Hình con hổ trên gốm Việt cổ

Từ hơn 240 ngàn cổ vật đến hàng trăm ngàn mảnh vỡ là gốm sứ thu nhặt từ con tàu cổ đắm vùng biển Cù lao Chàm Hội An (Quảng Nam), một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước quy mô, tốn kém kéo dài bốn năm (1997 - 200) đã mang nhiều thông tin mới lạ, thú vị về gốm của người Việt xưa cho những nhà chuyên môn trong và ngoài nước.

Người ta đặc biệt lưu ý đến giá trị mỹ thuật từ các loại kiểu dáng đến hoạ tiết, hoa văn vẽ trang trí trên mặt gốm.

Nhân dịp Xuân con hổ canh Dần, tác giả bài viết - người trực tiếp đo vẽ các hoa văn trên đồ gốm tìm thấy này - xin giới thiệu vài hình ảnh vẽ về con hổ của nghệ nhân xưa.

Hình 1
Hình 1

Trong các đề tài vẽ, những con thú linh như long, lân, quy, phụng hoặc loài thú hiền như voi, ngựa, hươu, nai xuất hiện khá nhiều trên bề mặt loại đồ đựng thông dụng gồm đĩa, bình, lọ, âu... Riêng hình ảnh con hổ là loài dã thú thì rất hiếm hoi.Trong quá trình xếp loại bản vẽ, tôi chỉ bắt gặp ba tiêu bản trang trí trên lòng đĩa.

Đĩa thứ nhất có đường kính 33cm, là loại đĩa trung vẽ lam (đơn sắc với màu oxid cobalt dưới men) hình con hổ trong tư thế chồm tới, đầu ngẩng lên. Đĩa bị vỡ, nhưng may mắn hình con hổ còn khá nguyên, những đám mây còn lại bên dưới chân thú và những hồi văn vẽ mây bo chung quanh thành đĩa (ảnh 1).

Đĩa thứ hai được xếp  loại kích thước lớn, với đường kính 35cm, vẽ ba màu (gọi là tam thái, nhưng màu đỏ và lục vẽ trên men) hình con hổ dáng đứng với hai chân sau, chân trước bên phải như con người vươn ra nắm khóm cây (giống cây tre), còn chân kia choãi ra sau, con hổ có cái đuôi dài đưa ra trước đến chấm đất. Cách vẽ nhân cách hoá này cho người xem cảm giác hổ đang vạch lá dọn đường đi (ảnh 2).

Hình 2
Hình 2

Do ngâm lâu dưới đáy biển, nước mặn đã làm màu đỏ, lục bị xỉn và mất đi, so với một số cổ vật cùng địa điểm và niên đại, tôi mạnh dạn vẽ phục chế lại hai màu đỏ và lục đã mất (ảnh 3).

Hình 3
Hình 3

Đĩa thứ ba có đường kính 34,3cm, vẽ hình con hổ đang vồ mồi, bao chung quanh là dày đặc những đám mây. Đĩa này cũng vẽ ba màu, nhưng giống như đĩa thứ hai là màu lục và đỏ đã bị xỉn, mất màu (ảnh 4).

Hình 4
Hình 4

Một tiêu bản nữa có hình hai con hổ được vẽ trên thành bụng của bình Kendi cao 16,5cm, còn khá nguyên vẹn dáng kiểu và nét vẽ lam trên nền trắng. Con hổ với tư thế như đang rình mồi, bao quanh nó là những hoa văn mây kín đến vòi bình vú (ảnh 5).

Hình 5
Hình 5

Hổ là "chúa sơn lâm" nên người xưa cũng ưu ái trang trí trên một cặp bình, có chiều cao 18,4cm và 18,1cm. Cặp bình này có dáng hình trứng, có núm ở vai, để hơi lõm vào, vẽ hai con hổ tư thế giống nhau là đang vồ mồi, chi tiết cái răng nanh chìa ra, chỉ khác nhau cái đầu ngẩng lên và cúi xuống. Bình được vẽ bốn màu: màu đỏ, màu xanh, màu lục và thêm màu vàng (mạ vàng). Các màu này vẽ trên men nên đã bị mất, chỉ còn lại nét chính con hổ, những đám mây chung quanh, các cánh hoa xếp chồng lên nhau ở vai bình (ảnh 6).

Hình 6
Hình 6

Những tiêu bản giới thiệu trên có nguồn gốc từ trung tâm sản xuất gốm mậu dịch lớn ở miền Bắc nước ta vào thời Lê Sơ, cuối thế kỷ thứ XV. Đó là gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày