GN - Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý của con người thì khẩu nghiệp là dễ phạm nhất, và hậu quả mà nó để lại cũng nghiêm trọng nhất. Người ta nói “lời nói gió bay”, nhưng thật sự lời nói đã phát ra lại không hề bay mất theo gió mà còn ảnh hưởng đến người khác rất nhiều. Và trong xã hội, ai là người dễ phạm khẩu nghiệp nhất? Đó là những người làm công việc giảng dạy!
Chuyện kể rằng: “Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.
Tử Cống thấy vậy hỏi thầy: Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?
Khổng Tử rung đùi đáp: Không sao.
Lại hỏi tiếp: Làm tướng có được không?
Khổng Tử vuốt râu đáp: Được.
Lại hỏi tiếp: Thế nhỡ về làm giặc?
Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời: Cũng không hại gì!
Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bạch với thầy: Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!
Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc dải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!
Học trò đuổi theo hỏi: Thầy chạy đi đâu?
Khổng Tử vừa thở vừa đáp: Sang ngay nước Đằng.
Học trò lại hỏi: Thầy sang nước Đằng làm gì?
Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời: Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên lụy!”.
Đối với người học chưa đến nơi đến chốn thì làm quan, làm tướng hay ngay cả làm giặc cũng không đáng sợ mà chỉ sợ họ làm thầy, vì phạm vi ảnh hưởng của người thầy là rất lớn, rất rộng và lâu dài. Ai đó cũng đã từng nói như Đức Khổng rằng: “Một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể sẽ giết chết một vài đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ”.
Lời nói hay việc giảng dạy quan trọng như vậy, nhưng ngày nay mấy người ý thức về điều này. Họ rất dễ dãi trong lời nói, gần như không có trách nhiệm gì với những phát ngôn của mình. Trong việc giảng dạy, người ta thường tạo khẩu nghiệp trong 3 trường hợp sau: Một là thiếu hiểu biết, hai là cố tình thêu dệt cho hay, và ba là cố tình nói sai sự thật nhằm mục đích nào đó.
Trường hợp thứ nhất, một thầy giáo hay giảng sư, nếu kiến thức không đủ sâu rộng thì sự diễn giải có khi không đúng với sự thật. Kiểu như có một vị tiến sĩ tôn giáo học giải thích Phật giáo thắp ba cây nhang là biểu trưng cho tinh, khí, thần, trong khi nghĩa đúng là giới, định, tuệ.
Trường hợp thứ hai là để cho bài giảng được hay, họ không ngại nói sai sự thật hoặc thêm thắt tình tiết cho hấp dẫn. Ví dụ có người chưa từng gặp Đức Dalai Lama nhưng họ lại nói là đã từng gặp và hầu chuyện với ngài, hoặc những điều Đức Phật không nói nhưng để mọi người tin nên họ nói là do Đức Phật nói.
Trường hợp thứ ba nghiêm trọng hơn. Ví dụ có một số giảng sư muốn cho mọi người thấy rằng Phật giáo không siêu hình mà rất thực tế, phù hợp với khoa học nên giảng rằng không có các cõi địa ngục, ngạ quỷ (lục đạo chỉ còn lại tứ đạo) hay muốn phủ nhận điều gì thì gán cho điều đó là sản phẩm của Trung Quốc, dù rất có thể họ biết chính Đức Phật đã nói những điều đó.
Ngày nay những người như tên Mỗ làm thầy rất nhiều, nhưng chắc không còn ai “chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc dải chạy bắn ra khỏi cổng” để ngăn ngừa “mối hại đến muôn đời” như Đức Khổng ngày xưa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng luật nhân quả lúc nào cũng có. Trong câu chuyện “Bách Trượng độ hồ ly”, vị pháp sư chỉ nói sai có một từ (thay vì “bất muội nhân quả” mà ông nói là “bất lạc nhân quả”) mà phải 500 kiếp làm thân chồn, há không đáng để ta lấy đó mà răn mình hay sao?