Hẻm rêu

GN - Hẻm là nơi chứa đựng bao câu chuyện đời, chuyện người. Hẻm là nơi lắng nghe tiếng thở dài của con phố mỗi khi đêm về, và hẻm từ lâu được xem là một phần linh hồn không thể thiếu của phố cổ…

hem reu.jpg
Con hẻm rong rêu ở phố Hội

Không quá ồn ào tất bật như hẻm phố Sài Gòn, cũng không chật chội bao hàng quán như hẻm Hà Nội, hẻm nhỏ ở Hội An mang nét đặc trưng riêng. Đó là những con hẻm nhỏ mang bao vẻ trầm mặc, phủ đầy rêu phong nhuốm màu thời gian, gieo bao nỗi nhớ, niềm thương cho ai đã đến đây một lần…

Chiều muộn. Gác lại công việc của một ngày bận rộn, tôi lang thang dọc bờ sông Hoài nghe gió hát những giai điệu du dương. Nghe nhịp thở của phố cổ, với những con người gánh gồng mưu sinh qua từng con hẻm nhỏ. Cái cảm giác được thả hồn mình giữa bao hẻm nhỏ yên bình, đầy rêu xanh như đưa tôi vào một thế giới khác. Lạ lùng và yên tĩnh biết bao.

Những con hẻm phủ đầy rêu xanh đã tồn tại từ bao đời nay. Đó như một phần linh hồn, không thể thiếu của phố cổ Hội An. Những con hẻm phủ đầy rêu uốn lượn, đầy duyên dáng trong lòng thành phố. Mỗi lần đi đâu xa, tôi lại thèm thuồng cái cảm giác được trở về, để tản bộ trên những con hẻm đầy rêu xanh mướt mờ. Một chút mưa phùn, một chút giá lạnh bao trùm lên con hẻm, điều đó như một chất xúc tác để tạo thêm nét buồn rất lãng mạn cho phố cổ.

Với tôi, để đánh giá một con người, thì đôi mắt chính là yếu tố đầu tiên, là cửa sổ tâm hồn để tôi nhìn nhận. Còn với phố cổ, hẻm nhỏ như chiếc chìa khóa để tôi khám phá bao vẻ đẹp tiềm ẩn của phố cổ. Bước vào hẻm, như thể lạc lối vào thế giới rất riêng tư và lắng đọng. Nhìn những tà áo dài thướt tha, bóng dáng lầm lũi của những người phụ nữ thoáng qua rồi đi vào hẻm mất hút. Trên từng bức tường của hẻm nhỏ là những mảng rêu phủ qua bao ngày tháng.

Mỗi con hẻm nhỏ đều mang một cái tên riêng, nhưng tôi thích gọi nó với tên gọi là hẻm rêu. Hẻm của những mảng rêu xanh biếc, đầy quyến rũ, mê hoặc. Dường như bức tranh của hẻm, được vẽ nên bởi màu xanh của những vạt rêu. Đến với phố cổ, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh một màu rêu xanh ngắt, bao phủ lên những mái ngói, nhà cổ, giếng cổ đã nhuốm bụi thời gian.

Hẻm là nơi lưu giữ thời gian, lưu giữ bao ký ức còn đọng lại trong khoảng thâm u. Hẻm cất giữ tuổi thơ của bao thế hệ. Hình ảnh hẻm nhỏ, đầy duyên dáng đã gắn bó máu thịt với bao người sinh ra, và lớn lên ở đây. Sự bình dị của con hẻm như hút hồn biết bao du khách, dù chỉ đến đây một lần. Và rêu xanh đó như một thứ trang sức giản dị của những con hẻm phố Hội.

Hẻm không chỉ đẹp, mang nét bình yên thích hợp với nhịp sống chậm của những tâm hồn đầy lãng mạn. Mà hẻm còn là nơi để nhiều phận đời mưu sinh. Đó là dáng nhỏ bé, còm cõi của các cụ bà lướt qua với rổ chuối, nong tò he, đầu đội nón lá, bước đi chậm rãi, cũng với tiếng rao nghe khắc khoải. Những tiếng rao trong hẻm nhỏ như có một sức hút rất lạ. Đó là tiếng rao đêm của những gánh bắp, gánh chè, và bao gánh hàng rong khác.

Lang thang qua từng con hẻm, ta nghe từng giọt thời gian đang rơi tí tách. Và thời gian như ngừng trôi với đôi lứa hẹn hò, đang trao nhau nụ hôn hạnh phúc nơi hẻm nhỏ. Mặc cho dòng đời đổi thay, hẻm nhỏ vẫn lặng lẽ đứng đấy, vẫn mặc chiếc áo rêu xanh từ bao đời nay. Hẻm lắng nghe bao chuyện đời, chuyện người, bao bước chân du khách lần lượt bước qua.

Khi thành phố lên đèn, ánh sáng tờ mờ của dãy đèn lồng hiu hắt buông xuống như tạo thêm sự huyền bí, tĩnh mịch cho những con hẻm nhỏ. Và bóng dáng của những bà, những chị đầu đội nón lá, vai gánh gồng lủi thủi bước qua cùng mùi thơm của bánh mì nướng, của khoai chín... Hình ảnh ấy đẹp và đơn sơ như một đoạn phim tư liệu về Hội An, từ mấy mươi năm trước mà tôi đã có dịp xem.

Chầm chậm bước chân trong từng hẻm nhỏ, lặng nghe thời gian trôi, để rồi ta nhận ra bao vẻ đẹp dung dị, bao niềm hoài cổ mà không phải lúc nào ta cũng tìm thấy giữa bao bộn bề cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.
Tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương

Tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương

GNO - Khi một thành viên của gia đình và cộng đồng vĩnh viễn ra đi, người ta cần đưa tiễn họ với một số vật dụng thân thiết, để họ có cơ hội dùng tới. Tục tin quỷ của người Việt như thế đã tồn tại lâu đời, trước khi Phật giáo truyền vào và Tự Thiếu Tôn ghi lại.

Thông tin hàng ngày