Hà Tĩnh: Chùa Yên Lạc hoàn công, an vị tôn tượng Phật

GNO - Sáng 4-12, tại chùa Yên Lạc (thôn Mỹ Châu, xã Thạch Ngọc, H.Thạch Hà) đã diễn ra lễ hoàn công phục dựng ngôi Tam bảo, an vị tôn tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni do nhà chùa tổ chức.

chua yen lac (12).jpg


Chư Tăng chứng minh buổi lễ

ĐĐ.Thích Tâm Phương, UVTT, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; ĐĐ.Thích Thiện Nhơn, Trưởng BTS GHPGVN H.Thạch Hà; ĐĐ.Thích Chúc Giác, Phó BTS huyện Thạch Hà cùng chư tôn đức Tăng; ông Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Quốc Hương, ông Ngô Văn Tân - đồng Phó Chủ tịch UBND H.Thạch Hà; ông Nguyễn Lương Lĩnh, Phó chủ tịch HĐND H.Thạch Hà; cùng lãnh đạo chính quyền huyện, xã sở tại và hơn 200 Phật tử, người dân dự lễ.

Được biết, làng Mỹ Châu xưa thuộc tổng Đông, phủ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có chùa - tục gọi là chùa Mỹ Châu, còn gọi là chùa Yên Lạc, trước cổng có ba chữ hán “Yên Lạc tự”. Tương truyền và theo những di vật còn sót lại, chùa được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần (1279 - 1293).

Chùa và cổng chùa Mỹ Châu quay về hướng nam. Cổng chùa đứng sát mép con đường lớn, cổng chùa được gọi là ngõ lâu, được làm hai tầng bằng gỗ, mỗi tầng là một phòng vuông 3m, tường xây bằng gạch thủ công nhỏ, trên lợp ngói vảy âm dương.

Chùa làm bằng gỗ tốt, theo kiểu Trùng thiềm điệp ốc (mái chồng nhà nốicòn gọi là trùng lương trùng thiềm - là một kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Bốn cột của gian giữa cao 2.8m, xà dài 2.5m, hai gian ở hai bên mỗi gian xà dài 2m, xung quanh tường gỗ, cửa bằng gỗ, chùa không cao to nhưng đẹp, duyên dáng.

Khuôn viên hình chữ nhật của chùa được bao quanh bằng tường thấp 70cm xây bằng đá tự nhiên và vôi.

Xung quanh chùa cây cối xanh tốt. Đặc biệt phía sau chùa (nơi đài tượng niệm liệt sĩ hiện nay), cây cối rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ như ở trong rừng.

Trong khuôn viên chùa có trồng các bụi hoa tứ kinh, cây tứ kinh thuộc loại thân gỗ, hoa đẹp, sống khỏe, kể cả khi không có điều kiện chăm sóc.

Trong chùa có tượng Phật sơn son thiếp vàng, có chuông đồng cao 45cm, đường kính 28cm, quai đúc hình con rồng có 4 nốt tròn xung quanh. Theo lời kể lại, chuông lấy từ xã Đức Lâm về (Đức Lâm là tên cũ của xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà) hiện nay, nơi có nghề đúc đồng truyền thống). Chuông treo dưới mái hiên phía tây chùa.

chua yen lac (20).jpg


Quang cảnh lễ hoàn công

Theo dòng lịch sử, chùa Yên Lạc bị phá dỡ, làm hư hại nhiều tượng Phật, pháp khí…

Tuy nhiên, bà con thiện tín cũng như một số lãnh đạo chính quyền có nhiệt tâm với quê hương, với văn hóa truyền thống, và với những kỷ niệm xưa bên ngôi chùa làng hơn 20 năm nay đau đáu phục dựng lại chùa.

Nhân duyên ngày 2-7-Mậu Tuất, chùa Vĩnh Phúc (xã Thạch Hương) tổ chức lễ Vu lan báo hiếu, Sư cô Thiền Luận về tham dự và Phật tử đã trình bạch nguyện vọng nói trên. Từ đó, ngôi chùa đã được tiến hành phục dựng sau khi làm các thủ tục pháp lý cần thiết.

Theo đó, chùa khởi công ngày 16-9-Mậu Tuất (24-10-2018), nay đã khôi phục cơ bản phần chánh điện và an vị tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 2,1m…

Tại buổi lễ, ĐĐ.Thích Thiện Nhơn phát biểu khai mạc nói về ý nghĩa, công đức xây dựng ngôi chùa, đồng thời chúc mừng Phật tử, nhân dân dân xã Thạch Ngọc đã có nơi tu học, sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã chúc mừng bà con Phật tử xã nhà và gửi lời cám ơn đến nhóm Phật tử thiện nguyện cũng như sự trợ duyên của Sư cô Thiền Luận. Ông cho rằng ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự tâm linh mà còn là nơi giáo dục hướng thiện, giúp mọi người sống tốt với gia đình và xã hội, vì vậy việc khôi phục lại chùa Yên Lạc là đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân dân.

chua yen lac (3).jpg


An vị tượng Phật tại chánh điện chùa

ĐĐ.Thích Tâm Phương có đạo từ tán dương nhóm Phật tử thiện nguyện, tán dương và hoan hỷ trước sự nhiệt tình trợ duyên của lãnh đạo chính quyền xã Thạch Ngọc.

Cuối buổi lễ, đại diện nhóm Phật tử thiện nguyện dâng lời tác bạch tri ân lên chư tôn đức Tăng Ni cũng như cảm ơn thiện tín và Phật tử xa gần đã nhiệt tâm đóng góp trùng tu; sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền để hoàn thành tâm nguyện phục dựng chùa, tổ chức lễ an vị tôn tượng Phật.

Hồng Lam

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày