Hành hương cúng dường

Phước đức thường không tùy thuộc vào vật phẩm nhiều hay ít mà chính là ở thái độ, mục đích của người hiến tặng.
Phước đức thường không tùy thuộc vào vật phẩm nhiều hay ít mà chính là ở thái độ, mục đích của người hiến tặng.

GN - Mùa an cư kiết hạ đã qua ngót một nửa. Đây là thời điểm mà các hành giả an cư nỗ lực tu tập để đạt được những kết quả tốt đẹp. Trong dịp này, nhiều Phật tử cũng đã tổ chức những chuyến hành hương cúng dường, thể hiện tinh thần ngoại hộ một cách đáng quý.

Đối với nhiều Phật tử, hành hương là một trong những chương trình tu tập đặc biệt. Mùa xuân có hành hương thập tự, du xuân lễ Phật, cầu nguyện sự bình an, hạnh phúc đến với bản thân và gia đình. Mùa hạ có hành hương cúng dường, tạo phước, thân cận chư Tăng Ni tu tập; điểm hành hương cúng dường mà Phật tử hướng đến chính là các trường hạ, nơi chư Tăng hay chư Ni tập trung an cư, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới - định - tuệ. Việc hành hương cúng dường trường hạ do đó mang một ý nghĩa rất lớn, ngoài việc tu tạo công đức, phước thiện, còn thể hiện tinh thần hộ trì Chánh pháp. Hộ trì Chánh pháp là một phước báu rất lớn, lớn hơn nhiều so với việc cầu phước cho bản thân.

Người Phật tử tu hạnh bố thí - cúng dường là bước đầu tiên để đi vào cánh cửa phước đức - trí tuệ. Trong đó, cánh cửa phước đức bao gồm: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định; cánh cửa trí tuệ chính là độ thứ 6 trong Lục độ: trí tuệ, biết rõ thực tướng của các pháp. Phước đức và trí tuệ là hai mặt bổ sung tròn đầy đối với một người tu tập đạt đến giải thoát, giác ngộ. Tuy vậy, trong Lục độ - con đường tu tập của Bồ-tát, bố thí luôn đứng đầu. Người tu hành theo Phật, do đó không nên xem thường việc tạo phước. Nếu vào được cửa phước đức thì tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, cầu gì cũng được toại ý.

Thông thường, chúng ta quan niệm bố thí là hành vi ban bố, ít nhiều hàm nghĩa người thọ nhận được đặt để ở một vị trí thấp hơn. Tuy nhiên, bố thí (dāna) là “vì lòng từ bi đem phúc lợi ban cho người”, không có ý niệm phân biệt. Đức Phật thường dạy các Phật tử tu tập theo pháp bố thí, đem các vật phẩm như cơm ăn, áo mặc, thuốc men, chỗ ở hiến tặng cho các bậc đại đức và những người nghèo khổ. Cho nên trong bố thí có cả ý nghĩa cúng dường theo như quan niệm thông thường. Cúng dường hay cung dưỡng (pūjanā) được hiểu là dâng các thức ăn, thức uống, đồ mặc v.v… hiến cúng Tam bảo, sư trưởng, cha mẹ và cả vong linh v.v…

Việc bố thí - cúng dường có được nhiều hay ít phước đức thường không tùy thuộc vào vật phẩm nhiều hay ít mà chính là ở thái độ, mục đích của người hiến tặng. Bố thí với tâm thanh tịnh, không dính mắc luôn luôn được phước nhiều hơn so với bố thí với tâm ô nhiễm. Đối tượng thọ nhận cũng góp phần không nhỏ trong việc bố thí, như bố thí cho kẻ sát nhân, kẻ nghiện… dù nhiều vẫn được phước ít; ngược lại, đem từ tâm cung phụng người có đạo đức, giúp họ hăng hái học đạo, thì vật cho tuy ít nhưng phước báo lại nhiều…

Trong mùa an cư kiết hạ, quý Phật tử hành hương cúng dường được xem là giúp người học đạo, tu hành - không chỉ hộ trì cho một người, mà cho cả một hay nhiều đạo tràng an cư tu tập - cho nên phước đức lại càng lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1310 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chân lý thứ ba rưỡi giữa khổ đau và hạnh phúc tối thượng

GNO - Hạnh phúc chân thật không nằm nơi những gì dễ đổi thay. Tỳ-kheo Thanissaro nhắc nhở chúng ta: nếu còn tìm hạnh phúc trong những điều gắn liền với khổ đau, thì thất vọng chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ khi quay về với nội tâm tĩnh lặng, ta mới chạm được vào an lạc bền vững.
Đoàn khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn

Thái Nguyên: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và lãnh đạo liên ngành khảo sát địa điểm đặt Văn phòng Phật giáo

GNO - Chiều 17-7, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; bà Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh làm trưởng đoàn, đã khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn.

Thông tin hàng ngày