Hạt mưa giữa mùa Haiku

Ô.Nguyễn Thánh Ngã ( trái) trong ngày trao giải
Ô.Nguyễn Thánh Ngã ( trái) trong ngày trao giải
Cuộc thi thơ Haiku Việt-Nhật đã khép lại bằng buổi lễ trao giải tổ chức hôm 15-11. Giải nhất phần thi Haiku tiếng Việt thuộc về bài thơ ngắn “Đứa trẻ” của tác giả quen thuộc: Nguyễn Thánh Ngã, đến từ Lâm Đồng.

Cuộc thi năm nay ở nội dung sáng tác Haiku tiếng Việt, Ban tổ chức không bắt  buộc phải sử dụng Kigo (quý ngữ - từ chỉ mùa), nên những bài thơ Haiku bằng tiếng Việt được sáng tác phóng túng hơn, và cũng tự nhiên, gần gũi với lời phong vị thơ Việt Nam hơn, dù vẫn giữ chất cô đọng hàm súc của Haiku.

Nguyễn Thánh Ngã cho rằng, mình chỉ “vô tình nắm bắt những niềm tâm cảm” khi sáng tác các bài Haiku dự thi, nhưng đến với bài “Đứa trẻ” của anh, mới thấy thủ pháp Haiku đã được huy động đắc địa để khái quát cả một không gian thơ với nhiều tầng nghĩa.

Trừ hai chữ trong tựa đề, Bài thơ vỏn vẹn có 9 chữ:

Xó chợ

Chiếc lon trống

Hạt mưa mồ côi.

Bao nhiêu con chữ ấy, quá ngắn, như một lát cắt ngọt qua một vùng không gian sống. Chỉ bằng một lát cắt nhỏ nhưng gợi nhiều lớp nghĩa, cô đọng và chuyển tải nhiều cảm xúc, ý vị, kể cả triết lý nhân sinh… là “tuyệt chiêu” của Haiku. “Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, tôi nghĩ rằng quý vị sáng tác thơ Haiku bằng tiếng Việt chắc hẳn phải rất cực công”, ông Ikuo Mizuki - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM - chia sẻ với những người Việt Nam sáng tác Haiku bằng nhận định như vậy. Tuy nhiên, dường như người làm thơ thường không tự nhận đây là công việc khó, và nhất là thơ hay, lại rất ít khi do vượt qua cực nhọc trong khi sáng tác mà thành.

Nói như vậy, không có nghĩa những tác phẩm thơ hay đều có thể dễ dàng có được. Bởi những khó khăn của người làm thơ không phải ở lúc sáng tác, tất cả dường như tập trung ở giai đoạn tiền-sáng tác, tức trong mọi chiều kích của cuộc sống nhà thơ, anh ta phải thu nhận và đồng cảm, chắt lọc chất liệu và hình thành cảm xúc, đến khi có một nhân duyên trực tiếp nào đó, việc chấp bút theo thể loại nào chỉ còn là cái cớ để nhà thơ hình thành tác phẩm.

Cho nên, hai từ “xó chợ” bật ra trước những người đồng điệu với Haiku không hẳn là cái xó chợ cụ thể nào đó có hồ sơ lý lịch, mà nó là một không gian sống cô đọng, không gian đó hiện diện thêm chiếc lon trống, và hạt mưa mồ côi. Nhưng không gian Haiku không phải chỉ là nghệ thuật sắp đặt. Chiếc lon trống, là trống rỗng vì chưa có đồng bạc lẻ nào bỏ vào, hay chiếc lon trống trơ giữa xó chợ? Cả hai đều đúng, cả hai đều bổ sung nghĩa cho nhau nhờ vào từ “trống” đắc dụng. Nếu thay “trống” bằng “rỗng” thì câu thơ hẳn mất đi một nửa ý nghĩa chiều sâu, mất đi sự khái quát một chiếc lon ăn mày trơ trọi nơi xó chợ, mà chỉ còn một chiếc lon rỗng vì chưa xin được tiền. Lọt thỏm vào “bối cảnh trống” đó, là “hạt mưa mồ côi”. Hạt mưa mồ côi trong chiếc lon trống, chiếc lon trống mồ côi nơi xó chợ, và thần thái của bài thơ chính là hình ảnh “ngôn ngoại”: đứa trẻ ăn mày mồ côi giữa đất trời.

Thi ca quý giá ở chỗ dụng lời đạt mức “ý tại ngôn ngoại”. Chính chỗ ngôn ngoại ấy mà tìm được khách tri âm, người đồng cảm, chỗ tương đắc… của làng thơ Á Đông. Ý tại ngôn ngoại từ xưa đã được vận dụng trong các thể thơ Trung Quốc, và riêng với Haiku, sự cô đọng tối đa về ngôn từ khiến cho cái phần ý tại ngôn ngoại trở thành  phương tiện thiện xảo để người làm thơ chuyển tải ý tứ. Trường hợp Basho với bài “Hồ Ô-mi tám cảnh/ sương mù che mất bảy rồi/ còn chuông đền Mi-I thôi” (Shichi Kei wa/ Kiri ni Kacurete/ Mii no KKane) là minh chứng độc đáo. Một bài Haiku không thể kể dông dài tám cảnh đẹp của hồ Ô-mi, và Basho đã dùng ngôn từ để tả sương mù và nhắc đến một cảnh đẹp của hồ Ô-mi, là tiếng chuông - vốn không thể tả bằng lời.

Cái xó chợ, chiếc lon trống và hạt mưa mồ côi của Nguyễn Thánh Ngã cũng tuyệt nhiên không nói về đứa trẻ ăn mày, nhưng hình ảnh về một đứa trẻ ăn mày, mồ côi, ngồi nơi xó chợ dưới cơn mưa và đối diện chiếc lon trống rỗng chính là ấn tượng rõ ràng nhất ở người yêu thơ sau khi đọc xong bài thơ 9 chữ ấy.

Về mức độ khái quát, thơ Haiku lúc này như chiếc ống kính trong tay nghệ sĩ nhiếp ảnh có biệt tài zoom cận cảnh. Điều độc đáo còn lại thuộc về nghệ thuật của thi ca: ngôn từ có sức gợi riêng, có vần điệu và những hiệu ứng từ khả năng suy tưởng của người đọc… những cái ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh không làm được.

Một lát cắt Haiku như vậy, còn là sự ấn định một hình ảnh nghệ thuật, một chủ đề thi ca của Việt Nam trong bối cảnh đầu thế kỷ XXI này. Hình ảnh về một thân phận con người đang đối diện trước nghịch cảnh, một cách bình thường, thản nhiên, lại có sức lay động, khiến bài Haiku ngắn gọn ấy vượt qua 988 tác phẩm khác trong một kỳ tuyển duyệt khắt khe.

Xin chúc mừng tác giả, chúc mừng làng thơ Haiku Việt Nam , và mong cho những giọt mưa Haiku ngọt ngào sẽ tiếp tục ươm xanh những mầm thơ còn đâu đó trong mối giao cảm giữa hai tâm hồn dân tộc Việt-Nhật.

Cuộc thi thơ Haiku Việt - Nhật năm 2009 do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Trường Đại học KHXH&NV, Báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9-2009, với 988 tác phẩm sáng tác bằng tiếng Việt và 59 tác phẩm sáng tác bằng tiếng Nhật.

Giải nhất phần thơ Haiku tiếng Việt thuộc về bài Đứa trẻ của Nguyễn Thánh Ngã (Lâm Đồng); giải nhất phần thơ Haiku tiếng Nhật thuộc về bài thơ Umenohana hohoemihajime harunokaze (Cành hoa mai/ hàm tiếu/ gió xuân) của tác giả Đào Thị Hồ Phương (TP.HCM).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày