Hạnh phúc giản đơn

GN - 90 tuổi, bà Nguyễn Thị Hạnh vẫn đi lượm ve chai mưu sinh, để nuôi một đứa con bị bệnh tâm thần 51 tuổi, một đứa con 67 tuổi bị khờ như mới lên 7, chỉ thích đọc báo, không thích nói chuyện. Ngày bà nhập viện điều trị bệnh cao huyết áp vô căn, trong túi không có một đồng. Trước khi đi, đứa con trai “khùng” vẫn biết đưa cho bà 50 ngàn, hối thúc bà nhanh đi đến bệnh viện gặp bác sĩ, đừng chết bỏ nó tội nghiệp...

Bệnh, nằm viện vẫn lo cho con

Ở Bệnh viện quận 4 (TP.HCM) để điều trị, nhiều người nằm kế bên giường bà Hạnh thỉnh thoảng lại nghe bà nói với người con thứ năm (ở nuôi bà): “Điện về nhà coi thằng khùng nó sao rồi”. Hay khi con bà ở nhà có vào thăm, bà cũng hỏi, “có nấu cơm cho thằng khùng ăn chưa”. Hỏi ra mới biết, “thằng khùng” mà bà nhắc đến tên Hoàng Văn Sướng, 51 tuổi. Ông Sướng bị bệnh tâm thần phân liệt, lúc có thuốc, no bụng thì bình thường, khi không có thuốc và không có ăn là người trở nên khó chịu, quậy quọ suốt, nên bà lo.

“Nó tâm thần, lên cơn điên bất cứ lúc nào nhưng khi tui bệnh, nó biết bóp chân, nói má ơi, má nhanh hết bệnh chứ đừng có chết bỏ con nha má. Thương nó, thường ngày nó quan tâm nhất là cái ăn, không có ăn nó quậy dữ lắm. Mà tôi bệnh, nó quên đi cái ăn luôn, chỉ lo cho tôi”, nói đến đây bà rớt nước mắt.

Chị Năm, con bà Hạnh, kể: “Những ngày má nhập viện, thằng em bị bệnh tâm thần cứ lấy điện thoại, điện hỏi má hết bệnh chưa. Khi điện thoại hết tiền, nó chờ anh chị em hay cháu về nhà, đêm khuya vẫn ngồi chờ, chỉ để gọi điện thăm má, rồi mới chịu đi ngủ. Sáng bảnh mắt ra là nó bắt phải gọi điện liền, hỏi coi má sao. Đến khi nghe được tiếng má, nói ở nhà đừng đi đâu, đừng quậy phá nghe không, thì mới chịu”.

Hinh  XH GN 932.JPG

Bà Nguyễn Thị Hạnh và người con tên Sướng (51 tuổi)

Do đó, dù ở bệnh viện, hễ lúc nào khỏe là bà niệm Phật thành tiếng, lúc mệt thì âm thầm niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, cầu cho được mau khỏe, để về nhà với con. Hỏi bà sao bà niệm Phật hoài vậy, bà nói, ở đây có bác sĩ cho thuốc uống là chữa bệnh rồi. Nhưng mình cũng niệm Phật để nghiệp được giải, nhẹ nhàng, mau khỏi bệnh.

“Tôi niệm Phật thường ngày, có Phật độ nên mới được sống đến tuổi 90, bệnh cũng nhiều, vào bệnh viện suốt, vậy chứ không đau đớn lắm. Vì thằng khùng nó cứ nói ‘Má ơi, má ráng sống với con nha má, chớ má đừng bỏ con tội nghiệp’, thương nó, cũng muốn mau hết bệnh nên tối nào cũng niệm Phật, cầu mong có sức khỏe để về với con”, bà Hạnh cho biết.

Nhờ đó, bà được xuất viện sớm vài ngày. Bác sĩ điều trị thấy bà đã khỏe, nên cho về nhà, uống thuốc. Điện thoại cho bà, hỏi thăm sức khỏe, bà cười giòn giã cho biết: “Phật độ nên tôi hết bệnh sớm. Về nhà, thằng khùng nó mừng, quá chừng. Thấy nó mừng tôi hết bệnh, khỏe luôn rồi”.

Nhà nghèo có hạnh phúc của nhà nghèo

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà bà Hạnh. Bà ở cập bên con rạch cuối đường vào đình Phước Thới (ấp 5, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Nhà bà Hạnh không có số, thuộc khu vực giải tỏa, nhưng hỏi thăm nhà bà, ai cũng hỏi “nhà bà Hạnh tình nghĩa phải không”, rồi người ta nhiệt tình chỉ đường.

Một người hàng xóm tốt bụng, cùng sống trong khu nhà không số này với bà kể cho chúng tôi nghe: “Ở đây hỏi thăm nhà bà Hạnh ‘tình nghĩa’ là ai cũng biết. Bà Hạnh đã được 90 tuổi, trước đây có căn nhà tình nghĩa nhà nước cấp ở quận 4, nhưng do con bà nợ nần, bà chịu không nổi, bán để trả nợ cho con.

Rồi còn một ít tiền, mới về khu này mua nhà ở. Bà sống tình nghĩa lắm, nghèo vậy chứ giúp được ai là giúp, bà hiền nên ai cũng thương. Hàng xóm có đồ ngon là nhớ ngay tới bà”.

Bà Hạnh có bảy người con, trong đó có một người là liệt sĩ, hai người vì hoàn cảnh, sống riêng. Còn lại bốn người con sống chung với bà. Bốn người con thì chỉ có hai người lành lặn, làm nghề thợ hồ, giúp việc nhà để nuôi một người em bị bệnh tâm thần và một người anh không có khả năng lao động. Đứa cháu duy nhất sống chung với bà, cũng đi làm để phụ bà lo cho các cậu.

Tiền trợ cấp cho cả nhà mỗi tháng chỉ 1,8 triệu đồng, số tiền này không thể đủ cho mọi sinh hoạt phí. Để sớt gánh nặng cho con cháu, những ngày không bệnh đau, bà Hạnh đều đi lòng vòng lượm ve chai, bán kiếm chút tiền đi chợ. Ngày nào đau yếu, không đi được, bà ở nhà dọn dẹp bếp núc, lau quét nhà cửa để các con đi làm về là được nghỉ lưng cho khỏe.

Bữa cơm hàng ngày của gia đình 6 người ăn này thường chỉ gói ghém trong một trăm ngàn tiền đi chợ. Bà thiệt thà cho biết: “Gạo thì có bên chùa cho. Chùa thấy thương, mấy mùa Phật đản, Vu lan, chùa cho nhiều, rồi nhín nhín để dành ăn. Ngày nào mà hết gạo từ thiện, phải tốn tiền mua gạo là ăn cơm với rau xào, canh rau là nhiều. Nhín vậy đó, mà có khi bệnh không có tiền đi bệnh viện. Trong túi không có tiền, con bệnh quá, muốn đi khám phải chạy vay mượn khắp nơi”.

Hỏi ra mới biết, người con đầu lòng, ông Hoàng Văn Cải sống chung với bà Hạnh đã 67 tuổi rồi nhưng bị khờ, và do mất hết các giấy tờ tùy thân, bây giờ không có địa chỉ nhà nên không thể làm lại, mọi chính sách do đó không thể hưởng. Có nhiều đêm đau ngực, đi vệ sinh suốt không ngủ được, ông mới than với má, để được đi khám.

Nơi khám của ông chỉ là phòng mạch tư, hay nhà thuốc chứ không dám bước chân đến bệnh viện. Ông nói, “cũng muốn đi bệnh viện, mà nghe nói đi bệnh viện không có bảo hiểm sẽ tốn nhiều tiền, nên không dám xin đi”. Vậy chứ, khi hỏi ông có buồn không, ông liền nhoẻn cười bảo: “Không buồn đâu, mỗi lần đi vậy tốn của má cũng hai trăm ngàn. Mình khám bệnh là má cũng bị xén bớt đi tiền má uống thuốc”.

Nghe con nói, bà Hạnh rơm rớm nước mắt, lặng đi phút chốc, rồi bộc bạch: “Thương con lắm, mà mình không có tiền rồi biết làm sao. Nhiều khi nghe con nói, má ơi con thèm ăn bún xào, con thèm ăn cái này, cái kia mà phải hẹn hai, ba tháng mới có đủ tiền lo cho con một bữa ngon”. Nhắc đến bún xào, ông Sướng bỗng nhảy cẫng lên, vui mừng nói: “Tết này má hứa cho con ăn bún xào với chả giò, má nhớ nha má”. Bà Hạnh gật đầu, nói ừ. Ông choàng tay qua ôm má, bẽn lẽn cười rồi giành đòi têm trầu cho bà ăn.

Chị Năm kể: “Tết, má lãnh tiền nhà nước trợ cấp, em Sướng cũng có lãnh tiền, rồi anh em hùn nhau thêm, người mua thịt kho tàu, người mua bún khô xào, người mua nhang, bông với mấy trái quýt chưng cho ấm nhà. Vừa cúng ông bà, vừa để anh em ăn cùng nhau. Tết, chưa năm nào nhà có nước ngọt, hên lắm là có hai, ba trái dưa hấu tròn nhưng mà vui”.

Trong niềm vui đó, người con út của bà Hạnh lạc quan chia sẻ: “Nhà mình nghèo, chạy ăn từng bữa vậy chứ thấy hạnh phúc, may mắn hơn nhiều gia đình. Thấy có nhiều nhà, con cháu giành nhau từng tấc đất, từng chén cơm. Nhà mình nghèo, ngày Tết ăn ít, đi chợ chừng năm trăm ngàn, vậy mà con cháu vui vẻ với nhau. Như giờ, thấy ‘anh khùng’ mong Tết để được ăn ngon, cười nói vui vẻ là thấy vui rồi đó”.

Khi chúng tôi bước chân ra về, cũng là lúc nhà dọn cơm chiều. Bữa cơm đạm bạc đúng nghĩa, ngoài nồi cơm to thì thức ăn chỉ có rau luộc và vài khứa cá biển kho với nhiều nước. Nhìn hình ảnh mọi người quây quần bên mâm cơm, mới thấm thía câu: “Nghèo đôi khi cũng có hạnh phúc của cái nghèo”, mà mẹ con bà Hạnh thường nói với nhau. Một mái ấm gia đình, tuy còn nhiều nỗi bộn bề, lo toan nhưng nơi đây, hạnh phúc là có thật, dù là… không trọn vẹn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày