GN - Ngày xưa, hạnh phúc đối với tôi là được thỏa mãn những nhu cầu vật chất đầy đủ, sung túc, được ngủ nướng đến tận 9g sáng mới dậy và bắt đầu một ngày lướt web, lang thang trên mạng hoặc cùng bạn bè tán gẫu…
Ngày xưa, hạnh phúc đối với tôi là được nghe những bản nhạc “bốc lửa” hoặc những bản nhạc dành cho tuổi teen, nghe xong chẳng biết nhạc sĩ muốn gửi gắm thông điệp gì, chỉ biết là thích nghe, nghe cho… đỡ buồn, để “giết” thời gian!
Ngày xưa, hạnh phúc là được mẹ chìu chuộng, nếu không thì tôi sẽ mè nheo bảo mẹ không thương mình, và có thể tôi sẽ cúp tiết, bỏ đi chơi game cho mẹ… phải chìu, “thuê” mình đi học lại. Ngày xưa, tôi nghĩ đi học là cho ba mẹ chứ không phải cho mình…
Ngày nay, tôi hạnh phúc khi có thể tiết kiệm mỗi ngày 5.000 -10.000 đồng để nuôi heo đất, cuối tháng hoặc vài tháng sẽ đập heo đi tham gia chương trình thiện nguyện của nhóm này, nhóm kia… Và tôi hạnh phúc khi được khoác bộ đồ lam nhẹ nhàng, thanh thoát, đêm đêm đi chùa với bà nội và mẹ, sáng dậy sớm lên bàn thờ Phật gõ mõ, cùng tụng kinh với mẹ. Hạnh phúc là được tới chùa làm công quả, nhặt rau, bưng bê chạy bàn trong những ngày lễ hoặc rằm, mùng một…
Ngày nay, hạnh phúc là khi tôi có thể tiếp xúc được với mình trong giờ phút hiện tại, không thấy mỗi ngày trôi qua là những u ám, nặng nề, mà mỗi ngày đều là một cơ hội để mình thực tập giáo lý giải thoát, để mình cảm nhận được cuộc sống vô thường, nhìn tận mặt Nhân-quả hiển bày đó đây, trong bản thân mình và xung quanh mình. Nhìn thấy những điều đó để không sống vô bổ, không sống hoài, sống phí như ngày xưa… Thầy tôi gọi đó là “hạnh phúc trong giáo pháp”.
LTS: Bạn nghĩ gì về “tình yêu thương và hạnh phúc”, nhất là trong “bối cảnh” tình yêu thương bị đưa xuống hàng nhì, hàng ba và những giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, vị kỷ đang gia tăng nơi người trẻ? Mọi chia sẻ về chủ đề trên, bạn có thể cộng tác với Giác Ngộ Online qua các bài viết cảm nhận, suy tư trăn trở, hoặc kinh nghiệm sống, những kỷ niệm của chính bạn, hoặc người mà bạn có duyên gặp gỡ, tiếp xúc..., vui lòng gửi về bandocgiacngo@gmail.com hoặc phatgiaovatuoitre@gmail.com. Các bài viết phù hợp sẽ đăng trên chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ của Giác Ngộ Online và sẽ chọn đăng trên Giác Ngộ - báo in hàng tuần. Rất mong được đón nhận sự cộng tác từ bạn đọc! |