Hà Nội: Hội thảo quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập

(GNO-Hà Nội): Sáng 18-3, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế "Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập" đã khai mạc. Hội thảo do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội tổ chức.

HT. Thích Đức Nghiệp - Phó Thư ký HĐCM; HT. Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; chư tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch HĐTS, Ban Thường trực HĐTS, các tỉnh, thành phía Bắc; quý Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang - Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội; chư vị giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước đã đến dự Hội thảo.

Trong lời phát biểu chào mừng, HT. Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS cho biết, Tăng thống - Quốc sư - nhà văn hóa - ngoại giao Khuông Việt (933-1011) được khắc ghi đậm nét trong lịch sử Việt Nam, lịch sử Phật giáo Việt Nam như là một biểu trưng sống động về truyền thống đạo pháp gắn bó cùng dân tộc, về tinh thần “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.

"Điều quan trọng là, qua đó, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm từ lịch sử, vận dụng nó trong điều kiện mới, mà Phật giáo gọi là khế lý khế cơ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện lý tưởng muôn thuở là “Quốc thái dân an - Thế giới hòa bình!”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định.

TT. Thích Thanh Quyết - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội trình bày đề dẫn Hội thảo khoa học quốc tế "Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập". Theo Thượng tọa, những vấn đề chính được báo cáo và thảo luận cần làm rõ tại Hội thảo gồm 2 chủ đề chính: Quốc sư Khuông Việt: Thời đại, cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp; Phật giáo Việt Nam : Truyền thống và hiện đại. Trong đó, bao gồm các nội dung: Những vấn đề lịch sử, văn hóa, tư tưởng, Phật giáo, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ, dân tộc ... trước thế kỷ X; mối liên hệ giữa Phật giáo, hệ tư tưởng Phật giáo với các tôn giáo, hệ tư tưởng tôn giáo khác; cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Ngài Khuông Việt trên cương vị là Quốc sư, Tăng thống, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao dưới hai triều Đinh, Tiền Lê; những đóng góp của các vị thiền sư và lực lượng Phật giáo, tư tưởng Phật giáo, văn hóa Phật giáo trong buổi đầu củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển quốc gia phong kiến độc lập, tạo dựng diện mạo và căn cốt của nền văn hóa Thăng Long - văn minh Đại Việt thời Lý - Trần; quá trình tiếp biến, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; về những đóng góp của Phật giáo Việt Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng, triết học, lối sống ... trong diễn tiến lịch sử và hiện tại; vai trò của di sản văn hóa Phật giáo (vật thể và phi vật thể) đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển; Phật giáo Việt Nam hiện đại: Vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử trong điều kiện mới, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới, lối sống mới giàu bản sắc dân tộc.

Sau nghi thức khai mạc, Hội thảo bắt đầu làm việc tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban với 74 tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước.

Phiên thảo luận Quốc sư Khuông Việt thời đại cuộc đời sự nghiệp và đóng góp với sự chủ trì của TT. Thích Bảo Nghiêm cùng các giáo sư, tiến sĩ.

Phiên thảo luận Phật giáo Việt nam: Truyền thống và hiện đại do TT. Thích Thanh Đạt - Phó Viện trường Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng các giáo sư, tiến sĩ chủ trì.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Ơn nước luôn tròn đầy

GNO - 20 năm trước, khi cùng một người bạn đăng ký dự một khóa thiền do Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi bỡ ngỡ vì làm bất cứ việc gì cũng có một bài kệ để thực tập.

Thông tin hàng ngày