Huyền bí chùa Huyền Không Sơn Thượng

Phong cảnh chùa giàu chất thiên nhiên, nhiều vẻ đẹp hoang dã được chọn lọc nhờ bàn tay khéo léo con người. Thơ mộng và tịch liêu rất thích hợp với mẫu người của Thượng tọa Giới Ðức. Tại đây Thượng tọa đã cho ra đời rất nhiều bài thơ hay và những cuốn sách có giá trị về Phật học, văn chương, nghệ thuật.
huyenkhong.jpg
Khung cảnh trong khuôn viên chùa Huyền Không Sơn Thượng,
một ngôi chùa còn đậm nét hoang sơ mà thanh tao, thi vị.
Ảnh: Thoại Hà    

Phải chăng nhờ cảnh núi rừng hùng vĩ, môi trường thiên nhiên trong lành và mát mẻ đã góp phần hun đúc nên các tác phẩm bất hủ ấy?

Ðến viếng chùa, du khách phải vượt qua nhiều quãng đường lên đồi xuống dốc mà hai bên là cảnh núi rừng thiên nhiên, tiếng suối chảy rì rào, sim, mua, tràm, chổi,… ẩn hiện theo mùa, qua rừng tùng ngút ngàn, những cụm cổ thạch rêu phong, những bài thơ trên đá v.v…và ở đây Thượng tọa đã kiến tạo được một chánh điện giản dị bằng gỗ, mái tranh trông rất hiền hoà và thanh thoát.

Bên phải chánh điện với mấy cụm tre vàng thơ mộng là “Am mây tía” (tiền thân là Phong Trúc Am, được xây dựng từ năm 1992). Bên trái chánh điện là “Quá Thiện Ðường” (nhà ăn), “Chúng Hoà Ðường” (nhà sinh hoạt). Phía trước chánh điện khoảng hơn 100m, bên phải có hai dãy Tăng xá và nhà học là (Tuệ Học Ðường). Ở đây có một vườn ươm cây kiểng đủ loại kích cỡ 40m x 50m. Phía đối diện là vườn ươm lan rộng 20m x 30m, có khoảng trên dưới 1.000 giò. Hướng Tây nam có một mỏm núi, có cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá, tên là “Ðộc Thụ Sơn”.Mấy dãy núi đối diện, Thượng tọa trồng 5 - 6 vạn cây thông và đặt tên là “Vạn Tùng Sơn”. Huyền Không Sơn Thượng toạ lạc trên một vùng rừng 56 ha do Nhà nước giao đất, giao rừng từ năm 1989. Hiện tại ở đây có khoảng trên 20 vị sư và đều là Tăng sinh Phật học viện Huyền Không.

Đây là một vùng rừng gần 56ha do Nhà nước giao cho nhà chùa từ năm 1989. Trung tâm sơn lũng mở ra tả Thanh Long là một triền đồi thoai thoải, hữu Bạch Hổ là một dãy núi cao liền với khối núi mẹ cây cối um tùm. Hướng Tây nam có một mỏm núi với cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá gọi là Độc Thụ sơn.

Khách tới lần đầu thường sửng sốt, bởi hiện ra trước mắt một quần thể kiến trúc rõ ràng là nơi tu hành song được kiến tạo theo phong cách trang nhã với những hình khối nhỏ xinh bằng tranh tre, gợi nên thi hứng hơn là cảm giác u mặc; còn những bức thư họa trang trí trong nội thất lại khiến ta liên tưởng rõ rệt tới một không gian văn hóa cổ điển hơn là sự nghiêm cẩn chùa chiền. Bản thân ngôi chính điện cũng không dựng theo lối thông thường với tường, vách, cột, bệ thờ… như kiến trúc các chùa ta vẫn gặp.

Chính điện ở đây là ngôi nhà nhỏ nhưng thoáng đãng, giản dị mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, tỏa tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta đã có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà, từng gốc trúc trong sân chùa.

Nhưng có lẽ, điều hấp dẫn du khách nhất vẫn là cảnh quan nơi đây. Từ cổng chùa bạn đã bị thu hút bởi một tảng đá lớn, trên đó khắc những dòng thư pháp bay bổng. Bước vào khuôn viên, du khách có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai. Không gian thiên nhiên được bàn tay con người chăm chút, tạo dáng nên ẩn trong sự hoang dã là nét tinh tế của kiến trúc sân vườn Huế. Nhiều loài hoa và thảo mộc quí được đưa về trồng tỏa hương thơm phảng phất xa gần. Những giò phong lan treo lủng lẳng, những cội mai già, những gốc tùng, bách bên thảm cỏ rêu phong khoe vẻ đẹp tao nhã hoang sơ. Dường như ở đây có sự hiện hữu của muôn loài, để đến với Huyền Không Sơn Thượng là đến với cái vĩnh hằng của sự sống và tìm thấy sự bằng an thanh tịnh của lòng mình.

Dưới gốc cây cổ thụ là bức tượng đá nổi tiếng do cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị tạc, gửi tặng chùa một dáng ưu tư của thiền sư trong bóng núi mây ngàn. Những am cốc ẩn cư nằm rải rác sâu trong rừng. Am Mây Tía là một trong những nơi như vậy, nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng, mây núi và uống trà.

Những người yêu thích thư pháp ở Huế cũng như khách phương xa vào dịp lễ Phật đản và trong thời gian diễn ra Festival tụ hội về chùa Huyền Không Sơn Thượng để gặp gỡ đàm đạo và cùng nhau thưởng thức các nét bút tài hoa. Đặc biệt là nét bút của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh - nhà sư đã sống ở đây mười mấy năm từ những ngày đầu nhà chùa nhận đất trồng rừng, rồi dựng chùa và tôn tạo nơi đây để dành tặng cho nhân gian, nhẫn nại theo đuổi con đường hướng lòng người đến với thiên nhiên, với cái đẹp. Chữ dưới bàn tay mà thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, có ẩn chứa ý tứ: trông chữ thấy hình, trông hình thấy chữ.

Buổi chiều, các nhà sư trong chùa Huyền Không Sơn Thượng đang chuẩn bị làm đẹp những tiểu cảnh trong chùa để đón khách thập phương.

Và cửa thiền Huyền Không ngoài tôn giáo, ngoài chốn thảo am vãn cảnh, còn là một góc nhân văn của xứ Huế mộng mơ. Ai lên chùa là gặp ngay ở triền núi dọc con đường vào những tấm đá khắc thư pháp đã phôi pha màu thời gian, cho ta nhiều suy ngẫm mà thấy đạo thấy đời.

Bạn hãy xốc balô du lịch một lần đến với Huyền Không Sơn Thượng, để thả bước trên thảm lá mục theo thời gian, lắng nghe trong không gian hương thơm trinh bạch của đóa sen, tiếng gió vi vu qua rừng thông như tiếng đàn tranh vọng lại từ xa xưa. Ở đây, giữa đất trời bao la, con người như được trải lòng mình với thiên nhiên phiêu bồng và sống thật với mình nhất. Vâng! Thân thuộc như chính những ngôi nhà tranh của vùng quê xưa, gần gũi như những không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã, Huyền Không Sơn Thượng tỏa ra tinh thần Phật giáo nhập thế, tu hành biệt lập mà không xa cách.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày