Hồi ký Trà Kim Long: Thầy Chơn Không

GN - Niên khóa 1957 - 1958 tôi học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ, tại Trường Bồ Đề - Nha Trang). Trường là một dãy nhà xây hai tầng nằm đâu lưng với đồi Trại Thủy.

Đứng từ Quốc lộ 1 - con đường dẫn vào cửa ngõ thành phố - phía Tây là chùa Long Sơn (Tỉnh Giáo hội Phật giáo bấy giờ), phía Đông là Trường Tiểu học Bồ Đề và khu dân cư. Học sinh đến trường theo hai lối: hoặc vào theo lối cổng chùa Long Sơn, hoặc theo con đường đất nhỏ men theo khu dân cư dẫn về từ hướng Mã Vòng.

kyuc.jpg


Học trò & ký ức không phai - Ảnh minh họa

Học sinh của trường gồm cả Tăng lẫn tục cùng học chung với nhau. Lớp đệ ngũ của chúng tôi có số lượng học sinh Tăng, Ni chiếm gần khoảng một phần ba. Tất cả đều còn là “tiểu”, ngoại trừ một vị Sư bác đã lớn tuổi.

Sư bác là một vị Tỳ-kheo điềm đạm, có phong thái của một vị chân tu nghiêm túc mà từ giáo sư đến học sinh trong trường ai cũng đều tỏ ra cung kính, nể vì. Nói Sư bác là nói theo cách gọi của các vị giáo sư. Còn tôi, cũng như các bạn bè trong lớp đều gọi Sư bằng thầy: thầy Chơn Không.

Thầy có vóc người tương đối lớn (so với chúng tôi hồi bấy giờ). Gương mặt hơi bầu, phúc hậu. Mái tóc đã lốm đốm, nhiều sợi bạc. Thầy ít nói, nhưng môi thì lúc nào cũng nở nụ cười hiền hậu mỗi khi bắt gặp cái nhìn của chúng tôi. Thầy cũng như các chú tiểu học ở trường này, đều là người của học viện Hải Đức. Ngoài việc tu học ở học viện, các vị còn theo học văn hóa ở trường. Thầy Chơn Không tuy đã là một vị Tỳ-kheo, nhưng không vì thế mà không muốn trau dồi thêm kiến thức văn hóa.

Theo chương trình, mỗi tuần lớp chúng tôi có hai giờ học giáo lý. Vào những giờ học văn hóa, thầy Chơn Không ngồi dưới lớp cùng với chúng tôi chăm chỉ học tập. Cần cù và bình đẳng như mọi học sinh khác. Nhưng đến giờ giáo lý, thầy lại là một giảng sư đứng trên bục giảng. Không chỉ dạy giáo lý cho riêng lớp chúng tôi, thầy còn phụ trách cho cả nhiều lớp khác nữa trong trường. Dĩ nhiên, nhà trường đã sắp xếp cho thầy không phải giẫm chân lên các giờ học văn hóa. Lúc đứng trên bục giảng thầy vẫn bình dị, độ lượng như khi ngồi dưới hàng ghế học sinh. Thầy không phân biệt đối xử với ai. Không lấy làm vinh hạnh khi là một giảng sư, cũng không tự ti khi là một học trò.

Trong lớp, tôi được ngồi ngay phía sau thầy. Tôi có điều kiện gần gũi thầy hơn nhiều bạn khác. Tuy nhiên, không bao giờ tôi có ý nghĩ tìm hiểu về xuất thân của thầy. Cái đức tính, phong thái của thầy đang có trước mắt tôi lại không phải là điều đáng trân quý hơn việc tìm hiểu xuất thân của thầy hay sao? Đó là một hình ảnh đẹp về một con người mà trong đời tôi cho đến bây giờ vẫn còn đầy ấn tượng. Hình ảnh của thầy đã là dấu ấn trong tâm thức tôi mãi mãi sau này qua suốt cuộc hành trình lăn lộn trước sự sống còn. Hành trang mang theo trong cuộc đời tôi toàn là những bất hạnh tưởng chừng không thể chịu đựng được. Những lúc vô vọng cực cùng, tôi phó mặc cuộc đời, tự lao mình vào vực thẳm. Nhưng tôi đã kịp đứng lại được nhờ vào hình ảnh của thầy Chơn Không bất chợt sống dậy trong tâm thức tôi. Thầy đã đánh thức tôi dậy bằng hình ảnh thuần ái, vị tha.

Con đường độc đạo dẫn từ chùa Long Sơn đến học viện Hải Đức nằm dọc dài trên đỉnh đồi Trại Thủy như một dòng sữa ngọt giữa rừng cây chi chít, xanh um. Hàng ngày, bóng dáng các nhà sư thong thả bước trên dòng sữa ngọt ấy, áo nâu sồng ẩn hiện giữa thiên nhiên sao mà đến thoát tục! Tôi cũng đã từng nhiều lần đi lẩn vào giữa các nhà sư ấy. Tôi đi bên cạnh thầy Chơn Không và các chú tiểu. Tôi cùng ngồi với thầy và các chú tiểu trên chiếc ghế gỗ kê trước hiên học viện.

Phía dưới chân đồi, khu xóm lao động nghèo nàn với những căn nhà tole, nhà lá đơn sơ chen chúc nhau đến tội nghiệp. Này là khu xóm xưởng. Này là khu Lò Vôi. Người ta đang trần lưng ra vật lộn với cuộc sống, mà sao như cuộc sống cứ muốn dửng dưng ngoảnh mặt? Phía xa hơn là thành phố với những sôi động giành giựt tranh đua không ngừng nghỉ. Một tầm mắt nhìn mà hai hình ảnh trái ngược. Ngồi ở đây có thể bao quát được khoảng rộng trời đất bao la. Thiên nhiên thì vô tư, con người thì đố kỵ. Thầy Chơn Không nhìn vào khoảng trời đất bao la ấy, giọng chẳng buồn chẳng vui. Bình thản cơ hồ như không có một chút ý niệm nào trong lời nói của mình:

- Em thấy không? Đất nước của mình đẹp quá! Lớn lên, em nên làm một cái gì có ích để không phụ mảnh đất đã cho mình sự sống. Cuộc sống sẽ có rất nhiều khó khăn với em, sau này, nhưng em đừng bao giờ nên bi quan. Tất cả đều là nghiệp. Mình đã tạo nên nghiệp thì mình cũng có thể chuyển được nghiệp mà! Cơ bản của Phật giáo là làm việc thiện. Giúp con kiến một hạt cơm, dắt một người mù qua đường, góp một ý kiến hay tất cả đều là việc thiện. Làm việc thiện đâu phải là làm những việc cao xa trên trời dưới đất!

Thầy Chơn Không đã vực tôi dậy nhiều lần trước sự vấp ngã bằng chính những hình ảnh thuần hậu và lời nói chân tình ấy.

Khi từ giã mái trường để đắm mình vào xô bồ cuộc sống, tôi lê chân khập khễnh hầu như khắp miền Nam đất nước. Bạn học cũ nhiều người đã có danh vọng, địa vị trong xã hội, nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh cùng đinh khốn khổ. Các chú tiểu ngày xưa đã là Hòa thượng, nhiều vị có tiếng tăm trong Giáo hội và cả ngoài đời. Nhưng thầy Chơn Không thì trong suốt hàng chục năm trời tôi không hề hay biết ở đâu? Khoảng năm hay sáu năm gì đó sau khi từ giã Trường Bồ Đề, tôi có lần lên Hải Đức tìm thầy và các chú ngày xưa, nhưng tất cả không còn ai là người xưa cũ. Tôi mang sự nuối tiếc tiếp tục ra đi. Dần dần rồi cuộc sống bù đầu đã làm cho tôi cơ hồ như quên lãng tất cả. Không ngờ một hôm tôi nhận được thư thầy. Thật là một sự bất ngờ đến với tôi. Thầy cho biết hiện đang trụ trì tại chùa Đông Hà ở Quảng Trị. Thầy hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm cuộc sống, hỏi tôi còn nhớ gì về những kỷ niệm xưa? Bấy giờ thì hình ảnh của thầy như đang đứng trước mặt tôi với phong thái thuần hậu đáng kính, đang ngồi cần cù chăm chỉ học tập trong lớp, đang đứng trên bục giảng với những bài giáo lý hàng tuần, đang như thả bước đi trên con đường độc đạo giữa đồi Trại Thủy, đang ngồi trên chiếc ghế gỗ nơi trước hiên học viện…

Từ đó tôi và thầy Chơn Không thường xuyên thư từ liên lạc với nhau. Từ Nha Trang đến Quảng Trị tôi không có dịp tìm đến thăm thầy. Nhưng những bức thư của thầy đã động viên, hướng dẫn tôi rất thiết thực trong cuộc sống. Trong thư, thầy không dùng một văn tự giáo lý nào để viết cho tôi, nhưng tất cả những lời thầy viết đều lấy từ giáo lý mà ra. Thầy đem giáo lý vào thực tế để viết cho tôi những dòng thật thắm thiết, chân tình.

Cứ tưởng trước sau gì tôi cũng có dịp gặp được thầy. Không ngờ Quảng Trị là nơi chiến trường khốc liệt. Tôi đứt liên lạc với thầy. Tôi bồn chồn lo lắng, hỏi thăm tin tức khắp nơi nhưng không một ai biết gì hơn tôi. Mấy lần gửi thư đều không thấy hồi âm. Không hiểu chiến tranh có tác hại gì đến thầy? Như thế nào thì ít nhất thầy cũng viết cho tôi mấy chữ. Đằng này không gì hết. Không gì hết có nghĩa là thầy… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Tôi chỉ còn biết ngồi đây thầm cầu nguyện bình an cho thầy. Cầu nguyện bình an cho thầy mà sao lòng tôi chẳng thấy được an chút nào!

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Tôi chẳng làm được gì “có ích để không phụ mảnh đất đã cho mình sự sống” như thầy đã kỳ vọng năm nào. Bây giờ tôi đã vào tuổi xế chiều. Thầy chắc cũng đã già lắm nếu như còn có mặt. Thời gian có qua đi nhưng hình ảnh của thầy, lời dạy chân tình của thầy ngày xưa vẫn không bao giờ mất trong tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày