Hồn chữ trên vân đá

NSGN - Tìm đến với nghệ thuật đỉnh cao không phải chỉ có chút tài hoa hay đam mê là đủ. Ðiều quan trọng là phải có tư chất thiên phú. Cái công thức thường được ca ngợi “Thiên tài là 1% tài năng cộng với 99% mồ hôi lao động” thực ra chỉ là câu nói mang tính động viên khuyến khích, mà chỉ có những kẻ kém thông minh và cần cù một cách nông cạn mới tin vào điều đó. Leo lên đỉnh núi cao, con rùa cần mẫn phải ì ạch vất vả cả mười năm trời, thì con chim ưng có thể đến đỉnh được ngay, chỉ bằng một vài lần vỗ cánh. Chỉ có tài năng bẩm sinh mới chắp được cho nghệ thuật đôi cánh của chim ưng.
nsgn 1.jpg
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến - Hồ Công Khanh viết trên đá

Thưởng ngoạn nghệ thuật cũng không đơn giản chỉ là tìm đến nó bằng cái tâm tò mò hay cái đầu ham học hỏi, mà điều quan trọng vẫn là hai chữ cơ duyên. Có những bộ môn nghệ thuật làm say mê mọi người, nhưng đối với ta nó có thể hoàn toàn không có gì gợi cảm, có lẽ vì ta chưa có cơ duyên để nhìn ra phần hồn tàng ẩn bên trong.

Tôi vốn mê tranh thủy mặc, cho nên mê cả thư pháp Trung Hoa. Từ bé, mong được học hỏi về thư pháp. Tập một thời gian, thấy không đi đến đâu, bèn bỏ dỡ. Tôi vốn rất dị ứng với cái gọi là thư pháp tiếng Việt, vì có lẽ chưa bao giờ thư pháp (tạm gọi như thế) lại bị lạm dụng đến thế. Ðâu đâu cũng thấy thư pháp. Người người thư pháp, nhà nhà thư pháp. Thư pháp được bày bán ê hề từ vỉa hè, bến xe cho đến quán ăn, như những món trang sức rẻ tiền.

Thật đáng buồn khi truyện ngắn tuyệt vời “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời” vẫn không cảnh tỉnh nổi cho cõi đời một bài học về thư pháp. Một kẻ tài hoa như Huấn Cao đến lúc sắp đối diện với lưỡi đao của đao phủ vẫn cao ngạo ngẩng cao đầu, và chỉ chịu cho chữ khi đã cảm nhận được tấm lòng tri ngộ của viên quan coi ngục. Và không quên dặn người nhận hãy tìm sống bằng một nghề nào đó giữ vững được thiên lương trước khi nghĩ đến chuyện đam mê những nét bút tung hoành trên một vuông lụa trắng. Một viên quan coi ngục lại phải dùng đủ mọi cách để cầu xin cho được một chữ viết của kẻ tử tù. Chỉ có những người biết cảm nhận được giá trị của nét chữ mới có được sự trân trọng nhường kia đối với khách tài hoa.

Kẻ có ý chí ngang tàng thì nét bút tung hoành, kẻ giữ tâm hư tĩnh thì nét bút đạm nhiên, kẻ tài hoa thì nét bút phiêu dật, kẻ trầm tĩnh thì nét bút khoan thai. Tất cả tâm tính người viết đều hiện ra trong nét bút, như những nước cờ trong cõi nhân gian. Từ một cuộc chơi siêu tuyệt của những tâm hồn tài tử, thư pháp bỗng nhiên biến thành cái chợ trời cho tất cả những kẻ học đòi cầm đến ngọn bút lông. Thật đáng thương cho những tấm giấy dó cùng những thẻ trúc thanh nhã phải chịu đọa đày vì những ngọn bút tầm phào. Rồi người ta viết lên cả đá nữa.

Người Trung Quốc có câu “tai lê họa táo”, có nghĩa là tai họa đến với cây lê và cây táo, để chỉ những tác phẩm non kém, vì hai loại cây này thường bị dùng làm gỗ để khắc những bản văn tồi. Ðến thư pháp hôm nay, có lẽ ta phải thêm bốn chữ “tai chỉ họa thạch”, tai họa đến cả với giấy và đá nữa! Những người đang học đòi thư pháp không bao giờ hiểu rằng thư pháp, cũng như môn “Ðộc cô cửu kiếm”, không phải là thứ ai cũng học được và chỉ ở trong tay những kẻ tài hoa phóng dật thì nó mới được phát huy đến chỗ thượng thừa.

Tôi thường đến chơi với nhà thư pháp (tạm gọi thế) Hồ Công Khanh nhiều lần. Căn nhà lá của anh bày đầy sách vở và đá. Trên vách treo đầy những bức thư pháp do anh viết. Khanh vốn là một công tử nhà giàu, khi học đại học từng thuê khách sạn; nhưng rồi cuộc đời đã quật ngã anh từ đỉnh cao xuống tận hố đen. Anh đã có một thời gian lang thang như cô hồn vô chủ. Bán báo. Ðạp xích lô. Quay về quê cũ ở Ðà Nẵng, từ hai bàn tay trắng anh bỏ biết bao nhiêu công sức gầy dựng lên một vườn hoa và một mái nhà tồi tàn. Nhưng nơi đây lại là chốn lui tới của biết bao du tăng, cùng những kẻ giang hồ lãng tử. Từ đây và tại đây, anh bắt đầu miệt mài luyện tập thư pháp, có lẽ cũng muốn tham dự vào cuộc chơi của bọn tài tử đi tìm cái đẹp, nhưng trước hết là để chôn vùi những nghiệt ngã của số phận trong ngọn bút lông. Vài năm đầu, chỉ mới tiểu thành. Mười năm sau đã có sở đắc về hai chữ tĩnh, nét bút Khanh thêm phần tung hoành phóng dật, bút mực lâm ly.

Song mãi đến lúc đó, tôi đến thăm Khanh không phải vì những bức thư pháp. Tôi chỉ yêu những giò lan tuyệt đẹp ngoài hiên chứ chưa cảm nhận gì nhiều về những chữ viết trên những mảnh giấy dó hoặc trên những phiến đá kia, dù đó là những nét bút tài hoa phiêu dật. Tất cả những thứ đó vẫn chỉ được tôi cảm nhận qua cái nhìn hững hờ của một khách nhàn du.

Nhưng có lần về quê, đến thăm Khanh, tình cờ thấy anh đang dạy cho một Ni cô nghi dung tuyệt tục học thư pháp. Trong vóc dáng gầy gò và thanh thản, trông anh như một đạo sĩ đang đem hết tài hoa phổ vào nét bút, và Ni cô thì trầm mặc trong từng giọt mực như pho tượng Bồ-tát Quan Âm. Trên bàn, một phiến đá vân xanh được đặt trên phiến gỗ gõ đã lên nước, chỉ có viết vỏn vẹn một chữ “Tâm”. Giá như có thêm một chiếc lư đồng tỏa chút hương trầm, và giá như có thêm một chú tiểu đồng nho nhỏ tóc búi trái đào chạy ra đón khách từ lối vào đầy hoa giữa một vùng đất trũng, thì ắt hẳn tôi đã ngỡ mình đang lạc vào một nơi nào huyền ẩn lắm trong cõi Ðường thi.

Trong một sát-na, tôi bỗng thấy khu vườn nhà anh như biến thành khu Tử Trúc lâm huyền ảo trong câu chuyện Tây Du. Những vân đá xanh tưởng chừng như vô hồn kia bỗng như biến thành những con sóng rì rào ở bến bờ Nam Hải, và màu áo lam của Ni cô bỗng biến thành màu man mác khói sương. Tôi chợt cảm nhận ra phần hồn ẩn tàng trong thư pháp, và hiểu vì sao suốt một đời mình học tập thư pháp mà vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”.

Than ôi, muốn luyện chữ, trước hết phải luyện tâm, như Ni cô đem tâm thiền để học thư pháp. Ngẫm lại mình, suốt một đời tâm cứ luôn vọng động thì mong gì có được thành tựu trong một cuộc chơi đòi hỏi đến hai chữ tĩnh ? Tôi liền tặng cho Ni cô một bài thơ:

Cố quận trùng du phỏng cựu thân

Tương hoan thi tửu tẩy mê trần

Ngẫu phùng Thích nữ học thư pháp

Nãi kiến hoa viên thị Trúc lâm

Nhu tiếu tăng kiều chân đại sĩ

Hà phương tục khách nhiễu thiền tâm?

Dục cùng phong nguyệt tam thiên giới

Ưng tác Thiện Tài mịch hóa thân.

故 郡 重 遊 訪 舊 親

相 歡 詩 酒 洗 迷 塵

偶 逢 釋 女 學 書 法

乃見 花 園 是 竹 林

柔 笑 增 嬌 真 大 士

何 妨 俗 客 擾 禪 心

慾 窮 日 月 三 千 界

應 作 善 才 覓 化 身.

