GN - Ngày mai, 5-10, khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 tại TP.HCM sẽ khai giảng tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP (chùa Phổ Quang, quận Tân Bình).
HT.Thích Trí Quảng - Ảnh: B.T |
Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015. Nói về lý do tại sao đến nay Phật giáo thành phố mới tổ chức Khóa bồi dưỡng trụ trì, Hòa thượng cho biết:
- Thành hội Phật giáo TP.HCM được thành lập sớm nhất so với các tỉnh, thành khác sau khi Đại hội Phật giáo toàn quốc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN, 1981), đáng ra Phật giáo TP.HCM tổ chức sớm khóa bồi dưỡng trụ trì đầu tiên để bồi dưỡng kiến thức cho Tăng Ni. Sở dĩ trong suốt thời gian dài, Phật giáo thành phố chưa tổ chức được khóa bồi dưỡng trụ trì là do các vị đang trụ trì cần phải có thời gian để ổn định trở lại sinh hoạt tu học của Tăng Ni, tự viện.
Ở TP.HCM, khi GHPGVN mới thành lập, Tăng Ni tập trung quá đông, tự viện quá nhiều (tất cả 9 hệ phái, tổ chức thành viên sáng lập Giáo hội và một số hệ phái chưa tham gia vào Giáo hội đều tập trung tại đây), tuy nhiên số Tăng Ni gia nhập vào Giáo hội lúc bấy giờ lại mỏng.
Chính vì vậy, Thành hội Phật giáo cố gắng tập hợp Tăng Ni lại để quản lý, kiểm tra tự viện, nghĩa là xếp hạng lại cho rõ ràng để quản lý. Do đó, công tác này rất nặng, cần có thời gian để ổn định… Chính vì lý do này, Ban Tăng sự TP chưa có điều kiện để tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì cho Tăng Ni TP.HCM.
Bạch Hòa thượng, vì sao Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chọn thời điểm này để tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì lần đầu tiên cho Tăng Ni TP?
- HT.THÍCH TRÍ QUẢNG: Hiện nay, tình hình Tăng Ni, tự viện tại TP.HCM đã tạm ổn định nên Ban Tăng sự GHPGVN TP đã thống kê gần đầy đủ, số tự viện gia nhập Giáo hội cũng đã trên 1.000 tự viện nên Phật giáo thành phố đã đủ điều kiện để tổ chức Khóa bồi dưỡng trụ trì cho Tăng Ni. Mục đích là để giúp Tăng Ni sinh hoạt nề nếp hơn, cho nên đây là khóa bồi dưỡng trụ trì đầu tiên nhưng cũng hết sức quan trọng. Sau khóa bồi dưỡng trụ trì lần này, có thể từ đây về sau, Ban Trị sự GHPGVN TP sẽ tổ chức thường xuyên hơn, ít nhất trong một nhiệm kỳ sẽ tổ chức một lần hoặc hai lần.
Bạch Hòa thượng, từ trước đến nay, quyết định bổ nhiệm trụ trì được căn cứ trên những tiêu chí nào?
- Từ trước đến nay, số Tăng Ni chính thức được bổ nhiệm trụ trì phải hội đủ các tiêu chí của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM. Theo quy định, Tăng Ni phải tốt nghiệp trung cấp Phật học trở lên và phải thọ giới cụ túc trên 10 năm thì mới được bổ nhiệm trụ trì. Do vậy, Tăng Ni đã học qua Trường Trung cấp Phật học thành phố, hoặc tốt nghiệp các Học viện Phật giáo và đã trải qua một quá trình sinh hoạt tu học cho nên những người được chính thức bổ nhiệm trụ trì là những người có đạo đức chuẩn mực, có trình độ, có kiến thức thế học lẫn Phật học để làm tốt vai trò trụ trì.
TP.HCM là một thành phố có số lượng Tăng Ni khá đông
Tại TP.HCM, số lượng Tăng Ni tập trung đông, tự viện được xây cất mới, các vị trụ trì trẻ cũng được bổ nhiệm nhiều, Hòa thượng có nhận xét như thế nào về trách nhiệm quản lý của các vị trụ trì trẻ tại các tự viện ở thành phố hiện nay?
- Tất cả Tăng Ni mà Ban Trị sự GHPGVN TP đã bổ nhiệm đúng quy chuẩn thì tôi nhận thấy họ đều quản lý tự viện rất tốt, trừ vài trường hợp đặc biệt tuy họ có trình độ nhưng không vượt qua được chướng nghiệp của mình, do đó họ còn gặp chướng ngại, sai trái. Có những sai trái trong giới hạn thì Ban Thường trực Ban Trị sự sẽ điều chỉnh, còn những sai trái lớn thì buộc lòng phải xử lý theo luật của người tu.
Bạch Hòa thượng, trong xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi một vị “trụ trì đa năng”, để làm tốt vai trò của một vị trụ trì thì Tăng Ni cần phải có những kiến thức, kỹ năng như thế nào để đáp ứng được nhu cầu thực tế xã hội?
- Đối với tôi thì một vị trụ trì trong thời đại hội nhập hôm nay thì cần phải có nền đạo đức vững, cần có năng lực để nhiếp chúng ở trong chùa, cơ sở của mình phụ trách ổn định. Đây là yếu tố quan trọng nhất, tức là vị trụ trì cần phải có đạo đức mà đại chúng quý trọng thì họ mới quản lý con người bằng đạo đức.
Về mặt đối ngoại thì người trụ trì cần phải ứng xử trong mọi tình huống đối với Phật tử, đối với tín đồ, đối với chính quyền… để làm sao có được sự hài hòa trong cuộc sống tu tập lẫn bên ngoài xã hội. Được như vậy thì vị trụ trì mới làm tốt vai trò của mình, bảo đảm được chùa là cơ sở của Giáo hội. Người trụ trì trong thời hiện đại rất quan trọng, vừa đại diện cho Giáo hội, vừa quản lý tín đồ, vừa đại diện Giáo hội liên hệ với chính quyền địa phương cho nên đòi hỏi vị trụ trì phải có những kỹ năng ứng xử linh hoạt. Lúc bấy giờ, người trụ trì mới làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình, thực hiện tốt sứ mệnh mà Giáo hội giao phó.
Khóa bồi dưỡng trụ trì lần đầu tiên tổ chức có những điểm khác biệt gì so với các tỉnh, thành khác? Vì sao khóa bồi dưỡng trụ trì lần này phải học lại Giới luật, bạch Hòa thượng?
- Khóa bồi dưỡng trụ trì lần này tuy là lần đầu tiên Ban Trị sự GHPGVN TP tổ chức nhưng có những điểm khác so với các tỉnh, thành đã từng tổ chức. Điểm khác biệt ở đây là chúng tôi nhắm vào những điểm quan trọng nhất, cần nhất cho công tác trụ trì. Ban Trị sự đã phân công, mời các vị giáo phẩm giảng huấn những nội dung cần thiết nhất cho Tăng Ni như vai trò của vị trụ trì trong thời hiện đại, hành chánh Giáo hội, cương yếu giới luật thiền môn...
Nội dung Giới luật thì nhiều nhưng ở khóa bồi dưỡng trụ trì lần này, Tăng Ni sẽ được học những điều chắt lọc, cần thiết, những điều cương yếu nhất để làm sao các vị trụ trì hoặc những vị trụ trì trong tương lai sẽ nắm bắt được và áp dụng vào thực tiễn trong công tác hướng dẫn tín đồ tu học, quản lý Tăng Ni tại tự viện…
Bạch Hòa thượng, chư Tăng Ni chuẩn bị trụ trì tham gia khóa bồi dưỡng trụ trì lần này sẽ có ưu thế như thế nào? Trước khi được bổ nhiệm, Tăng Ni có phải bắt buộc có chứng nhận tham gia khóa bồi dưỡng trụ trì hay không?
- Chư tôn đức Tăng Ni đang đảm nhiệm trụ trì tại các tự viện trong thành phố cần phải học qua khóa bồi dưỡng trụ trì lần này để nắm được những điều rất cần thiết cho công tác của một vị trụ trì. Những người chưa làm trụ trì nhưng trong tương lai có thể làm trụ trì thì Ban Trị sự Phật giáo quận, huyện cũng gởi tham gia khóa học để hiểu, nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết… Cho nên về sau này, Tăng Ni được xét bổ nhiệm trụ trì thì phải qua khóa bồi dưỡng trụ trì do Ban Trị sự GHPGVN TP tổ chức mới được quyết định bổ nhiệm các tự viện trên địa bàn thành phố.
Hòa thượng kỳ vọng như thế nào về khóa bồi dưỡng trụ trì lần này?
- Đối với tôi, khóa bồi dưỡng trụ trì lần này rất cần thiết cho tổ chức Giáo hội, yêu cầu là Tăng Ni phải nâng cao tinh thần học tập. Điều mà tôi hoan hỷ nhất là Tăng Ni ở các quận, huyện trong thành phố đã viết đơn xin tham gia khóa học lần này với con số trên 1.000 Tăng Ni. Tôi nhận thấy Tăng Ni hưởng ứng với tinh thần cầu tiến rất cao, đó là tín hiệu đáng mừng.
Tôi chỉ mong Tăng Ni tới đông đủ và thật lòng lắng nghe, học tập thực chất. Tăng Ni trẻ cần nâng cao tinh thần học hỏi, học tập thật sự, để có bài thu hoạch tốt. Từ đó, Ban Trị sự GHPGVN TP sẽ có được những nhân tố tốt cho công tác trụ trì trong tương lai. Tôi hy vọng khóa bồi dưỡng trụ trì lần này sẽ giúp Tăng Ni đang trụ trì làm tốt hơn nữa vai trò trụ trì của mình, Ban Trị sự GHPGVN TP cũng sẽ phát hiện những nhân tố tốt để chuẩn bị cho đội ngũ kế thừa tham gia với Giáo hội sau này.
Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!
H.Diệu thực hiện
Nội dung và chương trình khóa Bồi dưỡng trụ trì 2015 Thứ Hai (ngày 5-10): 8 giờ: Khai giảng khóa chính thức 8 giờ 30: Vai trò của vị trụ trì trong thời hiện đại (HT.Thích Trí Quảng giảng) 13 giờ 30: Sứ mạng hoằng pháp (HT.Thích Minh Chơn thuyết trình) Thứ Ba (ngày 6-10): 7 giờ 30: Từ thiện xã hội (HT.Thích Như Niệm thuyết trình); 13 giờ: Sinh hoạt thiền môn (TT.Thích Lệ Trang thuyết trình) Thứ Tư (ngày 7-10): 7 giờ 30: Quan hệ xã hội (chính quyền và quần chúng, HT.Thích Như Tín thuyết trình); 13 giờ 30: Giới luật (HT.Thích Minh Thông thuyết trình) Thứ Năm (ngày 8-10): 7 giờ 30: Hành chánh Giáo hội (TT.Thích Thiện Thống thuyết trình); 13 giờ 30: Sinh hoạt thiền môn (TT.Thích Lệ Trang thuyết trình) Thứ Sáu (ngày 9-10): 7 giờ 30: Chính sách tôn giáo (Ông Lê Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM thuyết trình); 13 giờ 30: Giới luật (HT.Thích Minh Thông thuyết trình) Thứ Bảy (ngày 10-10): 7 giờ: Học viên làm bài thu hoạch; 9 giờ: Lễ bế giảng và phát chứng nhận đã tham gia Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015.BTC |