Phú quý kiêm kiêu thái
Phiên linh bại bại thị lâu)
Hỏi:
Long nữ dâng châu thành Phật quả
Người bố thí thì phước đức
như thế nào?
Sư trả lời:
Quế trong trăng muôn thuở
Tươi tốt hay héo khô tại vầng trăng
(Vạn cổ nguyệt trung quế
Phù sơ tại nhất luân)
Thực tế, chân như vốn có trong cuộc sống nhiệm mầu, vấn đề là con người nhận ra chân như. Đây cũng chính là “đại đạo căn nguyên nhứt lộ hành” mà chúng ta đã đề cập. Rất tiếc là người học trò vẫn chưa nhận ra, nên cho rằng diệu dụng chân như như la hình ảnh người khách đến được niềm nở mời uống trà là không phải, thật là nhọc công vô ích. Ngài lại khẳng định, nếu không nhận ra chơn tâm thường trụ trong tự tánh thanh tịnh của mình, dù có đi tìm mãi cũng không sao gặp. Điều đó, chẳng khác gì hình ảnh ông chủ bạc đầu đi tìm chân lý bên ngoài cuộc sống:
Có ai biết được ông chủ đi đâu?
Suốt đời đi tìm chỉ bạc đầu.
Trả lời như thế đã đưa người tham vấn phải hỏi thêm một lần nữa, để ngài khẳng định sự thật chân như vốn hiện hữu trong pháp giới, chỉ cần mở tâm thì có thể đón nhận. Sự thật, vẫn lập luận cũ, người tham vấn mới nói “tại ngôi nhà sâu kín nơi hoang dã, ai biết đâu mà gõ cửa?”.
Xem ra, thiền sư đã thấu hiểu thâm ý người học trò. Trong bối cảnh lịch sử như thế, các nhà lãnh đạo phải biết diệu dụng của Phật, Nho để đáp ứng nhu cầu xã hội đối với từng cá nhân con người. Nếu không được vậy thì chẳng khác gì “kim cốc tiêu sơ hoa thảo loạn, nhi kim hôn hiểu nhậm ngưu dương”.
Rõ ràng, Thiền sư Viên Chiếu đã lấy điển tích nhà Nho mà diễn đạt để người tham vấn dễ nhận ra vấn đề. Ai cũng biết ông Thạch Sùng đời Tấn ở đất Hà Dương làm quan đến chưc Vệ uy sứ, rất giàu có, sống xa hoa ở biệt thự Kim Cốc. Ông có người thiếp tên là Lục Châu rất đẹp. Tiếc rằng nàng phải tự tử vì Tôn Tú muốn chiếm hữu nàng. Thạch Sùng lại bị Tôn Tú gièm pha với Triệu vương, rồi mạo chiếu chỉ vua đem quân giết Thạch Sùng. Từ đó, vườn nhà Thạch Sùng ở Kim Cốc hoang vắng, ngổn ngang, để cho ngựa dê ra vào ăn cỏ thỏa thích. Nói theo tinh thần Nikàya, nếu không lo chuyển hóa thân tâm bằng các hạt giống tốt lành thì tâm thức trở nên hoang vu.
Và như thế, “giàu sang, xa hoa” sẽ dẫn đến thất bại là điều tất yếu. Đây là quy luật đối với tự thân mỗi người, cũng như xã hội. Suy cho cùng, Thiền sư Viên Chiếu là người có tầm nhìn rộng đối với lịch sử, con người trong việc xiển dương đạo pháp và phát triển đất nước.
Tại đây, người tham vấn lại đưa vấn đề “Long nữ dâng châu ngọc thì thành Phật quả, còn đàn na tín thí thì thế nào?”. Rõ ràng, vị Tăng muốn xac tín vấn đề công đức tu tập, hay công đức đóng góp cho xã hội thì diệu dụng của nó là gì? Hẳn nhiên, Thiền sư Viên Chiếu khẳng định tất cả mọi người đều có pháp tánh chơn như, cái gọi là Phật tánh bình đẳng. Vấn đề còn lại là cá nhân mỗi người cần phải chuyển hóa để cho Phật tánh hiển lộ. Cũng giống như cây quế tươi tốt, hay héo khô đều cũng ở trong vầng trăng mà thôi.
Nhưng người học trò không chịu dừng ở đây, muốn ngài chỉ thêm giữa cái lý thành Phật và cái tướng thành Phật. Vì thế thiền sư mới giải bày bằng hình ảnh thi ca ngoạn mục:
"Trên trời như treo gương
Nhân gian nơi nơi tỏ”
(Thiên thượng như huyền kính
Nhân gian xứ xứ thông)
Thật là sinh động và dễ dàng cảm nhận, trăng ở trên trời vẫn chiếu tỏ khắp mặt đất, ở nhân gian ai cũng có thể ngắm nhìn. Cũng thế, Phật tánh ai cũng có, chân như vẫn thường hằng. Có điều ai hằng sống với chơn tâm thì thấy diệu dụng vô cùng, sao lai nói nhọc công vô ích.
Vị Tăng lại nói:
Qua sông phải dùng bè
Đến bờ thì thuyền bỏ lại
Không qua sông thì thế nào?
(Độ hà tu dụng phiệt
Đáo ngạn bất tu thuyền
Bất độ thời như hà)
Sư đáp:
Hồ khô cá mắc cạn
Sống được vạn năm xuân
(Hạc trì ngư tại lục,
Hoạch hoạt vạn niên xuân)
Lại hỏi:
Thế thì theo dòng là được diệu lý?
Sư đáp:
Nghe nói bạn Kinh Kha
Một đi không trở lại
(Kiến thuyết Kinh Kha
Nhất hành cánh bất hồi)
Với chiều hướng tư duy như thế, vị thầy chỉ có cách đưa người học trò trở về nhận chân thực tại. Vẫn biết rằng, người ta qua sông thì phải sử dụng bè, đến bến thì phải để thuyền bè lại là điều hẳn nhiên. Còn trường hợp không qua thì chẳng khác gì con cá mắc cạn ở trong hồ khô, sống vạn năm xuân. Xem ra, cách nói của thiền sư là cách nói của người am tường không chỉ trên lý thuyết mà còn thực tiễn nữa. Cuộc sống luôn phát triển, con người phải biết tiếp cận tất cả, từ tri thức cho đến cội nguồn tâm linh mới thăng tiến chính mình.
Và không một ai có thể sống một mình, lại không nương tựa vào tất cả các điều kiện vốn có của xã hội, của nhân duyên hoàn cảnh, tách rời chúng ra thì không thể đạt được diệu lý như người tham vấn hỏi. Dĩ nhiên ngài phải trả lời bằng một điển tích:
"Nghe nói bạn Kinh Kha
Một đi không trở lại”
Rõ ràng Kinh Kha nhận nhiệm vụ đi giết Tần Thủy Hoàng, lúc ra đi thái tử Đan cùng tân khách tiễn Kinh Kha qua sông Dịch Thủy, Kinh Kha nói lời từ biệt: “Tráng sĩ một đi không trở lại, dòng sông Dịch Thủy sẽ đôi nơi...!”. Rốt cục, Kinh Kha đến cung vua Tần Thủy Hoàng và bị giết, từ đó không trở lại nước Yên. Thiêt tưởng, sống trong dòng đời mà không vượt thoát dòng đời thì sẽ bị cuốn hút bởi dòng đời. Cũng thế con người không vượt thoát dòng đời thì bị đọa lạc trầm luân. Thế là "đâu là đại đạo căn nguyên nhất lộ hành” phải không?
Câu thoại đầu giữa vị Tăng và Thiền sư Viên Chiếu còn nhiều vấn đề khác nữa được bàn thảo như "Kiến tánh thành Phật, nghĩa nó thế nào?”. Thiền sư Viên Chiếu vẫn theo phương thức thủ pháp cũ để trả lời:
"Cây khô gặp xuân hoa đua nở
Gió thổi hương thần thơm rất xa”
(Cô mộc phùng xuân hoa cánh phát
Phong xuy thiên lý phức thần hương)
Học trò chưa hiểu nên xin thầy chỉ dạy tiếp. Thiền sư đáp:
"Một cây cà vạn năm
Vươn lên đến tầng mây”
(Vạn niên gia tử thọ
Thương thuý vân đoan)
Sự trả lời này chẳng khác gì câu trả lời mà ngài từng dạy vị Tăng ở đoạn trước. Vẫn theo nhân duyên thời tiết mà cây trổ hoa, tỏa ngát hương thơm. Xuân đến thì trăm hoa đua nở, hương thơm theo đó mà tung bay khắp nơi. Thấy được diệu dụng này là thấy rõ bản thể vạn pháp, mà thấy rõ bản pháp chính là bản tánh thành Phật của con người. Đúng như Đức Phật từng dạy:”Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai”.
Tại đây, hành giả đi vào công phu hành trì tự chứng tự nội, hoằng hóa mà đem lơị lạc cho mình, cho người, công đức vô lượng. Từ con người chưa hoàn thiện nhưng nhờ công phu tu tập, nhận chân bản tánh thường nhiên mà thành Phật, hóa khắp tất cả. Chính vì lẽ đó, giá trị tự thân con người từ trong cái tầm thường cuộc đời vượt lên trên đời thường, chẳng khác gì loài hoa cà trong mảnh vườn vượt đến tận mây xanh. Diêu dụng của chân như là thê.
Hay khi bàn đến "Tổ tổ truyền nhau là truyền những gì?", Viên Chiếu đã thẳng thắn trả lời:
"Đói đến thì tìm thức ăn
Rét liền xin áo mặc”
(Cơ lai tu tầm mực
Hàn tức hướng cầu y)
Lại một hình ảnh rất quen thuộc trong cuộc sống, được thiền sư vận dụng để thi hoá cho phần trả lời của mình, nhằm làm cho người học trò dễ nhận chân tâm ý các Tổ. Các Tổ từ trong thực tế đời thường mà chứng ngộ, cũng thế hạnh phúc chứng nghiệm được cũng từ sư chuyển hóa hiện thực khổ đau. Rất bình thường, hay "bình thường tâm thị đạo” mà, có gì ghê gớm:
"Đói đến tìm thức ăn
Lạnh liền xin áo mặc”
Và nhờ sự vận dụng quan điểm này, Thiền sư Viên Chiếu, các thiền sư khác, cũng như những nhà lãnh đạo đất nước đã giải quyết những nhu cầu lịch sử đặt ra, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của cả dân tộc Đại Việt bấy giờ. Suy cho cùng, mỗi khi con người đã tỏ ngộ thì sống và làm việc tùy theo nhân duyên mà vận dụng vào thời cuộc, gia đình, hay từng cá thể. Họ có thể đem lại hạnh phúc cho cá nhân và xã hội, cuộc sống. Sống trong đời nhưng không bị cuốn hút hay nhiễm ô giữa cuộc đời. Với quan điểm mà Thiền sư Viên Chiếu giải trình qua Tham đồ hiển quyết như đã phân tích, thì những con người Đại Việt đời Lý đã làm rạng rỡ dân tộc bấy giờ. Hẳn nhiên, nhìn từ góc độ lịch sử văn hóa nước nhà thời đó những ai làm rạng rỡ dân tộc thì cũng làm rạng rỡ đạo pháp và ngược lại.
III. Kết luận
Bằng sự trực ngộ của chính mình, Thiền sư Viên Chiếu đã thi hứng tác phẩm Tham đồ hiển quyết như là lời giải trình các vấn đề thời đại đặt ra. Nhất là trong bối cảnh lịch sử dân tộc Đại Việt đã đang tập trung sức mạnh toàn dân để xây dựng nước Đại Việt phát triển hùng cường, không chỉ độc lập tự chủ trên biên giới, lãnh thổ mà còn độc lập tự chủ trên mọi phương diện, kể cả tín ngưỡng tâm linh...
Nếu tính từ khi đất nước thực sự độc lập từ thế kỷ thứ X đến nửa thế kỷ XI, thì dân tộc Đại Việt đã chuyển vận bánh xe lịch sử sang hướng khác để tính kế lâu dài hơn như thâm ý của vua Lý Thái Tổ được thể hiện trong văn "Chiếu dời đô". Tại thời điểm này, dân tộc Đại Việt đã yên vị trong tư thế ngẩng cao đầu và thật vững vàng đối thoại với các vấn đề mà thời cuộc đang diễn tiến như là một quy luật tất yếu đi lên trên các trào lưu tư tưởng. Vấn đề Nho giáo, Phật giáo được xem như là vấn đề trọng điểm để có thể lý giải, hóa giải các vấn đề thời đại đặt ra từ chính trị kinh tế, văn hóa giáo dục tín ngưỡng tâm linh, thúc đẩy nước Đại Việt đi lên theo chiều hướng phát triển. Chính vì lẽ đó, tác phẩm Tham đồ hiển quyết mà Thiền sư Viên Chiếu sáng tác đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc từ xưa cho đến nay.
Bằng nghệ thuật sáng tác theo thể tài thoại đầu thiền ngữ, được khơi nguồn từ trực cảm tâm linh trên cái nhìn của người đã chứng ngộ, Thiền sư Viên Chiếu đã thi hóa nội dung tư tưởng tác phẩm bằng hình tượng thi ca giàu hình ảnh, nhưng lại rất trữ tình, hiện thực. Đã là “hình tượng nghệ thuât thi ca” thì khả năng khai mở tâm hồn người đọc hữu hiệu vô cùng. Nó không chỉ làm cho người đọc thâm nhập thế giới hiện thực qua cảm xúc, ấn tượng mà đi thẳng vào thế giới tâm thức cội nguồn sự sống.
Xem ra, thi ca và thoại đầu - thiền ngữ là thế giới nội tâm mà từ đó, con người bước ra ngoài thế giới tư duy hữu ngã của sương mù vô minh, đi vào thế giới duyên khởi vô ngã để hóa giải các vấn đề để vươn tới hạnh phúc. Suy cho cùng, Tham đồ hiển quyết là một tác phẩm không chỉ có giá trị về tư tưởng nhân văn mà còn mang ý nghĩa như là một triết lý sống vượt thoát khổ đau, mở ra chân trời hạnh phúc tươi sáng của thế giới chân tâm thường trụ.
Thích Phước Đạt
Tài liệu tham khảo
1. Viện KHXH Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, NXB KHXH, Hà Nội,1998.
2. Ủy ban KHXH Việt Nam, Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập I, NXB KHXH, Hà Nội, 1977.
3. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, NXB TP.HCM 2001.
4. Thích Thanh Kiểm dịch, Khóa hư lục, Bài tựa sách Thiền tông chỉ nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1997.
5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Lá Bối, Sài gòn, 1974, tr.175.
(1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr.175.
(2) Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.230, Nguyễn Đức Vân dịch.
(3) Lê Mạnh Thát, Lịch sử PGVN, tập II, NXB TP.HCM, 2001, tr.620.
(4) Lê Mạnh Thát, Lịch sử PGVN, tập II, NXB TP.HCM, 2001, tr.623.
(5) Theo Lê Mạnh Thát, Lịch sử PGVN, tập II, NXB TP.HCM, 2001, tr.630-631.
(6) Khóa hư lục, Bài tựa sách Thiền tông chỉ nam (Thích Thanh Kiểm dịch), THPG TP.HCM, 1997, tr.82.