GN - Con người, sống cả đời, làm việc vất vả các kiểu cuối cùng cũng chỉ để đạt đến cái gọi là “hạnh phúc”. Thậm chí có nhiều người mưu cầu, tìm cách hại nhau, giẫm đạp lên nhau cũng với lý do “đoạt được hạnh phúc”. Vậy hạnh phúc có phải là thứ ở đâu đó để chúng ta tạo dựng, kiếm tìm hay đoạt lấy? Thước đo của hạnh phúc là gì?
Buông tay! Đó là việc mình không nắm giữ những cái mà mình nghĩ là “của mình”, cũng như cái mình cho là “mình” như là cái thân tứ đại này chẳng hạn (ảnh minh họa)
Thực ra, hạnh phúc không xa
Hạnh phúc ở ngay trong lòng bàn tay! Chỉ cần chúng ta buông một cái, những thứ mà mình nắm giữ lâu nay. Giận, hờn, buồn, tủi, danh lợi, chức quyền… Những thứ đó mình đã quơ quào và nắm giữ nhiều đời nhiều kiếp, quá nhiều, đến mức nặng trĩu nhưng ta vẫn chưa chịu dừng lại.
Nói rằng “lòng tham không đáy” thật không sai. Khi có cái này ta lại muốn có thêm cái khác nhiều hơn. Lòng mong muốn của chúng ta chưa bao giờ thôi bọc lót cho ta những lý do chính đáng để ta tiếp tục lao về phía trước. Hành trình ấy là vô thỉ kiếp, Đức Phật nói mình trôi lăn trong sinh tử luân hồi, xuống lên sáu nẻo với nước mắt nhiều hơn nước bốn biển chính vì lòng tham này.
Người xưa dặn “một câu nhịn chín câu lành”, nhưng ta không nghĩ vậy mà lý luận rằng “một câu nhịn, chín đứa leo lên đầu lên cổ mình”, thế là mình sân si, để hơn người (nhưng là để… thua mình, để đưa mình đi xuống). Ta ôm cái bực vào lòng, nắm chặt trong tay và nghĩ rằng, phản ứng vậy mới đúng, mới phải lẽ. Chúng ta luôn có lý do để bảo vệ quan điểm của mình, nhiều khi rất sai trái, cho đến khi mình nhận ra rằng, mọi sự cãi nhau, hơn thua trong đời này đều đưa đến kẹt lại, gây ra phiền não. Chỉ có thực sự buông những lý lẽ đúng sai, hơn thua bên đời thì mình mới thực sự bình yên. Nhưng mấy ai làm được? Nếu có, cũng chỉ là trong lúc nào đó, rồi chúng ta lại lao vào những cuộc chiến của thị phi, có khi vì nghiệp thúc bách mà cũng có khi là ta không tỉnh thức để rồi tạo nghiệp mới.
Buông tay! Đó là việc mình không nắm giữ những cái mà mình nghĩ là “của mình”, cũng như cái mình cho là “mình” như là cái thân tứ đại này chẳng hạn. Không có gì là mình cũng không có gì là của mình cả, cổ đức dạy thế. Mình nghe và hiểu, đã hành đôi chút và cũng cảm nhận được ít nhiều hạnh phúc của không nắm giữ, nhưng rồi mình lại quên.
Thực ra, khi sống với không nắm giữ ta sẽ rất nhẹ nhàng. Cái nhà này, con người kia, bệnh tật nọ… đều là những nhân-duyên hợp thành, mình biết nó vậy và sống vậy với nó. Tự nhiên, nó không tác động được tới mình (nhiều). Nhẹ và khỏe. Thân mình cũng không phải là của mình. Ni sư Hạnh Chiếu, vị Ni giáo thọ Thiền phái Trúc Lâm giảng: “Nếu nó là của mình, mình bắt nó không đau, không già, không chết nó phải nghe mình chứ? Nhưng nó đâu có nghe. Vậy nó đâu phải của mình. Ờ, vậy mà lâu nay (và sau này) mình sẽ còn ngộ nhận nó là của mình, rồi mình khổ nữa cho mà coi”. Nghe xong, đại chúng gật gù, vỗ tay nhận ra sai lầm của mình, rồi nghe tiếp: “Vậy từ nay về nhà, ai nói mình xấu, chê mình mập, mình lùn… cũng không có buồn nghe”. Mọi người hoan hỷ. Hạnh phúc ngay đó là cái hạnh phúc ngộ ra lý thật cuộc đời, được vén bức màn che mắt, mở đôi tai nghe những lời khác với những lời đã nghe trước đó.
Hạnh phúc đâu có xa. Hạnh phúc của người hiểu đạo lý là ngay khi ngộ ra, dù mình không giàu thêm, mình vẫn bệnh đau, vẫn lùn, vẫn mập, vẫn xấu… nhưng mình không còn chấp vào những cái mà mình cho là “bất như ý”. Vì mình đã hiểu nhân-duyên và mình không khổ. Mọi thứ đã có con đường của nó, việc của mình là bắt đầu đi trên con đường mới: tỉnh thức, an vui!
Quán niệm về hạnh phúc
Khi đã nhận ra hạnh phúc ở không xa, ta sẽ quán niệm về hạnh phúc để nuôi dưỡng mạch nguồn an vui. À, hạnh phúc là sớm mai mở mắt ra ta biết mình còn sống và mình còn khỏe. Mọi người không nhận ra điều này nên mở mắt ra đã cầm ngay điện thoại và cập nhật các tin tức có màu xám. Dịch Covid-19 hoành hành cả thế giới, hầu hết các quốc gia đều có người nhiễm, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Nhưng mình còn chưa rơi vào vùng dịch, chưa tiếp xúc với người nhiễm, và đặc biệt còn khỏe mạnh. Đó là may mắn, là hạnh phúc của mình, nên mình hãy nghĩ về hạnh phúc đó thay vì lo lắng việc bao giờ mình bị nhiễm hoặc, trời ơi, mình có thể bị nhiễm không, mình phải làm gì đây…
Thường, một ý khởi sẽ sanh ra những ý khác, thành dòng chảy, như sông, như suối tràn về tâm thức mình. “Ý làm chủ, ý tạo”, kinh Pháp cú, Đức Phật đã nhấn mạnh điều đó. Nên việc giữ tâm ý trong sạch rất quan trọng, vì từ đó mình có mạch nguồn năng lượng tốt, dưỡng nuôi lòng mình bình an, vững chãi.
Nhận diện mình còn khỏe, mình hạnh phúc, mình nguyện làm những gì có thể để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Trước tiên, mình sẽ dọn nhà mình thật sạch, đi ra đường và đến chỗ đông người mình sẽ đeo khẩu trang và vệ sinh tay thật kỹ bằng nước sát khuẩn. Mình sẽ không lên mạng chỉ để đọc những tin xấu mà thay vào đó mình sẽ tìm một cuốn sách có chất liệu nuôi dưỡng để nghiền ngẫm, thực hành. Mình không đi chùa được thì mình có thể về nhà sớm và mở YouTube lên, tìm một bài giảng của một vị thầy mà mình kính trọng để nghe, chăm chú thực tập theo. Mình sẽ tiết kiệm tiền bạc lại vì mọi thứ đang khó khăn, mình cân đối tài chính và chia sẻ với những đối tượng còn khó hơn mình… Rất nhiều những ý niệm như vậy, tiếp nối trong sự quán niệm của mình, có thể giúp nuôi dưỡng mình được an giữa những ngày có dịch.
Đấy chính là ứng dụng và thực hành Phật pháp. Phật pháp bất ly thế gian giác chính là ở chỗ này. Chúng ta không thể tách rời thực tại đang là để tìm kiếm một Tịnh độ đâu đó trong khi mình có thể kiến tạo Tịnh độ ngay thân tâm mình, ngay cái cảnh “bây giờ, ở đây”.
Quán niệm về hạnh phúc vì thế là một pháp tu trong thời buổi “loạn” các thông tin có thể làm cho mình và người bất an. Rất nhiều người than vãn về sự bất như ý thì người học Phật có thể tĩnh tâm, ngồi yên để suy nghiệm về những điều đang trải, không phiền, không lo. Chúng ta biết về những con số của đại dịch với những người nhiễm mới tăng lên nhưng cũng cần nhớ về những người đã khỏi bệnh. Chúng ta thấy những nguy cơ lây nhiễm của virus Corona nhưng cũng đừng quên mình vẫn có cách phòng ngừa. Chúng ta buồn với hạn mặn làm đau đớn mảnh đất trù phú miền Tây nhưng ở đâu đó cũng có những người không ngồi im than thở mà xắn tay làm cho nó thay đổi tích cực, dù nhỏ.
Mình chưa đủ sức làm những điều lớn lao, thay đổi hoàn toàn nghịch cảnh nhưng mình hoàn toàn có thể thay đổi tâm thế đón nhận nghịch cảnh, chuyển hóa tự tâm trước bất như ý. Nếu mình chưa làm được việc vĩ đại thì chung tay để cùng chuyển vận những khó khăn qua mau, nhiều người sẽ làm nên đại sự, đó là kinh nghiệm xưa nay.
Hạnh phúc ở ngay những điều giản đơn như thế, hãy nghĩ tới và làm bằng trái tim rộng mở, bằng hiểu biết lớn và thương yêu sâu.
Thực ra, hạnh phúc như ý kinh Pháp hoa, là “ngọc trong chéo áo”, mình không cần tìm đâu xa cả, chỉ cần quay về và lấy ra dùng từ sự thay đổi cái nhìn, điểm nhìn.
“Hãy thôi làm thân cùng tử
Về đây tiếp nhận gia tài”.
(Thiền ca Làng Mai)