Hơi thở căn bản

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1203 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1203 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi thân yên, ta có thể hiểu biết về thân. Khi tâm tĩnh lặng, ta có hiểu biết về tâm. Khi hơi thở tĩnh lặng, ta có hiểu biết về hơi thở.

- Thông thường, việc ta thở hàng ngày không có gì đặc biệt ngoại trừ việc nó giữ mạng sống cho ta. Nhưng cách thở với sự tỉnh thức có thể làm phát sinh nhiều điều tốt đẹp.

- Hơi thở bình thường là hơi thở của khổ đau, phiền não. Nói cách khác, khi hơi thở vào đạt đến điểm gây khó chịu, nó phải quay trở ra. Khi thở ra, nó lại trở nên khó chịu, nên nó quay trở vào. Kiểu thở này không được gọi là thiền định. Thở trong thiền định là hơi thở thu thập tất cả nhận thức vào tâm.

- Trạng thái ở trong hiện tại của thân là hơi thở. Trạng thái ở trong hiện tại của tâm là chánh niệm và tỉnh thức. Vì vậy, hãy mang hiện tại của tâm hòa nhập cùng với hiện tại của thân.

- Hơi thở giống như nước. Chánh niệm giống như xà phòng. Tâm giống như quần áo. Nếu bạn không tiếp tục tẩy rửa tâm, nó sẽ bị bẩn.

- Không nên gây áp lực cho hơi thở, nén ép hoặc giữ chặt nó. Hãy để hơi thở ra vào dễ dàng, thoải mái. Bằng cách này, việc hành thiền của bạn sẽ tiến triển suôn sẻ.

- Nếu tâm chưa tĩnh lặng, chỉ cần quan sát hơi thở vào ra mà không cố gắng để ý xem hơi thở có thoải mái hay không. Nếu không, tâm sẽ bắt đầu phóng đi.

- Cho dù hơi thở có điều hòa hay không, bạn phải giữ cho chánh niệm của mình điều hòa.

- Hơi thở giống như sóng. Chánh niệm giống như chiếc thuyền. Tâm giống như người ngồi trên thuyền. Nếu sóng hơi thở không tĩnh lặng, thuyền sẽ bị nghiêng hoặc lật nhào, và người trên thuyền sẽ gặp hiểm nguy. Bạn phải giữ cho tâm tĩnh lặng như một chiếc thuyền đã thả neo. Thuyền sẽ không lật, và người trên thuyền sẽ bình yên, tĩnh lặng. Đây là điểm mà tâm bước vào con đường cao quý: Đó là một tâm tự do dũng mãnh, được giải thoát khỏi sự điều khiển của các chướng ngại.

- Hơi thở trong thân không chỉ giới hạn ở hơi thở vào ra nơi mũi. Hơi thở trong thân lan tỏa đến từng lỗ chân lông, giống như hơi nước bốc lên từ viên đá lạnh. Nó tinh tế hơn nhiều so với không khí bên ngoài. Khi hơi thở bên trong đi ra lỗ chân lông, nó sẽ được phản xạ trở lại cơ thể. Hơi thở này được gọi là hơi thở hỗ trợ. Nó giúp giữ cho thân và tâm mát mẻ, tĩnh lặng. Vì vậy, khi bạn hít vào, hãy để hơi thở lấp đầy bên trong thân; khi bạn thở ra, hãy để nó tỏa ra mọi hướng.

- Khi hít vào, bạn phải cảm nhận được tác động của hơi thở bên trong ở ba phần của cơ thể: (1) phổi và tim; (2) gan, dạ dày và ruột; (3) lồng xương sườn và cột sống. Nếu hơi thở không có tác dụng trên khắp cơ thể, bạn sẽ không nhận được kết quả đầy đủ của sự tập trung.

- Hơi thở nóng là họa. Nó làm phát sinh đau đớn và làm lão hóa thân. Hơi thở mát mang tính xây dựng. Hơi thở ấm áp giống như một liều thuốc.

- Hơi thở bình thường giống như một thứ gì đó gây cảm giác nôn. Hơi thở tinh tế giống như thuốc chữa. Hơi thở ở giữa hai trạng thái này giống như thực phẩm bổ sung.

- Hơi thở bình thường dài và chậm. Hơi thở tinh tế ngắn và nhẹ. Nó có thể xâm nhập vào mọi mạch máu. Đó là hơi thở có chất lượng thượng đẳng.

- Nếu hơi thở nặng nề, bạn có thể giữ nó trong phạm vi giới hạn. Nếu nó nhẹ nhàng, bạn nên lan tỏa nó ra. Nếu nó rất nhẹ đến mức vi tế, bạn không cần phải thở bằng mũi. Bạn có thể ý thức được hơi thở ra vào qua từng lỗ chân lông trên khắp cơ thể.

- Bất cứ nơi nào trong cơ thể bị đau, hãy tập trung vào việc làm cho hơi thở đi qua nơi đó nếu bạn muốn có kết quả. Giả sử bạn bị đau ở đầu gối: Bạn phải tập trung vào việc đem hơi thở đến tận đầu ngón chân. Nếu bạn bị đau ở vai, hãy tập trung hơi thở đi qua cánh tay của bạn.

- Hơi thở khuất phục cơn đau. Chánh niệm khuất phục những trở ngại.

- Khi ta hành thiền, giống như đang xay thóc. Tâm giống như những hạt thóc. Các chướng ngại giống như vỏ trấu. Chúng ta phải xay bể vỏ trấu, sau đó đánh bóng lớp vỏ cám. Cuối cùng chúng ta sẽ có gạo trắng, thơm ngon. Cách để đánh bóng tâm là sử dụng suy nghĩ và đánh giá có định hướng. Suy nghĩ có định hướng (tác ý) là khi chúng ta tập trung tâm vào việc nhận thức được hơi thở vào, ra, giống như lấy một nắm thóc và cho vào máy xay. Chúng ta phải đảm bảo rằng máy đang ở trong tình trạng tốt. Nếu như ta chỉ nhận thức được hơi thở vào, rồi bị phân tâm với hơi thở ra, thì giống như máy xay đã bị hỏng. Khi điều này xảy ra, ta phải sửa máy ngay lập tức. Nói cách khác, chúng ta sẽ thiết lập lại chánh niệm trên hơi thở và gạt bỏ tất cả các nhận thức khác.

- Theo dõi hơi thở là quan sát, lưu ý cẩn thận hơi thở khi chúng ta hít vào, để xem nó như thế nào, để xem liệu nó có thoải mái, dễ dàng và chảy tự do hay không. Sau đó, chúng ta để cho hơi thở tốt lan tỏa khắp cơ thể để xua đuổi cảm giác thở chướng ngại.

- Các yếu tố của jhāna - tầm, tứ, hỷ, lạc - tất cả đều phải được tập hợp lại trong hơi thở nếu bạn muốn đạt đến nhất tâm.

- Giữ ý thức nơi hơi thở là tầm. Biết đặc điểm của hơi thở là tứ, quán sát. Lan truyền hơi thở để nó thấm vào và lấp đầy toàn bộ cơ thể là hỷ. Cảm giác thanh thản và hạnh phúc trong thân và tâm là lạc. Khi tâm được giải thoát khỏi các chướng ngại để nó là một với hơi thở, đó là sự nhất tâm. Tất cả các yếu tố này của jhāna biến chánh niệm thành một yếu tố cho sự thức tỉnh.

- Lan tỏa hơi thở, để cho tất cả các cảm giác của hơi thở lan truyền khắp tất cả các bộ phận của thân - các mạch máu, gân, v.v... - giống như tạo một hệ thống kết nối các con đường qua vùng hoang dã.

- Nếu chúng ta liên tục điều chỉnh và cải thiện hơi thở ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, thì giống như cắt bỏ các bộ phận chết của cây để nó có thể bắt đầu phát triển trở lại.

- Có hai cách theo dõi hơi thở khi chúng ta hành thiền về hơi thở. Đầu tiên là theo dõi hơi thở vào, ra. Thứ hai là theo dõi các cảm giác hơi thở nội tại (inner breath sensations) cho đến khi bạn có thể truyền chúng tới tất cả các phần của cơ thể đến mức bạn quên đi mọi phóng tâm. Nếu cả thân và tâm đều (cảm thấy) đầy đủ thì cảm giác tự tại, thoải mái là kết quả của sự suy nghĩ và đánh giá có định hướng của chúng ta. Đây là hành động đúng trong tâm.

- Một trong những lợi ích khi sử dụng hơi thở là các thành phần của cơ thể trở nên thân thiện và hài hòa với nhau. Hơi thở truyền đi khắp cơ thể, khi nó trở nên yên tĩnh, nó mang lại cho bạn cảm giác tách biệt, riêng tư về thể chất. Đây là một trong những lợi ích về thể chất. Đối với những lợi ích tinh thần, chánh niệm trở nên rộng mở. Khi chánh niệm được mở rộng, nhận thức được mở rộng.

Tâm trở nên chững chạc như một người trưởng thành, không lén lút phóng đi như tâm bình thường. Nếu bạn muốn nó suy nghĩ, nó nghĩ. Nếu bạn muốn nó dừng lại, nó dừng lại. Nếu bạn muốn nó đi, nó sẽ đi. Khi tâm được đào tạo tốt, nó sẽ có kiến thức, giống như người học thức. Khi ta đối thoại với nó, sẽ có sự cảm thông. Tâm chưa được đào tạo, giống như một đứa trẻ. Loại tâm này không hiểu những gì bạn nói và thích phóng đi lang thang, không một lời tạm biệt. Bạn không biết nó mang theo những gì khi nó đi, hoặc những gì nó sẽ mang trở lại.

- Khi hơi thở, chánh niệm và tỉnh giác đều được mở rộng, tất cả đều trở thành vững chãi. Chúng không tranh cãi với nhau: thân không cãi nhau với tâm, chánh niệm không cãi nhau với tâm. Đó là lúc chúng ta có thể cảm thấy thoải mái.

- Bạn lan tỏa hơi thở trong lúc theo dõi nó, chánh niệm chạy khắp cơ thể như một sợi dây điện. Giữ cho thân chánh niệm cũng giống như để dòng điện chạy dọc theo dây. Sự tỉnh giác giống như năng lượng đánh thức cơ thể. Nó đánh thức các thuộc tính của đất, nước, lửa và gió để chúng vận hành. Khi các thuộc tính được cân bằng và đầy đủ, chúng sẽ giúp cơ thể thoải mái. Khi thân được nuôi dưỡng bằng hơi thở và chánh niệm như thế này, nó sẽ trở nên vững chãi.

- Khi hơi thở tràn đầy cơ thể, nhận thức trở nên tinh tế hơn. Hơi thở từng nhanh sẽ chậm lại. Nếu nó đã từng mạnh mẽ, sẽ trở nên yếu hơn. Nếu nó từng nặng nề, sẽ trở nên nhẹ nhàng - đến mức bạn không cần phải thở, bởi vì thân tràn đầy hơi thở, không có khoảng trống. Giống như nước chúng ta đổ vào một cái bình cho đến khi đầy. Đó là điểm vừa đủ; bạn không cần phải thêm bất kỳ điều gì nữa. Cảm giác tràn đầy này làm phát sinh sự mát mẻ, rõ ràng.

- Có năm cấp độ thở. Cấp độ đầu tiên là cấp độ thô mộc nhất: hơi thở mà chúng ta hít vào và thở ra ở mũi. Cấp độ thứ hai là hơi thở đi qua phổi và kết nối với các tính chất khác nhau của cơ thể, làm phát sinh cảm giác thoải mái hoặc khó chịu. Cấp độ thứ ba là hơi thở có mặt ở khắp cơ thể. Nó không chảy ở đây hay ở kia. Các cảm giác hơi thở từng chảy lên xuống cơ thể, ngừng chảy. Các cảm giác từng chạy về phía trước hoặc phía sau, ngừng chạy. Mọi thứ dừng lại và giữ yên. Cấp độ thứ tư là hơi thở tạo ra cảm giác mát mẻ và nhẹ nhàng. Cấp độ thứ năm là hơi thở thực sự tinh luyện, nhuần nhuyễn đến mức giống như nguyên tử. Nó có thể thâm nhập vào toàn bộ thế giới. Sức mạnh của nó rất nhanh và mạnh mẽ.

- Khi tâm đạt đến mức độ tinh tế, ý thức về “bản ngã” và “tha nhân” của nó sẽ biến mất không còn dấu vết. Nó buông bỏ những chấp trước của nó về thân và ngã, con người và chúng sinh.

Ajahn Lee Dhammadharo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày