Vùng trời Tổ quốc và không gian văn hóa Phật giáo

Ảnh: Phùng Anh Quốc
Ảnh: Phùng Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 0 giờ ngày 1-7-2025 là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt và cũng đầy xúc động, khi hàng triệu người Việt Nam chứng kiến một sự thay đổi mang tính lịch sử trên tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S: đất nước chúng ta chính thức sáp nhập từ 63 còn 34 tỉnh, thành phố. 

Vui có, buồn có, nhưng rồi ai cũng tự nhủ với nhau rằng “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”; sự hợp nhất, sáp nhập dẫu đưa nhiều địa danh quen thuộc lùi vào ký ức nhưng đồng thời cũng mở ra hướng phát triển mới đầy khả quan cho đất nước. Không chỉ sắp xếp lại về mặt địa giới hành chánh, mà hơn nữa, khoảnh khắc lịch sử này còn là dấu mốc khởi đầu cho công cuộc xây dựng Tổ quốc hùng cường, to đẹp hơn, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình với đòi hỏi sự đoàn kết, hợp lực của mọi cá nhân, tổ chức và đoàn thể trong và ngoài nước. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài phát biểu với nhân dân TP.HCM và thông điệp gửi đến nhân dân cả nước tại Lễ Công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập Đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương tại TPHCM: “Chúng ta đang đứng trước vận hội lớn. Mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân đều là một mắt xích quan trọng trong guồng quay cải cách mạnh mẽ này. Mỗi người dân Việt Nam, trong nước hay ở nước ngoài, đều có vai trò và trách nhiệm công dân trong việc đưa đất nước đi lên, vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, làm chủ tương lai của chính mình”.

Trên tinh thần đồng hành bước vào kỷ nguyên mới, vào sáng ngày 30-6-2025, tại Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phía Nam GHPGVN (thiền viện Quảng Đức, TP.HCM), hội nghị công bố quyết định nhân sự 15 Ban Trị sự tỉnh, thành mới khu vực phía Nam sau sáp nhập, hợp nhất đã được tổ chức. Tiếp đó, vào chiều ngày 1-7-2025, tại chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương GHPGVN, hội nghị công bố danh sách lãnh đạo chủ chốt các Ban Trị sự tỉnh, thành phố được sáp nhập, hợp nhất ở khu vực phía Bắc cũng được diễn ra.

Những điều chỉnh, thay đổi về tổ chức hành chánh đó của GHPGVN thể hiện rõ ràng hơn hết tinh thần song hành cùng sự phát triển của dân tộc, cũng nhằm phù hợp với thực tiễn theo phương hướng chung của đất nước. Bên cạnh việc sắp xếp lại cơ cấu Ban Trị sự tỉnh, thành phố; GHPGVN cũng chấm dứt hoạt động của Ban Trị sự cấp quận, huyện, đưa bộ máy hành chánh Giáo hội về còn 3 cấp từ thấp đến cao: Ban quản trị tự viện; Ban Trị sự cấp tỉnh, thành và Trung ương Giáo hội.

Đó là những thay đổi căn bản về mặt tổ chức hành chánh. Trên một phương diện khác, việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh, thành lần này cũng tình cờ kiến tạo lại những không gian văn hóa Phật giáo rộng hơn, tương thích với sự phát triển từng diễn ra trong lịch sử.

Đồng hành cùng Tổ quốc

Phật giáo đã có 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, qua bao triều đại, từng đạt đến đỉnh cao dưới thời đại Lý - Trần. Đó là thực tế đã được khẳng định rõ ràng trong sử sách. Dù ở thời nào, nơi chốn nào, Phật giáo luôn gắn bó với văn hóa Việt Nam, trở thành nơi nương tựa về tinh thần, thậm chí, hòa quyện thành một vào trong nếp ăn nếp ở của người Việt qua triết lý bình dị của ca dao, tục ngữ “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “dẫu xây chín bậc phù đồ/ không bằng làm phúc cứu cho một người”, v.v… Đức Phật của dân gian Việt Nam hiện thân thành ông Bụt hiền từ luôn cứu giúp người khổ, hay hình tượng Phật bà nước Nam gần gũi, thân thuộc, hình tượng Đức Ông chuyên chở che cho con trẻ,... Tự nhiên như thế, đạo Phật ẩn hiện, len lỏi giữa đời sống người Việt theo cách này hay cách khác.

Theo bước chân lưu dân đi mở cõi về phương Nam, từ công đức sâu dày của chư vị Tổ sư, các bậc tiên giác, đạo Phật cũng có những giai đoạn, những hình thái phát triển khác nhau tùy thời tùy xứ. Trên nền tảng chung về triết lý, đạo Phật ở mỗi vùng địa lý lại có những dị biệt nhất định, phát sinh từ lịch sử lẫn ảnh hưởng văn hóa. Nếu như ở miền Bắc, đạo Phật đã tạo nên một chỉnh thể văn hóa với những chùa chiền, lễ nghi, hình thái tâm linh đặc sắc nhưng khá đồng nhất thì xuôi dần về Nam, không gian văn hóa của đạo Phật lại được thể hiện hết sức phong phú.

Lấy Hoành Sơn làm mốc - nơi chúa Nguyễn Hoàng cùng với những lưu dân đầu tiên đã bước qua trong công cuộc Nam tiến, tính xuôi dần về Nam Bộ, chúng ta có những vùng văn hóa Phật giáo với đặc trưng rõ rệt: Vùng văn hóa Phật giáo Bắc Trung Bộ với “trái tim” nằm ở Phật giáo Huế mang đậm dấu ấn ảnh hưởng cung đình; Vùng văn hóa Phật giáo Trung và Nam Trung Bộ với Phật giáo Quảng Nam có ảnh hưởng bao trùm trên vùng đất phía Nam đèo Hải Vân, tương ứng với địa phận TP.Đà Nẵng ngày nay và các tỉnh Nam Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa và nghi lễ Phật giáo Bình Định; Vùng văn hóa Phật giáo Nam Bộ với những đặc trưng riêng có của vùng đồng bằng sông nước.

Việc hợp nhất, sáp nhập các tỉnh thành theo chủ trương chung, một cách tình cờ, lại khá tương đồng theo từng vùng văn hóa của Phật giáo. Đơn cử như trường hợp hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị với nhiều nét văn hóa tương đồng, chịu ảnh hưởng rõ rệt của Phật giáo cố đô, việc hợp nhất dẫu có tạo nên sự tiếc nuối khi cái tên Quảng Bình tồn tại suốt 420 năm qua nay trở thành dĩ vãng, nhưng lại không tạo ra quá nhiều mâu thuẫn về phương diện văn hóa. Hay như TP.Đà Nẵng mới sáp nhập từ tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, hai địa phương này trước sau đều nằm trong một chỉnh thể văn hóa xứ Quảng và Phật giáo xứ Quảng với những liên hệ mật thiết từ sâu xa trong lịch sử về phổ hệ truyền thừa, nghi lễ, môn phái,…

Với trường hợp các tỉnh “núi gộp với biển” như tỉnh Gia Lai hợp nhất từ hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, sự giao lưu giữa hai vùng đất này vốn đã có từ rất sớm, với những cứ liệu rõ ràng và gần nhất về mối liên hệ ở vùng Tây Sơn giữa hai khu vực thượng đạo và hạ đạo, đạo Phật cũng đã theo bước chân những di dân từ Bình Định lên vùng Gia Lai sinh sống, lập nghiệp, do vậy, ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Bình Định được các đời Tổ sư vun bồi, truyền bá ở Gia Lai cũng khá rõ nét,…

“Phật giáo Gia Lai và Bình Định, nói là hai tỉnh nhưng chung một nguồn gốc Phật giáo vì đa số các vị Tổ sư, Hòa thượng đem Phật giáo truyền bá lên Gia Lai đều là người Bình Định, phát xuất từ các tổ đình Thập Tháp, Thiên Đức, Thiên Bình, Minh Tịnh, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh và Liễu Quán. Chỉ có số ít các vị xuất thân từ tổ đình Linh Nguyên, H.Đức Hòa, tỉnh Long An cũ (như tổ đình Minh Quang, P.Pleiku), thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ miền Nam, dù vậy sự hành trì đều theo nghi thức thiền môn Bình Định. Hầu như chư Tăng Gia Lai đều là người quê ở Bình Định, cho nên sự giao lưu về truyền thống văn hóa và tôn giáo gắn bó khá chặt chẽ. Đối với việc sáp nhập, hợp nhất Phật giáo tỉnh nhà về văn hóa truyền thống cũng như sinh hoạt Tăng đoàn không có nhiều khác biệt nên sự hòa nhập, gắn kết với nhau rất tốt.

Thêm nữa, chư tôn đức trong các sơn môn Bình Định và Gia Lai đều có quan hệ tông môn với nhau và thường qua lại trong các đại lễ của hai tỉnh nên thân thiết và hòa hợp. Sau khi sáp nhập tỉnh, Ban Trị sự mới cần làm tốt các nhiệm vụ như gìn giữ phát huy truyền thống Phật giáo mà lịch đại Tổ sư đã dày công bồi đắp, tôn kính các bậc trưởng thượng, hòa hợp thực hành đúng Hiến chương Giáo hội và Nội quy của Ban Tăng sự cũng như hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu hành đúng Chánh pháp, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước theo đúng phương châm ‘Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội’ thì công tác Phật sự tỉnh nhà sẽ được hưng long phát triển”, Thượng tọa Thích Tâm Mãn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai nhận định.

Từ một số trường hợp đơn cử trên để thấy rằng dẫu có sự khác biệt về hành chánh, địa lý sau nhiều lần tách/nhập trong lịch sử, mỗi vùng đất trên dải đất Việt Nam đều có sự liên hệ, gắn bó nhất định, thậm chí còn khá mật thiết, về phương diện văn hóa, tinh thần. Đạo Phật và văn hóa Phật giáo chính là phương tiện thể hiện rõ ràng hơn hết sự liên hệ, gắn bó này. Điều đó, ngay trong lúc này, càng cần được nêu bật lên hơn nữa. Đạo Phật, từ ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức quần chúng, có thể phát huy vai trò của mình nhằm làm cầu nối để xóa nhòa đi những ranh giới còn hằn lại trong tâm thức của mỗi người để mỗi tỉnh, thành không chỉ thực sự hợp nhất về mặt địa lý mà còn tái khẳng định sự tương đồng nhất định của các vùng văn hóa đã có từ xa xưa.

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Kết nối và kiến tạo trên nền tảng văn hóa

Với Phật giáo, việc hợp nhất Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố không chỉ góp phần vào việc cải cách bộ máy hành chánh Giáo hội theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với thực tiễn mà còn góp phần tạo nên những không gian phát triển mới Phật giáo các tỉnh, thành phố, là cơ hội để tái tạo lại sự liên kết về phương diện văn hóa, tâm linh. Như đã nói, dẫu rằng trong lịch sử, đất nước của chúng ta đã có vô số lần thay đổi, xê dịch về địa giới hay cấu trúc hành chánh, nhưng không có ranh giới cụ thể nào cho văn hóa khi tất cả là những mảnh ghép khác nhau được kiến tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước của người Việt, để tạo nên một bức tranh thống nhất, một tổng thể nhiều màu sắc.

“Trên thực tế, mặc dù từng có những thay đổi về địa giới, cơ cấu hành chánh, tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn có sự tương đồng, gần như là hoàn toàn, về mặt văn hóa và đời sống tinh thần. Rất nhiều gia đình sinh sống ở Đà Nẵng có gốc gác Quảng Nam. Phật giáo Quảng Nam và Đà Nẵng đều nằm trong một tổng thể chung được biết đến là Phật giáo xứ Quảng. Theo chúng tôi, việc cùng thừa hưởng một tổng thể văn hóa lâu đời là một điều thuận lợi cho hoạt động của Phật giáo TP.Đà Nẵng sau khi hợp nhất, sáp nhập, cũng là cơ hội để Phật giáo thành phố phát triển thuận lợi trong tương lai, kế thừa nền tảng của Phật giáo xứ Quảng với những đặc trưng được tạo dựng từ lâu đời và phong phú về bản sắc”, Hòa thượng Thích Từ Nghiêm, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng mới đã chia sẻ về những thuận lợi trên phương diện văn hóa đối với sự hợp nhất giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng trong cuộc trò chuyện với Giác Ngộ sau hội nghị công bố quyết định nhân sự 15 Ban Trị sự tỉnh, thành mới khu vực phía Nam sau sáp nhập, hợp nhất.

Việc sáp nhập, hợp nhất các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố, tựu trung, có thể coi là một cơ hội để cộng đồng Phật giáo của 34 tỉnh, thành phố xây dựng nên mối liên kết chặt chẽ, bền vững để làm sống động, phát huy hơn nữa những giá trị vốn có của Phật giáo địa phương mà các thế hệ Tổ sư, tiền nhân đã vun bồi qua nhiều thế hệ; từ đó góp phần vào việc xóa nhòa những khoảng cách, ngăn chia cũ về địa lý để tạo nên một sự đoàn kết, nhất trí bước vào giai đoạn mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh mới, kỷ nguyên mới của dân tộc, thiết nghĩ, Phật giáo các địa phương cũng cần có một định hướng nhằm phát huy, bổ sung thêm những giá trị mới, song hành với nhịp bước của thời đại và xuất phát từ thực tiễn xã hội, thể hiện được tinh thần song hành của Phật giáo cùng thời đại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tàu Vịnh Xanh 58 bị lật khi chở theo 48 hành khách và 5 thuyền viên vào chiều ngày 19-7

Vô thường không hẹn mà đến

GNO - Giữa vịnh Hạ Long xanh ngắt, trời bỗng đổ cơn giông. Gió lật ngửa con tàu. Không còi báo. Không ai kịp gọi điện. Không ai kịp ôm người mình thương lần cuối. Có những ánh mắt trẻ thơ chưa kịp hiểu chuyện đã vĩnh viễn khép lại...

Thông tin hàng ngày