“Hộ chiếu” tu học

Rạng rỡ ngày ra trường - Ảnh: L.Đ.L
Rạng rỡ ngày ra trường - Ảnh: L.Đ.L
Tốt nghiệp Học viện Phật  giáo (HVPG) VN có thể  nói là bước ngoặt lớn trong  đời của những vị Tăng Ni trong thời đại ngày nay bởi từ đây các vị được Giáo hội công nhận là có đủ trình độ Phật học để làm việc và tu học. Ngày 8-9, HVPGVN tại TP.HCM đã tổ chức lễ tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân cho 545 vị theo học khóa VI (2005-2009) là một sự kiện nổi bật được được nhiều người quan tâm.

Cụ thể là buổi lễ đã có rất nhiều vị tôn đức giáo phẩm T.Ư GHPGVN tham dự cũng như có sự chứng minh của chư vị Tăng thống các nước Cambodia, Bangladesh, Thái Lan… Đấy là niềm hạnh phúc lớn của 545 Tăng Ni sinh tân cử nhân của HVPGVN tại TP.HCM.

Đến dự và đưa tin về buổi lễ này, một vài đồng nghiệp của tôi thuộc các báo đài trên địa bàn TP.HCM đã thật sự bất ngờ trước thông tin đào tạo theo hệ tín chỉ của nhà trường với số lượng học phần, tín chỉ ngang ngửa với đại học ngoài đời. Cách học kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, mời những giáo sư đầu ngành ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản về giảng dạy là một bước tiến mà không phải trường nào cũng có. Đấy là điều kiện thuận lợi để sinh viên chuyên ngành Phật học đào tạo tại HVPGVN tại TP.HCM có cơ hội trau dồi kiến thức, mở mang những chân giá trị trong kho tàng Kinh, Luật, Luận.

Hơn nữa, khi xem trong hệ thống chương trình đào tạo của HVPGVN, chúng tôi và nhiều sinh viên đang theo học ở đại học ngoài đời cũng thấy… choáng bởi chương trình học ở đây không phải ít. Chọn phương pháp đào tạo hệ tín chỉ chứng tỏ những nhà giáo dục Phật giáo đã dày công nghiên cứu, thẩm định phương pháp và dần có những định hướng đào tạo khoa học, hội nhập với môi trường giáo dục quốc tế. Có lẽ vì vậy mà HT.Thích Trí Quảng, Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM đã khẳng định: “… Sau khi tốt nghiệp cử nhân Phật học có thể học tiếp chương trình hậu đại học, cấp thạc sĩ, tiến sĩ trong nước theo các điều kiện tuyển sinh của các HVPG VN khi có điều kiện tổ chức; hoặc Tăng Ni sinh có thể xin đi du học chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,…; hoặc sẽ được Giáo hội Trung ương, địa phương bổ nhiệm, giao phó các Phật sự tùy theo khả năng chuyên môn đã được đào tạo”. Với lời khẳng định này chúng tôi vui một thì chư vị Tăng Ni là tân cử nhân sau 4 năm “dùi mài kinh sử” vui mười; vì các vị ấy đã có một tấm “hộ chiếu” cho những bậc học cao hơn. Đồng thời đó cũng là nền tảng cho việc hoạt động Phật sự trong suốt một đời của người tu sau này.

Hoan hỷ với những kết quả của tân cử nhân HVPGVN tại TP.HCM thì càng tâm đắc hơn những chia sẻ của Hòa thượng Viện trưởng: “Suy cho cùng, học Phật là để làm Phật sự chứ không làm gì khác, đó là mục đích giải thoát tối hậu mang tính lâu dài của người xuất gia tu hành”. Vâng, rõ ràng đó mới chính là kim chỉ nam cho việc học của bất kỳ Tăng Ni sinh nào. Học sơ, trung, hay cao cấp Phật học thì cốt cũng là để tích cóp kiến thức, đó chính là phương tiện để hành đạo và giúp người khác vào đạo. Lời nhắc của Ngài có ý nghĩa sâu sắc mà ngẫm nghĩ mới thấy thấm thía. Sau này dù có học cao lên nữa hay đi làm Phật sự thì tấm bằng cử nhân Phật học hôm nay cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Tu để giải thoát, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn ngõ hầu "tạo dựng hạnh phúc, an lạc cho mình và mọi giới mới là mục đích tối hậu của người tu”, một vị tân cử nhân đã khẳng định với chúng tôi như thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày