Họ làm giỏi và họ tu tốt

GN - Từ bước đầu tiếp cận đạo Phật vì muốn có nơi nương dựa, họ đã có sự chuyển hóa sâu sắc nhờ học, thực tập đạo Phật với một thái độ cởi mở, thực nghiệm...

* Anh HUỲNH ĐĂNG KHOA (PD.Chúc Trọng) làm việc tại Hewlett Packard Việt Nam: “Sống trọn vẹn với giây phút hiện tại”

1b2.bmp

- Gia đình tôi theo đạo Phật nên lúc nhỏ, mùng 1, 15 ÂL hàng tháng đều được ngoại dẫn đi chùa, ăn chay, nhưng chỉ dừng lại đó chứ không biết nhiều về kinh sách. Mãi đến năm 2012, khi ngoại mất, tôi mới thấy sự vô thường của kiếp sống và có duyên đến chùa Xá Lợi (TP.HCM) để ấn tống kinh sách, cầu siêu cho ngoại, từ đó tìm hiểu Phật pháp và quy y.

Từ khi quy y, tôi tìm hiểu giáo lý, tìm thấy con đường an lạc, sống có lý tưởng, giúp đỡ nhiều người và thực hành những lời Phật dạy trong từng hành động, ý nghĩ. Sự chuyển hóa theo hướng thiện pháp của mình chính là hạt mầm vững chãi gieo đến những người thân thương của mình trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, ai cũng có những va chạm, phiền não, nhưng chính giáo lý đã giúp tôi “thấy” và sống trọn vẹn với mình, với pháp, với thực tại. Trong mọi hoàn cảnh đối diện với khó khăn, nhờ pháp tôi quay về chính mình, với hơi thở để nuôi dưỡng và trị liệu, không để bản ngã dẫn vào những ý nghĩ, hành động bất thiện.

 Hiện tôi đang tham gia sinh hoạt với Ban Phật học ở chùa Xá Lợi vào mỗi sáng thứ 7, và nhóm những bạn trẻ hơn thì tập trung lại mỗi tháng tụng giới, pháp đàm, thiền trà cùng nhau. Tôi tâm niệm học hỏi, lắng nghe chia sẻ từ mọi người, vì ai cũng là thầy của mình, nhìn những điều tốt từ mọi người để mình học tập, thấy những điều chưa phải thì góp ý, chuyển hóa cho mình và người.

Mỗi ngày vào sáng sớm tôi ngồi thiền, trì chú, tối đến thì tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền rồi đi ngủ. Ngoài ra, còn đọc thêm kinh sách của Thiền sư Nhất Hạnh, Thiền sư Thanh Từ, HT.Viên Minh cùng các vị Hòa thượng khác..., khi có thời gian tôi nghe pháp trên YouTube.

Trong kinh Kim cang, Đức Phật có nói “các pháp đều là Phật pháp”, với tôi câu nói này luôn trong tâm để thực tập trong mỗi giây phút hiện tại, khi quan sát, tiếp chạm với cuộc sống.

Khi công nghệ truyền thông phát triển, điều đó làm giáo lý được truyền bá rộng khắp, mọi người đều có thể tiếp cận. Nhưng cái hại là những thông tin sai lệch, không đúng theo giáo lý cũng luôn đầy, từ đó làm mọi người đi vào con đường bất thiện hay thậm chí có cái nhìn sai lệch về đạo Phật. Muốn có những thông tin chuẩn thì mỗi vị thầy được chọn giảng pháp, phải chọn lọc kỹ từ giáo đoàn để tránh tình trạng thông tin chồng chéo, sai lệch với Chánh pháp. Tiếp nữa phải có những phản biện, trao đổi thông tin hai chiều để thúc đẩy sự tìm hiểu cũng như chỉnh sửa những điều chưa đúng hoặc cần hoàn thiện trong hoằng pháp của giáo đoàn.

Đạo Phật là con đường đến để mà thấy, không ai có thể miêu tả, phác họa ra được, chỉ có mỗi cá nhân muốn tìm hiểu, hãy đến, học tập, suy nghĩ và tự thấy những giá trị mà đạo Phật mang lại. Tất nhiên, điều này cũng cần các vị Tăng, Ni có tâm, cuộc sống có chánh niệm, hành trì vững chãi thì giáo pháp chân chánh mới được truyền đi rộng khắp và có lợi lạc cho xã hội.

* ThS.TRẦN LÊ HIẾU HẠNH (PD.Diệu Tâm), giảng viên Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM: “Kiên nhẫn tu sửa để chuyển nghiệp”

2b2.jpg

- Tôi biết đến đạo Phật từ nhỏ do gia đình có truyền thống, nhưng lúc đó tin theo tín ngưỡng, vì mẹ thường khuyên niệm danh hiệu Bồ-tát nên mỗi khi có trúc trắc trong đời sống tôi thành tâm niệm danh hiệu Ngài.

Một cột mốc khác đưa tôi đến gần với đạo là năm 2012 - về làm cho Đài Truyền hình An Viên, đã giúp tôi tiếp xúc nhiều hơn với Phật giáo. Theo duyên đó, tôi làm luận văn cao học đề tài “Thờ cúng Phật trong gia đình người Việt Đông Nam Bộ”, thời gian viết luận văn, tôi khảo sát thực tế, bản thân cũng thực hành đọc tụng kinh Phật trải nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu. Đầu năm 2015, gặp biến cố lớn trong cuộc đời, qua đó tôi cảm nhận được nghiệp rất mạnh chi phối số phận, cú sốc này đánh dấu một chặng đường học Phật mới của tôi.

Sự chuyển hóa diễn ra một cách chậm rãi nhưng tôi cảm nhận bản thân có sự chuyển đổi trong tâm tính, bớt nóng giận, bớt đòi hỏi, bớt cố chấp, sống chân thật với chính mình, ý thức được khẩu nghiệp nên ráng tu sửa nội tâm, lời ăn tiếng nói. Trong quá trình thực tập, tôi cũng nhìn lại quá khứ của mình, cảm thấy ăn năn hối lỗi với những tư tưởng ích kỷ, tự cao, hiếu thắng của bản thân làm đau lòng người khác. Học nhận lỗi, học cách bao dung để có thể nhẹ nhàng nhìn lại, nhẹ nhàng mỉm cười.

Trong công việc, đồng nghiệp biết tôi theo đạo Phật nên khi có điều kiện thích hợp chúng tôi chia sẻ với nhau về chuyện đạo, đời để hiểu và cảm thông cho nhau, tôn trọng con đường tâm linh của nhau. Còn trong gia đình, chúng tôi bớt mâu thuẫn, sống trong bầu không khí hòa thuận, cảm thông và chia sẻ.

Với những khó khăn cá nhân, tôi chưa tự tin mình đủ vững chãi vượt qua nhưng đang học cách làm cho mình trở nên vững chãi hơn từng ngày. Tôi thực tập lắng nghe sâu chính mình để hiểu hơn về bản thân mình, học cách vui vẻ chấp nhận những mặt tròn đầy, mặt khuyết của mình. Tôi đang rèn luyện bản thân, buổi sáng thức dậy thiền một chút, tối trước khi đi ngủ thì niệm danh hiệu Bồ-tát hoặc đi làm về sớm thì ghé chùa tụng kinh, còn nếu về nhà ở quê thì tôi lạy Phật sám hối.

Tôi học pháp từ nhiều vị thầy, mỗi vị đều có điểm hay cho mình học tập nên cũng không bó hẹp vào một vị thầy nào. Chính mình cũng là một vị thầy của mình nữa. Và tôi kiên nhẫn tu sửa để chuyển nghiệp, để có đời sống thành công, hạnh phúc, biết chia sẻ, phụng sự trong năng lực của mình với xã hội. Mong ước cao hơn nữa là để người đời dù theo tôn giáo nào, họ thấy người học Phật có được đời sống an vui tốt đẹp nhờ khéo léo vun trồng nhân thiện thì họ cũng bắt chước làm theo.

Tôi nghĩ mọi người đều có một căn cơ riêng, nếu các thầy có thời gian, điều kiện thì nên tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh, mức độ tu học riêng mỗi người để cho thuốc phù hợp. Hiện nay quý thầy cho thuốc chung chung, ai thấm được nhiêu thì thấm.

* Anh NGUYỄN VĂN TOÀN (PD.Minh Trí), làm việc tại Cty CP Sanfordpharm: “Mỗi ngày có cơ hội sống tốt hơn ngày hôm qua”

3b2.jpg

- Tôi bắt đầu quan tâm và tìm hiểu Phật pháp từ năm 2011, còn trước đó hình ảnh về Đức Phật trong tôi và gia đình là các thầy mặc áo vàng làm lễ cúng trong xóm mỗi khi gia đình ai đó có tang sự, là thế giới tâm linh huyền bí mà những người chết mới được gặp. May mắn là trong lớp học, có thầy hay nói về triết học và có khái quát về Phật giáo, làm tôi rất ấn tượng về biểu tượng ngọn đuốc, vòng tròn sinh, lão, bệnh, chết và 12 nhân duyên. Hình ảnh Đức Phật lúc đó trong tôi là người có trí tuệ lớn.

Khi hết lớp 12, gia đình gặp vài biến cố, tôi làm mọi việc để có tiền đến trường. Nhớ lúc đó, tôi đi mua ve chai, có một vài công nhân bán sắt trộm công trình, tôi đã không vượt qua bài tập đó, một bài tập khó với tôi khi ngày mai hạn chót đóng học phí để được thi mà hôm nay vẫn chưa có đủ tiền. Tôi biết đó là việc không đúng, tôi thất vọng về mình rất nhiều và tôi sẵn sàng trả giá cho sự trải nghiệm đó, tôi tự nhủ như vậy nhiều lần. Nhưng phải một thời gian dài sau đó tôi mới tự tha thứ cho mình, nhìn nhận mình đã hoàn thành bài tập đó, và những bài tập tương tự về lòng tham. Giai đoạn đó Đức Phật như một người bạn dễ thương về tình thương, sự tha thứ, sự vượt lên những điều nhỏ nhặt tầm thường của cuộc sống để hướng đến những điều tốt đẹp.

Thực tập đạo Phật giúp tôi biết truyền thông, kết nối mọi người trong gia đình với bố mẹ, anh chị em tốt hơn. Cả nhà thỉnh thoảng đi khóa tu 2 ngày, bố không đi nhưng ủng hộ mẹ đi tu.

Trong công việc tôi nhận diện được vấn đề và đối mặt một cách bình tĩnh. Tôi ít chia sẻ với đồng nghiệp nhưng buổi trưa ăn chay mọi người hỏi tại sao ăn chay, tôi nói ý nghĩa của việc ăn chay vì tôn trọng sự sống. Sự sống của các loài khác cũng quan trọng như cuộc sống của mình và sự sống mình đang có đây được nuôi lớn bởi sự chết đi của rất nhiều sự sống khác.

Hiện tại mỗi sáng, tôi tập thói quen thức dậy lúc 4g30 để vận động cơ thể bằng chạy bộ. Sau đó tắm rửa, đọc sách, ngồi yên vào buổi sáng. Vào cuối tuần rất thích đến tham dự những khóa tu, nếu tuần đó rảnh sẽ mời em gái hoặc bạn đi cùng. Tôi có nhóm tu học cùng, mọi người trong nhóm như gia đình thật sự vậy, rất yêu thương và nâng đỡ nhau.

Từ khi học Phật, tôi thấy cuộc sống rất thú vị, vui vì mỗi ngày có cơ hội sống tốt hơn ngày hôm qua...

>> Xem thêm bài Người trẻ nói về lợi lạc khi học Phật

Như Danh ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày