Ông cụ nghĩ vậy rồi chống tay xuống giường khó nhọc ngồi dậy, đưa tay đấm nhẹ phía lưng, hai bên bả vai, hai bắp đùi. Ông cứ ngồi một lúc lâu, miệng chép khan liên tục tạo ra tiếng kêu “tép tép”, cổ họng khô rang. Ông nhăn nhó chống gối đứng dậy, lần ra chiếc bàn uống nước. Bình lá vối từ qua đến giờ đã thiu. Ông với tay lấy phích nước, rót cốc nước uống cho ấm bụng.
Buổi sáng mùa thu trời mát mẻ, ông nghe như hương thị, hương ổi thoang thoảng đâu đây. Ông nhắm mắt hít hà rồi mường tượng ra bóng bà cụ lom khom bên dưới gốc cây thị ngoài vườn, hai đứa cháu trai nhỏ đùa nghịch bên cạnh, hai đứa cháu gái lớn đang vắt vẻo trên cây hái quả chín, được quả nào chúng lại bỏ vào chiếc làn cói treo chỗ chạc ba gần thân cây. Nhắm lúc đầy đầy lại dòng dây đưa xuống cho bà đổ ra thúng.
Ông chợt cười, có mấy bà cháu thôi mà rộn cả góc vườn. Hái thị xong mấy bà cháu sẽ chuyển sang hái ổi… Bỗng ông cụ ngẩn người, mới đó mà giờ nhà chẳng còn ai. Cây ổi, cây thị đã chặt đi từ lâu, từ lúc mấy đứa cháu của ông lớn lên. Chính ông đã quyết định chặt mấy cái cây đó đi để xây thêm gian nhà ở cho rộng rãi. Còn bà cụ cũng đã về với tổ tiên cách đây mấy năm rồi.
Ông cụ thấy bụng mình sôi lên. Ái chà! Đói rồi đây. Ông đi xuống bếp. Nồi cơm nấu một lần ăn hai bữa để từ trưa qua đến giờ đã thiu. Nấu chút nước hòa cháo gói vậy.
Ông cụ đang lúi húi ở bếp thì nghe có tiếng mở cổng, con chó Tít phi nhanh vào. Nó nhìn thấy ông thì vẫy đuôi rối rít, sấn vào liếm chân ông, miệng rên khe khẽ. Ông cúi xuống vỗ vỗ nó, nựng:
- Tít đói lắm rồi đúng không? Lát ăn cháo với ông rồi gần trưa ông đi mua cho chút phổi lợn nhé.
Chả biết con vật nghe có hiểu gì không nhưng được chủ vỗ về cái đuôi nó cứ ngoáy tít lên.
- Cụ ơi!
- Ông ơi!
- Ai đấy! Ông cụ từ bếp nhìn ra, cặp mắt già nua nheo lại nhìn cho rõ. A, mẹ con cái Lanh xuống đấy à? Hôm nay ba mẹ con không ra lớp, không đi học hả?
- Hôm nay thứ Bảy ông ạ. Ông ăn sáng chưa? Cháu mua cho ông tô cháo lòng đây này.
- Ông cũng đang nấu nước định úp gói cháo.
Lanh vừa đi ra chạn bát trút bì cháo ra bát, vừa phân trần:
- Mấy bữa nay cháu phải làm đồ dùng dạy học, chuẩn bị cho năm học mới nên không xuống thăm ông. Hôm qua chị Thu gọi điện bảo sao máy ông chị gọi mãi không được, chị nóng ruột nói cháu xuống xem ông có khỏe không? Lát cháu gọi zalo cho ông nói chuyện với chị nhé.
- Ờ. Chắc máy ông hết pin đấy. Ông có mấy khi để ý đến nó đâu. Với lại mắt mũi giờ kèm nhèm nhìn không rõ, tai thì nghễnh ngãng, nghe điện thoại cứ câu được câu không. Chán chết!
Lanh bưng tô cháo còn nóng hổi đang bốc hơi đặt lên bàn trước mặt ông, mùi hành tiêu tỏa ra thơm phức, nói với ông:
- Ông ăn đi cho nóng ạ! Ô, trán ông bị làm sao thế kia? Bị bao giờ vậy ông?
Thấy cô cháu gái hoảng hốt, ông cụ xua tay cười cười:
- Không sao rồi. Hôm qua ông tưởng chết đấy. Trưa hôm qua, ông ăn cơm xong, mang cái bát đi rửa. Lúc đứng lên nó chóng mặt, ngã đập xuống cái bờ kia, mãi mới dậy được.
- Bảo sao hôm qua chị Thu gọi điện về cứ kêu nóng ruột, nói cháu phải xuống ông xem thế nào. Hôm qua cháu còn cáu chị…
Lanh không nói được hết câu, cổ họng như có cái gì nghẹn lại, sống mũi cay cay và hai khóe mắt hình như có nước.
- Lẽ ra buổi chiều qua khi trả trẻ xong cháu nên chạy xuống.
Lanh nhìn ông nội đang chậm rãi xúc từng muỗng cháo đưa lên miệng. Nét già nua hiện rõ trên mái tóc bạc lưa thưa, làn da đồi mồi, nhăn nheo.
- Mấy hôm trước mẹ cháu có về, mang cho ông ít cá kho, chục trứng với miếng mít. Mít, chờ mãi chả thấy đứa nào xuống, ông ăn hết rồi. Cá thì chủ yếu để dành cho con Tít chứ ông ăn mấy. Trứng vẫn trong chạn bát kia, lát mang về trên đấy tráng cho bọn trẻ nó ăn.
- Ông cứ để ăn dần, trên nhà cháu có rồi.
Ông cụ ăn, thi thoảng lại xúc miếng lòng bỏ vào chiếc bát bên dưới chân có con Tít đang ngồi chầu. Lúc nào nó hết chưa kịp cho nó lại ngồi bệt đít xuống, mắt chăm chăm nhìn chủ. Ông cụ cúi nhặt hết lòng bỏ sang bát cho nó.
- Đấy, ăn đi. Ăn rồi trông nhà cho ông.
- Sao ông không ăn mà cho nó hết vậy ạ?
- Ông ăn cháo được rồi. Răng lợi còn đâu, miếng lòng có ngon cũng không nhai được. Dai lắm!
- Vậy lần sau có mua cháu bảo chị Hoa đừng cho lòng, lấy thêm cháo cũng được.
- Ấy, cứ mua một suất bình thường, về ông san cho nó ăn với chứ. Mình ăn chẳng lẽ để nó ngồi chầu. Nhề, Tít nhề! Có nó ông cũng đỡ buồn.
Bỗng cả Lanh và ông cùng hướng ra vườn khi nghe tiếng hai đứa nhỏ gọi reo lên:
- Mẹ ơi, mẹ cầm rổ ra đây. Na chín nhiều lắm, rụng rả xuống vườn đây này.
- Ờ, ra đi, nhắc chúng trèo cẩn thận kẻo ngã. Na mở mắt nhiều mà hai hôm rồi ông không ra xem được.
Hai cây na to phía bờ tường cuối vườn năm nào cũng sai quả. Thường ông cụ hái chờ con cháu về, chia cho mỗi đứa vài quả, có khi khỏe, ông cụ sẽ tự đạp xe mang đi. Ông cụ nghe tiếng mẹ con Lanh rộn lên ngoài vườn thì vui lắm, rồi bần thần nghĩ con đàn cháu đống vậy mà cũng còn mỗi một mình.
Ông cụ có tới chín người con cả thảy nhưng chỉ có hai người con trai. Vợ chồng con trai út thì lập nghiệp tít tận Bảo Lộc, Lâm Đồng. Chúng nó bây giờ là người trong đấy rồi, không có công việc gì hệ trọng thì hai ba năm mới về được một lần. Vợ chồng con trai thứ của ông năm nay cũng ngoài sáu mươi, làm đầm bãi mấy chục năm nay, cất nhà cửa ở đó luôn, cũng bận tối mặt tối mũi.
Gần nhưng có về cũng chỉ đá đưa được một lúc rồi lại tất tả về lo con lợn con gà. Giờ lại thêm chăm cháu nội cho con cái đi làm. Bảy người con gái của ông cụ thì cũng mỗi người lấy chồng một nơi, xa có, gần có. Nhưng con gái đi lấy chồng còn lo phận nhà chồng. Vả lại, giờ chúng có còn trẻ khỏe mà chạy đi chạy lại nữa đâu, cũng lo con lo cháu. Tính ra đứa nào cũng có cháu nội, cháu ngoại cả rồi. Ông đã lên chức cụ, có khi sắp lên kị đến nơi. Chợt ông cụ ngẩn người: chín mươi lăm, già quá rồi còn gì.
Lứa tuổi của ông, các ông bà ấy đã đi cả. Bà nhà ông cũng mất cách đây bảy năm, lúc đó bà ấy mới tám mươi ba tuổi mà người ta đã xuýt xoa sống thọ. Ngày bà ấy mất, còn có ông bên cạnh, biết mà báo con cháu. Giờ ông mỗi mình, con cháu thì công kia việc nọ, có rảnh mà về luôn đâu. Con dâu thứ của ông cũng mấy lần năn nỉ ông xuống ở cùng vợ chồng nó cho tiện bề chăm sóc nhưng ông còn chùng chình. Đi rồi, ai trông nom nhà cửa trên này, ai ngày ngày ra vào hương khói cho các cụ và bà ấy. Nhà rộng, không có hơi người ra vào, chỉ vài hôm sẽ như cái nhà hoang ấy chứ. Mà ở thì mỗi mình, sức cũng yếu dần, lỡ may đùng cái ngã ra như hôm trước, rồi không dậy được, rồi chết ra đấy, con cháu không về, hàng xóm không sang, không ai biết.
- Đầy một rổ, hai đứa còn túm vạt áo nữa kìa ông.
Mẹ con Lanh mà không vào thì ông cụ còn ngồi nghĩ linh tinh mãi. Nhìn rổ na cháu gái bê vào ông cười:
- Đấy, mới có hai hôm cụ không ra vườn xem được mà nó chín nhiều thế. Mẹ con cháu chịu khó chiều đi dạy về chạy xuống xem hái về ăn nhé. Để chín rụng, hoài của.
- Ông ăn hết cháo đi chứ, để nguội mất kìa.
Ông cụ nghe Lanh giục thì ậm ừ rồi xúc thìa cháo đưa lên miệng. Bỗng ông bị sặc, ông ho liên hồi, mặt đỏ rồi tái dần, những đường gân ở cổ nổi cả lên. Lanh vội đến bên ông nội vuốt nhẹ nhẹ ngực ông từ trên xuống. Một lúc, ông đưa tay lật đật lau nước mắt chảy hai bên má, thở dài:
- Già rồi, khổ thế đấy cháu ạ. Thôi, đổ hết cho con Tít nó ăn. Ông ăn thế đủ rồi.
Lanh làm theo lời ông, trút hết nửa tô cháo còn lại sang bát con Tít. Cô mang chiếc bát của ông đi rửa, nghe ông bảo:
- Trưa nay ba mẹ con ở lại ăn cơm với ông nhé. Lâu rồi, không có đứa nào về ăn cơm với ông. Mỗi mình ông nhiều khi chẳng muốn ăn, nấu lên chủ yếu còn con Tít. Để nó đói, tội.
Lúc xuống đây, Lanh chỉ định xem ông có khỏe không, mua cho ông ít đồ ăn mà thấy ông cứ buồn buồn vậy, cô chẳng nỡ. Cô chợt nghĩ, công việc làm cả năm cả đời, nay ngày nghỉ, ở lại với ông.
- Để ông ra vườn, cắt mớ rau đay nấu canh nhỉ.
- Ông cứ ngồi nghỉ đi ạ. Cháu làm được rồi. (Lanh cầm rổ, con dao nhỏ ra bạt rau đay ngoài vườn, vừa đi vừa nói chuyện điện thoại với ai đó).
Ông cụ ngồi cùng hai chắt lựa na ra hai rổ, một chín, một mở mắt. Có vài quả chín quá, ba cụ cháu ngồi bóc ăn. Ông móm mém cười nghe hai chắt vừa ăn vừa rôm rả kể chuyện trường lớp.
- Ông ơi, lát bố mẹ cháu với nhà anh Tân, vợ chồng cậu Bằng, cả cô Chúc nữa về ăn cơm đấy. Cháu vừa điện rồi ạ.
Ông cụ nghe xong tự nhiên trong lòng phấn chấn hẳn lên. Ông sai hai chắt đi mở toang hết cửa lớn cửa sổ nhà trên nhà dưới cho gió lùa vào. Còn ông cầm cây chổi chầm chậm quét sân, thỉnh thoảng ông lại ngoái đầu ngóng ra phía ngoài ngõ.