Học pháp

Học pháp

GN - Năm tôi lên sáu, trước khi học chữ tôi đã học đạo. Tôi tu học trong Gia đình Phật tử chùa Bà Năm, thị xã Quảng Trị.

Xóm tôi gọi chùa như thế nghe thân thương. Sau chiến tranh tôi có về lại. Quảng Trị điêu tàn, hỏi chùa Bà Năm không ai biết. Trong tôi vẫn đọng lại những buổi sinh hoạt các anh chị lớn dạy sắp vòng tròn, ca hát… Tôi nhớ nhất là được thỉnh chuông cùng với chú điệu ở chùa. Tôi ngồi bên chú, chú thỉnh một tiếng, tôi kéo một thẻ tre qua phải. Có hôm tôi thỉnh chuông chú kéo thẻ. Trong mơ hồ của vùng ký ức xa ngái, thi thoảng vang lên hồi chuông tuổi nhỏ. Hình như đó là hương vị đầu đời tôi nhấm nháp Phật pháp, đến nỗi tôi đòi mẹ cho tôi đi tu. Mẹ không đồng ý vì tôi là con trai đầu của mẹ. Sau này tôi nghĩ, do tôi thiếu duyên lành. Tiếng chuông đã viết vào tâm hồn nguyên khôi của tôi một chữ Phật.

Giáo hội Phật giáo thị xã Huế mở thư viện Liễu Quán. Từ năm 1972 đến năm 1975, phố thị đầy các sắc lính lừ lừ súng ống, không khí chiến tranh u ám, sinh mạng con người như ngọn đèn leo lét trước gió dông tao loạn! Tôi vào thư viện đọc được ba năm, ngày tám tiếng như đi làm công sở. Tôi đọc phần nhiều văn chương, thơ phú, thiền. Có lần, tôi tập đọc kinh Kim cương, kinh dày, tôi nghiêm trang đọc hết, chẳng hiểu gì. Thư viện là duyên lành thứ hai giúp tôi tìm hiểu Phật pháp.

Lớn lên tôi nhập vào cuộc sống ồn ào, tạm bợ, lấy vợ sinh con, lam lũ kiếm sống. Vợ bỏ tôi, tôi bồng dắt bốn con nhỏ về quê nương nhờ cha mẹ. Nhà tôi trong thung lũng gió, nhiều ngôi chùa bao bọc, sớm chiều chuông mõ ngân nga. Tôi, ngày cuối chợ, đầu ga cùng chiếc xe đạp cà tàng đạp thồ chở khách với lòng ao ước xây nhà cấp bốn, có phòng học cho các con, có phòng riêng cho con gái đang lớn dậy từng ngày thích những phút riêng tư. Ước mơ ấy đối với tôi như chạm tới thiên đàng. Tôi đạp xe lang thang về làng quê, chợ Đông Ba, An Cựu, Phú Thứ… chụp ảnh lấy tiền hoặc đổi khoai, gạo. Rồi tôi đi chụp cho các em thiếu nhi các trường mầm non. Các em lúc nào cũng đẹp, dễ thương, tươi tắn, sự hồn nhiên mũm mĩm của các em giục tôi đến với nhiếp ảnh nghệ thuật, báo chí. Chụp ảnh đăng báo, hưởng nhuận bút. Trong giai đoạn này, được sự trợ giúp của cha mẹ và mấy năm lao động khó nhọc, tôi xây một ngôi nhà cấp bốn. Ngôi nhà như được hạo khí trời đất, cho tôi “an cư lạc nghiệp”, nhiều nguồn vui ập đến gia đình tôi. 

Tôi lại lấy vợ. Vợ tôi là cô giáo Hạnh. Không ngờ cuộc đời lận đận truân chuyên của tôi lại có duyên lành gặp Hạnh. Hạnh lấy tôi, nuôi tôi, nuôi các con riêng của tôi và sau này hộ pháp cho tôi tu tập. Hạnh phát tâm bậc thánh… nuôi mẹ tôi 84 tuổi. Mẹ tôi nhiều con nhưng việc giặt áo quần, thuốc thang hàng ngày và tắm giặt cho mẹ chỉ một mình vợ tôi làm nổi. Có lần tôi chảy nước mắt khi vợ tôi đưa tay trần giặt quần bị trĩ cho mẹ tôi. Một thau nước bẩn làm tôi rùng mình. Vợ tôi nói: “Máy giặt không sạch, em phải vò tay”, thật là công đức vô lượng. Tôi chưa từng thấy con dâu lo cho mẹ chồng như vậy.

Mấy năm sau, tôi xây thêm một cái cốc trên đồi, gần trường học, bãi tha ma, phía xa có núi Kim Phụng án ngữ. Mỗi đêm, tôi được im lặng, được một mình không nói chuyện với ai và được hít thở không khí trong lành cho đến 11 giờ hôm sau mới “hạ san”. Ngày, lủi thủi một mình với tịnh cốc và cả ngọn đồi, đi hái củi, nhặt phân trâu bò vương vãi thật thanh thản, bớt đau đầu và cũng bớt sân, si, ham muốn, bon chen... Rồi tôi lập bàn thờ Phật, ăn chay, tu thiền, trì tụng chú Đại bi, chú Lăng nghiêm, tụng kinh Địa Tạng.

Tôi không có minh sư. Lọ mọ tu tập, tụng niệm, thiền tịnh một mình. Dù tôi thành tâm cầu đạo nhưng tu sửa trúng trật chi cũng không biết. Hành thiền, tu tụng, ăn chay nơi tĩnh lặng được 7 năm. Gần đây, tôi theo học khóa thiền Vipassana 10 ngày ở tịnh xá Ngọc Thành (TP.HCM). Nhờ học và hành pháp, tôi thấy rõ những phản ứng của tâm, hình thành hành động có dụng ý, tạo nên nghiệp. Nghiệp mang lại hậu quả trong tương lai, hậu quả xấu do nghiệp ác, hậu quả tốt do nghiệp thiện. Nghiệp liên quan chặt chẽ với nhân quả. Nghiệp còn có sức mạnh lôi cuốn chúng ta theo dòng chảy của nó. Khi gần qua đời, nghiệp nào được ta huân tập nhiều nó sẽ cuốn ta các nẻo luân hồi theo nghiệp lực đã gieo. Với tôi, thiền Vipassana là phương pháp tuyệt diệu để hóa giải những chướng ngại, thanh lọc thân tâm, tẩy nghiệp.  Khi thiền sinh chăm chỉ thiền một ngày mười giờ liên tục, cơ hội ô trược của những bất thiện nghiệp được nảy sinh, cho ta những chướng ngại để vượt qua, để tẩy nghiệp cũ. Nếu chân thật, chăm chỉ tham thiền, ta có cơ hội tẩy nghiệp rốt ráo hơn, mạnh mẽ hơn.

Học thiền về, tôi tập không ăn quá giờ ngọ cho dù tôi có gần 10 năm chay tịnh. Ngồi thiền kiết già hơn 1 giờ, ngày 3 thời. Hai thời sau không thể ngồi đến 1 giờ. Tôi phấn đấu cố vượt lên chính mình từng phút. Ghi mỗi thời thiền vào sổ nhật ký thiền. Cứ thế thời gian lặng lẽ trôi đi, tôi không bỏ sót một buổi tụng kinh, buổi thiền nào. Có đi trại viết hay đi đâu tôi cũng thiền. Bây giờ, thiền là một phần quan trọng trong đời sống của tôi. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày