GNO - Ngày 25-3, tại TP.Đồng Hới, trường Đại học Quảng Bình kết hợp Trung tâm VHPG Liễu Quán và Phân viện Nghiên cứu quốc gia miền Trung tại Huế tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề: “Khoa học xã hội và văn hóa Phật giáo Bắc miền Trung - Tiềm năng và định hướng nghiên cứu”.
Đây là sự hợp tác tích cực nhằm viết lại lịch sử Phật giáo, văn hóa Quảng Bình
14 tham luận, trong đó có 6 tham luận về Phật giáo đã được trình bày tại hội thảo. Theo đó, ĐĐ.Thích Không Nhiên trình bày “Dấu ấn Phật giáo trên đất Quảng Bình”, với các thông tin giá trị và thú vị - kết quả sau nhiều lần nghiên cứu thực địa, điền dã nhằm thực hiện các chuyên đề cho ấn phẩm Liễu Quán: “Những ngôi cổ tự trên đất Quảng Bình” (số 5), “Dấu ấn Phật giáo dọc đôi bờ sông Gianh” (số 7). Trong tham luận của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đã trình bày những thông tin giá trị về mối tương quan giữa Phật giáo và văn hóa Chăm-pa trên đất Quảng Bình; đồng thời ông cũng nêu số lượng chùa hiện còn trên vùng đất này, trong đó hầu hết bị hư hoại trầm trọng. Các tham luận cho biết Phật giáo Quảng Bình vốn có 5 dòng thiền truyền thừa, với sự tồn tại của Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền. Hiện nay, nhiều bảo vật về tượng, pháp khí, kinh sách cổ - những di sản văn hóa giá trị của vùng đất Quảng Bình không được quan tâm đúng mức. Tại hội thảo đã có nhiều nội dung trao đổi của các nhà nghiên cứu với mong muốn xác định lại giá trị của các di tích Phật giáo, cần có sự quan tâm để nghiên cứu nhằm thẩm định giá trị, lập hồ sơ di tích để có hướng bảo vệ, phục dựng trùng tu một cách phù hợp có thể. Đây là một trong những sự hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu văn hóa để bước đầu sơ thảo về lịch sử Phật giáo Quảng Bình, một vùng đất có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Nam tiến của dân tộc, với những địa danh Phật giáo được nhắc đến như Mỹ Đức, Đại Hữu; và với nhiều nhân vật lịch sử như Thượng hoàng Trần Nhân Tông, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn Phúc Chu…
Chủ tọa đoàn
ĐĐ.Thích Không Nhiên trình bày tham luận
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông
Các đại biểu tham dự