GN - Tôi có thói quen mỗi buổi sáng thức dậy, sau mấy vòng đi bộ đều trở về nhà pha ấm trà, chế ly cà-phê đen ngồi thưởng thức một mình, không hay la cà nơi quán xá. Khu phố tôi đang sống có đến chín mươi phần trăm không phải là dân gốc bản địa. Họ từ khắp nơi quy tụ về đây sinh sống bằng đủ các loại ngành nghề, trở thành dân phố nhưng bản chất địa phương vẫn còn tồn tại trong sinh hoạt hàng ngày.
Vào dịp nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, thỉnh thoảng năm ba người trong xóm tụ tập về nhà của một ai đó bày ra tiệc nhậu, mở máy hát vặn volume hết cỡ, tranh nhau hát những bản tân nhạc quen thuộc, đan xen vào những bài ca cổ. Có “làm phiền lòng hàng xóm” nhưng không đến mức quá đà nên ai cũng cảm thông, lâu dần trở thành quen thuộc.
Sát cạnh nhà tôi là một gia đình mà chủ hộ còn khá trẻ nhưng cũng đã “tam đại đồng đường”, sinh sống bằng nghề công nhân nên không thường xuyên, lâu lâu vẫn mời bạn bè về tổ chức tiệc nhậu bỏ túi với sự đam mê ca hát như thế.
Vào một buổi sáng Chủ nhật, tôi đang ngồi thưởng thức ly cà-phê đen tự pha nơi phòng khách, chợt nghe có tiếng hát ru con từ nhà bên cạnh của “bà nội trẻ”:
Ầu ơ!
Tiếng đồn cha mẹ anh hiền
Cắn cơm không bể, cắn tiền bể đôi!
Tôi nói “bà nội trẻ” vì người hàng xóm mới khoảng trên bốn mươi mà lại vừa có đứa cháu nội đích tôn chưa tròn ba tháng tuổi.
Giọng hát rất dân dã nhưng nghe thật ngọt lịm, chứa chan tình cảm sâu lắng mà từ rất lâu rồi tôi mới nghe lại được không phải trong chương trình văn nghệ. Giọng hát làm tôi nhớ lại một thời đã qua nơi miền quê xa ngái!
Hồi ấy, gần như nhà nào cũng đều có người biết hát ru con, từ những bà nội bà ngoại đến những mẹ, những chị. Thậm chí, cả cha, cả anh cũng đều tham gia một cách tích cực khi có dịp đưa con, đưa em vào trong giấc ngủ êm. Đứa trẻ từ lúc mới sinh đến khi tròn mười hai tháng tuổi được ru trên những chiếc nôi đan bằng mây hoặc nan tre có hình chữ nhật hay hình bầu dục, treo lủng lẳng bởi một sợi dây dừa nối từ trính nhà xuống bốn tai nôi. Trên mười hai tháng tuổi là lúc đã “thôi nôi”, đứa trẻ chuyển sang nằm võng kết bằng dây mấu hay dây gai, giăng ngang giữa hai cây cột nhà. Người mẹ vừa đẩy nôi (hay đưa võng) qua lại một cách nhẹ nhàng, vừa cất lên những bài hát ru êm dịu, vừa có thể làm một công việc gì đó như vá may chẳng hạn.
Ở thôn quê, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng đều có thể nghe được tiếng hát ru con dịu dàng vang ra từ nơi những căn nhà ấm cúng. Nhất là vào những buổi trưa hè, tiếng hát ru dường như đã làm mát lại được cơn nắng nóng.
Những đứa trẻ mới sinh ra đời được lớn lên trong những câu hát ru của mẹ, của ba. Những câu hát được lấy trong ca dao nhiều khi tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại tiềm ẩn sâu xa về nhiều mặt triết lý sống giữa cuộc đời thường:
Con mèo con chó có lông
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai.
Những câu hát nói lên tâm trạng đau thương:
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay!
Những câu hát nói lên thân phận của người đàn bà ngày xưa như một tiếng than não ruột:
Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
…
Có thể, người hát không hiểu gì về ý nghĩa của lời mình đã hát nhưng tiếng hát đã thấm sâu vào trong từng buồng tim thớ phổi, chuyển đạt thành những làn điệu sâu lắng để cho đứa trẻ dễ đi vào giấc ngủ hồn nhiên. Càng không thể để đứa trẻ khi nghe hát hiểu biết được gì nhưng âm vọng là những liều thuốc kỳ diệu của bà, của mẹ đã truyền vào cho đứa trẻ những ngọt ngào êm dịu vô biên.
Bây giờ, tiếng hát ru con dường như đã đi vào quên lãng. Còn chăng, cũng chỉ thỉnh thoảng có trong chương trình văn nghệ, không còn mang được ý nghĩa thâm thúy truyền đạt giữa mẹ với con, giữa bà đến với cháu. Càng không còn mang được ý nghĩa thâm thúy khi hát ru con lại sử dụng những bài tân nhạc, có khi tự hát, có khi nhờ đến phương tiện máy móc.
“Bà nội trẻ” hàng xóm vốn chỉ ưa thích ca hát tân nhạc, cổ nhạc như bao nhiêu người khác trong khu phố. Khi được có đứa cháu nội đích tôn lại nhớ về tiếng hát ru con của thời nào. Tiếng hát ru con không mất đi mà vẫn còn tiềm ẩn vào trong tâm hồn người dân nước Việt. Tiếng hát ru con tôi vừa nghe lại được đã đánh thức vùng xưa kỷ niệm trong tôi. Một vùng xưa kỷ niệm tưởng chừng như đã trở thành dĩ vãng buồn hiu!