Hình tượng chư Phật trong nghệ thuật tranh kiếng Nam Bộ

Giác Ngộ - Tranh kiếng ở Nam Bộ bắt đầu từ các nghệ nhân người Hoa ở Chợ Lớn, rồi sau đó, nghề vẽ tranh kiếng lan truyền ra các địa phương khác ở miền Nam, trước hết là Lái Thiêu (Bình Dương), về sau xuống tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Mỹ Tho, Gò Công, Cai Lậy (Tiền Giang), Bà Vệ, Chợ Mới (An Giang) và có mặt tại các phum sóc Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng.

Nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ hưng thịnh của tranh kiếng. Nó đã cung ứng cho nhu cầu thờ tự một loại đặc phẩm mỹ thuật thích dụng, đặc biệt có giá thành hạ nên chúng nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam, từ đình, chùa, đền, miếu đến tận gia đình, tiệm quán...

diada-4.gif
dida-6.gif

Ngày nay, nghề vẽ tranh kiếng vẫn tiếp tục được bảo lưu và duy trì là nhờ một số nhóm thợ vốn là học trò của những lớp nghệ nhân vẽ tranh kiếng tài hoa ngày trước. Nghề vẽ tranh kiếng tuy có sự cạnh tranh của nhiều kiểu loại tranh tạo tác bằng những kỹ thuật và công nghệ in ấn trên các loại vật liệu tân kỳ, bền, đẹp và rẻ hơn nhưng nó vẫn còn tồn tại và được công chúng ưa chuộng bởi tuồng như chúng đã được coi là thứ "đồ tự khí truyền thống". Tranh kiếng được vẽ với rất nhiều đề tài khác nhau, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chỉ đề cập đến tranh kiếng vẽ chư Phật.

G.jpg

Tranh vẽ Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc xuất gia

I.jpg

Tranh vẽ cô mục đồng dâng vật thực cho Đức Phật

K.jpg

Tranh vẽ Đức Phật chiến thắng Ma vương

1. Tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng. Khi bắt đầu vẽ thì người thợ đặt tấm kiếng trên tờ giấy mẫu vẽ ngược, rồi dùng bút lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là "tỉa", sau đó vẽ các chi tiết - gọi là "tách". Người thợ tách tỉa phải có bàn tay khéo léo để nét bút được sinh động và sắc sảo. Sau khi tách tỉa xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô đã tách và "tán": tức pha ô màu từ đậm tới lợt. Tô màu theo trình tự nhất định: vật

dida-1.gif

Tranh Đức Phật A Di Đà

thể tiền cảnh tô vẽ trước, hậu cảnh tô vẽ sau. Cuối cùng là màu phông. Rồi đem phơi khô. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ, tô nhũ kim, hay dán sao nháy, giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào khuôn gỗ và đóng hậu, hoàn thành sản phẩm.

Ngày nay, người thợ vẽ tranh kiếng đã chuyển đổi từ cách vẽ thủ công bằng kỹ thuật kéo lụa tiên tiến. Mỗi tranh có đến 7, 8 màu, áp dụng cả kỹ thuật chồng màu tạo nên những mảng màu pha trộn làm tăng cảnh sắc cho tranh.

Nguyên liệu để vẽ tranh kiếng là sơn tây, sơn ta, bột màu pha a dao/dầu bóng. Đồng thời, tranh kiếng tự nó cũng áp dụng kỹ thuật tân kỳ: khắc đường viền sâu để tráng thủy, dán ốc xà cừ, gắn đèn chớp, sử dụng bộ phận cơ điện chiếu sáng, dùng các loại trang kim đa sắc cùng kỹ thuật cắt dán hiện đại để tăng thêm phần lung linh, rực rỡ

dida-2.gif

Tranh kiếng chủ vào 3 loại: Tranh thờ (tổ tiên, thần Phật, Bồ tát...) và tranh trang trí nội thất.

Tranh trang trí nội thất bao gồm tranh sơn thủy/phong cảnh, tranh tứ thời, tranh hoa điểu, và một số đề tài mang nội dung tín ngưỡng (cảnh Bảy Núi, thuyền Bát nhã...), tranh tích truyện (Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa...).

Tranh thờ các gia thần (Tử Vi Trấn Trạch, Táo Quân, Ông Địa, Thần Tài...), các thần bản mệnh (Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Tiên/Chúa Ngọc, Cậu Chài - Cậu Quý và Quan Thánh Đế Quân...) và đặc biệt phong phú là tranh vẽ chư Phật, Bồ tát...

2. Tranh kiếng vẽ Phật thường thấy là Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, trong đó phổ biến là Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi xếp bằng với những thủ ấn như Thiền định ấn, Chuyển pháp luân ấn và đặc biệt nhất là Hợp chưởng ấn.

Như chúng ta biết, Thiền định ấn (đặt ngửa hai bàn tay trong lòng đùi) biểu thị Đức Phật đang tọa thiền dưới cội bồ đề. Ở đây, đối với đa số Phật tử người Việt, hình ảnh Phật ngồi kiết già với thủ ấn thiền định cũng được hiểu là Phật... đã đắc đạo, khác với truyền thống đồ tượng Phật giáo Tiểu thừa: Phật đắc đạo luôn được thể hiện bởi thủ ấn Hàng ma/Xúc địa. Chuyển pháp luân ấn (hai tay đặt trước ngực, bàn tay trái và bàn tay phải tương phản nhau, các ngón tay trái và phải có dạng hơi tiếp xúc nhau). Thủ ấn này biểu thị cảnh giới sau khi Đức Phật an trú trong bản nhiên pháp tánh, do tâm đại bi chuyển động pháp luân, liền thuyết pháp. Ấn này biểu thị lần thuyết pháp đầu tiên cho anh em Kiều Trần Như tại Lộc Uyển. Ở thủ ấn chuyển pháp luân ta thấy phổ biến có loại khác: bàn tay trái ngửa lên đặt trong lòng đùi khá giống với ấn giáo hóa (với cả hai bàn tay, tay phải và trái như chuyển pháp luân ấn, nhưng tay trái lại ngửa thẳng ra hướng xuống đất). Phải chăng đây là biến tướng của kiểu hình tượng Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên trước đại chúng, Tôn giả Ca Diếp nhân đó liễu ngộ và mỉm cười - gọi là "niêm hoa vi tiếu". Riêng Hợp chưởng ấn (hai tay chắp trước ngực) ở tranh kiếng có thể coi là trường hợp đặc dị, hiếm thấy.

Mặt khác, tranh vẽ Phật Thích Ca Mâu Ni (đa phần được thể hiện bằng tọa thức kiết già hay bán già) thường đắp y để lộ một bên vai và tay phải hoặc quấn kín cả hai vai, theo kiểu thức đồ tượng Phật giáo Tiểu thừa.

Một đặc điểm đáng chú ý khác, tùy theo từng phong cách mà người thợ vẽ tranh đã có những biến tấu khác nhau như: Đức Phật ngồi trên thảm hoa, thảm cỏ/bồ đoàn, đài sen/liên hoa đài, mô đất với dòng suối chảy quanh và những đóa sen mọc lên trên mặt nước; hay giản lược chỉ là nền đất. Hình tượng Đức Phật tọa trên thảm cỏ/bồ đoàn dưới cội bồ đề được thấy khá nhiều trong Phật giáo Tiểu thừa; về sau đài bệ được cách điệu hóa lên thành đài sen/liên hoa đài thường thấy trong Phật giáo Đại thừa. Phía sau Đức Phật là gốc cây bồ đề to hay chỉ là tán lá. Hậu cảnh tranh thường là núi non, sông suối với cặp nai, hoa lá hay trời mây.

Tranh kiếng vẽ Phật của người Khmer là dòng tranh Phật giáo Nam tông đặc thù, đắp y vàng theo phong cách Tỳ kheo cùng với cảnh vật, chùa tháp, cây cối cách điệu cao, trang trí công phu, màu sắc tương phản ấn tượng. Tranh Phật Khmer khác với tượng Phật Thích Ca thờ ở chùa Khmer chủ vào tượng Phật đắc đạo (ngồi kiết già và kiết Hàng ma ấn), tranh Phật vẽ trên kiếng thờ tại gia rất đa dạng: Phật tọa thiền, Phật chuyển pháp luân (thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như), Phật thuyết pháp cho chư tiên Têvôđa, Phật thuyết pháp cho thân mẫu (Hoàng hậu Maya), Phật đi hóa độ vua cha và vợ con... và đặc biệt phổ biến là tranh Ngũ Phật. Nói chung, Phật giáo Tiểu thừa không thờ một tập hợp Phật, Bồ tát, La hán đông đảo như Phật giáo Đại thừa mà chủ vào khai thác các kỳ tích diễn ra trong chính cuộc đời của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Riêng tranh Ngũ Phật thể hiện chư Phật ba đời. Số lượng Phật quá khứ trong kinh điển Phật giáo không thống nhất: 3.000 Phật, 28 Phật, 7 Phật... Đối với Phật tử Khmer thì cõi Nam Diêm Phù Đề (tức địa cầu của chúng ta) đã có 4 vị Phật ra đời: Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanta), Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni), Phật Ca Diếp (Kasyapa) và Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni). Ngoài ba vị Phật quá khứ và vị Phật hiện tại (Sakya Muni) còn Phật tương lai là Phật Di Lặc (Maitreya) sẽ ra đời vào kiếp kế tiếp. Phật Maitreya là vị Bồ tát duy nhất được nhìn nhận bởi Phật giáo Tiểu thừa. Tranh Ngũ Phật thể hiện 5 vị Phật ba đời này.

Tranh kiếng vẽ Phật của người Khmer không chỉ do những nghệ nhân Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng tạo tác mà có loại được phái thợ ở Bà Vệ (An Giang) tạo tác. Họ cung ứng một lượng tranh Phật đáng kể cho cộng đồng Phật tử Việt lẫn Khmer.

Ở dòng tranh Bà Vệ (An Giang), tranh Phật gồm tranh Phật tọa thiền dưới gốc bồ đề và tranh Phật thuyết pháp cho chư tiên Têvôda. Loại trước dành cho Phật tử người Việt và loại sau dành cho tín đồ Phật giáo Tiểu thừa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, bộ tranh liên hoàn gồm ba bức tranh dài, mỗi bức 4 tranh, vẽ về những kỳ tích trong cuộc đời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni gồm Bạch tượng đầu thai, Phật Đản sanh, Thái tử Tất Đạt Đa, Đi ra cổng thành chứng kiến cảnh sinh, bệnh, lão, tử, Từ bỏ cung điện, Cỡi ngựa ra khỏi kinh thành, Thế phát, Tọa thiền dưới gốc cây Bồ đề/Nhận vật thực của cô gái mục đồng, Chiến thắng Ma vương, Chuyển pháp luân/ Độ cho 5 anh em Kiều Trần Như, Trở về kinh thành độ cho vua cha và vợ con. Bộ ba tranh liên hoàn, thường được gọi là bộ "xà lanh" này được treo trên xà ngang, chạy dài suốt ba gian của ngôi nhà. Chúng không hẳn là tranh thờ và càng không hẳn là tranh trang trí thuần túy.

Dòng tranh Bà Vệ này còn có 2 bức "xà lanh" đặc thù, chứa đựng tín lý phổ biến của các tôn giáo cứu thế địa phương, bao gồm đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo. Đó là bức tranh phong cảnh vùng Bảy Núi/Thất Sơn mầu nhiệm với câu sấm giảng: "Trên năm non rồng phụng tốt tươi/Miền bảy núi ngày sau báu quý" và bức tranh Thuyền Bát Nhã với câu thơ đề vịnh: "Thuyền bát nhã ta cầm tay lái/Quyết đưa người khỏi bến sông mê". Bức trước phản ánh tính lý mạt pháp và niềm xác tín rằng đỉnh Núi Cấm, thuộc Bảy Núi là nơi Phật Di Lặc lập hội Long Hoa; và bức sau biểu thị cứu cánh "đáo bỉ ngạn" của nhà Phật.

Tranh thờ tổ tiên của dòng tranh Bà Vệ cũng đượm nhuần giáo lý đặc thù của Phật giáo Hòa Hảo. Ở đó, ngoài dòng chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" ở chính giữa ta còn thấy hai bên là câu đối:

Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,

Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu.

Thêm vào đó, dòng tranh này còn có bức trần dà với hình hoa sen hồng trên nền nâu và câu Nam mô A Di Đà Phật. Đây là loại tranh thờ dành riêng cho tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo. Hình tượng hoa sen được xem như là biểu tượng cho thế giới Liên hoa Tịnh độ của Phật Di Đà, thường gọi là Tây phương Cực lạc.

Trở lại với tranh kiếng vẽ Phật, ngoài những đề tài liên quan đến Phật lịch sử, còn có tranh vẽ Phật Di Đà. Đề tài này có ba dạng chính: 1. Tọa thức kiết già trên đài sen có bệ, vòng hào quang tỏa sáng quanh đầu, tay kiết thiền định ấn (ba phẩm thượng sanh); 2. Phật đứng trên tòa sen có tư thế một bàn chân ngang, một bàn chân dọc với cả đầu quang lẫn bối quang và thủ ấn phổ biến là ba phẩm hạ sanh; 3. Ít phổ biến hơn là tranh vẽ Di Đà tam tôn (Phật Di Đà, Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Đại Thế Chí).

Tranh vẽ Phật Di Lặc có ngai hoặc không ngai với tư thế ngồi thoải mái, một tay cầm túi vải, một tay cầm xâu chuỗi và hình tướng luôn hoan hỷ. Về số lượng, tranh kiếng vẽ Phật Di Lặc chiếm một tỷ lệ quan trọng.

Nói chung, tranh kiếng vẽ Phật là đại tập thành phong phú về kiểu thức, kỹ pháp tạo hình, phong cách mỹ thuật cũng như đề tài. Đặc điểm phổ biến đáng chú ý là tranh kiếng vẽ Phật Thích Ca Mâu Ni chịu ảnh hưởng của đồ tượng Phật giáo Tiểu thừa trong việc thể hiện đài tọa, pháp phục hở một bên vai tay. Kiểu Phật tượng đắp y kín cả hai vai là một đề xuất chịu ảnh hưởng cách đắp y của Phật tượng Tiểu thừa ra đời trong những thập niên 60-70 của thế kỷ trước và từ đó ảnh hưởng đến tranh kiếng. Việc Đức Phật lịch sử đắp y vàng chiếm đa phần trong số tranh kiếng vẽ Phật là một đặc điểm đáng chú ý. Điều này một mặt biểu thị sự ảnh hưởng của tranh tượng Phật giáo Tiểu thừa Khmer và mặt khác người tạo tác tranh kiếng cũng nhắm vào việc phục vụ khách hàng Việt lẫn Khmer.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.

Thông tin hàng ngày