Tôi chỉ muốn được hóa thân làm Thiện Tài đồng tử cầm bút mực theo sư thái du hành hết tam thiên đại thiên thế giới để phụng bồi cho cuộc học thư pháp hy hữu trong cõi Hoa nghiêm kia. Vị sư thái nghe bài thơ, chỉ nở nụ cười ôn nhu và chắp tay tuyên Phật hiệu. Nụ cười sư thái như đã truyền hồn vào nét chữ và những vân đá lâm ly biến ảo. Hình ảnh đó gợi cho tôi cảm hứng để viết bài “Hằng Sơn Tam Ðịnh” về sau  trong cuốn Lai rai chén rượu giang hồ.

Ni cô rất mực từ tâm

Phiêu nhiên từ cõi Trúc Lâm đi về

Bút hoa chớm hạt Bồ-đề

Tay hoa nghiêng mở nẻo về Hoa nghiêm.

Xin sư thái đừng vì thế mà phiền lòng. “Nhu tiếu tăng kiều chân đại sĩ. Hà phương tục khách nhiễu thiền tâm”? Vô hình trung, sư thái đã đem tâm thiền để khai ngộ cho cái tâm mê của tục khách thì há đó chẳng phải là hạnh nguyện của Bồ-tát ư?

Nhìn Khanh mê mải bên những hòn đá với những hình thái kỳ dị mà anh đã cất công lặn lội bao nhiêu ngày tháng để đem về, từ những vùng núi đồi và khe suối của miền Trung, tôi chợt nhớ tới nhân vật Hình Vân Phi trong truyện Thạch thanh hư trong bộ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, muốn sống chết để giữ một viên đá. Và nhớ đến nhân vật Mễ Phế thời Nam Tống, yêu đá đến độ cuồng dại, khăn áo chỉnh tề quỳ lạy đá, xin gọi bằng anh, nên bị đời gọi là “Mễ điên”. Chỉ có những người thực sự say mê đá mới biết cách đánh thức linh hồn của đá.

Tìm được nét bút thích hợp cho từng vân đá là cả một vấn đề. Làm sao cho hồn chữ quyện vào vân đá. Có vân đá cuồn cuộn như sóng vỗ. Có vân đá mênh mông như khói mờ nhẹ tỏa. Có vân đá vút lên như tiếu bích chênh vênh. Có vân đá cuộn xuống như thác đổ đầu ghềnh. Có vân đá đâm nghiêng như một gốc ngọa tùng. Lại có những vân đá tự nhiên hiện lên hình chữ Phật 佛 hoặc chữ Tâm 心, hoặc một thiền sư nhập định mà trước kia Khanh đôi lần chỉ cho tôi, nhưng tôi không thấy. Tất cả giờ đây lại hiện lên có lúc thật rõ, có lúc mờ ảo, rất đỗi lạ lùng. Phải chăng “vạn pháp duy tâm tạo”? Khi tâm động thì vạn pháp đều động, khi tâm tĩnh thì vạn pháp hiển lộ toàn chân?

nsgn 2.jpg


Ảnh minh họa

Ðấng Hóa công khi tạo nên cảnh tinh tú, núi sông phải dùng hết sức, mà khi tạo ra một hạt cát cũng phải dùng hết sức. Như nhà thơ viết một bài trường thi phải dùng hết tâm huyết đã đành, mà có đẽo gọt một chữ, một câu cũng phải dùng hết tâm huyết. Ðó là chỗ người xưa gọi là “vô sở bất dụng kỳ cực” (không có việc gì mà chẳng dùng hết sức). Ðâu cần phải ngắm nhìn những cảnh tượng hùng vĩ trong tự nhiên mới cảm nhận được đại lực lượng, đại ý chí của hóa công; mà cái gọi là “nguyên hóa tâm” của Thi quỷ Lý Hạ vẫn hiển lộ trong từng vân đá. Khi đọc tập thơ có tựa đề vô cùng bình dị là “Lá cỏ” (Leaves of Grass) của Walt Whitman, thì từ một lá cỏ ta lại cảm nhận ra những phương trời vô biên vô tế, cũng như các vị Bồ-tát nhìn cả thế giới Hoa nghiêm toàn nhiên hiển lộ trong một hạt vi trần.

Tôi cảm nhận ra cái khổ tâm mà người nghệ sĩ gởi vào ngọn bút: muốn đem hồn chữ ghi những nét vĩnh hằng lên vân đá. Có nét bút tung hoành làm vân đá thêm phần phóng dật, có nét bút uyển chuyển làm vân đá thêm nét tế vi, có nét bút cương kình làm vân đá thêm phần tuấn hiểm. Những nét bút lâm ly đó như muốn đánh thức “đại khối vô ngôn” tỉnh dậy từ trong vân đá.

Rồi từ đó và có lẽ mãi mãi, tôi thấy thêm yêu những hồn chữ trên vân đá, qua hình ảnh gầy gò tiêu sái của một nhà thư pháp, và nụ cười ôn nhu tuyệt tục của một Ni cô.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày