Hoằng pháp ở Tây Nguyên: Vị thầy trẻ năng động

GN - Thầy có duyên gắn bó với mảnh đất này từ những năm còn là Tăng sinh Học viện PGVN tại TP.HCM khi tham gia tổ chức khóa tu mùa hè cho các bạn trẻ.

ĐĐ.Thích Chúc Tấn (hiện trụ trì chùa Phước Quang, xã Nhân Cơ, H.Đắk K'Lấp, tỉnh Đắk Nông) được Ban Trị sự tỉnh ngỏ lời, bà con cũng tha thiết thỉnh về, vậy là vừa nhận bằng tốt nghiệp khoa Triết - khóa IX tại Học viện, thầy về bắt đầu không mệt mỏi với những khóa học hè cho người trẻ, khóa tu cho người lớn và mong ước sẽ mở được một ngôi trường Phật giáo nơi đây.

1ct.jpg


Khóa học hè cho các em nhỏ tại chùa Phước Quang

Gieo thiện lành từ những mầm măng

Trong cái nắng chói chang của trời Tây Nguyên, ngồi trò chuyện với người viết dưới chánh điện tạm của chùa Phước Quang, thầy Chúc Tấn cho biết chùa đang xây hội trường để có nơi tổ chức khóa tu cho các em nhỏ ổn định.

Dù mới về từ giữa năm 2015, hè 2016 còn nhiều khó khăn khi các công trình đang ngổn ngang trong quá trình xây dựng, thầy quyết định mở khóa tu học mùa hè cho các em nhỏ quanh huyện. Đến năm 2017, với những thành công bước đầu từ khóa học trước, thầy mở khóa tu lần hai cho hơn 80 em, và tháng 1-2018 hơn 50 em xin quy y, được thầy đặt tên Đoàn Thanh thiếu nhi Vườn Tuệ - sinh hoạt đều đặn vào Chủ nhật hàng tuần tại chùa.

Thầy kể, rất quan tâm tới giới trẻ vì xuất thân từ Gia đình Phật tử ở Quảng Nam, nhưng từ những năm tham gia hướng dẫn khóa tu mùa hè ở nhiều chùa trong cả nước ĐĐ.Chúc Tấn nhận thấy “giáo dục giới trẻ là giáo dục được cả gia đình” nên đã chú trọng nhiều hơn.

Do đó, khi về chùa, thầy mở ngay khóa tu học hè, vì với thầy chỉ có khóa học hè mới đi vào chiều sâu Phật pháp và kết nối được phụ huynh. Thầy tâm sự, tổ chức một khóa học hè rất vất vả, kinh phí tốn kém nhưng sẽ mang lại lợi ích - giúp các em được bồi dưỡng văn hóa để có kiến thức, chia sẻ bớt học phí với các gia đình khó khăn không có điều kiện cho con đi học thêm ở những trung tâm.

“Phụ huynh thường quan tâm làm sao để con học giỏi hơn, đạo đức hơn, nên khi chùa giúp con họ học giỏi hơn, thì họ sẽ cảm nhận mái chùa gần gũi và hướng về chùa”, thầy Chúc Tấn nói.

2ct.jpg
ĐĐ.Thích Chúc Tấn hướng dẫn về Phật pháp cho các em nhỏ tại chánh điện chùa Phước Quang

Giáo viên lớp học hè, tất cả đều được thầy tuyển chọn có chuyên môn, dạy bằng cái tâm, ngoài ra thầy cũng tham khảo chương trình học của trường ở địa phương, để đảm bảo chất lượng học tại chùa tốt hơn.

Suốt ba tháng hè, sáng nào các em cũng được lạy Phật, đọc lời phát nguyện, ngồi thiền rồi mới bắt đầu học các môn học ở trường, và cuối tuần được thầy hướng dẫn giáo lý.

“Nhờ vậy các em có nền tảng đạo lý” - thầy Chúc Tấn tâm đắc, và kết quả là, một khóa học hè ở chùa có 70 em thì sau đó ít nhất có 50 em gắn bó với chùa hàng tuần, rằm, mùng 1, gia đình vẫn đến chùa.

Sau lớp học hè, thầy vẫn có những lớp học hiện đại như luyện chữ đẹp, lớp học vi tính… để duy trì thói quen đến chùa cho các em. Trong tinh thần đó, khi phụ huynh nghĩ đến chùa Phước Quang là “nghĩ đến những lớp học, đến môi trường giáo dục Phật giáo”, thầy Chúc Tấn trải lòng.

Đạo tràng tu học cho người lớn

Không chỉ quan tâm đến người trẻ, chùa duy trì thường xuyên khóa tu Bát quan trai vào rằm, còn mùng một sinh hoạt Câu lạc bộ Phật tử Vườn Tuệ, tụng kinh và thầy chia sẻ Phật pháp cho các vị trung niên là cha mẹ của các em tham dự khóa học hè.

Thầy cho biết, các vị này là nhân sự chính trong các lễ của chùa. Một số vị đến chùa làm công quả rất tốt, ít lên tụng kinh, khi tham gia câu lạc bộ, việc đầu tiên là tụng kinh sau đó mới nghe chia sẻ của thầy - cũng là cách kết nối, để hiểu và hướng về Phật pháp.

Đặc biệt, để tạo thiện cảm với bà con nơi đây, cũng như thể hiện sự quan tâm của Phật giáo đến giáo dục, thầy tổ chức tặng ba-lô cho 2.000 học sinh tại 3 trường trong xã. Theo thầy, “giai đoạn này chỉ tạo thiện cảm, tạo cái nhìn nhận dễ chịu với người ta, vì hồi giờ mình xa lạ quá với họ, còn muốn làm nữa thì phải có thời gian dài. Mình kết nối lần lần chứ không thể ào ạt được”, thầy Chúc Tấn cho biết.

4ct.jpg
Hội trường chùa Phước Quang đang trong quá trình hoàn thiện để có nơi tổ chức khóa tu cho các em nhỏ

Thầy cũng chia sẻ niềm vui, trong năm vừa rồi, chùa dựng được 10 mô hình Phật đản tại các ngã ba đường có nhà Phật tử ở ngoài quốc lộ, làm sẵn khung, phông, tượng Phật, ngày lễ chở tới dựng, mọi người đều rất vui. Sau đó, thầy giao trách nhiệm cho từng xóm, phải chăm chút trang trí hoa trái, rồi thầy tổ chức đi thăm tất cả các điểm, tổ chức khóa lễ ngắn mừng Phật đản để bà con tập trung, động viên bà con. Phật đản năm nay, thầy làm làm thêm 10 điểm mới và giao cho xóm tự bảo quản để họ tự dựng.

Đặc biệt, thầy Chúc Tấn mong ước sẽ dựng được tượng Bồ-tát lộ thiên tại hầu hết các nhà Phật tử dọc quốc lộ, dù biết kinh phí lớn. Thầy chia sẻ: “Tôi muốn tất cả nhà Phật tử thờ Phật trước nhà để khẳng định về tâm linh, đồng thời cũng khẳng định vị thế của Phật giáo tại đây”.

Nhà chùa tự túc kinh tế

Khi được dẫn tham quan chùa, người viết rất ấn tượng với thương hiệu cà-phê “Tuệ Quang” do chính chùa sản xuất. ĐĐ.Chúc Tấn cho biết, để đời sống của Phật tử công quả tại chùa đỡ vất vả, tạo công ăn việc làm cho cô nhà bếp, để có điều kiện chăm sóc mẹ già ở quê - thầy quyết định mua máy móc về sản xuất cà-phê. Mỗi lần có các phái đoàn tới thăm, chùa lại tặng cà-phê, tạo thành thương hiệu cà-phê chùa Phước Quang.

Thầy cho biết dù có nhiều sáng kiến, có những hoạt động, để uyển chuyển khi hoằng pháp tại đây nhưng vì mới về nên kinh phí hoạt động khó khăn. Việc vận động kinh phí tổ chức khóa tu cho các em, hoặc kinh phí trang trải cho giáo viên, rất ít người quan tâm.

3ct.jpg


Hơn 50 em quy y tại chùa Phước Quang

Sâu thẳm tâm nguyện của thầy, về hướng giáo dục cho người trẻ đó là sẽ mở được một cơ sở giáo dục tiểu học do Phật giáo thành lập. “Tôi quan niệm một trường học có 100 em. Mười năm giáo dục được 1.000 người, và mỗi năm sẽ có thêm những đối tượng mới, luôn luôn có đối tượng mới để giáo dục. Từ đó, tăng lên theo cấp số nhân. Do đó, tôi muốn xây trường, chú trọng giáo dục hơn. Đồng thời, xã hội đang kêu ca vấn đề đạo đức ngày càng xuống nên làm được vậy cũng là tạo một chỗ cho mọi người gửi gắm niềm tin nhân quả, tạo hiệu quả thiết thực với xã hội hơn”, thầy nói.

Về phương pháp làm, thầy Chúc Tấn cho biết: “Tôi sẽ mời một vị Tăng Ni nào đó trực tiếp điều hành làm việc, tôi chỉ hỗ trợ là hậu phương, vì không có chuyên môn, thời gian chia sẻ việc đó bị hạn chế”. Tất nhiên, như thầy nói, đây là nguyện ước chỉ dám chia sẻ với huynh đệ thân tình nhưng cũng là động lực để thầy tiếp tục dấn thân nơi mảnh đất nắng gió này...

* ĐĐ.Thích Quảng Hiền (Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông): Một tu sĩ nhiệt huyết!

- ĐĐ.Thích Chúc Tấn là một Tăng sĩ trẻ vừa có năng lực, vừa có nhiệt huyết, là người năng nổ trong các hoạt động của Giáo hội.

Về những chương trình khóa tu mùa hè, với vai trò hướng dẫn, thầy có thể đảm trách nhiều mảng trong khóa tu. Trong công tác từ thiện thì thầy cũng rất năng nổ kết nối được những mạnh thường quân tới tặng quà cho bà con nghèo. Đặc biệt, thầy hoạt động trong lĩnh vực thanh thiếu niên Phật tử rất tốt nên vừa rồi Ban Trị sự tỉnh cũng giao trách nhiệm cho thầy làm Trưởng Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử.

Đắk Nông là tỉnh cao nguyên, mọi thứ đều rất khó khăn - từ cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, nhưng với sự năng nổ, nhiệt huyết của tuổi trẻ, với cái tâm trong sáng, thầy Chúc Tấn đã làm rất tốt mọi Phật sự.

 * Bài liên quan: Đưa Phật pháp đến buôn làng || Người mở mối đạo ở thôn Păng Tiêng ||

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày