Ngài Kim Cương Trí xuất thân từ Nam Ấn, được các Tăng Ni cũng như giới cư sĩ tôn sùng và gọi là Tổ sư về Mật giáo Trung Quốc. Dưới sự dẫn dắt của vị thầy này, năm 774, Hyecho đã được Hoàng đế Đại Tông (nhà Đường) sủng bái cho làm lễ cầu mưa. Qua đó, ta có thể thấy học vấn và danh tiếng của sư Sunim Hyecho tại Trung Quốc lúc ấy. Bằng nhiệt huyết và nỗ lực phi thường, năm 723, sư Hyecho đã quyết định thực hiện chuyến hành hương đến Thiên Trúc, Ấn Độ, con đường "100 người đi không ai quay trở lại", đi ngược lại quãng đường của ngài Kim Cương Trí, với quyết tâm cứu vãn nền Phật giáo nước nhà, Thiền sư Hyecho đã rời Quảng Châu và tới Đông Thiên Trúc bằng đường biển, sau đó ròng rã suốt 4 năm trời với bao gian nan, vất vả để đi khắp các nước giáp phía Tây Trung Quốc. Sau đó, Sư đã viết cuốn ký sự du hành mang tên "Wang-o-cheon-chuk-guk-jeon", tức là "Ký sự hành hương đến 5 vương quốc Ấn Độ". Wang-o-cheon-chuk-guk-jeon cùng với cuốn "Những cuộc du hành của Marco Polo - The travels of Marco Polo", "Đông du ký" của Odoric da Pordenone và "Hành trình của Ibn Battuta - Ibn Battuta’s Journey" được xếp vào hàng 4 cuốn ký sự du hành nổi tiếng trên thế giới.
Wang-o-cheon-chuk-guk-jeon là cuốn sách cổ nhất trong 4 cuốn ký sự nói trên, bao gồm 6.000 từ, 227 dòng, là 1 tờ giấy cuộn ngang, được ghép lại bởi 10 tờ giấy, mỗi tờ cao khoảng 28,5cm và ngang 42cm. Cuốn sách đã bị thất lạc cho đến khi nhà nghiên cứu Đông phương học, học giả người Pháp, Paul Pelliot, phát hiện ra nó trong một hang động ở Đôn Hoàng, Trung Quốc vào năm 1908. Cuốn sách đã bị mất mặt trước và mặt sau nên không thể biết tên tác giả hay chữ ký, nhưng nội dung của nó đã miêu tả rõ chuyến hành hương phi thường của Thiền sư Hyecho. Ông rời Quảng Châu tới Ấn Độ và các nước Trung Á năm 723 và trở về núi Thiên Sơn (Trung Quốc) năm 727. Cuốn ký sự Hyecho còn lại ngày nay không phải bản gốc mà chỉ là tài liệu sao chép từ bản tóm tắt của 3 quyển sách gốc. Tuy vậy, người ta vẫn có thể xem rõ nội dung cuốn ký sự vì nó chỉ bị mất phần đầu và phần cuối (phần đầu của cuốn 1 và phần cuối của cuốn 3). Mặc dù nội dung và số lượng ghi chép khác nhau theo từng quốc gia, nhưng toàn bộ quá trình hành hương của thiền sư Hyecho, từ phương hướng, thời gian di chuyển, vị trí, quy mô khu vực, tới tình hình cai trị và hoạt động của các Tăng, Ni Phật giáo, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, sản vật, khí hậu ở những nơi đó đều được ghi lại theo trình tự trong cuốn sách. Do đó, đây được coi là cuốn sách duy nhất khái quát được toàn cảnh Ấn Độ trong thế kỷ thứ VIII. Sư Hyecho đã ghi lại phong cảnh, tập tục văn hóa ở mỗi nước bằng những bài thơ ngũ ngôn độc đáo. Wang-o-cheon-chuk-guk- jeon thực sự là một tuyệt tác đáng khâm phục của thế kỷ thứ VIII, miêu tả gần 40 quốc gia vỏn vẹn chỉ trong 6.000 chữ với những câu văn ngắn gọn, súc tích.
Tuyệt tác Wang-o-cheon-chuk-guk-jeon mô tả chuyến đi bộ hành hương kéo dài 4 năm với 11.000km đường bộ và 9.000km đường biển, không phải chỉ là một bản ký sự đơn thuần mà được coi như một tài liệu khảo cổ học, nhân loại học hiếm có trên thế giới. Nhưng tiếc thay, người đi tìm chân lý về sự giao lưu văn minh nhân loại đầu tiên của Hàn Quốc, Thiền sư Hyecho, đã không thể trở về quê hương cho tới tận khi ông mất năm 787, ở tuổi 83 trên đất nhà Đường.