GNO - Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Điều hành, hôm qua, 10-9, Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã tổ chức lễ tổng kết năm học 2016-2017 và khai giảng năm học mới 2017-2018.
Chư tôn đức chứng minh niệm Phật khai mạc buổi lễ
Chứng minh và tham dự có HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thanh Đạt, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Quyền Trưởng ban Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; cùng chư tôn đức quang lâm chứng minh.
Quan khách chính quyền và Tăng Ni sinh tham dự
HT.Thích Thanh Đạt phát biểu
Thay mặt Hội đồng Điều hành Học viện, Hòa thượng Viện trưởng Thích Thanh Đạt phát biểu khai mạc - gửi lời chúc mừng đến các vị đại biểu chính quyền các cấp, các nghiệp sư của Tăng Ni sinh, Tăng Ni sinh và Phật tử tham dự buổi lễ.
Hòa thượng khẳng định, kiến thức Phật học và thế học mà Học viện cung cấp cho Tăng Ni sinh viên là những kiến thức căn bản của cấp Đại học.
"Gọi là căn bản vì đây là kiến thức đại cương để từ đó Tăng, Ni sinh tự mình hoặc được hỗ trợ có thể đi sâu và xa hơn ở cấp sau đại học trong nước và nước ngoài. Học viện mong Tăng Ni sinh viên sẵn sàng tư tưởng để tiếp thu các kiến thức đại học với thái độ cầu thị, trân trọng con đường dạy và học của Học viện" - Hòa thượng nhấn mạnh.
SC.Thích Diệu Bản
Sư cô Thích Diệu Bản, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội đọc báo cáo kết quả công tác giáo dục đào tạo của Học viện trong năm học 2016-2017 và đề ra những phương hướng mới trong công tác năm học 2017-2018.
Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại Học viện có tổng số 562 Tăng Ni sinh, trong đó hệ Cử nhân có 296 vị, hệ Cao đẳng có 266.
Tổng kết năm học thứ ba (2016-2017): có 27 vị Tăng Ni sinh đạt thành tích xuất sắc, tỉ lệ 4,6% . Có 100 vị đạt thành tích giỏi, 17,8%. Còn lại là khá và trung bình, không có yếu kém.
Việc mở rộng liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, cũng là công tác quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Theo đó, được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Viện Trần Nhân Tông (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thành lập. Hòa thượng Viện trưởng, Thượng tọa Phó Viện trưởng Thường trực và một số giảng sư của Học viện đã tham gia với tư cách là thành viên chính thức của Viện, có nhiều đóng góp tích cực cho Viện ở các khâu tổ chức, lập khung chương trình đào tạo, soạn thảo đề cương môn học và định hướng nghiên cứu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội... cùng chư tôn đức lãnh đạo các Học viện Phật giáo Việt Nam đã có buổi làm việc tại Học viện, nhằm đánh giá kết quả khóa đào tạo thí điểm sau đại học tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM. Từ đó, chuẩn bị cho việc Chính phủ chính thức cho phép các Học viện có đủ điều kiện được mở hệ đào tạo sau Đại học. Buổi làm việc đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu tham dự về chủ trương của Chính phủ và đề nghị các Học viện nhanh chóng hoàn tất thủ tục đăng ký, trình Thủ tướng trong thời gian ngắn nhất (trước Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII vào tháng 11-2017).
Ngoài ra, Học viện đã liên kết với khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội mở lớp Cử nhân Hán Nôm hệ tại chức tại Học viện. Khóa học sẽ kết thúc vào tháng 8-2018.
Công tác quản chúng và An cư kết hạ cũng là mối quan tâm hàng đầu của Học viện - cụ thể, nhà trường đã tổ chức an cư tại Học viện, tăng cường hành trì giới luật, nâng cao ý thức tu học của người xuất gia và ý thức công dân.
Ban bảo trợ học đường từng bước kiện toàn tổ chức và hoạt động. Được sự giúp đỡ của Tập đoàn Viễn thông Viettel, phương tiện thông tin quản lý của Học viện được trang bị hiện đại, tiện lợi trong giảng dạy, học tập và việc giám sát điều hành chung.
Năm học qua, Học viện đã có nguồn tài chính bảo đảm thường xuyên cho các hoạt động điều hành, ổn định đời sống sinh hoạt cho Tăng Ni sinh.
Báo cáo khẳng định công tác giáo dục, đào tạo của Học viện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mục tiêu và định hướng nghiên cứu - đào tạo, phù hợp với điều kiện của Học viện, nhu cầu của Giáo hội và xã hội.
Chương trình, nội dung đào tạo được điều chỉnh phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay. Đội ngũ giảng sư ngày càng được nâng cao, Học viện đã mời thêm các giảng sư thuộc các khoa đào tạo, trung tâm nghiên cứu, đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh… tham gia giảng dạy tại Học viện.
Song song đó, cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và học tập của giảng sư và Tăng Ni sinh cũng được bổ sung, hoàn thiện giúp cho công tác đào tạo của Học viện ngày càng hoàn chỉnh, nền nếp, tạo sự yên tâm, tin tưởng đối Tăng Ni sinh tham gia học tập tại Học viện.
Báo cáo còn nêu rõ, để đạt được những thành quả trên, thầy trò Học viện không thể không nhắc đến sự yểm trợ đắc lực của Ban bảo trợ học đường, đứng đầu là Hòa thượng Trưởng ban TTXH T.Ư Thích Quảng Tùng và một số doanh nghiệp tiêu biểu, luôn gắn bó và thường xuyên hỗ trợ nguồn kinh phí lớn hàng năm cho Học viện như: Công ty cổ phần tùng lâm Yên Tử (mỗi năm 2 tỷ đồng), Công ty cổ phần Thiên Nam, Tập đoàn Viettel…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải được khắc phục triệt để trong thời gian tới như sự chênh lệch về trình độ giữa các Tăng Ni còn ở mức cao, nhiều Tăng Ni sinh chưa nghiêm túc đối với việc học, đội ngũ giảng dạy còn thiếu hụt về nhân lực cũng như vị trí Học viện ở quá xa trung tâm thành phố dẫn đến việc triển khai thực hiện các công tác chung còn gặp nhiều khó khăn…
Cùng với đó, Học viện cũng đã đề ra những phương hướng mới trong công tác giảng dạy trong thời gian tới - tập trung vào việc điều chỉnh lại nội dung và thời lượng cho phù hợp với mô hình học tập mới; hoàn thiện về tổ chức nhân sự, quy định rõ ràng về chức năng nhiệm vụ của các phòng ban để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ quản lý và giảng dạy; tiếp tục hình thức kiểm tra chất lượng - chia lớp theo năng lực.
Đồng thời, Học viện thúc đẩy nhiều hoạt động mang tính chất nghiên cứu khoa học và tạo nên phong trào học tập sâu rộng; kết hợp việc đảm bảo cơ sở vật chất mang tính trang nghiêm quy củ, hiện đại, tiện ích, phục vụ tốt nhất cho quá trình tu-học.
Ông Bùi Hữu Dược phát biểu
Thay mặt cho các đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành của Trung ương, TP.Hà Nội và địa phương sở tại về tham dự buổi lễ, ông Bùi Hữu Dược đã phát biểu ý kiến. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng Ni có tài đức góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.
Ông Dược cũng tán thán những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội trong thời gian qua.
HT.Thích Quảng Tùng có đạo từ tán thán
HT.Thích Quảng Tùng có đôi lời tán thán những đóng góp của Học viện trong công tác đào tạo Tăng Ni, sách tấn Tăng Ni sinh nỗ lực tu và học để sau này vững chãi trên bước đường hành đạo...
Quang cảnh buổi lễ
Khen thưởng Tăng Ni sinh đạt thành tích trong học tập, rèn luyện