GN - Thực trạng các di tích chùa cổ xuống cấp vẫn đang diễn ra liên tục trên khắp cả nước, cùng với đó là sự nhập nhằng về luật và phức tạp trong trách nhiệm của mỗi phía mà chưa có lời giải đáp thích đáng. Phải chăng đây là nguyên nhân chính khiến các cổ tự hiện nay “sợ” danh hiệu di tích, vốn dĩ đáng tự hào như vậy?
Với sự nhập nhằng trong quản lý đối với các di tích, nên nhiều nơi
tỏ ra "sợ", dè dặt trước danh hiệu di tích, trong đó có chùa Từ Đàm - Huế
Danh hiệu di tích xưa và nay
Vào thời kỳ phong kiến ở nước ta, việc phong sắc tứ cho các chùa, hay đền, đình… được vua chúa thực hiện như một cách xếp hạng những nơi lưu lại nhiều dấu ấn quan trọng của triều đình nói riêng và văn hóa nói chung; đến nay, chúng ta hay còn thấy các ngôi chùa cổ với tên gọi gắn liền hiệu “Sắc tứ” hay “Quốc tự” là vậy.
Tại mỗi khu vực có chùa được sắc phong, triều đình còn ban kèm nhiều quyền lợi khác nhau nhằm duy trì ổn định việc sinh hoạt cho người ở nơi đó, như cấp ruộng đất, giảm tô thuế… Bên cạnh đó, những ngôi chùa được “gắn danh hiệu” sẽ đặt dưới sự bảo hộ của triều đình, thể hiện rõ vai trò chủ chốt của nhà nước trong việc quản lý các tự viện.
Vì vậy, đối với người xưa, ngôi chùa có sắc phong là một niềm vinh dự, một sự tự hào vô cùng to lớn, mỗi mỗi đều hết sức trân quý, họ tự khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn - phát huy các giá trị của ngôi chùa. Nhờ đó, ngày nay chúng ta có được cơ hội hưởng thụ những gì gọi là di sản di tích, những giá trị văn hóa - lịch sử mà cha ông đã lưu lại.
Như vậy, cho đến nay, việc chúng ta xếp hạng di tích có thể nói là sự kế thừa từ người xưa, và dù di tích được phân cấp ở cấp độ nào cũng đều vì mục đích tiếp tục lưu giữ những nét văn hóa - lịch sử giàu bản sắc, rất riêng và rất đáng quý ấy.
Tuy nhiên, theo thời gian, giá trị của “sắc phong” này lại ngày một “xuống cấp” và trở thành một vấn đề hoàn toàn khác. Không còn đúng với tên gọi của nó, danh hiệu di tích giờ đây bị xem là “hữu danh vô thực”. Những tấm bảng công nhận được treo lên tràn lan, trong khi công tác quản lý vẫn đang là vấn đề bị đặt nhiều dấu chấm hỏi; những di tích cổ tự xuống cấp đến hoang phế diễn ra ngày một nghiêm trọng vẫn phải chờ đợi “họp bàn”; hay công tác tu bổ di tích đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước mà tùy vào sở thích của nhà đầu tư. Tất cả không ít lần làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ dư luận, và việc người dân mỗi lúc một ngờ vực, thờ ơ, thậm chí không coi trọng danh hiệu này là điều khó tránh khỏi.
Ngôi chùa từ chối danh hiệu
Trước sự xuống cấp về cấu trúc lẫn giá trị của di tích như vậy, rất nhiều ngôi cổ tự đã được công nhận, cũng như chờ được công nhận, nơi thì đang xin hủy bỏ “danh hiệu”, nơi lại từ chối đưa ngôi chùa của mình vào danh sách “sắc phong”. Nổi bật trong số đó có thể kể đến là tổ đình Từ Đàm ở cố đô.
Thuộc hàng danh tiếng bậc nhất của tỉnh Thừa Thiên, nằm cách kinh thành Huế về phía Tây khoảng 2km, chùa Từ Đàm hiện nay do HT.Thích Hải Ấn, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế làm trụ trì.
Từ xưa, chùa đã là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước, đặc biệt là 13 tỉnh miền Trung, với vị trí thuận lợi cùng lịch sử hơn 300 năm xây dựng. Tại đây, không những đã ghi dấu các diễn biến quan trọng của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn là chứng nhân cho biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nước nhà. Trong đó phải nhắc đến sự kiện thống nhất Phật giáo ba miền, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951) và cuộc đấu tranh bất bạo động chống chính sách kỳ thị tôn giáo năm 1963… Ngày nay, Từ Đàm là trụ sở của GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về kết cấu, bên cạnh những đổi mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng của Tăng Ni, Phật tử, chùa được đại trùng tu gần đây nhưng vẫn giữ những đường nét cổ kính, từ cổng tam quan, 3 dãy nhà tiền đường - chánh điện - hậu tẩm tiếp nối nhau, đến từng cột kèo và hàng mái ngói âm dương được sắp đặt công phu... Tất cả xứng đáng là khuôn mẫu cho những ngôi cổ tự xưa kia về cả văn hóa - lịch sử, cũng như kiến trúc nghệ thuật.
Từ nhiều yếu tố chuẩn mực trên, tổ đình Từ Đàm xứng đáng đứng vào hàng ngũ những di tích Phật giáo nổi bật cần được bảo tồn, và đã được đề xuất công nhận di tích. Tuy nhiên, là người làm công tác văn hóa, đồng thời có kinh nghiệm ít nhiều trong việc trực tiếp quản lý ngôi chùa di tích trước đó, là Quốc tự Thánh Duyên, một di tích được xếp hạng đặc biệt ở Thừa Thiên Huế (1996), HT.Thích Hải Ấn đã vô cùng thận trọng trước đề xuất trên.
“Thật ra, từ chối thì tôi cũng chưa hẳn là từ chối. Bên phía bảo tàng, họ có đề nghị công nhận 2 di tích, là chùa Từ Đàm và tháp Ngài Tổ sư Liễu Quán. Nhưng tôi đã nói rõ, phía chính quyền phải hoàn chỉnh hồ sơ xét duyệt và làm rõ công tác bảo tồn - tu bổ cho di tích như thế nào trước, mới nói tới việc công nhận hay không. Có vậy, sau này mới dễ làm việc, nếu không khi đã đi vào di tích sẽ rất khó để xin trùng tu, gây ảnh hưởng lớn đến cổ tự và đời sống sinh hoạt tâm linh của Tăng Ni, Phật tử tại đây” - Hòa thượng chia sẻ.
Trong tọa đàm về văn hóa do Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN phối hợp với hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức tại chùa Candaransi cuối tháng 4 vừa qua, HT.Danh Lung, UVTT HĐTS, Phó Văn phòng II TƯGH trong phát biểu phản ánh về vấn đề liên quan tới di tích - di sản văn hóa cũng đã có ý kiến tương tự.
Nhà Tăng trong di tích chùa Thánh Duyên bị hư hỏng nặng nề, phải che tạm bằng bạt như thế này
để chờ quyết định của các cơ quan chức năng hơn 9 tháng qua và đang chờ... họp bàn - Ảnh: T.Đ.H
Lý thuyết và thực tế quá khác biệt
Không chỉ riêng chùa Từ Đàm, mà hiện nay, nhiều ngôi cổ tự trên cả nước vẫn đang “quay lưng” với danh hiệu di tích. Hầu hết đều đưa ra nguyên do hướng về vấn đề bảo tồn - tu bổ, khi lý thuyết trong quy định và thực tế áp dụng quá khác biệt, mà trong nhiều bài viết trước đây đã từng đề cập.
HT.Thích Hải Ấn nhìn nhận: “Đối với một công trình di tích, việc trùng tu thật sự là khó khăn, trải qua rất nhiều những công đoạn với thời gian chờ đợi quá lâu. Nếu nhà nước để ý và quan tâm được theo đúng các quy định trong văn bản pháp luật về di tích, thì đó quả là điều đáng quý. Nhưng đằng này, khi áp dụng vào thực tế thì lại khác xa”.
Sự “khác xa” ấy được Hòa thượng dẫn chứng bằng tình trạng hiện nay của di tích chùa Thánh Duyên, với khu nhà Tăng xuống cấp nghiêm trọng, bị tuột hoàn toàn một bên mái, hư hỏng nặng nề sau trận cuồng phong, cần tu bổ cấp thiết trước khí hậu khắc nghiệt ở Huế. Tuy nhiên, đã hơn 8 tháng kể từ ngày chùa đề xuất, vẫn chưa có một chỉ đạo chính xác nào về kế hoạch, hay phương hướng tu bổ từ phía chính quyền sở tại, buộc nhà chùa phải “sơ cứu” bằng cách dùng tấm bạt che chắn tạm để tránh thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến kiến trúc bên trong cũng như tổng thể khu nhà để chờ đợi các cấp họp bàn.
“Mỗi lần triệu tập các ban ngành đoàn sở họp, tôi biết là điều rất khó khăn, vậy sao cứ dàn trải? Mỗi lần kéo từ 8 tháng đến 1-2 năm chỉ cho việc họp bàn, liệu có đáng hay không? Tôi nghĩ đó còn nằm ở cơ chế nhà nước, sự phân cấp rườm rà và phức tạp, chồng chéo trách nhiệm lẫn nhau nên mới xảy ra tình trạng như vậy” - HT.Thích Hải Ấn chia sẻ.
Ngày 17-5 vừa qua, phía nhà chùa mới chỉ nhận được một tờ đơn đề nghị từ UBND huyện Phú Lộc lên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, với nội dung vì không có chuyên môn kỹ thuật lập hồ sơ, lập bản vẽ phương án tu sửa cấp thiết di tích theo quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, nên đề nghị Trung tâm trên quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chùa Thánh Duyên để có thể lập hồ sơ đề nghị tu bổ di tích cho đúng. Tóm lại thì đã mất gần một năm để làm đơn xin tu bổ, và dĩ nhiên sẽ còn nhiều đơn từ khác nữa phải làm sau khi đơn đề nghị này được “xem qua”.
Như phát biểu mới đây của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong truy vấn Phó GĐ Sở Xây dựng thành phố về hiện trạng chung cư, nhà tập thể xuống cấp, đã thẳng thắn phản ánh lên cơ chế làm việc hiện nay của các ban ngành: “Cứ phải cho sập đi đã rồi mới ầm ầm làm. Như sự cố cầu Ghềnh (Đồng Nai) là cây cầu cổ rồi, nhưng các anh cứ hội thảo suốt mà không đi tới kết quả gì. Phải sập thành xà-lan rồi thì quyết ngay và làm xong hết”.
Chung cư, nhà tập thể xuống cấp nguy hiểm như thế nào đến sinh hoạt người dân ở đó, thì một ngôi chùa xuống cấp cũng mang những rủi ro và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Tăng Ni, Phật tử lưu trú và sinh hoạt tâm linh tại đây như vậy. Chúng ta cần nhìn nhận sự xuống cấp của bất cứ một công trình kiến trúc nào cũng là một vấn đề cấp thiết, đáng báo động. Khác với TP.HCM, Thừa Thiên Huế lại là nơi có khí hậu khá khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra bão lũ, thử hỏi nếu một trận cuồng phong nữa đi qua, khu nhà Tăng ấy sẽ còn lại gì? Nhất là giai đoạn bước vào mùa mưa như hiện nay.
HT.Thích Hải Ấn bộc bạch: “Không biết tại TP.HCM thì thế nào, nhưng ở Huế, dù tôi đã vận động được nguồn kinh phí, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiến hành tu bổ đi nữa vẫn không qua khỏi thủ tục rườm rà, mất thời gian này”.
Giao Hảo
* Mời bạn đọc đọc thêm bài Thêm một di tích quốc gia “có nguy cơ sập bất cứ lúc nào” - trên Giác Ngộ số 850, ra ngày 16-6...