Hồ Tây và tên Thăng Long

LTS: Sau khi bài viết với tựa đề: Thăng Long: biểu hiện ý chí vươn lên của người Việt của Sử gia Dương Trung Quốc được đăng tải, Tuần Việt Nam đã nhận được bài viết của các nhà nghiên cứu, giới sử gia, kiến trúc sư và nhiều người dân cùng chia xẻ băn khoăn khi bàn về việc trả lại tên Thăng Long cho Hà Nội. Tinh thần chung là tên nào cũng đẹp, cũng gắn với một thời lịch sử hào hùng của dân tộc nên sự lựa chọn thực khó khăn. Để đảm bảo thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết của KTS Trần Thanh Vân. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bà. Mời độc giả tiếp tục tham gia thảo luận.

Trước khi Liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo Thường trực Chính phủ về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội lần thứ 3 trong tháng 10/2009, dư luận của những người yêu quý và quan tâm đến hình hài phát triển của Thủ đô trong tương lai, đều sôi nổi thảo luận, nhằm xác định Trung tâm của Thủ đô ở đâu? Và Trung tâm hành chính quốc gia sẽ ở đâu?

Chúng ta đang gấp rút cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và đây có lẽ là thời điểm thảo luận xem đã đến lúc Thủ đô của chúng ta có nên lấy lại tên Thăng Long hùng vĩ hào sảng, hay vẫn giữ mãi tên "Hà Nội trong sông".

Hồ Tây là Trung tâm Thăng Long xưa

Nhiều cứ liệu dư địa chí cũ khiến chúng ta tin rằng mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã chèo thuyền ngược sông Hồng, rôì xuyên qua thành Đại La, qua cửa Hà Khẩu tức phố Chợ Gạo ngày nay, đi vào sông Tô Lịch. Từ sông Tô Lịch có lối đi vào Hồ Dâm Đàm qua làng Hồ Khẩu thuộc vùng Long Đỗ.

Hồ Khẩu chỉ cách Đầm Trị chuyên trồng loại sen quý cạnh đền thờ Trâu vàng chừng 1Km, nơi đó là "Rốn hồ", xưa kia chỉ cần có một cơn gió nhẹ là nơi đó xuất hiện cột nước xoáy bay vút lên. Để có được một quyết định thiêng liêng dời Đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long, tại nơi cửa hồ linh thiêng này, nhà vua đã phát hiện ra bí quyết phá bùa yểm của Cao Biền khi thấy cột nước này.

Trong sách phong thuỷ, hiện tượng đó gọi là Long quyển thuỷ, sau này dân gian gọi là cơn lốc Hồ Tây. Từ vị trí quan trọng này, hướng sang phía Tây nhà vua nhìn thấy đỉnh Ba Vì chỉ cách chừng 25Km theo đường chim bay, còn nhìn và sang phía Đông là sông Hồng thoáng rộng. Đó là tứ văn quan trọng của bản Thiên Đô Chiếu: "Tựa núi nhìn sông" và "Rồng cuộn Hổ ngồi"của Người đọc trước quần thần trước khi dời Đô.

Có lẽ nhờ phát hiện trọng đại trên nên sau khi dựng nên Kinh đô Thăng Long, nhà vua đã cho lập tại vùng hồ linh thiêng này 3 nơi thờ Dâm Đàm Đại Vương bố trí theo thế chân vạc ở Đình Nhật Chiêu, ở Đình Yên Hoa và ở Đền Thủ Lệ.

Vào thế kỷ thứ 11, cả nước Đại việt chỉ có 6 triệu dân nên Hoàng thành Thăng Long được xây cho vua ở và triều đình làm việc thì chỉ rộng chừng 4Km2 ở phía Nam Hồ Tây, nhưng quân lính bảo vệ Kinh thành, nơi xuất quân ra đi đánh giặc và thu quân về mở tiệc mừng công lại ở phường Nhật Chiêu phía Bắc hồ Dâm Đàm.

Khu Kinh thành Thăng Long cho dân chúng và quan lại ở có vùng Long Đỗ tức vùng Kẻ Bưởi, là trung tâm buôn bán sầm uất nhờ mạch giao thông chính là sông Tô Lịch đã bao trùm lên toàn thành Đại La có từ thời Cao Biền.

Vào thời Lý thời Trần, cả kinh thành có 61 phường, sang đến thời Lê, tuy kinh thành có dịch sang phía đông một chút và tổ chức lại cơ cấu hành chính chỉ còn 36 phường, nhưng các phường quanh Hồ Tây như phường Thuỵ Chương, phường Hồ Khẩu, phường Yên Thái, phường Trích Sài, phường Bái Ân, phườngNhật Chiêu, phường Quảng Bá, phường Nghi Tàm, phường Yên Hoa...thì vẫn tồn tại cho đến đầu thế kỷ 20.

Khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 rồi lập kinh đô ở Phú Xuân Huế và lập ra tỉnh Hà Nội năm 1831, đặc biệt là từ khi người Pháp chiếm được Hà Nôị rồi cho xây dựng thành phố Hà Nội thuộc địa, thì các phường quanh Hồ Tây đều bị đổi thành làng ngoại ô thuộc huyện Từ Liêm và bị lãng quên.

Hồ Tây linh thiêng 200 năm liền bị bỏ rơi, nhưng những truyền thuyết Hồ Tây với bề dầy lịch sử ngàn năm thì không bao giờ bị lãng quên. Hơn 20 đền chùa miếu mạo quanh Hồ Tây tuy có bị xâm hại và biến dạng, nhưng vẫn tồn tại và vẫn khẳng định hình hài một Thăng Long cổ xưa.

Người Pháp xây dựng thành phố Hà Nội đã lấp mất sông Tô Lịch đoạn qua phường Hà Khẩu, xây nên các phố Chợ Gạo, phố Hàng Buồm, phố Hàng Lược, phố Phan Đình Phùng, phố Thuỵ Khuê... nhưng có lẽ nhờ ảnh hưởng linh thiêng của "Huyệt đạo quốc gia", nên ở vùng Phủ Tây Hồ, cụm di tích cổ xưa vẫn còn.

Gọi nơi đó là "Huyệt đạo quốc gia" vì nếu xem trên bản đồ vệ tinh, huyệt đạo này được xác định cùng nằm trên đường Vĩ tuyến Bắc 21 độ 3' 28'' trùng với tọa độ Đền Thượng trên đỉnh Ba Vì cao 1226m so với mặt biển.

Hà Nội không còn ở "trong sông" nữa

Ngày 29/5/2008 Quốc hội thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô với thế "Tựa núi nhìn sông Rồng cuộn Hổ ngồi" đạt số phiếu 92,9%. Tôi là một trong những người ủng hộ nghị quyết đó và tôi hiểu rằng đó là cơ hôị để phục hồi tên Thủ đô Thăng Long.

Ngày 21/8/2009 Thường trực Chính phủ đã nghe Liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nôị đến năm 2030 - 2950 lần thứ 2. Mặc dầu thời gian nghiên cứu chưa sâu, lập luận chưa chắc chắn, nhưng với áp lực ý kiến phản biện của các chuyên gia và các hội ngành nghề, ngoài hai phương án định hướng quy hoạch đưa trung tâm Hành chính quốc gia sang Đông Anh (PA.I) và đưa trung tâm Hành chính quốc gia vào Thạch Thất (PA.II), một số ít ý kiến còn muốn bám lấy Hồ Hoàn Kiếm và trung tâm chính trị Ba Đình.

Nhưng Hồ Hoàn Kiếm chỉ là Hồ Lục Thuỷ, chưa bao giờ là Trung tâm Thăng Long, còn Ba Đình thì đã quá chật trội, xây thêm nữa sẽ không chỉ không thoả đáng mà có nguy cơ làm hỏng giá trị của Hoàng thàng Thăng Long. Bởi vậy báo cáo lần này đã xuất hiện Phương án III là đưa Trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Tây Hồ Tây.

Phương án sinh sau đẻ muộn này đã được đa số ý kiến ủng hộ.

Để kết luận ý kiến của Chính phủ trong buổi báo cáo này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Một là Quy hoạch Thủ đô thì phải lấy Thủ đô làm trung tâm chứ không được đi vào vùng đất hoang để xây dựng; hai là quy hoạch Thủ đô thì phải coi trọng hệ thống sông hồ và môi trường nước của Thủ đô, và ba là phải coi trọng những giá trị văn hoá lịch sử của Thủ đô.

Như vậy là Hồ Tây sẽ thực sự trở thành trung tâm của Thủ đô và Tây Hồ Tây với trục Thăng Long trên đường Vĩ tuyến Bắc 21 độ 3' 28'' đi từ đỉnh Ba Vì ra tới sông Hồng sẽ hình thành cơ cấu "Tựa núi nhìn sông và Rồng cuộn Hổ ngồi".

Cơ cấu đó cho phép ta khẳng định rằng thủ đô Hà Nội đã không còn ở "trong sông" nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày