Hội thảo về Thiền sư Pháp Loa tại Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00

GNO -  “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử” là chủ đề hội thảo nhân dịp kỷ niệm 690 năm Thiền sư Pháp Loa, Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm viên tịch, do Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thị xã Đông Triều, hôm 11-12.

pgs-1607662080153.jpg
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu - Ảnh: Quý Tùng

Gần 100 bài tham luận đã được gửi về Ban Tổ chức, nhiều tham luận của chư vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN, các ban, viện, học viện Phật giáo và các học giả đã được chọn trình bày.

Các bài tham luận cung cấp thêm những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức, đánh giá lại về sự nghiệp, di sản, vai trò, ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung đối với nền tư tưởng Phật giáo và dân tộc ở quá khứ, hiện tại và định hướng tương lai.

Một số bài nghiên cứu, đề xuất quan điểm, giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, khai thác giá trị du lịch tâm linh của các di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nổi bật là Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm.

1_10-1607662408215-1459.jpg

Các đại biểu tham dự - Ảnh: Quý Tùng

Tại hội thảo, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS… cũng đã trình bày tham luận.

Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm xuất gia tu tập và hành đạo, ngài đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông tạo lập, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền không chỉ quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử - văn hóa dân tộc.

Thông tin trong dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết Đông Triều là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi thánh địa của nhà Trần, một trong những triều đại rực rỡ nhất, cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn liền với sự ra đời, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Bà Phó Chủ tịch cũng thông tin quần thể khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là một trong năm di tích cấp quốc gia đặc biệt, nằm trong 632 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, thuộc không gian linh thiêng của 14 di tích với quần thể kiến trúc, văn hóa rộng lớn trải khắp sườn đông và Tây Yên Tử. Quần thể này đang được tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tích cực triển khai xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử để trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Với ý nghĩa đó, tỉnh Quảng Ninh mong rằng, thông qua hội thảo này, sẽ có nhiều tư liệu, nhiều ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả, các vị chư tăng; góp phần bổ sung cho hồ sơ đang triển khai, phấn đấu hoàn thành năm 2021.

Hà My

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày