Trong đó, nhiều nguyên liệu, màu sắc, hương vị, sự tương phản xen kẽ và lèn chặt vào nhau. Hoàn toàn không dễ ăn, nhưng nếu đã ăn được thì suốt đời không thể nào quên.
SẮC
Khi vừa đặt chân đến sân bay Tribhuvan ở Katmandu, tôi có cảm giác như mình vừa bước ra khỏi một cỗ máy thời gian mang hình Boeing 777 và rơi tõm vào một vùng đất xa xưa, lạc hậu.
Để xin visa tại chỗ, chúng tôi phải sắp hàng cả giờ đồng hồ để đi qua ba nhân viên hải quan viết biên lai, thu tiền nhập thông tin vào... một cuốn sổ viết tay và dán visa như một tờ giấy thủ công vào hộ chiếu. Máy tính tuyệt nhiên không hề tồn tại trong khu vực cửa khẩu này.
Điểm nhấn cho chân dung một đất nước nghèo chủ yếu dựa vào du lịch là khu phố Tây balô Thamel. Trên những con đường lát đá nhỏ xíu ngang dọc như bàn cờ dày đặc những cửa hiệu bán đủ thứ trên đời, từ các tượng phật đủ kích cỡ, đến các sản phẩm thủ công, khăn quàng cổ Casmier óng mượt, những tấm thảm màu sắc sặc sỡ, các nhãn hiệu thời trang thể thao nổi tiếng... Phố nhỏ lúc nào cũng nườm nượp người và xe cộ đi lại, chèo kéo, mua bán.
Một góc trong đền Khỉ Swayambhunath
|
Thế nhưng, ẩn trong sự hỗn độn và khói bụi lại là một nền văn hoá thâm sâu hàng ngàn năm tuổi. Chỉ quanh quẩn trong thung lũng Katmandu đã có đến bảy di sản văn hoá thế giới, bao gồm ba quảng trường cung điện (gọi là Dubar Square) nằm trong các kinh đô cổ của Nepal là Katmandu, Bhaktapur và Patan; hai ngôi chùa tháp tròn đặc trưng kiểu Nepal là Swayambhunath và Bouddhanath; và cuối cùng là hai ngôi đền Hindu cổ kính và linh thiêng nhất Nepal – Pashupatinath và Changu Narayan.
Cùng với quần thể hàng trăm các kiến trúc cổ như cung điện, đền thờ, chùa tháp... khác được xây dựng từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18, được giữ gìn cẩn thận và gắn liền với đời sống của người dân Nepal mới là vẻ đẹp vĩnh hằng của Katmandu.
Có lang thang trong những ngôi đền gỗ màu nâu trầm, với hình ảnh hàng trăm vị thần của đạo Hindu được chạm trổ tỉ mỉ vào từng cây cột, khung cửa, bancông... lưu truyền những câu chuyện tôn giáo kỳ bí hoặc ngồi thinh lặng trên thềm gạch ở quảng trường lớn, ngắm nhìn chập chùng những chùa tháp bằng gạch, đá được điêu khắc công phu mới thấy thán phục nền văn hoá, nghệ thuật đặc sắc được chắt lọc từ sự phồn vinh và sức mạnh của các triều đại cũ.
Nhưng để cảm nhận trọn vẹn linh hồn của Katmandu thì phải len lỏi vào những khu phố cổ trầm mặc còn lưu giữ nguyên vẹn sắc màu và nét huyền bí của thời gian, khám phá cuộc sống êm ả hàng mấy trăm năm, tưởng như đã chìm vào sự bình thản bất tận nhưng trước sự háo hức của những người hiện đại lại như bừng sáng lên qua lớp bụi thời gian nhạt nhoà.
Rảo bước qua từng con phố nhỏ, tôi dễ dàng bắt gặp những em bé ngâm đen, mắt tròn long lanh, hồn nhiên đứng nhìn hoặc sẵn sàng tạo dáng cho những khách lạ xung quanh nhìn ngắm và chụp hình. Những người dân trong trang phục truyền thống tụ tập tại những nền đất xưa cũ ở những khu vực chung, trò chuyện, tắm nắng hoặc chải tóc cho nhau.
Những khu chợ địa phương đầy màu sắc, nhộn nhịp nhưng vẫn hiền hoà, thân thiện vì mọi người buôn bán với nhau bằng nụ cười, không hề có chèo kéo và tranh cãi.
Và tôi yêu Katmandu vì những nét đẹp đó.
HƯƠNG
Ấn tượng mạnh đầu tiên cho du khách khi đến Katmandu nói riêng và Nepal nói chung là không khí cúng bái, thờ phụng dày đặc và mùi nhang khói trầm hương ngút ngàn. Tôn giáo và thần linh là một phần tối quan trọng trong cuộc sống người dân ở đây, họ coi chuyện thờ cúng còn quan trọng hơn ăn uống.
Ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hindu – Pashupatinath
|
Tôn giáo chính thức của Nepal là đạo Hindu (Ấn Độ giáo), chiếm 89% dân số, và kế đến là Phật giáo chiếm 9% dân số. Tuy mỗi tôn giáo đều có nghi lễ và phương thức khác nhau, nhưng tín đồ hai đạo đã chung sống hoà bình hàng ngàn năm nay. Tôi luôn có cảm giác tồn tại hai thế giới ở Katmandu, song song và gắn chặt.
Khi ngồi trên toà tháp cao nhất giữa quảng trường cung điện, lẫn lộn với những người dân địa phương ra ngồi hóng gió và tắm nắng ở đây, thinh lặng nhìn ngắm hàng đoàn người hành lễ ở các đền đài chung quanh, thì với tôi và những du khách tò mò khác, họ như vẫn thuộc về một miền quá khứ linh thiêng và xa xăm lắm, không hề vương vấn cơm áo gạo tiền của cuộc sống ồn ã ngay bên ngoài.
Ngay cả trong những đám đông lễ hội hay bãi kẹt xe chặt cứng, thì cũng không có một thái độ nôn nóng, bực dọc mà toàn bộ chỉ là những gương mặt nhẫn nại, ôn hoà của những người đã thấu hiểu được tham sân si ở đời.
Ở đây đạo đã hoà vào từng nhịp sống. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh sách tôn giáo được trưng bày ở những nơi bắt mắt và trang trọng nhất trong nhà sách (ngay cả nhà sách chuyên về tôn giáo), chung với Kamasutra. Rồi hình ảnh nhiều người dân xì xụp cúng bái ở một am thờ nhỏ bé, cũ kỹ sát mặt đất, khuất trong lối đi lại chật hẹp, ngay sát cạnh một gian hàng bán đồ lót...
Hoặc phong tục thờ cúng bằng cách tạt những xô máu dê, gà vào những bức tượng thần, sau khi làm lễ thì từng người đến quét lớp máu trét lên giữa trán để cầu may. Những cô gái, chàng trai ăn mặc thời thượng cũng sẵn sàng quỳ xuống làm lễ trong những gian thờ ám khói và ruồi bu đầy này để chấm máu.
VỊ
Tôi có hơn một tuần để khám phá và tìm hiểu thành phố nhỏ bé này. Có vẻ như rất dư dả thời gian khi tôi thường xuyên đi lại những nơi cũ, những con đường đã đi qua thế nhưng lại vẫn thấy mình đi chưa đủ, hiểu chưa hết và luôn mong muốn được quay lại. Cuộc sống ở đây không chỉ nhiều màu sắc, chi tiết, hoạt động mà lại luôn biến hoá khôn lường, đưa cảm xúc của tôi lên xuống nhiều cung bậc. Dư vị đọng lại cuối cùng là một tình yêu da diết và ám ảnh.
Tôi nhớ những phút giây nằm dài tắm nắng đọc sách bình yên trong sân vườn Dream Garden, một thiên đường ngay giữa trung tâm hỗn loạn. Nhiều giờ lang thang ở Thamel trong ma trận những món hàng thủ công tinh xảo, độc đáo và mỉm cười với những người bán hàng đẹp trai (rất ít phụ nữ bán hàng ở Nepal, phần lớn thời gian họ dành cho việc thờ cúng và chăm sóc gia đình) nhiệt tình, vui vẻ và đặc biệt yêu thích những cô gái châu Á nhỏ nhắn.
Những giây phút ngồi lặng người bên bờ sông Bagmati, xem tang lễ và hoả táng người chết phía bên ngoài đền Pashupatinath, không còn hoảng sợ chỉ thấy sự sống chết trở nên nhẹ bỗng và vô thường. Nhớ cả những lúc ngồi thiền ở Bouddhanath, rồi theo chân những tín đồ Tây Tạng đi vòng quanh Swayambhunath xoay những bánh xe kinh luân để cầu may.
Thật kỳ lạ, tôi đến với Katmandu ồn ào, khói bụi và hỗn độn để mang về một sự bình yên, thanh thản và một tình yêu đằm thắm với nơi này.