Học mà chơi qua “Nhật ký sen Trắng”

GN - “Triết học bắt đầu là đặt vấn đề. Tò mò khoa học cũng nẩy mầm từ tuổi ấy, bởi vì từ tuổi ấy cái đầu dậy lên câu hỏi vì sao. Cũng vậy, ở cái tuổi ấy, nếu các em không biết suy nghĩ về những vấn đề đạo đức thì không biết đến bao giờ các em mới hiểu được thế nào là “học để làm người” - Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nói về “Nhật ký sen Trắng”.

 nkst (1).jpg
Nhật ký sen Trắng,
nhật ký sinh hoạt "chơi mà học, học mà chơi" - Ảnh: Như Danh

Lần đầu tiên cầm trên tay tác phẩm, cũng như lật từng trang sách và ngắm nghía, cảm xúc trong tôi là phải mua ngay về tặng cho cô em gái và các anh chị của mình. “Sao có một cuốn sách thú vị đến vậy”, tôi tự nhủ.

Như tác giả từng nói trong ngày ra mắt “sách dùng cho lứa tuổi 15”, nhưng có lẽ nó là vị thuốc hay cho nhiều bạn trẻ và kể cả người lớn cũng cần đọc để suy ngẫm về đạo đức lối sống hiện nay. Học mà chơi, chơi mà học, các câu chuyện được kể một cách dí dỏm vui tươi, kèm những tranh luận dễ thương của lứa tuổi 15.

Với các đề tài Thương yêu sự sống, Tranh luận và tranh cãi, Nói lời hòa ái, Cãi và im lặng, Cho, Nói xấu, Tiếng đồn, Trả thù, Công lý, Tâm hồn cao thượng, Khiêm tốn, Biết ơn và bội bạc, ... tập sách là những câu chuyện “nghị luận luân lý” xoay quanh chuyện tiền thân của Đức Phật và trích từ văn chương các tác giả nổi tiếng, được tác giả kể lại cho hợp với đạo đức của người Việt Nam.

Bắt đầu tập sách cũng như bắt đầu câu chuyện là hình ảnh buổi sinh hoạt cuối tuần với những đề tài thực tế cuộc sống được đưa ra cùng trao đổi, với các nhân vật cũng cực kỳ dễ thương là sen Xanh, sen Trắng, sen Hồng, sen Búp, sen Non… chị Cả.

Sen Trắng bắt đầu giới thiệu: “Hôm nay là sinh nhật của mình, mình vừa tròn 15 tuổi, mình sẽ bắt đầu viết nhật ký về những sinh hoạt của nhóm bọn mình. Mình có nhóm bạn thân thường sinh hoạt chung với nhau vào dịp cuối tuần, hoặc ngày rằm, mùng một. Trong nhóm có một chị Cả tuyệt vời, lần nào sinh hoạt cũng kể cho bọn mình nghe một chuyện, chuyện nào cũng vui, chuyện nào cũng ý nhị. Những chuyện ấy chị lấy từ kinh sách của chùa, nhưng chị kể theo cách riêng của chị, nhẹ nhàng giản dị, hợp với mọi trẻ, ai nghe cũng được miễn có tâm hồn rung cảm trước cái tốt, cái đẹp”.

Và bạn sen Trắng bắt đầu với chuyện ăn chay mà chị Cả đã sinh hoạt. Bạn kể: “Chị nói, ăn chay đã phổ biến khắp thế giới, càng ngày càng nhiều người ăn chay. Ăn chay bây giờ là một cách sống đẹp, đẹp với mình, đẹp với thiên nhiên, đẹp với sự sống, đâu có riêng gì nếp sống của nhà chùa”.

Rồi khi bàn về đề tài Tranh cãi, các bạn trong nhóm đối thoại với nhau, sen Hồng, trình bày quan điểm: “Khi thảo luận mình nghe ý kiến của người khác. Mình nghe với thiện chí muốn học hỏi. Nếu bạn mình nói đúng mình nhận là đúng, và mình vui vì học được một điều đúng, một điều mới. Nếu mình nghĩ rằng bạn mình nói sai, mình thành thật nói rằng mình không đồng ý và mình trình bày lý lẽ của mình. Còn tranh cãi là tranh nhau mà cãi, chẳng ai nghe ý kiến của ai, chỉ cốt cãi để lấy được, để hơn, để thắng”.

Nhưng có phải lúc nào cũng không được cãi? Sen Vàng đặt câu hỏi và nói lên ý kiến của mình về Cãi và im: “Mình biết nhịn nhau là tốt, nhưng có phải lúc nào cũng nhịn? Nếu mình thấy hay, mình hiểu một vấn đề gì đó khác với bạn của mình thì mình cũng nên nói ý kiến của mình. Nhiều khi bạn mình sai hoàn toàn chẳng lẽ mình im?”.

Có khi buổi sinh hoạt bắt đầu bằng một câu chuyện cổ tích, một sen đọc và các sen khác bình, không phân biệt. Về câu chuyện “Cây cho” của tác giả Shel Silverstein, sen Búp bình luận: “Em cảm động và em cảm thấy buồn. Lúc đầu chú bé vui đùa với cây, cây với chú là một, vô tư, trong sáng. Chú có đòi cây một thứ gì đâu! Lớn lên thành người lớn, chú đòi. Bắt đầu là tiền. Rồi cái nhà. Rồi chiếc thuyền. Có phải khi thành người lớn người ta sẽ bớt trong sáng? Không còn biết vui đùa? Hết vô tư?

Mà các chị có để ý không? Cái cây nó cũng lớn, cũng già, nhưng nó có mất vô tư trong sáng đâu? Khi chơi đùa với chú bé nó sung sướng, nó hạnh phúc. Khi gặp lại chú bé, nó vẫn vô tư mời chú trèo, mời chú đu, mời chú ăn trái, vẫn sung sướng như thế, vẫn hạnh phúc như thế?... Nó mời chú bé hưởng hạnh phúc với nó như nó đang hạnh phúc với chú bé. Nó dâng hiến hạnh phúc cho chú bé với tất cả trong sáng của thuở ban đầu. Cây chỉ biết cho thôi các chị ạ, mà cứ mỗi lần cho là nó sung sướng. Còn chú bé chẳng thấy chú sung sướng hay chẳng hề cho một lần nào….”

Đề tài có khi là từ những đề nghị của các bạn sen nhỏ. Sen Búp đã gửi thư cho mọi người nêu lên một câu hỏi rất chi là “người lớn”. Búp viết: “Em thường nghe ba mẹ em dặn: phải sống cho cao thượng, đừng nhỏ nhen. Đừng nhỏ nhen thì em có thể hiểu. Nhưng cao thượng là thế nào thì em hơi bí. Là rộng rãi, nghĩa là trái với nhỏ nhen? Nhưng thế nào là rộng rãi? Rộng rãi trên phương diện gì? Rộng rãi có khác với rộng lượng? Nhưng  rộng lượng chắc gì đồng nghĩa với cao thượng? Người ta nói “một tâm hồn cao thượng”, có ai nói “một tâm hồn rộng lượng” đâu? Vậy thì thế nào là một tâm hồn cao thượng?”.

Mọi người ai cũng đau đầu với câu hỏi của sen Búp. Chị Cả gợi ý: “Các em có thể tìm trong thơ văn, hoặc ngay cả những chuyện mắt thấy tai nghe xung quanh mình, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Chính trong những chuyện nhỏ nhặt thường ngày các em sẽ thấy mình cũng có thể cao thượng. Các em đang có sẵn trong mình một tâm hồn cao thượng. Các em cũng có thể đã làm những hành động cao thượng mà các em không để ý đấy thôi. Chúng ta sẽ hiểu qua những tình huống cụ thể nào là cao thượng”.

Bạn sen Trắng thốt lên sung sướng sau khi nghe chị Cả chỉ ra phương pháp: “Không ngờ việc tưởng khó mà hóa ra không khó. Thế đấy, hễ có phương pháp thì có ánh sáng soi đường. Không có phương pháp thì cứ lò dò đi trong đêm tối”.

Và đương nhiên trên con đường để đi đến chân thiện mỹ, sự bền chí luôn là điều quan trọng, “Bền chí, cứ như vậy mà đi, vui, lạc quan, trên con đường hướng tới sự tốt đẹp”.

Đọc Nhật ký sen Trắng, tôi mới “ngộ” ra “Học văn chính là để mở cái đầu suy luận, giúp cái đầu mở ra cho các môn khác, kể cả toán, kể cả khoa học”. Hóa ra văn là một môn học cực kỳ thú vị.

Cũng như Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ trong lời mở đầu cuốn sách “Triết học bắt đầu là đặt vấn đề. Tò mò khoa học cũng nẩy mầm từ tuổi ấy, bởi vì từ tuổi ấy cái đầu dậy lên câu hỏi vì sao. Cũng vậy, ở cái tuổi ấy, nếu các em không biết suy nghĩ về những vấn đề đạo đức thì không biết đến bao giờ các em mới hiểu được thế nào là “học để làm người”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày