Kết nối với bình an

GN - Vừa rồi, sau những ngày Tết, tôi tạm gác công việc để tham gia một khóa “xuất gia gieo duyên” 8 ngày tại chùa Huyền Không (TP.Huế). Đó cũng là thời điểm thông tin về dịch Covid-19 chỉ mới chớm trên truyền thông, nên việc di chuyển bằng đường hàng không chưa nhạy cảm như bây giờ.

Đến Huế, không khí cố đô mùa xuân (mùng 7 Tết) vẫn còn se se, trầm mặc. Huyền Không đón tôi với khung cảnh yên bình vốn dĩ của chốn thiền môn, lại là chùa Huế nên càng thâm nghiêm. Tôi bỏ lại phía sau mình những thông tin về dịch bệnh hay việc truy tìm Tuấn “khỉ” khi anh này mới gây án cách đó vài ngày.

IMG_0792.jpg


Những người trẻ tham gia khóa xuất gia gieo duyên tại chùa Huyền Không - Huế,
trong một thời khóa khất thực - Ảnh: H.Kh

1. Xuất gia gieo duyên có thể hiểu là khoảng thời gian mà nhà chùa tổ chức dành cho tất cả mọi người từ 18 tới 70 tuổi muốn trở thành tu sĩ có thể có cơ hội trải nghiệm trong đời. Việc đầu tiên phải làm của những người tham gia khóa học này là từ bỏ điện thoại và tiền bạc bằng cách tắt nguồn, gửi ví lại cho Ban Tổ chức.

Không điện thoại rồi làm sao biết tin tức, làm sao đăng các hình ảnh, bài viết lên Facebook để tương tác với mọi người? Nhiều người hơi băn khoăn, dù đã được biết trước vài nội quy liên quan. Tuy nhiên, ai cũng làm theo quy định nên việc tuân thủ trở thành điều bình thường, hiển nhiên trong tập thể.

Gần 80 người sau đó bước vào một thời khóa biểu với lịch học kín từ 3g30 sáng đến 9g tối. Ngoài giờ ăn, nghỉ trưa là học, thực tập thiền, chấp tác (làm các việc trong chùa)…, chính vì lịch học, làm việc kín mít, trong tinh thần chánh niệm, tỉnh thức - làm và biết việc mình đang làm - nên không còn ai bận rộn suy nghĩ về những thông tin hay bất cứ điều gì bất thiện bên ngoài.

Mọi người được làm việc chung và kết nối với chính mình, với những suy nghĩ thiện lành về việc mình làm trong môi trường thiền tập. Do vậy ai cũng nhẹ nhàng, tươi mát trong lòng, nhìn ai cũng dễ thương. Trong những buổi thiền trà sáng, các học viên thay phiên chia sẻ cảm nhận trong những ngày được khép mình trong chùa đều bày tỏ niềm hoan hỷ chung đó.

2. Hòa thượng Pháp Tông, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, trụ trì chùa Huyền Không cập nhật về dịch Covid-19 cho học viên. Theo Hòa thượng, dịch bệnh là một sự thật nhưng việc chúng ta tiếp nhận thông tin về sự thật này sẽ góp phần làm cho nó lan nhanh hay không.

Hòa thượng lý giải, cái lây của dịch bệnh không chỉ là lây virus từ người này sang người khác mà nguy hiểm hơn còn là lây nỗi lo lắng, sợ hãi trên không gian mạng, nó vô hình và nhanh chóng như chính tốc độ truy cập của mình. Có một sự thật là ngày nay, con người tiếp nhận quá nhanh, quá nhiều thông tin nhưng không đủ sức tiêu thụ, xử lý nên bị chính thông tin đó đè bẹp, làm mình bất an. Nỗi sợ là một loại dịch bệnh của tâm lý, có khả năng “giết chết bình an” và mang hiệu ứng đám đông. Có thể thấy nó nguy hiểm thông qua các hành vi mà con người biểu hiện trong dịch Covid-19: mua hàng trữ, mất ngủ, lên mạng bày tỏ cảm xúc lo lắng…

Nhiễm bệnh phải có nguồn lây trực tiếp, bị virus xâm nhập qua đường hô hấp, nhưng nhiễm sự lo lắng vì bệnh chính từ việc tiếp xúc với các nguồn tin xấu từ dịch, kể cả tin giả. Tin xấu và tin giả lại là nguồn tin được mọi người quan tâm (like), chia sẻ (share) nhiều nhất, vì nó thường mang thông điệp cảnh báo và bị kẻ xấu đề nghị share để mọi người cùng biết, cùng chung tay “cứu nhân loại”.

Trong cơn khủng hoảng, ít ai nghĩ tới những con số tươi sáng hơn. Tiến sĩ Ignacio López-Goñi - nhà vi sinh học tại Đại học Navarra (Tây Ban Nha) cho biết, người trong độ tuổi 20 ít bị nhiễm nhất, chỉ 3% bị nhiễm; người dưới 40 tuổi bị nhiễm thì chỉ 0,2% bị tử vong; trẻ em ít bị nhiễm nhất và bệnh trạng cũng khá nhẹ.

Hiểu biết về dịch bệnh và cách phòng ngừa được Bộ Y tế cũng như các cơ quan chuyên môn khuyến cáo chính là việc phải làm, nên làm để góp phần chống dịch, chứ không phải lo sợ. Và trong những ngày quyết định của chiến dịch đẩy lùi dịch bệnh, với 2 tuần hành động “mạnh tay như thời chiến” như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thì việc ở yên trong nhà chính là việc làm thiện lành. Hashtag #stayhome đã được sẻ chia nhiều trong thời gian này, với ý niệm kêu gọi mọi người đừng ra đường khi không cần thiết, miễn tụ họp theo thói quen để góp sức chống dịch, đưa cuộc sống trở lại bình an!

3. Đốm lửa cháy bên ngoài, chúng ta cần tìm nước để dập thì lửa mới hết cháy. Còn nếu đem đốm lửa ấy vào lòng mình rồi sợ nó cháy tới mình thì mình cũng bị nó thiêu đốt bằng chính sự sợ hãi. Trước khi kết thúc khoảng thời gian “xuất gia gieo duyên”, chuẩn bị rời chùa trở lại cuộc sống bình thường, Hòa thượng Pháp Tông nhắn nhủ, “mọi người ra về luôn giữ tâm bình tĩnh, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ mình và người thân, cộng đồng một cách có hiểu biết, đó chính là cách hữu hiệu góp phần đẩy lùi Corona”.

Tâm bình thế giới bình, tâm an vạn sự an.

Lời nhắc đó cũng là thông điệp được nhiều người chọn hướng bình tĩnh sống, bình tĩnh xử lý những rắc rối gặp phải trong cuộc sống khuyến cáo. Luôn kết nối với năng lượng tích cực để có một đời sống bình an.

Thực ra, việc kết nối với bình an được chúng ta thực hiện một cách vô thức ngay từ nhỏ, khi giật mình, sợ hãi liền ôm chặt vào mẹ. Mẹ là nguồn sống bình an mà trong mỗi chúng ta cũng có, đó chính là sự vững chãi tự thân. Nếu mỗi người luôn nhớ về mẹ cũng như luôn nhớ về những điều kiện bình an, hạnh phúc có sẵn (bên cạnh những bất như ý) thì ta sẽ có đủ sức mạnh đi qua mọi khó khăn, thay vì sợ hãi nó. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn hay chia sẻ trong nhiều pháp thoại của mình là: quay về ôm ấp, chuyển hóa phiền não, để biến bùn thành sen, rác thành hoa… trong đời sống này.

Chánh Quán

_________

* Mùa dịch Covid-19 bạn đã làm gì để an dưỡng thân tâm? Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp của mình với Giác Ngộ, mail nhận bài: onlinegiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông giải đáp cho đại biểu về việc thành lập Ban Quản trị tự viện tại Hội nghị Giao ban năm 2024 - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Trưởng ban Pháp chế T.Ư: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày