Hoa và núi lửa ở cao nguyên Bandung

Nhắc đến Indonesia, du khách thường nghĩ ngay đến Bali - nơi được xem là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng của châu Á. Nhưng lần này, đến với xứ sở vạn đảo, chúng tôi tạm quên đi những bờ biển xanh cùng những resort trên sóng để thử trèo đèo vượt núi và khám phá những nét hấp dẫn của các thành phố du lịch còn lại ở Indonesia - vốn đã bị cái bóng quá lớn của Bali che khuất.

Cao nguyên Bandung là điểm đến lý tưởng cho hành trình trèo đèo vượt núi này…

Từ TP.HCM, chúng tôi đến thủ đô của Indonesia chỉ mất khoảng ba giờ đồng hồ, nhờ đường bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Jakarta do Hãng hàng không Air Asia mới khai trương từ đầu tháng 10. Jakarta là điểm dừng chân đầu tiên để chuẩn bị cho hành trình đến với Bandung - thành phố lớn thứ ba của Indonesia sau Jakarta và Surabaya.

Phố núi Bandung nằm ở phía tây đảo Java, cách Jakarta 180km và mất khoảng ba giờ chạy xe trên đường cao tốc. Đường đến Bandung đa phần là đường đèo khúc khuỷu, hai bên triền núi trải đều những đồi trà xanh mướt. Nếu ở Jakarta, nhịp sống tất bật với những cao ốc hiện đại, khu thương mại san sát nhau thì bắt đầu từ đây, hiện ra dần những mái nhà tranh xiêu vẹo của những người nông dân quanh năm tảo tần.

Thành phố của hoa

Vườn hoa quốc gia tọa lạc ngay trên đường từ Jakarta đến Bandung
Vườn hoa quốc gia tọa lạc ngay trên đường từ Jakarta đến Bandung

Phố núi Bandung đón chúng tôi trong một chiều mưa tí tách rơi trên ô kính xe, buồn man mác. Anh hướng dẫn viên bảo rằng ở đây quanh năm mưa suốt, kể cả mùa hè. ẤËy vậy mà nhịp sống của người dân vẫn sôi động ngay từ những đoạn đường đèo quanh co cho đến tận khu trung tâm. Những gánh hàng rong hiếu khách, những mái nhà truyền thống thấp lè tè nhắc nhớ về một truyền thuyết về những vị thần trên cây không cho ai xây nhà cao hơn mình…

Đặt chân đến cao nguyên Bandung mới hiểu vì sao người dân Indonesia ưu ái gọi nơi này là “thành phố hoa”. Chỉ cần tản bộ dọc làng Cihideung ở phía Bắc, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương sắc của hoa trên phố núi. Khắp mọi nẻo đường ở làng hoa, ngay sân trước ở mỗi ngôi nhà đều trải đầy hoa muôn màu muôn vẻ cùng những cây kiểng được chăm tỉa cẩn thận.

Đường vào làng hoa Cihideung
Đường vào làng hoa Cihideung

Dân làng Cihideung trồng hoa ngay ở sân vườn trước nhà hoặc dựng những nhà kính tạm bợ bên lề đường để trồng đủ loại, từ hoa, cỏ, cây kiểng đến cây ăn quả và ngũ cốc. Những con đường ở đây cũng khá nhỏ, lại là đường đèo nên khúc khuỷu và nhiều ngõ quanh co, cho nên thật lý tưởng nếu thả bộ để thỏa thích ngắm hoa và mặc sức trả giá với những bác nông dân trồng hoa ven đường để mua vài chậu kiểng làm kỷ niệm. Bỗng dưng giữa tiết trời se lạnh và hương hoa nồng nàn của phố núi Bandung, thấy nhớ về Đà Lạt của xứ mình quá…

Ngày nay, thành phố hoa này còn được mệnh danh là “Paris của vùng Java” nhờ thiên nhiên trong lành, cây xanh rợp bóng ven đường và núi đồi điệp trùng vây quanh. Ở độ cao gần 750m so với mực nước biển và được che chắn bởi những ngọn núi kỳ vĩ, Bandung có thời tiết của một vùng cao nguyên mát lạnh, không gian yên bình nhưng không kém phần lãng mạn.

Đầu thế kỷ XVIII, thời Indonesia còn là thuộc địa của Hà Lan, nhà cầm quyền Abraham van Riebeek đã khám phá ra Bandung, nhưng chỉ cải tạo nơi này thành một đồn điền trồng cà phê. Mãi đến thế kỷ XIX, khi đường quốc lộ, đường đèo nối liền với thủ đô Jakarta được xây dựng thì từ một làng quê nghèo, Bandung mới chuyển mình thành một đô thị sầm uất với nhiều trường học và cả học viện nghiên cứu.

Vào năm 1957, Bandung được cả thế giới biết đến khi tổ chức thành công hội nghị các nước Á - Phi với sự tham dự của 29 quốc gia cùng nhiều nguyên thủ nổi tiếng. Kể từ đó, vùng cao nguyên hẻo lánh vươn vai thức dậy sau giấc ngủ dài rồi hóa thân thành nàng thiếu nữ đẹp mơ màng, tràn đầy nhựa sống. Phải chăng vì vậy mà những người Sundanese - tộc dân cư sống từ lâu đời ở Bandung - cũng dễ dàng chiếm được cảm tình của du khách nhờ vẻ đẹp dịu dàng và phảng phất nét trong lành, tươi mát của cao nguyên?

Hoa núi khoe sắc phía trước một tiệm bánh ngọt ở Bandung
Hoa núi khoe sắc phía trước một tiệm bánh ngọt ở Bandung

Ông Jeffry - Tổng Giám đốc Công ty du lịch BMW tại Indonesia đã quả quyết với chúng tôi rằng phụ nữ vùng Bandung đẹp nhất ở xứ sở vạn đảo này. Đúng là đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những cô gái có làn da trắng hồng, má đỏ hây hây, đôi mắt biết nói cùng sống mũi dọc dừa.

Đến lúc này, chúng tôi mới mơ hồ hiểu được vì sao người ta gọi nơi này là “Paris của vùng Java”. Giữa khung cảnh như thơ của phố núi yên bình và những cô gái Sundanese xinh như tiên giáng trần, ai lại không thấy lòng rạo rực và bỗng chốc muốn làm thi sĩ để đi tìm nàng Thơ?

Núi lửa Tangkuban Peharu

Một góc phố núi Bandung và thấp thoáng phía xa là núi lửa Tangkuban Peharu trông như một con thuyền bị lật ngược
Một góc phố núi Bandung và thấp thoáng phía xa là núi lửa Tangkuban Peharu trông như một con thuyền bị lật ngược

Ngày đầu tiên ở Bandung đã trôi qua với những dư vị nhẹ nhàng nên ngay hôm sau, chúng tôi quyết định sẽ thử sức mạo hiểm leo lên núi lửa Tangkuban Peharu đang âm ỉ sau gần 40 năm ngưng hoạt động. Chỉ cách trung tâm thành phố chừng 30 phút chạy xe, ngọn núi lửa cao hơn 2.000m dần dần hiện ra trong tầm mắt, nhìn như một con thuyền bị lật úp nằm chỏng chơ giữa đèo núi hoang sơ. Có lẽ vì thế mà tangkuban peharu trong ngôn ngữ của người Sundanese có nghĩa là “thuyền lật ngược”.

Vì chẳng biết khi nào Tangkuban Peharu lại “nổi cơn thịnh nộ” nên chúng tôi vừa phấn khích, vừa nghi ngại khi bước vào vùng đồi núi chập chùng và mịt mù trong khí sulfur. Do cứ nghĩ vùng núi lửa sẽ oi bức nên không ai mang theo áo khoác, hóa ra thời tiết lại khá lạnh, từng đợt gió thổi tê cóng người.

Run cầm cập, chúng tôi tiến đến gần miệng núi lửa rộng hoác và sần sùi để chứng kiến một trong những kỳ quan lâu đời nhất của phố núi. Nghe người bán hàng lưu niệm ở đây kể rằng núi lửa Tangkuban Peharu đã ba lần hoạt động và trong hai lần đầu tiên, nham thạch đã chảy tràn xuống tận Jakarta! Gần đây nhất, năm 1969, miệng núi lửa lại phun những đám tro bụi và đá tảng lên cao đến 500m.

Ngày nay, nham thạch và bùn sôi đã khô quánh, đông đặc dưới đáy miệng núi lửa, tạo nên một vùng trũng xám xịt nồng nặc mùi lưu huỳnh. Mặc dù đã có lời dặn dò rằng khí sulfur dày đặc khắp nơi có thể khiến du khách khó chịu, nhưng chẳng ai buồn đeo khẩu trang hay dùng khăn che mặt, bởi có lẽ cái màn sương mù sulfur trắng xóa kỳ ảo ấy lại khiến người ta thích thú và có cảm giác được “sống trong núi lửa” hơn.

Miệng núi lửa Tangkuban Peharu trũng sâu, xám xịt và khí sulfur bao phủ đầy trời
Miệng núi lửa Tangkuban Peharu trũng sâu, xám xịt và khí sulfur bao phủ đầy trời

Rời Tangkuban Peharu khi cơ thể lạnh cóng, chúng tôi nhanh chóng ngâm mình thư giãn trong suối nước khoáng nóng ở Ciater cách núi lửa khoảng bảy cây số. Dòng nước nóng ở nơi này được lấy thông từ núi lửa, chứa nhiều lưu huỳnh nên rất hữu hiệu để trị các bệnh thấp khớp hay chỉ đơn thuần để nghỉ dưỡng, gột sạch ưu phiền.

Nhạc cụ bằng tre và văn hóa truyền thống của người Sundanese

Nếu như núi lửa Tangkuban Peharu là biểu tượng của ngành du lịch Bandung và thu hút du khách tấp nập nhất thì Saung Anklung Udjo lại hấp dẫn khách nước ngoài bằng nét duyên đằm thắm, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa người Sundanese.

Saung Anklung Udjo là khu văn hóa, bảo tồn nghệ thuật trình diễn nhạc cụ bằng tre độc đáo bởi những nghệ sĩ nhí tài năng. Làng nghệ thuật truyền thống này được bao quanh bởi những rừng tre san sát và tất cả nhạc cụ lẫn kiệt tác thủ công mỹ nghệ đều làm bằng tre nhờ bàn tay khéo léo của người dân bản địa.

Chỉ qua tiết mục đầu tiên, tất cả du khách, kể cả đoàn khách châu Âu ngồi cùng khán đài đều phải trầm trồ thán phục tài năng của các nghệ sĩ. Tiếp đó, một nghệ sĩ rối tái hiện hình ảnh người anh hùng trong bộ sử thi Ramayana bằng sự điêu luyện của đôi tay, còn đôi chân thì không ngừng vỗ vào những tấm ván thiếc để tạo nên những âm thanh khi réo rắt, dồn dập, khi hào sảng, trầm mặc.

Những nghệ sĩ nhí biểu diễn âm nhạc truyền thống của vùng Sundanese
Những nghệ sĩ nhí biểu diễn âm nhạc truyền thống của vùng Sundanese

Khán phòng thêm sôi động khi những cô bé, cậu bé chừng tám, chín tuổi mang những nhạc cụ Angklung bằng tre trao tận tay cho từng khán giả. Đây là một loại nhạc cụ phổ biến ở vùng Tây Java, thường được dùng trong các lễ hội mừng mùa thu hoạch vì người dân tin rằng tiếng đàn Angklung sẽ thu hút được thần thánh đến ban tặng sự trù phú cho mùa sau.

Đàn Angklung có bảy kích cỡ dài ngắn khác nhau để tạo nên thang âm thất cung và điều độc đáo của nó là chỉ cần biết cách cầm đàn và rung tay đúng nhịp, ai cũng sẽ tạo nên âm sắc thanh tao. Nhìn cảnh những du khách châu Âu lẫn châu Á đều phấn khởi nhịp đàn Angklung theo điệu nhạc truyền thống, chúng tôi bỗng khâm phục ngành du lịch của Indonesia.

Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về nhạc cụ Angklung
Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về nhạc cụ Angklung

Thu hút du khách bốn phương đến với những cảnh đẹp nước mình đã khó, mời gọi mọi người đến học nghệ thuật truyền thống dân tộc rõ ràng còn khó hơn nhiều lần. Indonesia có nhạc cụ bằng tre thì Việt Nam cũng có tiếng đàn bầu, đàn tranh mang đậm hồn quê xứ sở. Không biết đến khi nào mới thấy được cảnh khách nước ngoài mê mẩn với nghệ thuật truyền thống nước mình?

Ngày sắp hết mà Bandung vẫn còn quá nhiều điều chúng tôi chưa kịp khám phá hết, nhất là các cửa hàng thời trang địa phương (được gọi chung là factory outlet). Nơi đây được xem là thiên đường mua sắm quả cũng không sai, bởi đã gần khuya mà chúng tôi vẫn còn thơ thẩn giữa những factory outlet rộng thênh thang. Dường như ai cũng muốn thức trắng cùng Bandung để thấm thía hết nhịp đời sôi động của phố núi đầy hoa và đầy sức sống này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày