Hà thành ngũ danh tự: Khởi đầu ước cầu năm mới

Đi lễ đầu năm cầu an khang, tài lộc, cầu may mắn, cầu tình duyên…từ lâu đã trở thành một phong tục đẹp của người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung. Song thực tế, nhiều người đi lễ rất thành tâm mà chưa biết rõ về nơi mình đến cầu lễ.

Hà thành ngũ danh tự: Khởi đầu ước cầu năm mới ảnh 1
Thành tâm xoa chân tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ để lấy may đầu năm. (Ảnh: Nguyễn Anh/Vietnam+)

Nhân dịp đầu năm, phóng viên đã tìm hiểu và ghi nhận không khí đi lễ đầu xuân tại năm trong những ngôi chùa, đền thờ tiêu biểu, vốn nổi tiếng từ lâu của Thủ đô. Theo thứ tự nguyện cầu: An-Nhàn-Vững-Ấm-No.

Ngôi chùa đông người lễ đầu năm nhất

Vào dịp “Tết đến xuân về,” người dân Hà Nội và cả du khách trong nước, quốc tế dường như không thể bỏ lỡ cơ hội đến lễ, thăm viếng chùa Trấn Quốc. Thế nên ngay từ đêm Giao thừa cho đến suốt những ngày đầu năm mới Tân Mão, cả một đoạn đường Thanh Niên luôn nhộn nhịp khách đến lễ đầu xuân cầu An bình.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử-văn hoá, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ bậc nhất đất Hà thành được xây dựng vào thời kỳ tiền Lý Nam Ðế (544- 548) với tên gọi "Khai Quốc" (nghĩa là mở nước, ứng với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân).

Ðánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan của ngôi chùa, viện Viễn Ðông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn xứ Ðông Dương (1925).

Nơi thực sự được thưởng ngoạn cảnh chùa cổ thanh tịnh

Chùa Kim Liên (Quảng An, quận Tây Hồ) là ngôi chùa thiêng hiếm hoi có thể thực sự ngắm cảnh chùa dịp xuân này. Cũng nằm bên Hồ Tây nhưng lại trong một ngả rẽ không thông lộ nên ngôi chùa tránh được cảnh chen chân, không có dịch vụ đồ lễ hay bán hàng. Người về lễ đắm mình trong không gian rất thanh tịnh, tách khỏi sự xô bồ.

Xuân Tân Mão này, chùa Kim Liên mới được trùng tu rất đẹp và khang trang nên thực sự là điểm đến lý tưởng cho người muốn nhàn tâm đầu năm mới. Đây quả là chốn cầu thư nhàn.

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Tường trong cuốn “Việt Nam danh lam cổ tự,” (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 393): “Chùa Kim Liên là di sản nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn...”

Theo bảng đồng tại chùa: “Chùa được dựng từ triều vua Lê Nhân Tông, trên nền cũ của cung Từ Hoa đời Lý để thờ Phật và công chúa Từ Hoa, có tên gọi là chùa Đại Bi. Ðến năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), chúa Trịnh Sâm đem gỗ từ chùa Bảo Lâm đến sửa chùa và đổi tên là chùa Kim Liên. Năm Nhâm Tý, đời vua Quang Trung, chùa được tu sửa và mở rộng.”

"Được xoa bàn chân Đức Huyền Thiên Trấn vũ là một may mắn!"

Đền Quán Thánh là một di tích lịch sử văn hóa được xây dựng từ thế kỷ XI. Đền là một trong những điểm đi lễ mà người đến lễ phải mua vé tham quan. Tuy chỉ 2000 đồng nhưng nhiều người tới lễ lần đầu khá ngạc nhiên. Ðền được tạo dựng từ đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) để thờ thánh Trấn Vũ - vị thần trấn giữ phương Bắc, vì thế, còn có tên là Đền Trấn Vũ.

Quán được trùng tu lớn vào các năm 1677, 1893, đời Lê Hy Tông, cho đúc tượng Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3,96m, nặng 4 tấn năm 1681, rồi lại xây bệ đá cao 1,2m đặt tượng lên năm 1894. Đây là một công trình nghệ thuật của thế kỷ 17. Tượng Trấn Vũ cao lớn, mặc áo đạo sĩ đen. Người về cầu lễ đều cố gắng được xoa chân Thánh rồi xoa lên mặt, lên đầu với mong muốn được khỏe mạnh, may mắn, khai thông trí tuệ. Đức Huyền Thiên Trấn Vũ là nơi  nguyện cầu sự vững vàng từ sức khỏe, tri thức đến sự nghiệp. Chị Dung ở Khâm Thiên nói: "Được xoa bàn chân Đức Huyền Thiên Trấn vũ là một may mắn!"

Ở gác tam quan của Đền Quán Thánh có treo một quả chuông cao gần 1,5m đúc cùng thời với tượng Trấn Vũ. Tiếng chuông này đã được đi vào ca dao xưa: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.”

Chùa Hà - nơi cầu tình duyên và hạnh phúc đầu xuân

Tương truyền dân gian về lễ chùa Hà sẽ được phù hộ về nhân duyên, hạnh phúc. Ở những cửa hàng bán đồ lễ đối diện cổng chùa, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều tấm biển hiệu “Nhận viết sớ cầu duyên.”  Có lẽ, cầu duyên là một nét độc đáo mà người ta hay nghĩ tới mỗi khi nhắc đến chùa Hà. Thế nên chùa Hà là nơi cầu ấm (yên ấm, tình cảm).

Chùa Hà nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy được nhiều người dân Hà Nội đến lễ, đặc biệt là vào dịp Tết. Bên cạnh chùa Hà là đình Bối Hà, thường gọi là đình Hà, thờ đức ông Triệu Chí Thành (tướng của Triệu Quang Phục).

Chị Lợi, ở Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Đi lễ chùa đầu năm để cầu khấn cho các thành viên trong gia đình mạnh khoẻ là thói quen của gia đình tôi. Từ hơn hai mươi năm trước vợ chồng tôi chưa cưới cũng tới đây cầu nên đôi.”

Chị Lợi mặn mà nói thêm: “Bây giờ các con trưởng thành, sắp có cháu thì còn cầu duyên gì nữa (cười). Cầu hạnh phúc, hòa thuận thì tài lộc mới đọng, không đại hao, tiểu hao. Đầu năm, chưa đi lễ chùa Hà ngày nào là tôi chưa yên lòng ngày đấy”.

Chị Nga, người bán đồ lễ tại đây cho biết: “Từ những ngày đầu năm đến gần rằm tháng Giêng, chùa luôn đông người cầu lễ. Sau mùng 7 tháng Giêng sẽ đến lượt các sinh viên về nghỉ Tết trở lại Hà Nội đến cầu duyên.”

Chị Nga đưa ra nhận xét: “Nhưng sinh viên thường không mua lễ mà chỉ dùng tiền lẻ đặt giọt dầu trên các ban. Họ cứ ước sao thì cầu luôn như thế, họ không nặng về lễ bái hay ý thức rõ về tâm linh như người nhiều tuổi đi lễ chùa.”

Đi lễ Phủ Tây Hồ xin Thánh Mẫu ban tài lộc

Về vị Thánh Mẫu thờ trong Phủ Tây Hồ được người dân tổng Thượng, huyện Phụng Thiên xưa kể lại: Quỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng thượng đế xuống trần gian đầu thai làm Giáng Tiên. Quỳnh Hoa đã được dân chúng lập phủ thờ, đặt tên là Bà Chúa Liễu Hạnh, được xem là một trong bốn vị “tứ bất tử”, là tấm gương về việc tự mình tạo lấy hạnh phúc.

Bà Chúa Liễu Hạnh theo quan niệm dân gian đã trở thành một mẫu quyền năng vô lượng và phân thân, hóa thân thành các thần linh cai quản muôn mặt của vũ trụ: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản trên trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản núi rừng, Mẫu Thủy (hay Mẫu Thoải) cai quản trên sông biển, thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành, coi trọng vai trò của người mẹ.

Phủ Tây Hồ còn gắn liền với truyền thuyết về Kim Ngưu nên còn có đền Kim Ngưu để thờ thần Trâu Vàng.

Với ước nguyện về sự no đủ, may mắn, tài lộc và sự trợ giúp thành công Thánh Mẫu ban cho mà người người theo nhau đổ về lễ Phủ Tây Hồ đầu xuân và ngày rằm, mùng một suốt cả năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày