GN - Trên bước đường tu, chúng ta cần sử dụng pháp thích hợp với hoàn cảnh của chính mình để phước tăng và nghiệp giảm.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng niêm hương bạch Phật - Ảnh: Bảo Toàn
Phước có hai thứ là hữu lậu và vô lậu. Phước vô lậu còn cách chúng ta xa, người phàm khó nhận ra, nhưng phước hữu lậu thì dễ nhận biết, nên chúng ta tập tu tạo trước. Nghiệp cũng có hai là thiện nghiệp vô lậu khó thấy, khó làm vì thuộc pháp vô vi. Thiện nghiệp hữu lậu dễ thấy, dễ làm, chúng ta làm trước.
Chúng ta sám hối thường đọc rằng ta không cần phước báo nhơn thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát quyền thừa trở xuống. Tôi nghĩ chúng ta cần phước báo nhơn thiên, chỉ hàng lậu tận La-hán trở lên mới không cần; họ không cần vì đã có thừa, không phải không có rồi không cần. Không cần Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát quyền thừa trở xuống với điều kiện phải nhập được chơn thừa mới không cần quyền thừa.
Thử nghĩ quả vị Bích chi Phật không dễ gì đạt được mà nói không cần. Thật vậy, hàng Duyên giác đã thấu rõ lý nhân duyên, hiểu biết của họ bằng với Đức Phật, chỉ kém Phật ở phước báo vô lậu, vì chưa hành Bồ-tát đạo, chưa cứu nhân độ thế. Hoặc hàng La-hán đã đoạn trừ hoặc nghiệp, hoàn toàn tốt, nhưng người chưa nghe theo vì phước đức chưa có. Hàng quyền thừa Bồ-tát tự bản thân không thể làm được, phải nương theo Phật mới tạo được công đức. Nói chung, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát quyền thừa đều có trí tuệ, nhưng thua kém Phật ở phước đức.
Chúng ta tự xét xem mình đang ở vị trí nào trong hàng tam thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát quyền thừa và đã đến Phật thừa hay chưa. Nếu không, thì phải lùi trở xuống phước báo nhơn thiên, tức phước báo hữu lậu để tự kiểm xem mình có đủ hay không.
Chư Thiên thì phải có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Vì vậy, khi chưa có hảo tướng, phải tự biết phước chưa có, chắc chắn ít ai nghe ta. Thực tế người ta thường nhìn bề ngoài trước rồi mới nghe và tin theo.
Tu phước báo nhơn thiên là làm sao có ngoại hình dễ coi, sức khỏe tốt và được thầy thương bạn mến. Đó là ba phước báo hữu lậu thấp nhất cần tu tạo cho được, vì nó giúp ích cho chúng ta rất nhiều trên bước đường tu. Kinh nghiệm tôi thấy người có ngoại hình dễ coi thì dễ làm đạo và có sức khỏe tốt thì dễ tạo công đức, được thầy thương bạn quý thì dễ tiến tu. Ba phước báo này gắn liền với nhau, mà chủ động là tâm hồn. Tâm tốt thì thể xác tốt lần theo.
Phật dạy là tướng tùy tâm sanh, tâm sanh ra vạn pháp. Tâm lành sẽ sanh các pháp lành. Thật vậy, có người ngoại hình khó coi, sức khỏe kém, nhưng nhờ căn lành, nương theo pháp tu hành, sức khỏe trở nên tốt, ngoại hình dễ coi và làm được việc.
Tôi khuyên chư Ni cố gắng giữ tâm hồn trong sáng bằng cách gắn tâm vào Chánh pháp, tà tâm tự mất. Chánh pháp ở trong tâm là trụ pháp. Tỳ-kheo trụ pháp thì lúc nào cũng ung dung, thanh thản trước cuộc đời. Tôi nhắc nhở chư Ni việc trụ pháp là vấn đề quan trọng nhất của người tu.
Trong kinh Thắng Man, Thắng Man phu nhân nguyện đời đời kiếp kiếp sống với Chánh pháp, không nghĩ gì khác, nên được Phật thọ ký cho bà đời nào cũng có ngoại hình dễ coi, sức khỏe tốt, tâm hồn cảm thông với mọi người và làm vua tên Thế Tự Tại Vương, nghĩa là ở trên cuộc đời, lúc nào cũng luôn được tự tại, không ai làm trái ý.
Có thể khẳng định rằng người trụ pháp, tự nhiên tất cả phước báo đều thể hiện đầy đủ, hoàn cảnh bên ngoài đổi thay, nhưng họ vẫn ung dung tự tại. Trụ pháp, say mê lời Phật dạy, coi pháp quý hơn thân mạng, hay pháp chính là sinh mạng của chúng ta, nên gọi là Pháp thân.
Phật dạy rằng phái nam dễ trụ pháp hơn nữ. Phái nữ thì dễ tin pháp hơn nam. Vì vậy, ở Nhật Bản, hai bộ kinh Bát-nhã và Pháp hoa được chọn làm pháp tu ứng theo phái nam hay nữ. Các vua chúa, quan lại, nói chung là nam giới chuyên tu Bát-nhã, trong khi hoàng hậu, công chúa, phi tần thường tụng Pháp hoa. Tu Bát-nhã đi về thật tướng các pháp, quán Không. Tu Pháp hoa đi về hướng phát triển phước đức, tin lời Phật dạy từng bước thâm nhập Phật đạo.
Tôi nhắc nhở chư Ni nên dùng điểm ưu việt của người nữ là dễ tin pháp, tức dùng niềm tin vào đạo và trụ pháp là nương kinh Pháp hoa. Dùng kinh Pháp hoa làm thuyền bè an ổn nhất để đi, không có chỗ nương tựa, dễ bị chơi vơi. Riêng tôi cũng nương kinh Pháp hoa, nhận được sự an lành vô cùng. Từng bước thâm nhập kinh Pháp hoa, từ thấp lên đến cao nhất là bên ngoài thể hiện tướng giải thoát, bên trong có đủ tâm từ bi.
Chư Ni thuận với pháp này, nghĩa là nương lòng từ bi của Đức Phật, các cô được an ổn và các cô dùng lòng từ bi ấy để đối xử với chúng sanh. Mở rộng được lòng từ bi và sống với tâm này, người dễ quý mến chúng ta.
Nương pháp tu, bên ngoài có khó khăn chống phá, tôi thường đọc kinh, lạy Phật với tất cả tấm lòng, quên mất việc bên ngoài. Tôi thấm thía câu: “Ngày đêm tự mình nương pháp ở”, vì ở trong pháp cảm thấy yên ổn, lấy kinh và Phật làm thuyền bè vượt biển khổ.
Chúng ta biết rằng không thể tự mình giải quyết được, chỉ có pháp Phật mới giải được mọi việc trọn vẹn và nhẹ nhàng. Việc xảy ra thế nào đối với chúng ta cũng được, miễn ta đừng dao động. Theo tôi, giai đoạn đầu, ai làm gì cũng được, chúng ta chỉ lo đưa linh hồn mình vào kinh và hết lòng với kinh, mới thật là thọ trì kinh.
Các cô tu, gặp điều không vừa lòng, nên tập trung thọ trì, đọc tụng kinh, không quan tâm đến thứ khác; chắc chắn việc sẽ tự hóa giải, tốt lần. Bắt đầu trụ pháp, chỉ nghĩ đến Phật, Bồ-tát. Quán tưởng thuần thục như vậy, tôi lại thấy người khác là Phật, Bồ-tát và khi thấy được người tốt thì họ biến thành tốt thật đối với tôi. Còn chúng ta nhìn kỹ từng người, phân tích tốt xấu, thì rõ ràng thế giới này khổ đau, không ai ra gì, cuối cùng chúng ta sống trong ba đường ác, huynh đệ cùng tu, nhưng ta không ưa được.
Trụ pháp, nhất định thấy Phật, Bồ-tát, Thánh chúng, vì kinh Phật chỉ giới thiệu người tốt, giỏi thì tâm chúng ta duyên với các ngài, chắc chắn nhận được an lành.
Tôi tâm đắc phẩm Bồ-tát Phổ Hiền khuyến phát trong kinh Pháp hoa vì nhìn thấy Phổ Hiền, tôi cảm nhận an lành vô cùng. Thật vậy, tu ở Ta-bà gặp nhiều nguy hiểm, nhưng được ngài Phổ Hiền thần thông tự tại, oai đức vô song thủ hộ, ngài thừa sức che chở chúng ta, thì chẳng còn gì để sợ. Chúng ta chưa đủ sức tin lời Phật dạy và thần lực của Bồ-tát, mới khiếp sợ. Đủ niềm tin vững mạnh, sợ hãi biến mất, tôi bắt đầu quán sát việc của Phật, của Bồ-tát để tạo mối quan hệ giữa tôi và các ngài, như vậy mới an được.
Tụng phẩm Phổ Hiền Bồ-tát, tôi nhận ra ba ý quan trọng. Thứ nhất, người tu Pháp hoa gặp ma chướng nhiễu hại, tức hoàn cảnh khó khăn. Gần nhất là khó khăn ba việc căn bản của sự sống là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và ra ngoài bị người chống phá, đe dọa. Tin lời nguyện của ngài Phổ Hiền rằng nếu có như vậy, ngài sẽ dùng sức thần thông hộ trì Diệu pháp, giữ ma lại, không cho ma phá hại chúng ta. Thậm chí nhờ lực Phổ Hiền gia bị biến ác ma thành pháp lữ, nghĩa là người đang chống phá, họ vụt đổi ý thành giúp đỡ, nếu chúng ta đúng như pháp tu hành. Điển hình như bác sĩ Cầm xưa kia đưa người đến dẹp chùa Ấn Quang lúc còn là chùa lá, nhưng ông không dám phá, mà lại cấp giấy phép xây dựng chùa. Theo tôi, lúc bấy giờ ở Ấn Quang chư Tăng trụ pháp, vững niềm tin ở Phật, nên nhận được lực gia trì rất lớn của Phổ Hiền Bồ-tát. Quả thực, những người chống phá Phật giáo đã trở thành người bảo trợ Phật học đường Nam Việt thời ấy. Thiết nghĩ gặp ma phá, chúng ta nhiếp tâm tu, tin tưởng ở lực gia trì của Phật và Bồ-tát, thì thuận nghịch đều là duyên, ma sẽ trở thành pháp lữ.
Trường hợp thứ hai được Phổ Hiền Bồ-tát gia bị là nếu người chất phác, có tánh ôn hòa, học kinh Pháp hoa mà không hiểu nghĩa lý sâu xa, nên ngồi suy nghĩ thường trú Pháp thân, ngài sẽ ân cần hiện hình dạy bảo. Người có tánh nhu hòa, hiền lành, không chấp việc sai trái của người, nhưng họ chưa hiểu nghĩa kinh sâu sắc. Họ chỉ cần ngồi yên suy nghĩ thường trú Pháp thân, nghĩa là tin tưởng, nghĩ rằng Phật sanh thân không còn, nhưng Pháp thân Ngài bất sanh bất diệt, thường trú vĩnh hằng. Ngài vẫn hiện hữu trong ta, trên ta và xung quanh ta. Tâm chúng ta nghĩ đến Phật, ở trong thế giới Phật, lần lần thế giới mà chúng ta sống cũng an lành theo, là an từ trong tâm lẫn đến phát triển thế giới bên ngoài an lành. Điều này thể hiện rõ nét khi các bậc chân tu chỉ có tấm lòng, nhưng từ đó mà chùa chiền và quyến thuộc được phát triển.
Sống chân thật và chuyên nghĩ đến Phật thường trú Pháp thân, Phật lực ảnh hưởng đến chúng ta, chuyển chúng ta thành Pháp thân Phật. Bấy giờ, người nhìn thấy ta, họ nghĩ đến Phật và phát tâm. Thấy ta mà người chưa phát tâm là tự biết tâm chúng ta chưa ngay thật diệu hòa.
Nguyện thứ ba của Phổ Hiền là khi chúng ta tu hành không an ổn, nên nhập thất 21 ngày tu quán Phổ Hiền. Chỉ nghĩ đến Phổ Hiền mới thấy ngài cỡi voi trắng sáu ngà xuất hiện, đưa chúng ta đi tham quan thế giới Phật mười phương và khi mãn duyên ở thế giới này, liền sanh về thế giới Phật. Thấy được Phật, nhất định tâm hồn chúng ta an ổn, bảo đảm không đọa. Còn thấy toàn chúng sanh thì chắc chắn phải phiền não.
Tóm lại, trụ pháp sẽ nhận được ba điều căn bản mà ngài Phổ Hiền luôn gia bị để chúng ta thấy Phật, hiểu nghĩa lý kinh và vượt được mọi chướng duyên trên bước đường tu, tiến đến Bảo sở.