GN Xuân - Anh bạn mấy chục năm sống ở nước ngoài, thật vui khi gặp nhau chuyện trò; anh còn giữ nhiều từ Nam Bộ thật xưa chẳng còn ai nói. Thí dụ trụ điện anh kêu là cột lồng đèn. Hồi xưa, hồi đó nói là hồi nẳm. Những gì hồi nẳm của anh cho thấy anh là một Từ Thức đời nay, từ cõi tiên trở về quê hương thấy xung quanh nhiều thứ thay đổi trở nên lạ mắt.
Nhưng nói gì anh bạn, ngay cả tôi và còn nhiều người khác nữa - bộ đến tuổi rồi sao - có tâm trạng cũng y như Từ Thức vậy. Ở quê nhà mà lại nhớ quê nhà. Một quê nhà với nếp sống theo mùa, mùa nào thức nấy. Mùa dưa hấu, mùa xoài nhãn, chôm chôm. Mùa tát đìa, mùa nước với cá linh, cá he, cá mè vinh, bông điên điển và còn nhiều thứ mùa khác như mùa cày, mùa chim chuột v.v... đi cùng với thiên nhiên, đến nhiều khi quên gỡ lịch!
Ở nhà quê có nhiều nhà không treo lịch, cứ ban đêm nhìn trăng, nhìn trong chợ bán thứ gì đó là biết ngay đang ở thời điểm nào trong năm. Thấy xoài bày bán đỏ chợ là biết ở trong mùa tháng Ba. Tiếp theo là mùa khô, chợ rất nhiều cá lóc, cá rô đồng, biết là đến mùa tát đìa. Thấy chợ bán cá linh non, cá he, cá mè vinh, bông điên điển, biết là tháng Bảy nước lên khỏa nước ngập đồng.
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà - câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh đã nói lên nếp sống theo mùa đã hóa thành tâm hồn con người hòa hợp thuận thảo với đất trời - thiên nhiên là bạn bè. Đi chợ đấy là cảm giác thú vị, háo hức chờ đợi ở thiên nhiên hương vị mùa màng. Bông điên điển với tép bạc làm nhưn bánh xèo là hết sẩy. Hoặc bông điên điển, bông súng mà chấm mắm kho là hết ý. Ngược lại, việc đi chợ ngày nay là cảm giác hồi hộp đắn đo. Khoa học công nghệ vượt bực, phân hóa học, thuốc dưỡng cây thúc ép cây trái không còn theo mùa. Xoài, nhãn, dưa hấu có mặt quanh năm.
Thay vì nuôi heo đúng 1 năm mới đúng lứa bán, đằng này rút ngắn thời gian, năm tháng là bắt heo đi cân được rồi. Cho ăn theo kiểu gì con heo nhiều nạc rất ít mỡ. Phải nói ngày nay đi chợ nhìn sướng con mắt rồi hoa mắt lên vì thứ gì cũng có, xoài, dưa hấu màu sắc bóng bẩy, trái thật to. Nhưng bụng dạ hồi hộp, đắn đo vì khi mua nó hương vị kém hơn trước chẳng nói chi. Điều đáng sợ là biết trái xoài, trái dưa leo, miếng thịt heo không còn là trái xoài, trái dưa leo, miếng thịt heo mà là một hỗn hợp hóa chất. Vậy mà vẫn mua, kén chọn biết ăn gì, món gì cũng độc hại.
Gần đây tôi lấy làm ngỡ ngàng khi thấy bông điên điển chỉ có trong mùa nước nổi - là loài bông đặc trưng, đặc sản của mùa nước miền Tây - nay không biết trồng bằng cách nào, bông điên điển có mặt quanh năm. Nhìn nó bỗng dưng tôi mất phương hướng, mất cả kinh nghiệm sống. Thay vào đó là cuộc sống mới; thiên nhiên, đất trời còn đó nhưng lại vắng bóng trong tâm hồn mình. Nhường chỗ cho con người là những nhà ảo thuật tài ba. Ảo thuật tất nhiên là giả dối để rồi từ giả dối này tới giả dối khác, người sinh ra đủ thứ lo sợ.
Bỗng dưng tôi nhớ tới Bùi Giáng. Ông là một thi sĩ kỳ dị chuyên môn làm thơ cà rỡn, như giỡn. Hầu như ông không có bài thơ nào nghiêm chỉnh, nhưng lại rất nổi tiếng qua một đôi câu thơ của bài thơ nào đó. Thí dụ: Xin chào nhau giữa con đường. Mùa xuân phía trước miên trường phía sau. Nhưng Bùi Giáng lại có bài thơ xuân, cũng giọng cà tửng nhưng rất nghiêm chỉnh. Hầu như các thi sĩ lớn đều để lại cho đời các bài thơ xuân như Vũ Đình Liên với bài Ông đồ. Đoàn Văn Cừ với Đi chợ Tết. Rồi thơ của Nguyễn Bính, của Lưu Trọng Lư. Không biết sao tôi lại nhớ thơ của Bùi Giáng nhiều. Nó không tả thực mà chỉ là những câu hỏi đáp vu vơ lại gợi cho tôi sự hắt hiu, những gì sâu trong lòng người:
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân.
Ở lâu quê nhà có nghĩa là ông xác định được cội nguồn xuất xứ, mặt mũi cái gọi là tâm của mình. Người giang hồ phiêu bạt bước chân đi thấy gió dàn xa dặm dài, đất trích chiêm bao vì tâm kia đã thay đổi không còn như xưa. Tình cờ gặp nhau giữa đường đừng có hỏi gì hết. Buồn hay vui. Tất nhiên cuộc đời là buồn. Nó chỉ vui khi người trở về với cái tâm để hội ngộ với hương màu nguyên xuân. Nhưng mùa xuân ấy tìm đâu, mọi thứ thay đổi dần theo thời gian. Trước hết là sự biến đổi môi trường khí hậu. Chẳng phải đợi đến lúc có chuyện lớn nước biển dâng mới nhận thấy, nhiều năm nay miền Nam không còn lạnh như xưa, gió bấc cũng thổi ít đi.
Nhớ quê nhà ngày nào, mấy tháng gần Tết gió bấc lùa vi vu, đồng ruộng hắt hiu tiếng chim tu hú, chim cu gù gù kêu. Nhất là vào buổi trưa tiếng chim tu hú làm buổi trưa thêm sâu, bụng dạ người cảm thấy nôn nao biết là Tết sắp đến rồi. Cu kêu mấy tiếng cu kêu - Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè. Lại còn thêm lũ diều, quạ chúng bay rợp trời những ngày cuối năm. Gà qué đang bươi phá mấy liếp rau hành, chỉ cần cất tiếng kêu quạ, diều là lũ gà cắm đầu chạy trối chết.
Bây giờ không còn diều, quạ nên lũ gà mất đi sự phản xạ, có kêu hàng trăm tiếng chúng cũng đi tỉnh queo. Sự biến mất của nhiều loài cá nước chim trời, chúng từ từ diệt chủng hay di chuyển về phương trời nào hợp với mình. Có ai theo dõi tìm hiểu nguyên nhân?
Ở quê nhà mới thật sự là đón mùa xuân, đón Tết. Bắt đầu tháng Mười, trong ngọn gió bấc nước rút cá đồng đổ ra sông. Người ta chặn bắt cá theo những con rạch, đặt dụng cụ đánh bắt xuống bắt cá lên ủ nước mắm, làm mắm, làm kho. Ngày Tết, món nào cũng ngán, nhất là món có thịt mỡ, riêng những thứ dân dã, như khô nướng trộn gỏi xoài, mắm sống xé ra trộn với đu đủ chẳng bao giờ ngán.
Trong ngọn gió bấc, mẹ tôi và mấy người chị ép chuối phơi khô, xay nếp phơi bột để sẵn gần Tết trổ tài khéo léo làm đủ loại bánh trái. Bánh in phục linh, bánh bột đậu, chuối khô xào gừng. Xóm quê cuối năm hiu hắt, gió chuyển mùa sang, các bà mẹ, bà chị chẳng thấy ai luýnh quýnh mà cứ chậm rãi thong thả tiếp tục muối dưa cải dưa hành. Rồi ra vườn cắt lá chuối tước cọng ra khơi khô để dành gói bánh. Buổi chiều ngày 29 Tết, cả nhà quây quần bên thau nếp, thúng lá chuối gói bánh ít bánh tét với hai loại mặn chay.
Tết có một số người trong nhà ăn chay theo tục lệ và đi lễ chùa. Mẹ đem bánh đi chùa cúng Phật, trò chuyện với sư cụ, với quý cô rồi tấm lòng được trao đổi hai chiều, nhận lại tương chao của chùa làm rất ngon. Riêng ba tôi lo chăm sóc cắt tỉa tước lá mấy cây mai trước sân, vô phân cho mấy giồng bông cúc, bông thọ để chúng cho mùa hoa đúng hẹn kỳ.
Vào tháng cuối năm có thêm tiếng động nữa đi vào tâm hồn người là tiếng quết bánh phồng thình thịch. Công việc quết bánh khá nặng nhọc nên được giao cho mấy đứa con trai như để góp công sức vào việc đón Tết.
Nói chung quê nhà chuẩn bị đón xuân nhẹ nhàng, để rồi cây mai trơ cành trước sân trổ nụ, mùa xuân đến lúc nào không hay, từng đóa hoa mai bắt đầu xòe cánh giữa đêm trừ tịch. Thời gian chưa xa lắm, mà cảm thấy nó như là thời xa xôi nào. Rõ ràng có những tháng ngày người sống chậm cùng với thiên nhiên, mùa màng đến hẹn lại lên.
Ngày nay là cuộc sống nhanh, nhiều nhu cầu cần phải nhanh hơn nữa không thì thua sút mọi người. Suốt năm bận rộn nghĩ cách làm ra tiền, tâm trí đâu mà chuẩn bị đón Tết. Đồng tiền điều khiển hơn là thiên nhiên, như là hẹn nhau đến thời điểm phố phường, làng mạc nhộn nhịp lên. Các gian hàng mọc ra khắp nơi, muốn mua món gì cũng có. Có tiền là được, có tiền mua tiên. Cũng chẳng cần bận tâm nấu nướng, làm biếng chỉ cần bấm điện thoại là có người bưng đến tận nhà. Ngay cả thôn quê, có đám tiệc cũng tập thói quen bấm nút điện thoại.
Cuộc sống ngày nay rõ ràng sướng hơn ngày xưa. Lũ con trai nhiều đứa không biết quết bánh phồng, quết nem như thế nào vì đã có máy móc làm thay và mua ăn cho nó tiện. Đám con gái như trở nên vụng về trước việc bếp núc, bánh mứt như dở hơn xưa, các món bánh cổ truyền như bánh thuẫn, bánh gai, bánh bò bà lai từ từ không còn ai làm.
Trong cuộc thi hoa hậu nghe ban giám khảo hỏi người đẹp về tiêu chuẩn công, dung, ngôn, hạnh người đẹp đâm ra lúng túng. Mua một cái Tết, cuối cùng Tết đến, nhiều người đâm ra mệt mỏi đóng cửa nhà nghỉ ngơi và ngủ bù. Ngủ rồi nằm mơ thấy mình đang ăn Tết ở quê nhà nhưng là quê nhà nào, giống như ngày xưa có chàng Từ Thức…