Góc nhìn của Phật giáo về tự tử vì áp lực thành tích

GN - Ngày 11-4, tin một học sinh ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) tự tử, để lại thư tuyệt mệnh cho biết bị áp lực trong học hành, vì kỳ vọng của người thân không thể hoàn thành.Cả xã hội vốn bức bối với giáo dục nặng thành tích, gia đình đặt lên vai con những gánh nặng thành danh, vào đại học lại thêm một lần “dậy sóng” sau khi biết tin đau lòng này, và càng đau đớn hơn khi em học sinh vừa ra đi có học lực giỏi, ngoan, hiền…
anh nguyen khuyen.jpg
Ngôi trường - nơi xảy ra vụ việc đau lòng hồi đầu tháng 4 vừa qua

Trầm cảm và lựa chọn “giải thoát”?

Trước đó một ngày, 10-4, cũng có một sinh viên tự tử, dù bất thành, cũng bởi chuyện học hành, thi cử, bị điểm thấp (phải thi lại), không chấp nhận được nên đã tìm cách quyên sinh bằng cách nhảy lầu.

Nhiều cái chết khiến người ta thương cảm nhưng có những cái chết được xem là yếu đuối. Bạn sinh viên thi chưa qua môn (dù bất cứ lý do nào) mà chọn cái chết thì đúng là… yếu đuối, nhiều bạn đọc đồng tình với bình luận này bên dưới bản tin trên báo Tuổi Trẻ. Một bạn đọc khác của báo Thanh Niên thì cho rằng, có thể người chọn cái chết vì điểm kém bị áp lực từ gia đình nhưng cũng có thể vì cái tôi của người này quá lớn, không chấp nhận thất bại, xem đó là đánh mất danh dự này kia nên đã nghĩ tới cái chết. Bình luận này cũng đáng suy ngẫm.

Theo dòng thời sự trong những ngày qua, nhiều suy nghiệm khác được đề cập nhân những vụ việc tìm “lối thoát” bằng cái chết bởi những thất bại hay áp lực từ việc học, việc làm hàng ngày ở không chỉ người trẻ. Rằng “chúng ta liệu đã đủ dũng cảm để đối mặt với mọi thứ không được như ý trong cuộc đời? Chúng ta liệu đã đủ kỹ năng để xử lý những tình huống tương tự?”.

Nhìn xa hơn, trên xa lộ thông tin về giải trí, nhất là Hàn Quốc, thi thoảng lại thấy có nghệ sĩ A, ca sĩ B, diễn viên C… tự tử do trầm cảm, áp lực của sự nổi tiếng, bị tẩy chay do dính scandal. Mất mát hào quang hay lo sợ mất đi tình yêu thương, sự tín nhiệm… khiến con người dễ hủy hoại bản thân vì đã đồng nhất mạng sống với danh vọng, địa vị hay những giá trị bên ngoài xã hội, tiền bạc mình sở hữu.

Từ đó, những người trẻ, có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cách hành xử này của các “ngôi sao”, vì so sánh, những người như vậy còn có thể… chết thì mình có gì đâu? Đây là điều rất nguy hiểm mà nếu không trang bị góc nhìn đúng sẽ có thể dẫn tới sự đồng nhất mình với những người nổi tiếng, họ làm được mình làm được.

Trở lại với câu chuyện một học sinh tự tử vì áp lực học hành ở Trường Nguyễn Khuyến, ThS.Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học - Đại học Sư phạm TP.HCM trăn trở: “Trong vòng từ đầu năm đến nay, tôi ngồi bàn tư vấn tâm lý, nghe nỗi lòng của không ít học sinh bị áp lực học tập, mà áp lực lớn nhất không phải các em thiếu năng lực hay cần cù... mà dù có làm gì thì cũng không bù nỗi “tham vọng” mà ba mẹ đặt lên vai các em.

Tôi không nói ba mẹ sai khi quan tâm, động viên và kỳ vọng về con, nhưng cái gì quá cũng không tốt. Theo đó, một học sinh lúc nào cũng 9, 10 điểm nhưng em đó chẳng thấy niềm vui học tập, rớt hạng hoặc có một con điểm 7, 8 là cả nhà nháo nhào lên như đứa trẻ vừa gây ra chuyện tày trời. Một đứa trẻ không yêu thích môn học mà ba mẹ thấy hay/môn sẽ quyết định đến ngành mà ba mẹ các em hướng cho thì thể nào cũng đôi lần “tao thất vọng, tao nuôi mày lớn nói mày không nghe, đồ bất hiếu...”.

Và, đó chính là một gánh nặng mà chính người lớn đã đặt lên đôi vai của con em mình, có thể ban đầu sẽ còn chịu đựng được nhưng đi xa thì chắc chắn mệt, do chưa đủ kỹ năng hay không có cơ hội giãi bày, chia sẻ nên các em chọn tự “quẳng gánh” đó bằng cách kết thúc mạng sống, với một lá thư tuyệt mệnh đau lòng…

Tháo gỡ những bế tắc ngay hôm nay

Là người có nhiều kinh nghiệm trong hướng dẫn tu tập, tháo gỡ những vấn đề rắc rối trong cuộc sống của Phật tử, nhất là người trẻ, TT.Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM), nhận định: bế tắc là điều mà ai cũng có lúc trải qua trong đời. Tuy nhiên, theo Thượng tọa, tất cả mọi thứ đều có chìa khóa để tháo gỡ nên bất kỳ ai, gặp bất kỳ điều gì cũng đừng vội vàng tìm tới cái chết như một cách giải thoát khổ đau.

TT.Thích Nhật Từ khuyên: “Cha mẹ nên quan sát con trẻ nhiều hơn để thấy những thay đổi nơi các cháu, nếu không đủ hiểu biết để tháo gỡ khó khăn cho con thì nên đưa con đến gặp các nhà tư vấn tâm lý để tìm ra cách giải quyết. Đặc biệt, đừng đẩy con trở thành ‘siêu sao’ với bệnh thành tích và giáo dục đề cao cái tôi quá mức”.

So sánh về chương trình học ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Úc, Canada..., TT.Thích Nhật Từ cho rằng, học trò Việt Nam học quá nặng, nhồi nhét kiến thức và “bị” đánh giá bởi những tiêu chí khắc nghiệt không cần thiết. Do vậy, dù học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải Olympic nhưng thực tế ứng dụng và lao động về sau không cao…

Cùng dòng suy nghĩ đó, ThS.Lê Minh Huân bày tỏ: “Ở ta có cái vòng luẩn quẩn - làm thay con, nghĩ thay con, thậm chí học thay con - dẫn đến đứa trẻ yếu kém kỹ năng, thiếu độc lập, không dám thể hiện bản thân... rồi xoay ra trách móc “cái gì cũng cung cấp cho nó đầy đủ mà sao vẫn thua kém con người ta?”, rồi quay sang trách thân, trách phận... sao có đứa con yếu mềm, bạc nhược, phụ thuộc...”.

ThS.Huân đặt vấn đề, các bạn trẻ biết làm gì bây giờ, cắm cổ học chữ thì lấy thời gian đâu rèn kỹ năng, cắm cổ học kỹ năng thì lấy đâu thì giờ học chữ để với tới điểm 9, 10. Cứ học lệch miết mười mấy, hai mươi năm trời... thì còn gì đời người?

“Ít lắm, ít bố mẹ biết làm thế nào để cân bằng kiến thức - kỹ năng thì dạy con cân bằng thế nào? Suy cho cùng cũng chỉ vì kỳ vọng thái quá mà thiếu suy nghĩ sâu xa... Phụ huynh cũng tội mà con trẻ còn tội hơn mấy chục lần”, ThS.Lê Minh Huân cảm thán.

Nói về việc cân bằng việc học, việc làm, TT.Thích Nhật Từ gợi ý: “Sức khỏe của con người chung quy có thể chất, cảm xúc, tâm trí và đạo đức. Do vậy, để có thể chất tốt, mỗi người cần dành thời gian rèn luyện thể dục, chơi một môn thể thao mỗi ngày ít nhất 30 phút. Về cảm xúc, thì trẻ con bị đề cao cái tôi với khuyến khích phải giỏi nhất, giỏi như ai đó mà quên mất vị trí của con mình ở đâu để phát huy theo hướng giỏi nhất có thể. Từ đó, khi không đạt được điều mong muốn thì sự tự ái nhân danh tự trọng đã dễ dàng sai khiến người ta làm chuyện dại dột”.

Anh PGTT 944.jpg


Nếu được học về quản lý cảm xúc qua thiền tập từ nhỏ như những học sinh
phương Tây này thì người trẻ sẽ vững chãi hơn trên mọi bước đường - Ảnh minh họa

Bàn về khía cạnh tâm trí thì những lý tưởng sống, giá trị sống đôi khi bị đánh giá sai và nhầm lẫn. Chính xã hội với số đông cứ cho rằng phải có địa vị, tiền bạc nhiều mới thành công mà quên mất những giá trị an lạc, hạnh phúc nhờ sống thiện còn quan trọng hơn. “Theo tôi, nên dạy đạo đức trong nhà trường theo hướng đề cao giá trị sống nhân văn, khơi gợi truyền thống quý báu của dân tộc như sự yêu thương, chia sẻ, tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, thay vì những bài giáo dục công dân nặng nội dung luật pháp, triết học”, TT.Thích Nhật Từ nói.

Cuối cùng, việc giảm cái tôi để có thể lắng nghe, kết nối với cộng đồng trong cái nhìn duyên sinh của đạo Phật phải được người trẻ trang bị qua những khóa tu học, thiền tập ở chùa. TT.Thích Nhật Từ khẳng định, đó chính là cơ hội để người trẻ có thể chuyển hóa cuộc sống của mình có chất liệu an vui hơn thay vì phải căng lên để rồi đến lúc chọn cách nổ tung…

An Lạc

Hãy thương con đúng cách!

Ai có con cũng đều thương con, mong con mình đạt được thành tích này, công danh nọ. Nhưng có bao giờ chúng ta lắng nghe con, từng một lần đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận những áp lực mà các cháu phải gánh chịu cho gia đình, dòng họ…

Các con thích gì phụ huynh có biết và việc các con thích gì có được tôn trọng? Thực ra, thương mà không hiểu sẽ làm khổ đau cho người thương. Khi đó không phải được thương mà là… bị thương!

Ngày nay, khi mỗi gia đình càng ngày càng sinh ít con nên việc đầu tư cho con được chú trọng. Điều đó cũng có lý do nhờ đủ điều kiện, nhưng đứa trẻ lớn lên trong chăm bẵm mọi thứ mà người lớn nghĩ là tốt nhưng liệu có thật sự tốt? Chúng sẽ dựa dẫm và đôi khi dễ vỡ khi gặp thất bại nhỏ trên đường đời. Không chịu nổi thử thách, không bước qua được đau thương và kết thúc cuộc sống cũng là vấn nạn của sự bảo bọc quá mức. Do vậy, hãy vừa thương yêu, vừa lắng nghe để không gây áp lực cũng đừng làm thay cho trẻ tất cả.

Hãy để trẻ trưởng thành theo cách của chúng, người lớn chỉ cần yêu thương và quan sát, định hướng nhưng không bắt buộc, dõi theo nhưng không làm thay, không quyết định thay chỉ vì mình nghĩ là tốt…

Đỗ Thị Hiền


* Bạn có chia sẻ gì về vấn đề này và có kinh nghiệm nào để chuyển hóa áp lực từ cuộc sống? Nếu có, mời chia sẻ câu chuyện của mình với bạn đọc Giác Ngộ, bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày