Chỉ khoảng 15 phút sau khi bước chân ra khỏi phi trường quốc tế Lhasa Gongga, cách trung tâm thành phố Lhasa (khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc) một giờ xe chạy, cảm giác khó thở bắt đầu xuất hiện rõ rệt vì chúng tôi đã ở độ cao 3.670m.
Thành phố... khó thở
Thoạt đầu chỉ là sự nhói buốt ở hai thái dương, sau đó cảm giác khó thở nhanh chóng lan khắp cả đầu và từ từ nâng “cấp độ”, như có tảng đá đang đè nặng trên đỉnh đầu. Mặc cho anh Ten - hướng dẫn viên người dân tộc Tạng - tranh thủ “khoe” con đường mới xây dựng chạy về trung tâm thành phố chỉ còn một giờ xe chạy thay vì gấp đôi như cách đây vài năm, các du khách đến từ xứ sở nhiệt đới không giấu được vẻ mệt mỏi. Nhiều người không chịu đựng nổi khi chứng thiếu oxy ở vùng đất quá cao - trên 4.000m so với mực nước biển - bắt đầu hoành hành.
Tây Tạng chưa kịp vào đông nhưng trên đường phố đã không có mấy khách du lịch. Theo anh Ten, du khách sợ khí hậu khắc nghiệt ở nơi đây do nhiệt độ ban ngày trung bình 0-3oC, ban đêm dưới -5oC. “Trời quá lạnh, lại thiếu oxy không thở được, không ngủ được nên du khách chóng mệt mỏi và cảm thấy ở đây như... địa ngục” - anh Ten chia sẻ.
Khắp trung tâm Lhasa, nhìn đâu cũng thấy những khu phố được xây mới chẳng khác gì các kiến trúc Bắc Kinh đang sở hữu. Ngay tại khu vực phố cổ đã được chính quyền quy hoạch không cho phép xây dựng nhà cao quá ba tầng, vẫn khó lòng tìm thấy nét đặc trưng của người Tây Tạng còn lưu lại trên những mái nhà, góc phố... Hạ tầng đường sá tốt đến mức hiếm có cảm giác bị xóc xe do phải tránh ổ voi hay ổ gà. Tại các con phố chính và đường phụ dẫn ra ngoại vi thành phố, camera có mặt khắp nơi ở các giao lộ, “bắn” cẩn thận số xe ra vào thành phố, phục vụ cho việc kiểm soát lượng xe ra vào trong ngày.
Hành đạo giữa trời
Cung điện Potala (Bố Đạt La Cung) - chỗ ở của Quan Thế Âm Bồ Tát và cũng là nơi ở của các đạt lai lạt ma - cao 137 tầng, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới có vị trí cao nhất thế giới, lộng lẫy trong nắng sớm đầy buốt lạnh. Bất kể gió bụi thời gian hằn lên chốn linh thiêng uy nghiêm, đoàn người hành hương từ khắp nơi vẫn đổ về cổng chính thực hiện tam bộ (đi ba bước) để ngũ thể (chân, tay, ngực, trán...) một lần chạm xuống đất (nhập địa) - một nghi thức vái lạy của người Tạng khi họ đứng trước bất kỳ đền đài, tu viện nào.
Đoàn người cứ rùng rùng di chuyển, không nhìn nhau, cũng chẳng nhìn du khách, mắt chỉ chăm chăm hướng về phía trước hoặc ngước lên bầu trời, một tay lần tràng hạt, tay kia không ngừng quay khối “chuyển luân chung” (một vật đúc bằng đồng có trục dọc cầm tay) mà anh Ten giải thích là “chuông chuyển kinh từ cõi người lên cõi chư Phật”. Ngắm kỹ khối “chuyển luân chung” lúc nào cũng quay tròn và người cầm chỉ cần xoay nhẹ sẽ thấy hàng hàng lớp lớp dòng kinh được khắc chi chít dọc theo trục dọc của chuông đầy mê hoặc. Có người cầm loại nhỏ cỡ chai nước suối, nhưng cũng có người cầm loại to đến mức phải dùng cả hai tay mới xoay chuông chuyển động nổi.
“Ngũ thể nhập địa”
Từng nhóm người hành hương cứ tự chọn cho mình một chỗ lý tưởng để “ngũ thể nhập địa”. Địa điểm có thể là trên nền đất lạnh lẽo dưới tán cây si rợp bóng, giữa cổng chính vào cung điện trong muôn trùng bước chân của những người hành hương khác, hay từ những bậc thang đầu tiên trong số 282 bậc thang dẫn lên tới đỉnh cao nhất của cung điện trong địa thế cheo leo khó khăn.
Hình ảnh “ngũ thể nhập địa” cứ thế lặp đi lặp lại dù bạn đến bất kỳ đền đài nào ở khắp thành phố Lhasa, từ tu viện Sắc Nhạ (Sera) đến chùa Đại Chiêu (Jokhang). Không ít người đang giữ tâm linh về một tôn giáo nhất định nào đó cũng trở nên vô ưu khi thấy hình ảnh hàng vạn tín đồ sùng kính miệt mài, nhẫn nại trong thinh lặng “ngũ thể nhập địa” giữa đất trời. Nói như anh Ten, “một đời người Tây Tạng phải lạy đủ 100.000 cái thì mới xong bổn phận với đạo giáo”, nhưng với những gì tận mắt nhìn thấy, có lẽ người Tây Tạng đã vượt qua con số 100.000 kia từ lâu lắm rồi. Và họ vẫn mang trong mình niềm tin mãnh liệt về sự sống luân hồi nên bình thản đón nhận ngày “khuất núi” nhẹ nhàng hơn bất kỳ ai trên quả đất này!
Đứng trước cảnh đẹp hùng vĩ của Dương Hồ phẳng lặng xanh ngắt ngỡ như trời và nước gặp nhau ở độ cao trên 4.700m hay ở nơi giao nhau của con sông Lhasa (con sông mẹ của người Tây Tạng) và sông Yarlung Tsangpo (khởi đầu dòng chảy thượng nguồn của dòng Brahmaputra chảy qua Bangladesh, sau đó đổ tiếp vào sông Hằng linh thiêng của người Ấn để chảy ra vịnh Bengal), bao suy ngẫm về cuộc đời như tan biến. Đọng lại trong tôi chỉ còn những cái bóng đổ dài bất động hướng về đất tổ.