Con cháu dòng họ Lý đang chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho 70 tôn thất nhà Lý bị sát hại hơn 700 năm trước. Điều đặc biệt là sự kiện này sẽ có sự tham gia của dòng họ Trần, như một cử chỉ hòa giải giữa hai dòng họ. |
Chùa Phúc Lâm - nơi sẽ diễn ra lễ cầu siêu. Ảnh: Chu Khôi Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép việc Trần Thủ Độ sau khi bức tử vua Lý Huệ Tông, đã tàn sát những người trong tôn thất nhà Lý, với mong muốn tiêu diệt tận gốc họ Lý để tập hợp nhân tâm hướng vào họ Trần. Tuy nhiên, vẫn có một số người trong tôn thất nhà Lý may mắn thoát chết. Theo truyền ngôn của dòng họ Nguyễn gốc Lý, sau khi 70 tôn thất nhà Lý bị chôn sống vào năm 1232, một số người đã phải chạy lên biên giới lánh nạn và đổi thành họ Nguyễn, nhờ vậy đã tránh được tai vạ. Dù ở đâu, người gốc Lý vẫn luôn có ý thức lưu truyền phả hệ, không bao giờ quên chú chữ "gốc Lý" bên cạnh tên họ Nguyễn trong gia phả. Đến thế kỷ 18, ông Nguyễn Đường đã tìm về sinh sống tại quê cha đất tổ ở Du Lâm (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Ở làng Vân Điềm (cùng huyện) còn một dòng họ Nguyễn gốc Lý. Theo truyền ngôn của họ này, bất cứ ai trước khi qua đời cũng phải dặn dò con cháu về gốc gác của gia tộc là họ Lý. Phả tộc còn ghi, dòng họ Nguyễn này là hậu duệ của Lý Hùng Tích, em vua Lý Nhân Tông. Sau sự biến nhà Trần kế ngôi nhà Lý, hậu duệ đời thứ 8 của Lý Hùng Tích là Lý Quang Bật đã tụ hợp dân binh chống lại nhà Trần, nhưng thất bại bị nhà Trần đày lên Ba Điểm ở huyện Lũng Hữu, tỉnh Lạng Sơn. Đến đời thứ 15, hậu duệ của dòng họ là cụ Nguyễn Thiện Tính đã trở về làng Vân Điềm ngày nay sinh sống. Lễ cầu siêu sẽ diễn ra từ 15-17.4.2010 (tức 2-4 tháng 3 năm Canh Dần) tại khu vực bãi Sập và chùa Phúc Lâm ở xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Ngày 15.4 vào lúc 9 giờ sáng có lễ cáo yết tôn thất nhà Lý tại đền Đô (Bắc Ninh) và cáo yết tôn thất nhà Trần ở đền Trần (Nam Định), sau đó cung thỉnh linh vị nhà Lý và nhà Trần về khu vực bãi Sập (Hoa Lâm viên). Ngày 16.4, sau khi tổ chức cúng Phật, sẽ làm lễ triệu linh và rước linh vị 70 tôn thất nhà Lý vào chùa Phúc Lâm. Ngày 17.4, tụng kinh cầu quốc thái dân an, sau đó lễ tạ hoàn tất. Tính đến thời điểm hiện tại, hậu duệ nhà Lý đã kiểm đếm được khoảng hơn 3.000 người, chủ yếu đang sinh sống tại Mỹ và Hàn Quốc. Riêng tại Việt Nam có khoảng 700 người, trong đó hiện đang trụ lại ở Mai Lâm (tức Hoa Lâm xưa) có 19 hộ gia đình, với tổng cộng 78 người. Một lễ cầu siêu cho tôn thất nhà Lý hiện đang được Ban Chỉ đạo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành hội Phật giáo Hà Nội và chính quyền huyện Đông Anh chuẩn bị. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi đã tiếp xúc với các vị đại diện dòng họ Lý, nhân dân và các bậc trí thức, họ đều nói rằng nên làm lễ cầu siêu cho 70 vương thất nhà Lý. Khi trình kế hoạch này, Chính phủ rất ủng hộ". Thượng tọa Thích Bảo nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, kiêm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi đã cầu được ngài Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN đứng ra làm chủ lễ cầu siêu, ngài đã nhận lời". Ông Nguyễn Quốc Hưng cũng bày tỏ: "Chúng tôi đã báo cáo và xin ý kiến của con cháu họ Nguyễn gốc Lý, tất thảy đều đang rất mong chờ sự kiện này, cùng có chung nguyện vọng là tổ chức tại xã Mai Lâm và đưa vong về thờ ở chùa Phúc Lâm, bởi vì tất cả mọi người trong dòng họ khi qua đời đều được đưa vong về đây. Nên tổ chức lễ cầu siêu vào ngày 3.3 âm lịch vì ngày này được truyền ngôn là ngày giỗ các vương thất nhà Lý. Mặt khác sau đó ngày mùng 5 có lễ hội Đền Đô, giải oan trước rồi mới đến lễ hội sau là rất hợp lẽ. Sau khi sự việc bi thảm xảy ra, nhà Trần đã cầu siêu cho các vong hồn nhà Lý rồi. Việc cầu siêu này không chỉ để cầu siêu thoát cho các vong hồn, mà còn phải hòa giải oan khuất, vướng mắc về tâm linh giữa hai dòng họ Lý và Trần". |