Học trên dặm đường hành hương...

GNO - Tôi đã trở về nhà sau đúng một tuần hành hương và giờ đây, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như những ngày tuyệt vời vừa qua. Nếu không có cơ duyên được gặp lại sư phụ chuyến này để cùng đi với Thầy, không biết bao giờ tôi mới có dịp hành hương cùng quý Tăng Ni với một không khí tràn đầy đạo vị như vậy.

Chuyến đi đưa chúng tôi đến những miền đất thiêng liêng của Tổ quốc, những danh tích lặng lẽ, những cổ tự thâm trầm. Và nhờ vậy mà thật tâm tôi không ngại ngần ngại khen rằng quê hương mình đẹp xinh biết bao nhiêu. Đáng tiếc là tôi không có máy ảnh, vì thế những hình chụp được bằng điện thoại 1.3px thì mờ căm, một vài hình trong máy chú Từ Liêm thì chưa chuyển sang được, chỉ còn một vài tấm rõ hơn nhờ Từ Chiến đã gửi qua rồi.

Nhật ký an lạc

Ngày đầu tiên Thầy đưa chúng tôi thăm Hà Nội. Hà Nội nắng được đúng một hôm và sau đó lại mưa phùn. Trong khi mọi người co ro trong cái lạnh đột ngột vì mới từ miền Nam ra, thì chỉ có thầy trò tôi lại khoan khoái vô cùng với tiết mưa phùn mà chỉ miền Bắc mới có. Chúng tôi lặng lẽ đi trong bầu trời mù sương, như đi trong mây, từng lớp mây trùng trùng điệp điệp trút nhẹ lên tóc chúng tôi thỉnh thoảng vài hạt bụi mưa.

Từ hôm đó đã bắt đầu chuyến hành trình ngắn qua các thánh tích xung quanh thủ đô, thành Cổ Loa, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian… Tôi không sao quên được buổi chiều yên bình ngồi trên chiếc đò chèo tay đưa chúng tôi vượt sông đến chùa Hương, mọi người tranh nhau nhường ô cho Thầy, che ô cho Thầy, mà không hiểu rằng với một người yêu thiên nhiên non nước như Thầy thì tận hưởng tiết mưa phùn là một thời khắc quý giá chẳng mấy khi có được của người miền Nam. 

Vì thế dù trên đò Phật tử chằng chịt áo mưa ô dù che gió chắn rét, Thầy trò chúng tôi vẫn điềm nhiên ngồi ở đầu con đò, lắng nghe khúc tình tự của non sông trước mặt, lòng an bình không thể tả.

Học trên dặm đường hành hương... ảnh 1

Trên đò đến chùa Hương, trời đầy sương và mưa phùn - Ảnh: Từ Ngọc

Chùa Hương đã bớt đông hơn so với những ngày trẩy hội đầu năm mới. Mưa nặng hạt dần làm trời tối hơn, tôi và chú Từ Liêm đi lễ Phật và thăm thú các nơi, khi leo đến nửa đường lên động thì phải quay trở lại vì không thể kịp nữa. Trở về bến đò khi trời đã tối hẳn, rét đến nỗi các cô Phật tử lớn tuổi không còn có thể “buôn chuyện” được nữa, mà ai cũng co ro bởi gió lạnh trên sông, do hơi nước từ mặt sông tràn lên.

Về Tràng An lắng nghe lời nước non

Chùa Bái Đính lớn nhất nước Việt với hàng trăm bậc thang dài qua các hành lang đặt hàng trăm tượng các Tôn giả. Chùa rộng với một lối quy hoạch có quy mô như một cung điện nguy nga, tọa lạc ở một vùng sông núi vô cùng xinh đẹp của tỉnh Ninh Bình mà chúng tôi chưa thể khám phá hết các điện thờ và khuôn viên vì thời gian không cho phép. 

Từ chuyến đi này, với tôi Ninh Bình đã trở thành một trong những địa danh đẹp nhất mà tôi từng đi qua, với những quang cảnh rất Việt, rất Bắc mà tôi không sao quên được.

Âm vang chùa cổ

Chùa Trăm Gian là cổ tự để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng với những tượng Phật và Bồ Tát rất đẹp trầm ngâm nơi chánh điện. Sau khi lễ bái khắp nơi, Thầy trò chúng tôi không hẹn mà gặp ở hai bên tả hữu chánh điện, lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp u mặc của tượng dưới ánh đèn ấm áp vừa đủ soi rõ những khuôn mặt đang trầm tư trong niềm an lạc sâu xa. Không hiểu sao trong lòng tôi tràn ngập một sự xúc động vô biên khi đứng tại nơi này. Mùi hương trầm nhẹ nhàng hòa quyện trong một không gian tôn nghiêm tĩnh mịch dù không ít người đang ra vào chiêm bái.

Ngày trước khi mới ra miền Bắc, đến thăm các chùa (Kim Liên, Quang Ân…) tôi tự hỏi sao ở đây kiến trúc chùa chiền lại khác xa so với miền Nam đến thế. 

Nếu các chùa trong miền Nam thường ít tuổi đời hơn, trần chánh điện rất cao và đèn thắp sáng trưng để tiện cho việc hành lễ tụng kinh thường xuyên, thì chùa miền Bắc thường rất ít sáng, mái thấp đụng các đầu tượng và chỉ thắp đèn dầu hoặc led nhỏ ở trên bàn thờ mà thôi. Người hành hương vào điện chỉ để bái Phật, lễ Phật chứ không có nhiều chỗ để đi lại hay dừng lâu. Vì thế tại các điện thờ ở đây rất trang nghiêm và yên tĩnh, ai ai cũng có ý thức giữ gìn trật tự không nói một lời.

Học trên dặm đường hành hương... ảnh 2

Một trong những điện thờ của chùa Trăm Gian - Ảnh: Tác giả cung cấp

Từ nếp giản dị của bậc chân tu

Nguyện đời nguyện kiếp chân tu

Cho tròn đạo hạnh - ngã từ - chấp buông

(Cảm khái khi đến đảnh lễ HT Pháp chủ)

Các chùa miền Bắc tôi đến thường không thấy nhiều chư Tăng Ni, thường chỉ một Thầy trụ trì và một trò, sinh hoạt trong một nếp sống giản dị tối lược những tiện nghi thế gian và vô cùng yên tĩnh. Những tu sĩ đang học đều phải ở nội trú cả, đi ngoài đường ít khi thấy Tăng Ni đi về nhộn nhịp như miền Nam. 

Ở những ngôi chùa làng, các vị Tăng vẫn thường tự làm lụng, cày cấy, trồng trọt với người dân hàng ngày để cảm khái bát cơm hạt gạo từ mồ hôi nước mắt cùng họ, với nguyên tắc "một ngày không làm, một ngày không ăn" - giống Thầy tôi. Tôi cảm thấy rất thích một nếp sinh hoạt tu học trật tự nền nếp như vậy, và hiểu hơn vì sao hàng năm sư phụ tôi đều dành tháng Giêng để hành hương ở ngoài này.

Cảm xúc của tôi dừng lại thật lâu ở Viên Minh tự, Phú Xuyên (Hà Tây cũ) ngôi chùa nhỏ nhắn nơi Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ có hơn 50 năm tu học và trụ trì. 

Giống như những ngôi chùa làng xứ Bắc khác, chùa Ráng (tên hay gọi của chùa Viên Minh) mái ngói thấp nhỏ, sân lát gạch đỏ, hai bên lối vào là những khóm rau củ xanh tươi. Chùa không có chuông vàng tượng ngọc, tiếng động đột ngột duy nhất là tiếng sủa của một chú chó trông chùa. 

Chúng tôi đến Phú Xuyên thật sớm để xin đảnh lễ Hòa thượng. Người là Đệ tam Pháp chủ của GHPGVN, những ai đã biết qua về cuộc đời tu hành của Người hay các tích truyền về Người đều không khỏi cảm giác kính ngưỡng sâu xa khi được diện kiến. Tính đến năm nay Người đã thọ gần một trăm tuổi đời, nhưng dáng đi vẫn còn hoạt bát, lời nói dõng dạc và thường tự tay làm mọi việc, không cần thị giả.

Học trên dặm đường hành hương... ảnh 3

Viên Minh tự

Học trên dặm đường hành hương... ảnh 4

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ - Ảnh: Internet

Lúc ra về, tôi đi dạo loanh quanh một mình trong khuôn viên sân chùa lần cuối, nơi mà Hòa thượng trồng rất nhiều cây xanh, bỗng bắt gặp Người từ điện bước ra, ánh mắt nhìn xoáy vào tôi, tôi vội vàng chắp hai tay xá. Trong không gian rộng lớn ấy, chỉ có Người - một cao Tăng minh triết - đứng yên lặng trên thềm nhà, và thật xa một Phật tử nhỏ xíu đang bối rối là tôi. 

Người nhìn tôi một hồi rồi bước vào trong. Lên ô tô ngồi một lúc lâu, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh mắt tinh anh sắc sảo ấy, hay vì quá xúc động, tự nhiên tôi bật khóc, nước mắt bỗng trào ra. Cảm giác giống như những lần tôi được hạnh ngộ các bậc chân tu cao quý trước đó. Sư phụ nhìn thấy nhưng không hỏi gì. Nếu mà Thầy hỏi, tôi biết trả lời làm sao...

Mây trắng ngàn năm chẳng muốn rời

Kỷ niệm tuyệt vời nhất chuyến đi có lẽ là lúc chúng tôi chinh phục được non thiêng Yên Tử - chùa Đồng (Quảng Ninh) hiên ngang tọa lạc nơi ấy, nơi ẩn tu và ngộ đạo của Đức Điều Ngự Giác Hoàng - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người xem ngai vàng như đôi dép bỏ mà lấy tu hành làm sự nghiệp. 

Không đủ thời gian để leo từ chân núi lên tới đỉnh (nếu đi bộ từ chân núi lên đỉnh núi khoảng 6km và mất 6 tiếng), chúng tôi phải đi hai tuyến cáp treo lên tới Cổng Trời rồi mới bắt đầu leo trèo. 

Khi lên tới đỉnh nhiều người đều chảy nước mũi vì áp suất và gió quá lạnh, trời quá rét. Nhưng thành quả thật đáng công. Tôi nhìn xuống biển mây ôm lấy những ngọn núi dưới chân mình và những dốc đá đã trèo qua với một lòng cảm khái sâu xa trước tạo hóa diệu kỳ, và vị Phật của nước Việt. Dù có đường bậc thang nhưng chúng tôi vẫn quyết leo theo đá hơn. Đến khi xuống thì tôi bị lạc mọi người, trời quá tối tôi không thấy đường để bước nhanh được...

Học trên dặm đường hành hương... ảnh 5

Tác giả và mây trắng nhìn từ đỉnh non thiêng Yên Tử

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày