Hóa độ người giàu

Đức Phật giáo hóa Trưởng giả Cấp Cô Độc
Đức Phật giáo hóa Trưởng giả Cấp Cô Độc

GN - Có một nhóm bạn trẻ thường nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện hoặc tặng cơm cho người nghèo trong ngày rằm… Một dịp tình cờ có chú chủ tịch xã đề nghị các bạn nấu cơm chay để đãi trong đại hội công nhân viên chức do xã tổ chức, thì các bạn lắc đầu. Có bạn nói: “Mấy người đó có tiền, thậm chí giàu nữa, mắc gì lo cho họ”. Thế là có một cuộc tranh luận giúp hay không giúp cho “người giàu”.

Chợt nhớ trong kinh có kể chuyện Đức Phật sau khi thành đạo đã từng hóa độ vua Tần-bà-sa-la, vua Ba-tư-nặc, rồi hóa độ các vị trưởng giả như Da-xá, Cấp Cô Độc, hóa độ cả hoàng gia với các vị hoàng tử, thái tử, công tử như Nan-đà, A-nan-đà, A-na-luật… Nhìn lại, thì các vị ấy đều là người giàu có, thế lực, chứ đâu có phải người nghèo. Tại sao bây giờ chúng ta chỉ đi làm từ thiện cho người nghèo, mà bỏ lơ, thậm chí thành kiến với người giàu. Làm từ thiện, theo nghĩa nào đó cũng là hóa độ, nhờ bữa cơm hoặc món quà mà làm họ cảm động, gieo duyên với họ để sau này hướng họ vào con đường tử tế. Như vậy, bất cứ ai cũng có thể là đối tượng cho chúng ta hóa độ.

Thật ra hóa độ người giàu rất khó. Bởi họ không thiếu thốn để chờ chúng ta phát chẩn. Có khi họ cũng không đau khổ để chờ chúng ta an ủi. Như vậy, khi có cơ hội tiếp cận là chúng ta phải nắm bắt ngay. Thí dụ, giao tiếp, làm ăn, hỗ trợ lúc gia đình lục đục v.v… Ở đây cụ thể là chuyện nấu cơm chay theo lời đề nghị của chú chủ tịch xã. Thật đáng mừng nếu chú chủ tịch biết ăn chay, lại còn khuyến khích mọi người ăn chay. Sau một đại hội ở bất cứ cơ quan nào, thường là có ăn uống linh đình và nhậu bia rượu, tính thử bao nhiêu con vật đã bị giết và bao nhiêu bia đã tiêu thụ. Đằng này, nếu đổi lại là bữa buffet chay thì thanh tịnh quá đi, tiết kiệm quá đi. Và nếu địa phương có được một ông chủ tịch xã biết hướng thiện, tận tụy việc công, không tham nhũng, không hống hách, thì có phải cả trăm ngàn người dân được nhờ hay không? Và bên cạnh đó là hàng chục, hàng trăm công nhân viên chức tại địa phương, nếu ai cũng mang tâm lành thì đồng bào mình được giúp đỡ biết bao. Ở đây, chẳng cần họ phải gia nhập Phật giáo làm gì, chỉ cần họ hướng thiện, sống và làm việc tử tế là cả trăm, cả ngàn dân được sung sướng.

Như vậy, hóa độ người giàu xem ra có thể hiệu quả lớn hơn so với người nghèo. Bởi khi họ đã hướng thiện rồi thì họ sẽ đem tài lực của mình ra giúp lại cộng đồng. Thú thật, người nghèo được hóa độ thì họ vượt qua được cảnh khó, lo cho bản thân và gia đình họ đã là may rồi, chờ đến khi họ dư dả để giúp ngược lại cho người khác xem ra cũng… hơi lâu. Còn người giàu thì sẵn tài lực, uy thế, quyền hành, chỉ cần họ hướng thiện lập tức họ sẽ đem ngay những thứ đó ra giúp đỡ cộng đồng, nhanh chóng, hiệu quả vô cùng. Giống như ta đã có ngọn đuốc, nếu mồi lửa sang một ngọn đuốc khác có sẵn dầu, sẵn tim thì lửa sẽ lan truyền rất nhanh.

Cuối cùng, theo tinh thần của Đức Phật thì chúng ta cứ đưa tay ra với chúng sanh, không phân biệt. Nếu ai có duyên với ta thì ta cứ nắm lấy cơ hội, miễn sao thế giới này thêm một người ăn chay, thêm một người hướng thiện là vui lắm rồi. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày